Thứ 7, 23/11/2024, 19:42[GMT+7]

“Tiến về Hà Nội” - khúc ca bất diệt về ngày Giải phóng Thủ đô

Thứ 2, 05/10/2015 | 09:41:17
2,644 lượt xem
Trong nền âm nhạc Việt Nam, có lẽ Thủ đô Hà Nội là một trong những đề tài được viết nhiều nhất, hay nhất, trong đó, “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao là một tác phẩm không thể bỏ qua. “Tiến về Hà Nội” còn đặc biệt hơn ở chỗ, nó đã gắn liền và trở thành một phần không thể thiếu của một sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra trong những ngày tháng Mười này - ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Văn Cao đã có những bài hát nổi tiếng đi cùng với những mốc son của lịch sử dân tộc, đó là "Tiến quân ca" - từ hành khúc của đội quân Việt Minh thành Quốc ca; bài hát "Bắc Sơn" chỉ định viết cho vở kịch cùng tên nhưng lại trở thành bài hát của người du kích và cuộc khởi nghĩa; "Trường ca sông Lô" viết nhân chiến thắng sông Lô năm 1947; bài hát "Mùa xuân đầu tiên" viết dịp giáp tết Nguyên đán năm 1976, kỷ niệm một năm ngày thống nhất đất nước; còn bài hát "Tiến về Hà Nội" được viết hướng về ngày Giải phóng Thủ đô. Giống như "19 tháng 8" là bài hát biểu trưng của Cách mạng Tháng Tám, nhắc đến ngày Giải phóng Thủ đô thì trong mỗi người đều nhớ đến những câu hát "Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về...". Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, ta có thể nghe vang vọng khắp mọi nơi những giai điệu hào hùng, rộn ràng này.

Tuy nhiên, điều thú vị nhất ở chỗ, "Tiến về Hà Nội" được sáng tác năm 1949, trước ngày Thủ đô giải phóng đến 5 năm, ở một nơi cách Thủ đô hàng chục cây số. Vậy mà mỗi câu từ, mỗi hình ảnh, mỗi nhịp phách lại rất thực, rất chính xác, như thể nó được ra đời ngay trong hàng ngũ những đoàn quân tiến về Hà Nội những ngày tháng Mười ấy. Bài hát "19 tháng 8" ghi lại toàn khung cảnh, khí thế của Cách mạng Tháng Tám trong hoàn cảnh tác giả đang hòa mình vào khung cảnh, khí thế đó. "Tiến về Hà Nội", dù được viết bằng trí tưởng tượng của người nhạc sĩ cũng đã trở thành một trang sử được chép bằng nhạc, hết sức chân thực và sống động, miêu tả lại cho thế hệ sau những hình ảnh nổi bật nhất, đặc sắc nhất, và đặc biệt là truyền tải những cảm xúc, không khí của ngày Giải phóng Thủ đô.

"Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây.

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào

Chảy dòng sương sớm long lanh"

Những hình ảnh hiện lên qua từng câu hát, ai có thể tin nó chỉ được viết bằng trí tưởng tượng, nỗi khao khát, hy vọng. Hà Nội ngày giải phóng đã thật sự đón chào "lớp lớp đoàn quân" tiến vào thành phố từ năm cửa ô trong cờ hoa rực rỡ, hân hoan. Những từ láy như "trùng trùng", "lớp lớp", "lấp lánh", những hình ảnh như "quân đi như sóng", "say trong câu hát", "lưỡi lê sáng ngời", "đài hoa đón mừng nở năm cánh đào", "sương sớm long lanh"… có sức gợi rất lớn, giúp miêu tả vô cùng sống động cả khung cảnh hùng tráng và không khí rộn rã, tưng bừng ngày giải phóng. Tác giả đã chọn được những từ ngữ đắt giá, hình ảnh nổi bật, thủ pháp so sánh tinh tế, cùng với giai điệu sôi nổi, mạnh mẽ của thể loại hành khúc, tất cả hòa quyện làm bật lên sự hào hùng mà bay bổng, trữ tình của ngày về Hà Nội - Thủ đô anh hùng mà không bao giờ mất vẻ hào hoa.

"Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa

Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu.

Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay

Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…

Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

Như mùa xuân xuống cành dường nghe gió về

Hà Nội bừng tiến quân ca".

Gửi gắm trong ngày về vui mừng đắm say là sự lạc quan, tin tưởng của tác giả. Rồi đoàn quân sẽ về, khi ấy "đêm tan dần", "Hà Nội xưa yêu dấu" sẽ xây dựng lại, rồi sẽ "bừng tiến quân ca". Như nhạc sĩ Văn Cao đã có lần chia sẻ, ông viết "Tiến về Hà Nội" "trong những đêm dài gian khó của kháng chiến, chỉ mơ một ngày toàn thắng để nhân dân hưởng hòa bình, độc lập, vợ chồng, cha con, anh em được đoàn tụ, yên vui...". Trong niềm mơ ước cháy bỏng ấy là một niềm tin son sắt vào ngày toàn thắng. Những tưởng tượng chính xác như một tiên đoán tài tình của tác giả xuất phát từ chính niềm tin ấy: "Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…".

Hơn 60 năm đã qua đi, và cho dù qua bao nhiêu năm nữa, "Tiến về Hà Nội" sẽ mãi là trang sử đẹp nhất, có hồn nhất trong số những trang sử ghi lại về ngày Giải phóng Thủ đô. Để rồi, mỗi tháng Mười đến, nó lại thổi bùng ngọn lửa yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày