Thứ 2, 06/05/2024, 06:42[GMT+7]

“Sang thu” - lãng đãng khúc giao mùa

Thứ 2, 21/09/2015 | 14:21:08
7,239 lượt xem
Khi đất trời sang thu, chúng ta thường nghĩ đến những cơn gió heo may, mùi hoa sữa thơm ngào ngạt, những chiếc lá vàng xào xạc theo mỗi bước chân... Còn với Hữu Thỉnh, “Sang thu” là những rung động trước vẻ đẹp không gì sánh được của tạo hóa, những khoảnh khắc chuyển mình vi diệu của thiên nhiên mà nếu không hết sức tinh tế, sâu sắc thì khó có thể nhận ra được.

Ảnh minh họa

 

Mùa thu là chủ đề muôn thuở của nghệ thuật từ xưa đến nay. Nhưng hiếm có tác giả nào, bộ môn nghệ thuật nào tả mùa thu bằng mùi hương, nhất là “hương ổi”, một mùi hương dân dã, đặc trưng của vườn quê đồng bằng Bắc Bộ:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

 

Trong làn gió lành lạnh, nhà thơ như chưa hay biết gì bất ngờ một ngày cảm nhận hương quê quen thuộc. Mùi hương gợi lên nồng đượm chỉ bằng một từ “phả”. Ðộng từ sắc thái mạnh này làm chúng ta không khỏi nhớ đến những trái ổi chín vàng, thơm lừng mà mẹ hay thích để vài quả trong nhà, thậm chí đan lưới đựng như đựng thị, còn khi ăn thì mềm ngọt, thoáng chút chua chua. Hương ấy, vị ấy quyện trong tiết trời se lạnh hòa hợp bất ngờ, hương, vị, gió càng nồng nàn, quyến rũ.

 

Trong hương thu dạt dào, có một thứ cứ vương vấn: “Sương chùng chình qua ngõ”. Lại một từ “đắt” nữa. “Chùng chình”, một từ khá lạ và vẫn đậm nét chân quê, qua đó màn sương lãng đãng, chầm chậm của mùa thu như có sức sống riêng, cảm xúc riêng, ấy là sự chần chừ, níu kéo, không muốn đi, như chờ đợi gì, vấn vương gì. Một từ dân dã thôi mà sao một cảnh thu bình thường bỗng lãng mạn, mộng thơ, tình tứ đến vậy.

 

Sau tất cả, dù mọi dấu hiệu đã báo mùa thu đến nhưng tác giả vẫn như không dám tin, vẫn ngỡ ngàng, giật mình: “Hình như thu đã về”. Cả thiên nhiên cũng dường như còn mơ hồ, chưa chuẩn bị:

 

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

 

Khung hình thiên nhiên từ con ngõ, vườn nhà đã lia rộng ra dòng sông, bầu trời. Hai hình ảnh đối lập đặt liền nhau - sông “dềnh dàng”, chim “vội vã”, tạo cảm giác cân xứng. Lại là phép nhân hóa bậc thầy, dùng những từ ngữ bình dị nhất, mộc mạc nhất mà sức gợi khôn cùng. Cảnh vật vừa được tả đầy đủ những nét đặc trưng nhất, vừa được thổi hồn, có tính cách, có tâm trạng. Ðó là sông thu nước đầy, êm ả, lững lờ tưởng như bước chân chầm chậm, thong dong, như cố tình làm chậm nhịp đất trời. Ðàn chim di cư tránh rét thì không được như vậy, chúng phải hối hả kẻo lỡ phương Nam trước mùa giá lạnh. Ấy thế mà đám mây lại cũng chậm chạp, vẫn lưu luyến mùa hạ nên mới còn uể oải “vắt nửa mình”.

 

“Sang thu”, mới lúc giao thời nên có lẽ tất cả vẫn chưa xa hẳn mùa hè:

 

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Ðã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

 

Tất cả đang từ từ chuyển mình, nhẹ nhàng, lặng lẽ, ta chỉ có thể cảm nhận có thứ “vẫn còn”, có thứ “vơi dần” chứ không đong đếm được, phải quan sát tỉ mỉ và hòa mình vào thiên nhiên chứ không thể chỉ nhìn thoáng qua. Hòa mình, để cảm và cũng để ngẫm. Hai câu thơ cuối vẫn diễn tả thiên nhiên trong bước chuyển mùa, là những tia sấm đã thôi đến đột ngột như trong những trận mưa lớn mùa hạ. Nhưng cũng lại là phép nhân hóa, ẩn dụ giản dị mà rất đỗi tinh tế, tác giả đã mở ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

 

Hữu Thỉnh, bằng hồn thơ chân quê mà tinh tế, giàu chiêm nghiệm của mình, đã từ những chất liệu dung dị nhất khắc họa nên khúc giao mùa của thiên nhiên sống động, vô cùng đặc sắc, để lại nhiều dư âm lãng đãng, bâng khuâng mãi trong lòng người…

 

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày