Thứ 5, 02/05/2024, 18:11[GMT+7]

Bản anh hùng ca về người lính

Thứ 2, 28/12/2015 | 09:00:48
5,413 lượt xem
“Dấu chân người lính” là cuộc hành trình đi theo con đường gian khổ, hào hùng, phơi phới tình yêu và niềm tin của những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Tiểu thuyết được viết bằng dòng cảm hứng sử thi và lãng mạn cách mạng, mỗi bước chân người lính trên chặng đường chiến dịch như một nốt nhạc cùng tấu lên bản anh hùng ca về một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn - chiến sĩ, trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mảng đề tài chiến tranh chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của ông. Tiểu thuyết "Dấu chân người lính" được tác giả bắt đầu viết từ năm 1969, ra mắt độc giả năm 1972. Tác phẩm gồm 17 chương, chia thành 3 phần, phần 1 là "Hành quân", phần 2 là "Chiến dịch bao vây", phần 3 là "Đất giải phóng", tái hiện cuộc chiến tranh ác liệt qua bước chân của những người lính Trung đoàn 5 trên chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị từ những ngày bắt đầu chuẩn bị đến chặng đường hành quân và cuối cùng là cuộc tổng tấn công. Như một bộ phim tài liệu, mỗi chương, mỗi đoạn là một cảnh quay chân thực và sống động, khi góc máy trên cao là toàn cảnh chiến trường hùng tráng, khi góc máy lại gần là cuộc sống, chiến đấu của từng tiểu đội, từng người lính. Con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng khi lớp lớp người nối bước nhau đã chinh phục thiên nhiên để mở đường cứu nước. Trong "Dấu chân người lính", giữa khung cảnh chiến trường rộng lớn, tàn khốc luôn nổi bật hình ảnh con người - những người lính Trường Sơn.

Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Minh Châu lần lượt lia ống kính đến từng người: Kinh, Khuê, Lượng, Lữ, Cận, Nhẫn… để ghi dấu từng bước chân, từng cuộc đời đã hòa chung với bao bước chân, bao cuộc đời khác cùng cống hiến cho lý tưởng nhưng không hề là những hình tượng rập khuôn. Hàng chục nhân vật được khắc họa thuộc các thế hệ khác nhau, quê quán và cả dân tộc khác nhau, hoàn cảnh xuất thân, tính cách khác nhau: Chính ủy Kinh dạn dày kinh nghiệm, gần gũi, đầy yêu thương, đức độ; chiến sĩ cần vụ Khuê thông minh, hoạt bát, nhạy bén; trinh sát Lượng nghiêm túc, khô khan; lính thông tin Lữ có tâm hồn nghệ sĩ, rất nhiệt huyết, mạnh mẽ; đồng đội thân thiết của Lữ - Cận lại sống nội tâm, luôn lặng lẽ, bình thản…

Trong tiểu thuyết, khó có thể nói ai là nhân vật trung tâm, mỗi người có "đất diễn" riêng, một câu chuyện riêng mà trong đó luôn có sự hiện diện của những người khác. Theo chân mỗi nhân vật, ta được đến với cuộc sống lính tráng trẻ trung, tếu táo, yêu đời, dùng sự lạc quan để kiên cường vượt qua mọi gian khổ; ta được đến với những trận chiến ác liệt, cam go, nơi những người lính dùng sự dũng cảm, mưu trí để chiến đấu và chiến thắng. Trong cuộc sống ấy, sức mạnh to lớn giúp họ trụ vững là tình đồng đội gắn bó máu thịt mà tác giả đã khắc họa thông qua tình cảm giữa Lượng và Khuê, Kinh và Khuê, Kinh và Lượng, Lữ và Cận, Nhẫn và Lượng… Họ yêu mến và kính trọng nhau, tin tưởng và dìu dắt nhau, chia sẻ, cảm thông cùng nhau những nỗi niềm, tác động, học hỏi lẫn nhau.

Nếu chất sử thi hiện rõ qua những nhân vật hết sức đẹp đẽ là biểu tượng của thời đại và cuộc sống, chiến đấu anh dũng của họ thì ngòi bút tinh tế của tác giả đã mang đến nét lãng mạn bi tráng qua việc đi sâu khám phá đời sống riêng của những người lính. Đó là những giờ phút nghỉ ngơi giữa rừng, quây quần bên ánh lửa trò chuyện, tâm tình; là những khi háo hức, say sưa nghe văn nghệ hay là những phút thả hồn trong nhật ký, trong những câu thơ, trong nỗi nhớ quê hương, gia đình, trong tình yêu đôi lứa…

Còn bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu câu chuyện không thể kể hết trong "Dấu chân người lính". Chỉ khi đọc hết mới có thể cảm nhận trọn vẹn bản anh hùng ca hùng tráng về những con người đẹp nhất của một thời vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày