Thứ 5, 02/05/2024, 19:51[GMT+7]

“Duyên” và Văn Quân

Thứ 2, 09/11/2015 | 09:15:07
3,140 lượt xem
Ðêm khai mạc triển lãm tranh mang tên “Duyên” của họa sĩ trẻ tài hoa Văn Quân tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội diễn ra tưng bừng và đậm chất nhân văn (từ 9 - 22/10/2015). Bạn bè, đồng nghiệp, người yêu hội họa nâng ly chúc mừng họa sĩ có một kỳ triển lãm thành công.

Gia đình họa sĩ Văn Quân.

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Ða Phú (xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà), từ nhỏ, Văn Quân đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Anh luôn mơ ước trở thành họa sĩ và mơ ước đó bước đầu đã trở thành hiện thực khi anh thi đỗ vào Trường Ðại học Sư phạm trung ương. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, ra trường, Văn Quân xin về quê dạy học. Hiện tại, Văn Quân là giáo viên Trường THCS Vũ Thị Thục, xã Ðoan Hùng, huyện Hưng Hà. Ngoài những giờ lên lớp, anh vẫn miệt mài vẽ, thả hồn mình theo nghệ thuật. Anh vẽ nhiều, vẽ không ngừng nghỉ. Tranh của Văn Quân tưởng chừng êm đềm nhưng ngẫm và xem ra lại phức tạp, ngổn ngang trăm mối. Có lần, trả lời phóng viên Báo Dân trí, anh đã cho rằng, “đời ông nội và bố mình làm nghề cày ruộng và cấy lúa nên có bản chất anh nông dân vẫn là an toàn nhất”. Cho nên, tranh của Văn Quân gắn với hiện thực cuộc sống, với hoa cỏ, phố phường và phong cảnh làng quê Bắc Bộ. Văn Quân chủ yếu vẽ theo lối ấn tượng - biểu hiện, dùng những cảm xúc và cảm nhận phức tạp của chính mình làm nền cảnh tạo nên những bức tranh tĩnh vật, phố, chân dung, tương đối khác biệt với tranh của nhiều họa sĩ khác.

 

 

Tranh tự họa.

 

Văn Quân có nhiều bức chân dung tự họa đầy dằn vặt, mệt mỏi khiến người ta liên tưởng tới những bức tượng ở chùa Tây Phương. Những bức chân dung tự họa phản ánh đời sống nội tâm phong phú của một họa sĩ yêu nghề, yêu cuộc sống nhưng chưa có cơ hội để bứt phá, nhào nặn chính mình. Chân dung tự họa của Văn Quân thể hiện thầm kín vẻ khắc khổ, phiền muộn, mông lung trong tâm hồn. Dường như, anh muốn thoát, muốn chiến thắng khỏi những nỗi niềm đầy vơi, khó tả. Chân dung tự họa của anh thường bùng lên những lúc “ngáo nắng”, dài dại với đôi mắt sáng rõ trong mông lung, hư ảo, bộn bề. Với anh, lúc sống thực nhất chính là lúc nhào, nặn, gọt… mình.

 

Văn Quân vẽ rất nhiều tĩnh vật. Trong số các bức tranh anh đã vẽ, chiếm số lượng lớn là tĩnh vật hoa. Họa sĩ nói rằng, tĩnh vật dễ biểu hiện cảm xúc, không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp của hoa và quả mà còn diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau của con người. Số phận của hoa cỏ cũng như số phận con người, khi nở tung tức là đã thoát khỏi số phận, hướng đến một khung trời tươi sáng mới. Có thể thấy, họa sĩ đã mượn những hình ảnh hoa cỏ trong thiên nhiên để biểu đạt về cuộc sống đang có vẻ phức tạp, bộn bề trăn trở.

 

Văn Quân tìm kiếm sự cân bằng qua cách thoát, phá, ảo, nổ. Nhưng nhiều khi, anh có những khoảng lặng đầy trĩu tâm tư, ngóng suy, cảm nhận, thể hiện ước muốn thoát khỏi mệt mỏi, bế tắc, mông lung.

 

 

Tranh tĩnh vật.

 

Những bức tranh về mưa, thu và chiều dường như là những bức tranh thể hiện cảm xúc nhất. Những hạt mưa giăng giăng, lạc lối gieo rắc lên các bức tranh. Nhiều bức tĩnh vật được vẽ trên nền của những chiều tà hư ảo, đợi mây tan, mệt mỏi như đời người, giống như một giấc mơ họa sĩ mơ hồ không có thực. Khi nắng đẹp, cảm hứng dạt dào khiến họa sĩ vẽ như điên dại. Nhiều bức tranh phơi màu nắng như “Hoa trưa”, “Xế trưa”, “Sắc hè”, “Tháng sáu”, “Nắng tháng sáu”, “Chờ nắng”. Chiều là cảm hứng chủ đạo trong nhiều bức tranh của anh, tiêu biểu như “Cuối ngày”, “Chiều dịu êm”, “Chiều”, “Muộn”, “Chiều dịu trời”, “Lại chiều”, “Nóng chiều”, “Hoa chiều”, “Phố chiều”, “Tan tầm”, “Chiều cuối tuần”… Tranh của Văn Quân còn thể hiện hương vị của đất trời, mưa nắng như “Ngày mới”, “Chớm mưa”, “Mùi mưa”, “Nắng hại”, “Nắng đậm”, “Mưa trái mùa”…

 

Ngoài ra, vẽ về sen, Văn Quân cũng có cách cảm nhận riêng. Sen được anh đưa vào tranh là những bông sen chưa thoát mùi bùn. Những lọ sen tàn, đài sen, ngó sen, chớm sen của anh thường có màu của nỗi buồn, của nắng trưa hanh hoa, của nắng chiều nhàn nhạt. Phải chăng, anh đã cảm nhận được mặt trái của đời sen?

 

Mảng tranh phong cảnh, Văn Quân cũng vẽ nhiều về phố. Tranh của anh rất có ấn tượng với nét cổ kính, rêu phong từ những dãy phố, góc phố. Tranh phố của anh được thể hiện qua bút pháp vẽ mạnh để nâng cao cảm xúc. Phố của Văn Quân thường lặng buồn, không nhộn nhịp xô bồ, vắng bóng người qua lại. Những bức như “Phố cũ”, “Phố nắng đang mưa”, “Phố dưới mây”… phảng phất hình ảnh phố cổ Hà Nội xưa - vì anh đã có thời gian dài sống, học tập, bươn chải ở đó. Sự lặng thầm của thời gian, sự bình yên của phố trong tranh Văn Quân gợi cho chúng ta mơ về một giấc mơ xưa cũ.

 

Tạ Xuân Sinh

Trường Tiểu học Vũ Thị Thục

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày