Thứ 7, 23/11/2024, 19:38[GMT+7]

Người lính đảo

Thứ 2, 04/01/2016 | 14:54:46
2,393 lượt xem
 

 

Tôi là con gái của một người lính đảo. Ba tôi công tác ngoài đảo Trường Sa xa xôi, chẳng mấy khi về nhà. Một mình mẹ tảo tần nuôi tôi ăn học, gánh vác mọi công việc trong gia đình. Tôi thương mẹ lắm. Nhưng càng thương mẹ bao nhiêu tôi lại cảm thấy giận ba bấy nhiêu. Có thể do ba gia nhập quân ngũ, rời gia đình đi làm việc xa, vì vậy mà không thể cùng mẹ lo toan, gánh vác chuyện gia đình. Nhiều lần, tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với mẹ nhưng mẹ đều lảng tránh hoặc trách mắng tôi. Mẹ nói tôi không được nghĩ xấu về ba rồi kể cho tôi nghe những chuyện xưa cũ. Tôi không biết những kỷ niệm của mẹ đẹp đẽ như thế nào nhưng tôi biết mẹ rất yêu ba. Hôm ấy, tôi thức dậy vào buổi đêm, thấy mẹ vẫn để đèn sáng. Rón rén bước qua phòng, tôi nghe tiếng mẹ thút thít khóc. Trên tay mẹ là bức thư đã nhàu vì thấm nước mắt. Tôi thương mẹ lắm nhưng tôi lại không hiểu được cảm xúc của mẹ. Tôi không hiểu vì sao mẹ lại nhớ ba như vậy, liệu ba có nhớ đến tôi và mẹ như vậy không? Cứ mỗi lần nghĩ đến ba, tôi lại khóc.

 

Ðến một ngày, căn bệnh tim của mẹ tái phát. Bác sĩ nói rằng cần rất nhiều tiền để phẫu thuật. Nhận được tin, ba vội báo cho tôi hay, nhà nước sẽ chu cấp bảo hiểm cho mẹ chữa bệnh, vì là gia đình quân nhân. Hai ngày sau, mẹ tôi được phẫu thuật. Tưởng rằng vậy đã xong nhưng còn vấn đề về nhóm máu của mẹ tôi thuộc nhóm máu hiếm, bệnh viện không còn đủ máu để cung cấp, e rằng không thể thực hiện ca phẫu thuật. Tôi hụt hẫng vô cùng. Hôm sau, ba tôi từ Trường Sa về. Vừa bước vào bệnh viện, ba đã gấp rút tìm bác sĩ điều trị cho mẹ để đề nghị lấy máu của mình. Thực ra, ba còn yêu thương và lo lắng cho mẹ hơn cả tôi. Tôi ân hận quá. Những giọt mồ hôi ướt đẫm trán và lưng áo hải quân của ba khi nghe bác sĩ nói rằng nhóm máu của ba không phù hợp để truyền cho mẹ. Tôi gần như mất hết hy vọng... Hai ngày sau, bác sĩ trưởng khoa báo cho ba tôi có rất nhiều người đã tìm đến và tình nguyện hiến máu cho bệnh nhân... Rồi ca phẫu thuật của mẹ được tiến hành rất thành công. Sau này, tôi mới biết, bởi vì nhiều người đã đọc được trang blog tâm sự về hoàn cảnh của tôi, họ rất quý trọng những chiến sĩ và gia đình của họ bởi vì đã phải chịu rất nhiều sự hy sinh cho nên họ muốn góp sức giúp mẹ tôi chữa bệnh. Hai người trong số đó là đồng nghiệp của ba tôi. Ba tôi nói rằng: “Ðó là tình đồng chí, tình đồng đội của những người lính con ạ”. Trong số đó, có một người chiến sĩ cùng đơn vị với ba tôi là người cho nhiều máu nhất. Mặc dù hiến máu xong, tôi thấy chú mệt, sắc mặt tái đi thế nhưng chú vẫn mỉm cười. Khi tôi hỏi, chú nhẹ nhàng kể: “Hồi trước, chú cũng có đứa con gái trạc tuổi cháu bây giờ. Lúc biển Ðông đang “dậy sóng”, những người lính trong đơn vị phải trực chiến suốt ngày đêm đề phòng mọi bất trắc. Khi đó, bệnh hen của con gái chú tái phát nhưng chú không về được. Chú đã từng trải nên chú hiểu được nỗi bất lực của người lính khi mất đi người thân nhất của mình”. Mắt chú đỏ hoe. Tôi biết, người lính đôi khi cũng khóc. Họ khóc vì người họ thương yêu và người yêu thương họ. Như bố tôi đã khóc vì mẹ. Tự dưng tôi thấy mình ích kỷ quá. Tôi luôn giận hờn bố chỉ vì chuyện bố không ở gần tôi. Thế nhưng tôi không biết được rằng, có những người còn phải chịu những nỗi mất mát, thiệt thòi lớn hơn. Ba tôi, chú lính ấy và những người khác, họ phải xa gia đình là bởi mục đích cao cả, thiêng liêng, đó là bảo vệ đất nước, bảo vệ biển Ðông, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thế nhưng, trong trái tim mỗi người lính đảo đều không bao giờ quên đi chữ “tình”: Tình cảm hướng về gia đình, là tình đồng chí, đồng đội, là tình yêu Tổ quốc.

 

Phan Vũ Anh Thư

Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày