Thứ 5, 02/05/2024, 08:39[GMT+7]

Lá huyết thư

Thứ 2, 09/11/2015 | 09:29:29
979 lượt xem
(Tiếp theo và hết) Viết xong bức thư gửi Hồ Chủ tịch, Chính viết tiếp một lá thư gửi ra thăm má Giáo, một đoạn thư viết:

Trại Phú Hải - trại giam lớn nhất Côn Đảo.

 

Kính gửi Nguyễn Bạch Tuyết Hương!

 

Thưa má! Con lấy máu viết bức huyết thư gửi lại người cha già, còn dư con viết thêm vài hàng thăm má. Chỉ còn ít thời gian nữa là con không còn được gặp má. Má đừng buồn nhé. Ðời người ai cũng chết một lần. Chết như con, con thiết tưởng má phải cười lên mới đúng đấy. Trong lúc quốc gia hữu sự, con có chết trên giường bệnh mới đáng buồn thôi...”.

 

Sáng ngày 9/2/1949, má Giáo đang thu xếp mang đồ tiếp tế vào khám, thì một chiếc xe zeep nhà binh ập đến trước cửa nhà má trong cư xá đường Võ Tánh. Một viên trung úy Pháp cao dong dỏng bước vội vào nhà. Ðã nhiều lần địch đến bố ráp, khám xét nhà má vì chuyện dính líu với Chính, má sợ lần này chúng đến trói má dong đi. Nhưng thái độ viên sĩ quan Pháp không hung hăng như các lần trước mà lại rất nhã nhặn, đưa tay chào má theo quân cách rồi nói:

 

- Thưa bà! Bà là mẹ ông Nguyễn Ðình Chính?

 

(Má nhờ một người biết tiếng Pháp dịch lại)

 

- Phải, tôi là mẹ của Nguyễn Ðình Chính.

 

Viên sĩ quan tiếp:

 

- Tôi mới ở pháp trường về, nơi vừa bắn chết con bà. Tôi không cùng chí hướng nhưng tôi rất kính phục ông ấy đã bảo vệ danh dự Tổ quốc mình tới lúc chết mà không một lời than vãn. Con bà đã viết thư và nhờ tôi mang về cho bà. Lá thư của ông ấy đây.

 

Mặc dù biết trước cái chết của Chính sẽ đến song nghe viên trung úy Pháp báo tin, má Giáo phải cố sức mới đứng vững. Khi đỡ lá thư, má lảo đảo rồi khụy xuống. Tờ thư Chính gửi má Giáo viết bằng nét chữ Thán, vững vàng, phóng khoáng.

 

 

“Chuồng cọp” của thực dân Pháp ở Côn Ðảo.

 

Khám Chí Hòa 6 giờ ngày 9/2/1949.

 

“Thưa má Giáo! Sau lúc con viết thư này cho má thì con phải hành hình. Con vẫn sung sướng không một chút ân hận gì. Chỉ tiếc chưa báo đáp được công lao của má, con đã phải ra đi. Xin má thứ lỗi cho con. Con gửi lời về đẻ con và hai em con ở trang sau nhờ má mang ra Thái Bình giúp con nghe!”.

 

Dòng thư gửi người mẹ ở làng Nguyên Xá, huyện Ðông Hưng viết:

 

“Thưa mẹ! Con viết thư này vĩnh biệt mẹ, để rồi 20 phút sau con trút linh hồn. Mẹ đừng lo mẹ nghe. Những năm qua con xa mẹ nhưng má nuôi con thương con như mẹ. Con biết con ra đi là thất hiếu với mẹ. Mẹ tha tội cho con mẹ nhé...”.

 

*

*          *

 

Sau ngày miền Nam giải phóng, đầu năm 1976, nhờ một bài báo viết về Nguyễn Ðình Chính đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam, quê hương Nguyên Xá mới biết những kỳ tích anh hùng của người con quê  mình được một người mẹ miền Nam nuôi dưỡng tiếp sức. Xã đã quyết định cử người cô của Chính vào Sài Gòn đưa giấy mời và đón má Giáo ra Thái Bình để gia đình và quê hương tạ ơn người mẹ đã nuôi dưỡng người con của quê nhà. Mùa xuân năm ấy, má Giáo ra Thái Bình, về Nguyên Xá ăn một cái tết với gia đình người con nuôi. Má đã trao tất cả những kỷ vật và thư từ của Chính cho gia đình cùng địa phương. Ðồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Nguyên Xá xúc động nói khi đón tiếp má Giáo:

 

- Anh Chính xa mẹ đẻ nhưng lại có một người mẹ nuôi như má, thật là hiếm có. Chỉ riêng nuôi anh gần hai năm ở tù, má sẵn sàng chia sẻ cả cái chết với đứa con nuôi. Tình nghĩa cao cả ấy không gì có thể bù đắp nổi.

 

Ðồng chí Bí thư chân tình nói tiếp:

 

- Bây giờ má già rồi, xin mời má ở đây. Quê hương Nguyên Xá có trách nhiệm báo đáp, phụng dưỡng má suốt đời.

 

Má Giáo cảm động ứa nước mắt. Mấy hôm sau má về Nam. Quà cáp, tiền nong của dân làng, của xã tặng, má đều không nhận. Má chỉ xin một nắm đất của làng Nguyễn rồi gói vào cái túi ni lông mang đi. Dân làng không ai hiểu má gói đất đi làm gì.

 

 

Khám Chí Hòa ngày nay.

 

Tháng 12/1994, tôi vinh dự được cùng đoàn đại biểu quê hương Nguyên Xá vào dự lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sĩ Nguyễn Ðình Chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tới thăm gia đình má Giáo, má đã về già, em Lê Quang Trọng kể cho chúng tôi về chuyến má Giáo từ Thái Bình vào. Hôm ấy, má cùng em Trọng ra thắp hương cho Chính. Má giở nắm đất ra, đặt lên mộ, tay chắp, miệng lẩm bẩm: “Má vừa ra quê đẻ con. Ðẻ con không còn nữa nhưng dân làng rất ân tình đón tiếp má. Theo lời con nhắn gửi, má đã trao những kỷ vật của con cho gia đình. Còn nắm đất đây, má mang từ làng Nguyễn vào cho con. Vì khi còn sống con thường ước mong bao giờ hết giặc sẽ ra thăm đẻ, thăm quê. Nhưng con không kịp ra. Nắm đất này coi như tình quê hương luôn ở bên con...”.

 

Năm 1993, một trường học ở quận Phú Nhuận được khánh thành đã mang tên Nguyễn Ðình Chính. Hai năm sau, năm 1995, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đổi tên đường Minh Mạng thành đường Nguyễn Ðình Chính. Ðiều đó chứng tỏ hành động anh hùng của anh vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bất giác, tôi nhớ tới lời thơ sâu sắc, chứa chan tình ý của nhà thơ Maxime Gorki: Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có mẹ hiền, chẳng có anh hùng, chẳng có thi nhân.

 

Bút ký của Minh Chuyên

Ðài Truyền hình Việt Nam

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày