Thứ 2, 06/05/2024, 09:15[GMT+7]

Nhà văn Bút Ngữ - Cây đa xanh giữa ngàn xanh

Thứ 2, 14/09/2015 | 08:28:23
4,630 lượt xem
Nhà văn Bút Ngữ vốn là một đội viên can trường bảo vệ Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp rồi phấn đấu thành cán bộ tuyên truyền. Lúc đào hầm bí mật giấu cán bộ thoát khỏi những trận càn của giặc Pháp, lúc theo sát những trận đánh của bộ đội, du kích, thu thập tin tức viết bài cổ vũ kháng chiến, hoàn cảnh nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hòa bình lập lại (1954), ông là một trong những người tiên phong xây nền, đắp móng cho hoạt động

Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Bút Ngữ.

1. Bút Ngữ, danh từ này mỗi lần xướng lên, người nghe trong tỉnh, trong nước đều cảm thấy thân quen. Ðồng hành với bút danh ấy là một loạt tác phẩm truyện ký, tiểu thuyết đáng nhớ như: Ðêm về sáng (1971); Những ngày nước cường (1972); Pháo đài Ðồng Bằng (1997), Chuyện ở xóm Chài (1983); Cao nguyên mưa nắng (1985); Người đi đày trên đại dương (1991); Người thời loạn (1996); Vua Ba vành, Bà Chúa Ngừ (1999); Anh Ngạn (2000); Cụ Bảng Ðôn (2001); Cử nhân Bùi Viện (2004); Cần Vương - Ðông Du (2007)…

Nhà văn Bút Ngữ tên thật là Phan Ðình Khương. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư. Năm 1953, ông được về làm việc tại Ty Tuyên truyền văn nghệ. Ông làm ca dao, diễn ca, hát xẩm, hát chèo rồi tự tay in bột gửi về các huyện. Nhớ nhất là trận càn Thủy ngân, ông nắm tình hình chiến sự, viết nhanh về những trận đánh hay và những đội viên du kích xuất sắc, in gấp, phát tán kịp thời và được hoan nghênh. Thời gian ở Ty Tuyên truyền văn nghệ, được dự nhiều lớp tập huấn của trung ương, quân khu giúp ông trưởng thành, cho ra mắt truyện ngắn "Con thuyền" in trong tập san Tả ngạn sông Hồng, sau đó Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in trong tập "Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội". Thành quả ban đầu tuy còn nhiều hạn chế - như lời tự bạch của ông, nhưng đó chính là niềm tin giúp ông dấn thân vào nghiệp báo, nghiệp văn chương mà cả cuộc đời ông đã lựa chọn.

2. Có một Bút Ngữ nhà văn làm báo như người thợ cày cần mẫn. Năm 1965, ông được giao phụ trách tờ báo của tỉnh. Thời điểm đó, quân xâm lược Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và Thái Bình. Ông kể: Giặc ném bom ác liệt ở các trọng điểm cầu Bo, Ðống Năm, đê Trà Lý, cống Trà Linh và hàng chục nơi khác. Phóng viên của báo phải thay nhau đến nơi nguy hiểm đó viết tin, bài, chụp ảnh, kịp thời tố cáo tội ác của giặc và hướng dẫn kinh nghiệm đánh giặc, tránh giặc. Trong nhiều kỷ niệm làm báo thời chiến, ông nhớ nhất kỷ niệm về trận ném bom của giặc Mỹ xuống làng Phương Man (Thái Thụy) làm 31 người chết, 33 người bị thương. Ông cùng với một phóng viên ảnh xuống ngay. Cả một làng trù phú bỗng tan nát, cây cối đổ gãy ngả nghiêng, nhà sập xen nhà cháy. Người bị thương đã được đưa tới bệnh viện. Xác chết bị quăng xuống ao được vớt lên. Bài viết đã được ông thực hiện ngay trong đêm ấy, dưới ánh đèn dầu che giấy ba mặt. Riêng ảnh, phải đem về Hà Nội để làm bản kẽm. Có phóng viên đã xung phong đi Hà Nội, đây là việc khó và nguy hiểm bởi bấy giờ chỉ có hai đường về Hà Nội là qua phà Tân Ðệ và Triều Dương thì cả hai đều là trọng điểm ném bom của giặc. Ngay sau khi giặc Mỹ ném bom Phương Man, Ủy ban Trung ương tố cáo tội ác giặc Mỹ điện về cho tỉnh: "Cử người nắm được tình hình trận bom Phương Man lên báo cáo". Ông được chọn bởi vì ông vừa rời Phương Man sau trận bom. "Ngại thật, không phải việc của mình" - ông thầm nghĩ. Nhưng, cứ nghĩ đến cái chết của những con người vô tội ở Phương Man, ông lại không đành lòng. Ông nhận nhiệm vụ. Phải nhờ người chở bằng xe máy về Hà Nội gấp. Giữa đường, xe hỏng, vừa đi vừa chữa. Quá vất vả để vượt qua quãng đường hơn trăm ki-lô-mét. Ðến Hà Nội, tìm được trụ sở Ủy ban Trung ương tố cáo tội ác giặc Mỹ, giao tận tay tờ Báo Thái Bình phản ánh vụ ném bom của giặc Mỹ xuống Phương Man, đồng chí thường trực đọc ngay một mạch rồi ngẩng lên hỏi ông: "Anh có còn gì để nói thêm ngoài tờ báo này?". Ông lắc đầu. Ðồng chí thường trực tỏ vẻ hài lòng: "Tờ báo phản ánh khá kỹ. Chúng tôi sẽ dùng làm tư liệu để tố cáo vụ ném bom đêm vào vùng dân cư này".

Những năm 1967, 1968, mặc dù bận trăm công nghìn việc, sức khỏe không được tốt nhưng Bác Hồ vẫn đọc Báo Thái Bình. Thông qua tờ báo, Bác khen Thái Bình tiến bộ, Bác chú ý đến phong trào "Dũng sĩ năm tấn, phụ nữ ba đảm đang". Ðọc Báo Thái Bình tiến lên, thấy 65 thiếu niên cứu bạn hoặc trả lại tiền đánh rơi, Bác tặng mỗi cháu một huy hiệu và tặng huy hiệu cho một nữ cán bộ xã. Bác không quên hỏi thăm các đồng chí lãnh đạo tỉnh mỗi khi gặp về tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những địa phương được Báo Thái Bình biểu dương như Hợp tác xã Tân Phong đạt 9 tấn thóc/ha; cánh đồng Nguyễn Văn Bé đạt 11 tấn thóc/ha… Bác còn khen Thái Bình có một hợp tác xã làm tốt công tác hậu phương quân đội như lập sổ vàng ghi tên những người đi chiến đấu cứu nước; lập hòm thư "Tiền tuyến - Hậu phương", thông báo thi đua giết giặc và sản xuất giữa bộ đội và người ở nhà… Bác nói với các đồng chí lãnh đạo tỉnh: "Báo Thái Bình tiến lên đã biểu dương đấy". Niềm vui lớn lao ấy có hòa chung một niềm vui nho nhỏ của ông.

3. Ðang phụ trách báo Ðảng của tỉnh, cơ quan làm việc vào độ nền nếp thì ông lại "nhận chỉ" gom người thành lập Hội Văn học Nghệ thuật. Lúc này Bút Ngữ vào tuổi 40, độ tuổi sung mãn và chín chắn trong công việc. Ông được giao nhiệm vụ mới và trở thành người sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông sốt sắng kết bạn, tìm người về công tác tại Hội. Lúc ấy, cơ hội thăng tiến với ông rất nhiều. Ông không để ý. Có nhà văn thời bấy giờ "chê" ông là người "dửng dưng" với quyền lực. Tỉnh ủy dự kiến đưa ông vào Ban Chấp hành rồi giữ chức Trưởng Ty Văn hóa nhưng ông cứ chối từ, chỉ xin làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật để có thời gian học tập, sáng tác nhiều hơn.

Văn của ông gần gũi với mọi người. Bài thơ "Làm mưa" của ông được chọn in trong sách giáo khoa bậc tiểu học, dùng đến bây giờ, câu thơ long lanh: "Không mưa từ chín tầng mây/Thì mưa từ những bàn tay con người". Cuộc sống lao động bình dị được chắt lọc và nâng tầm nghệ thuật.

Bút Ngữ dành khá nhiều tâm lực cho văn. Ông viết về kháng chiến chống thực dân Pháp như: Pháo đài Ðồng Bằng. Nhà phê bình văn học Trần Bảo Hưng bình luận: "Pháo đài Ðồng Bằng" là cuốn sách dày dặn đầu tiên của Bút Ngữ. Anh dựng lại địa phương đã diễn ra hình thức chiến tranh đặc biệt, qua đó ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân xã Nguyên Xá (Ðông Hưng). Anh thông thuộc đối tượng mà mình phản ánh, ngòi bút của anh phóng khoáng, chân thực, tỉ mỉ, chi tiết. Làng Nguyễn xứng đáng được Bác Hồ thưởng cờ "Làng kiểu mẫu". Anh Ngạn là tập ký sự dài, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở khu Tả ngạn sông Hồng dưới sự lãnh đạo của Khu ủy do anh Ngạn (đồng chí Ðỗ Mười) đứng đầu. Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia giới thiệu: "Bút Ngữ đã phác họa sự thật sinh động của cuộc kháng chiến gian lao, anh dũng của quân dân Tả ngạn thời kỳ 1951 - 1955, với những việc đánh Pháp, diệt ác, phá tề, trừ gian, chống càn, chống đói, nằm hầm, sản xuất cải thiện đời sống… Không chỉ là tiền tuyến mà còn là hậu phương của Việt Bắc, Tây Bắc… Tất cả những việc đó được biểu hiện một cách sinh động qua từng trang sách của Bút Ngữ".

Bút Ngữ có hai chục tập sách đã xuất bản và mấy tập chờ in, trong số đó có bảy tập về đề tài lịch sử. Sau khi đọc tiểu thuyết lịch sử "Người đi đày trên đại dương", khắc họa chân dung Kỳ Ðồng Nguyễn Văn Cẩm, nhà văn Nguyễn Khải đã nhận xét: "Cái công phu tra cứu, so sánh, tìm hiểu mọi nguồn gốc của một tài liệu lịch sử để phân biệt thực hư của Bút Ngữ là lâu lắm, lâu gấp mấy lần thời gian ông ngồi viết". Ông đã đọc hàng chục công trình của nhiều soạn giả nổi tiếng từ thời Nguyễn đến nay. Trên tạp chí Hồn Việt, GS, TS Mai Quốc Liên nhận xét: "Nhà văn Bút Ngữ có thiên hướng viết về tiểu thuyết lịch sử dưới dạng gạn lọc và dựng lại tư liệu lịch sử. Ông đọc, làm việc kỹ càng, chuẩn xác như một nhà sử học… Bút Ngữ là một người trung hậu của một vùng đất nổi tiếng văn hiến". Nhà phê bình văn học - TS. Nguyên An viết trên tạp chí Nhà Văn: "Nếu có dịp, tôi nghĩ nên đọc kỹ cuốn tiểu thuyết lịch sử Cần Vương - Ðông Du của Bút Ngữ hơn. Ở tác phẩm dày ngót 800 trang này, có thể thấy được khá rõ nhiều điều về một Bút Ngữ trong làng văn đương đại Việt Nam ta: một khả năng đọc, hiểu để chiếm lĩnh, bao quát và chọn ra những tư liệu cần và đủ cho một nhà viết truyện, dựng truyện; một khả năng tái hiện lịch sử chân thực qua hình tượng của nhiều nhân vật có thật và giả tưởng… Ở đây, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông, Nguyễn Hữu Ðộ với những nhà cai trị người Pháp với cả mấy ông vua và rất nhiều văn thân nghĩa sĩ cần vương… tất cả, có tới dăm chục nhân vật, đã được nhà văn cho hiện lên". Cũng tác phẩm ấy, nhà văn Vũ Tú Nam viết: "Anh Bút Ngữ. Tôi vừa đọc xong Cần Vương - Ðông Du, vội biên thư cho anh, với tư cách đồng nghiệp và bạn đọc, tôi cảm ơn anh tuổi cao sức yếu đã cố gắng hoàn thành tập truyện 780 trang, đọc hấp dẫn và có ích… Chân dung của phong trào yêu nước Cần Vương - Ðông Du hiện lên rõ nét và sinh động…". Nhà xuất bản Văn học viết trong lời nói đầu về "Cần Vương - Ðông Du": "...Tập tiểu thuyết được thể hiện với nhiều tâm huyết và công phu của cây bút có kinh nghiệm viết về đề tài lịch sử cách mạng. Tác phẩm sẽ như một dấu ấn - một trong những công trình đồ sộ của những năm đầu thế kỷ XXI nhìn lại chặng đường đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp...".

Ðã có nhiều người viết về Bút Ngữ, nhiều trang viết kín chữ, nhưng điều đó khó cản ngăn tôi viết về ông - một cây bút thực sự từ lao động mà ra nên rất mê say, cần cù lao động. Lao động, tự học, tự rèn, học ngày, học đêm, học thầy, học bạn, có kết quả rõ ràng. Lao động trong thực hành, trong vận dụng kỹ năng, nghệ thuật và sáng tạo thành công. Ðó thật là tố chất đáng quý. Nhờ đó mà ông được Hội Nhà văn tuyển vào học khóa đầu tiên của Trường viết văn Quảng Bá. Ðược lãnh đạo tỉnh giao công tác đúng năng lực, ông sớm phát huy sở trường, trở thành gương lao động, 12 lần là chiến sĩ thi đua. Và như một thiên duyên, ông đã bước vào báo chí, văn học một cách tự nhiên, không gượng ép. Sinh ra từ làng quê, thực sự hiểu đồng quê, sống gắn bó, thấm đẫm chất quê nên văn, thơ của Bút Ngữ luôn sử dụng chất liệu bình dị, gần gũi, đậm đà và căng tràn chất thơ. Ông là cây đa xanh trong vườn văn chương xanh mướt của quê nhà!

Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày