Thứ 5, 02/05/2024, 15:39[GMT+7]

"Lúa hát" - khám phá vẻ đẹp người phụ nữ hiện đại

Thứ 2, 26/10/2015 | 09:14:10
1,398 lượt xem
Võ Thị Xuân Hà thuộc thế hệ những cây bút văn xuôi nữ xuất hiện vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, mang đến cho nền văn xuôi đương đại những khám phá mới mẻ, đậm màu sắc giới về nội dung và nghệ thuật, nhất là khi viết về phụ nữ. Trong đó, “Lúa hát” (1994) là tác phẩm làm nên dấu ấn đầu tiên về phong cách Võ Thị Xuân Hà hiện thực trữ tình, tinh tế, độc đáo qua việc khắc họa một hình tượng rất mới về người phụ nữ hiện đại.

Thuộc thế hệ cầm bút sau chiến tranh, trong hơi thở của thời kỳ đổi mới văn học, Võ Thị Xuân Hà đã đi vào dòng cảm hứng thế sự - đời tư, khám phá những số phận rất đời thường với những mặt phản ánh đa dạng, toàn diện, phức tạp, trần trụi mà sâu thẳm. Là một nhà văn nữ nên như những cây bút nữ trong thế hệ mình, những trang viết của Võ Thị Xuân Hà nổi bật hình ảnh người phụ nữ hiện đại ở mọi tầng bậc sâu nhất của bản thể, khai phá những vẻ đẹp ẩn giấu trong cuộc sống đời thường, như trong "Lúa hát".

Câu chuyện trong "Lúa hát" rất đơn giản: Một người phụ nữ nông dân quê mùa đi nhờ xe tải lên thành phố mua muối, trên đường chị xin xuống xe để rẽ vào chùa, nhận lời thắp hộ anh lái xe một nén hương rồi chị về nhà với chiếc bật lửa anh đưa. Chỉ bình thường thế thôi nhưng trong một đoạn đường, một khoảnh khắc đời thường ngắn ngủi, hình ảnh người phụ nữ vô danh, bé nhỏ hiện lên với đầy đủ số phận, tính cách và những cảm xúc sâu kín, những phẩm chất đẹp đẽ, âm thầm mà bền bỉ trụ vững giữa cuộc sống vất vả, nhọc nhằn.

Người phụ nữ ấy sống trong hiện thực tàn nhẫn: Ngày bé là những trận đòn roi của cha trút lên mẹ, lớn lên là người chồng cờ bạc, những trận đòn roi trút lên mình và con. Nhưng trong tiếng khấn kể lể những khó khăn, nỗi bất hạnh với đức Phật, chị không quên kể niềm vui của công việc đồng áng: "Con bây giờ đã biết làm đủ thứ, con biết nghe lúa thở, chúng còn hát nữa. Đôi khi con vỗ về chúng, thế là chúng xanh mướt. Con biết nếm vị của đất, con yêu mảnh đất của con". Sau lúc trách cứ: "Lúc đó Phật ở đâu hở Phật?", "Tại sao lại thế hở Phật?", chị lại trở về với thiên tính bao dung, hy sinh của người phụ nữ: "Đàn bà là linh hồn của con cái, đàn bà phải luôn mỉm cười...". Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn chị vẫn còn đó những khao khát. Chị "vẫn nhận ra khúc nhạc quen thuộc dạo còn chưa đi lấy chồng", vẫn "hình dung ra cả những ngón tay của người con trai đã gảy nhạc điệu ấy", vẫn nhớ những ngày thiếu nữ đi sinh hoạt thanh niên, nhớ về chiếc áo dài ngày cưới không được mặc. Trên đoạn đường ngắn đi nhờ xe với vài câu tán gẫu vu vơ, "một cái chạm tay đơn giản giữa đường", một chiếc bật lửa và lời nhờ vả, vậy mà "trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bỗng dưng như có một sợi dây vô hình rung trong trái tim người đàn bà". Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, phụ nữ luôn có khát khao bản năng, muốn yêu và được yêu. Sự rung động bất chợt ấy là thứ tình cảm vừa trong trẻo, vừa hư ảo mà rất đời thực, làm bừng lên sức sống cho tâm hồn người phụ nữ nhiều khổ đau. Nếu không phải là cái nhìn tinh tế và thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc của một nhà văn nữ sao có thể nhận ra cái khoảnh khắc đẹp đẽ chợt âm thầm tỏa sáng giữa đời thường ấy.

Khoảnh khắc đó lướt qua trái tim người phụ nữ trong thoáng chốc để rồi dư âm còn mãi. Dù sau đó, "vị mặn của muối giúp cô tỉnh táo… Cô cảm thấy hài lòng với tổ ấm của mình" thì "có một điều mà cô sẽ luôn phải nhớ đến, đó là sự có mặt của chiếc bật lửa. Sớm trưa chiều tối, ngọn lửa từ sợi bấc nhỏ xíu sẽ hiện diện trong nếp nhà hai vợ chồng trẻ cùng đứa con trai của họ. Nhưng cả cánh đồng lúa của họ, cả bầu trời và đức Phật từ bi của họ, và cả họ nữa, sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ...". Một cái kết lơ lửng cho một tình cảm mơ hồ, thoáng qua mà mãnh liệt, ám ảnh, vương chút niềm tiếc nuối nhè nhẹ của nhà văn và độc giả. Tiếc cho cuộc đời vô tình đã khiến hai con người, hai tâm hồn đồng điệu đã chạm vào nhau mà không thể có nhau. Hay có lẽ nên thấy an ủi bởi cuộc đời vi diệu đã mang đến giữa hiện thực ngang trái chút tình người, nhen lên một ngọn lửa "nhỏ xíu" mà bền bỉ sưởi ấm cho tâm hồn người phụ nữ bất hạnh được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc đời thực tại.

Sau cùng, "Lúa hát" đọng lại là khúc ca mênh mang, mông lung mà chân thực về sức sống âm thầm mà bền bỉ của người phụ nữ trong tâm hồn không bao giờ thôi những khao khát yêu thương.

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày