Thứ 5, 02/05/2024, 19:03[GMT+7]

Ngày đẹp nhất trong đời

Thứ 2, 16/11/2015 | 09:03:26
1,041 lượt xem
Vừa tốt nghiệp đại học, tôi về quê và xin làm giáo viên trường làng, đây cũng chính là ngôi trường nuôi lớn tuổi thơ tôi. Và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là ngày đẹp nhất trong đời tôi không chỉ bởi lần đầu tiên được đón ngày lễ này với tư cách là một giáo viên mà còn vì tôi được nhận một món quà quý giá.

Ngôi trường xinh xắn bên cánh đồng dọc ngang những luống đất xanh thắm cây vụ đông làm duyên với cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Tôi chọn cho mình chiếc áo sơ mi, quần âu và đôi giày đen mũi nhọn. Rảo bước trên sân trường thênh thang gió, thênh thang những bóng áo trắng học trò mà thấy trong lòng những hạt giống niềm vui như cựa mình nứt vỏ. Sau buổi lễ, tôi cùng các đồng nghiệp về phòng chờ giáo viên ở cuối hành lang. Đang rôm rả với vài câu chuyện tầm phào thì chợt thấy có một người phụ nữ mặc chiếc áo tím hoa cà thập thò ngoài cửa. Tôi bước ra nhìn thoáng từ đầu đến chân người phụ nữ mà không thể nào đoán biết được tuổi tác, tóc búi cao sau đầu, trên đỉnh đầu loang lổ phần chân tóc bạc trắng, da xám xịt, sương gió cuộc đời khắc lên khuôn mặt hốc hác những vệt dài hằn sâu. Tôi cúi đầu chào: "Con chào bác! Bác tìm ai ạ?". Người phụ nữ lập cập cởi chiếc nón mê ôm trước bụng rồi nói: "Thầy cho tôi gặp thầy Minh, dạy Văn". Tôi ngỡ ngàng: "Dạ, con là Minh đây ạ!". Đôi mắt đùng đục của người phụ nữ như sáng bừng lên, bác đưa đôi tay gân guốc run run siết chặt bàn tay tôi: "Thưa thầy, tôi là mẹ của thằng bé Hin". Trong đầu, chiếc bút chì của ý nghĩ nhanh như cắt phác họa khuôn mặt cậu học trò tên Hin. Hin gầy rỏng rớt mà cao như cây sậy. Mái tóc cắt kiểu đầu cua, đôi mắt thỉnh thoảng lại hấp háy. Đầu năm học, khi mới được nhà trường phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp Hin, tôi chẳng có mấy ấn tượng về một cậu bé ngồi cuối lớp, đi đôi dép lê gãy mũi và mặc độc một chiếc áo trắng cháo lòng. Nhưng đến khi nghe được câu chuyện gia đình Hin từ các đồng nghiệp, tôi thấy cảm phục tinh thần mạnh mẽ ẩn chứa trong hình hài gầy gò và yếu ớt ấy. Mẹ con Hin là dân ngụ cư, nghe nói ngày trước bố Hin làm cán bộ xã bị phanh phui ăn bớt tiền trợ cấp lũ lụt của bà con nông dân nên bị bắt vào tù, mẹ con Hin phải bỏ đi biệt xứ vì không chịu được điều tiếng thiên hạ. Mẹ Hin phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối khi Hin vừa vào lớp một, cứ một tuần ba lần lọc cọc đạp xe lên bệnh viện đa khoa huyện chạy thận. Gia đình kiệt quệ, những ngày không đi học hay cuối tuần, ai mướn gì Hin làm nấy, từ rẫy cỏ, cuốc đất đến khuân vác... Những ngày nước cạn, nó bì bõm dưới sông mò trai, bắt ốc đem ra chợ bán hay bới đống rác tập kết dưới chân đê nhặt mấy mảnh bao rách, dăm chiếc vỏ chai nhựa, thanh sắt han gỉ. Cảm phục nghị lực của cậu bé, tôi dành sự quan tâm nhiều hơn đến Hin. Giờ ra chơi, tôi thường xuống bàn Hin ngồi trò chuyện, hỏi han, động viên em, cuối tháng nhận lương tôi mua tặng em cuốn vở ô li, chiếc bút máy, lọ mực tím hoa sim và vài cuốn truyện tranh cũ. Có lần, Hin nghỉ học liền một tuần vì mẹ trở bệnh, buổi tối tôi tranh thủ đến nhà phụ đạo cho em để theo kịp các bạn trên lớp.

Người phụ nữ giở trong chiếc làn mây lấy ra một bức tranh đưa cho tôi rồi bảo: "Thằng Hin nó dặn đi dặn lại tôi là phải đến trường trao tận tay thầy Minh nhân ngày 20/11. Hôm nay nó theo xe chở cát qua bên kia sông". Hin đã tỉ mỉ gắn những hạt cườm thành bức tranh thầy giáo đứng trên bục giảng. Dòng chữ nắn nót màu mực tím: "Con cảm ơn thầy về tất cả. Con sẽ vâng lời thầy, không bỏ học, con sẽ cố gắng chăm ngoan để thầy và mẹ vui lòng!". Tôi cứ ngắm mãi bức tranh và miên man nghĩ, mình sẽ mua một cái khung lồng bức tranh vào và treo ở phòng khách. Đây là món quà quý giá nhất mà tôi được nhận!

Đào Mạnh Long
(Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày