Thứ 7, 23/11/2024, 19:01[GMT+7]

Chuyện cuối năm

Thứ 2, 22/02/2016 | 09:45:54
907 lượt xem
Thi xong môn cuối cùng của kỳ học, tôi vội vã chạy về phòng trọ, thu dọn quần áo, đồ đạc, ra cổng trường tìm quán ăn bình dân ăn lót dạ rồi bắt xe về quê. Thế là hết một kỳ học vất vả, tôi sắp được về với mẹ, với em, chỉ nghĩ thế thôi đã thấy sung sướng lắm rồi. Tháng ngày xa nhà thật buồn tẻ và cô đơn.

 

Cái lạnh của tháng cuối năm làm con người như chậm lại. Lá bàng rơi, gió rít và sương mờ cuối ngày khiến không một ai muốn đứng lâu ngoài trời. Vỉa hè lác đác vài người đi lại, ai cũng cố gắng đi nhanh, xuýt xoa đôi bàn tay như muốn giữ một chút ấm áp sót lại của chiều đông.

 

Tôi vội vã, ngó nghiêng tìm quán chợt bất giác thấy một dáng ngồi co ro bên vỉa hè, cạnh một nồi cháo nghi ngút khói và thoang thoảng mùi mỡ hành. Chà, hình như lâu lắm rồi tôi không được ăn một bát cháo nóng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế nhựa cũ, đặt xô lệch:

- Bác ơi, cho con một tô cháo ạ.

- Ăn bao nhiêu con?

- 10 nghìn thôi ạ.

Nhìn sang người phụ nữ ấy, tôi giật mình khi thấy bác chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng, chân không đi tất, da mặt đỏ lên vì rét. Bưng tô cháo nóng hổi trên tay, tôi kiếm câu chuyện làm quà với bác:

- Nay lạnh quá bác nhỉ?

- Ừ, con về quê hả? Sinh viên năm mấy rồi?

- Vâng, con về Thái Bình ạ. Con mới năm nhất thôi.

- Ô, thế là đồng hương rồi. Bác thì phải giáp tết mới về.

Thế ra, giữa Hà Nội xô bồ và nhộn nhịp, tôi đã vô tình gặp một người con Thái Bình xa xứ. Cái cảm giác ấm áp đan vào tim khiến tôi bất chợt nở nụ cười khe khẽ. Bác cũng có người con gái tầm tuổi tôi nhưng không thi đỗ đại học nên đi xuất khẩu lao động, chắc rồi tết năm nay nhà bác sẽ vắng vẻ lắm. Mải nghĩ miên man, tôi quên mất bát cháo trên tay đang nguội dần.

- Kìa con, ăn nhanh đi còn về không xe chạy hết bây giờ.

Tôi chỉ dạ khe khẽ. Bác nói tiếp:

- Không biết sinh viên đã về hết chưa nhỉ? Chắc năm nay được nghỉ sớm. Ðể xem nào...

Bác xòe đôi bàn tay tím ngắt, đếm khe khẽ, đôi mắt buồn nhìn mông lung ra con đường tấp nập xe cộ và khói bụi. Hình như bác đang tính xem còn dọn hàng bán thêm được mấy ngày, rằng năm nay có kiếm dư dả để đón tết hay không. Mấy ngày sau nữa, chắc hàng quán sẽ ế ẩm, rồi bác có còn đủ tiền sống trong một, hai tuần sinh viên nghỉ tết hay không? Tiếng thở dài của bác làm tôi như bừng tỉnh. Tôi nghe như tim mình bị ai bóp chặt lại, xót xa và đồng cảm. Hóa ra, cũng có người phụ nữ với làn da sạm đi vì sương gió như mẹ của tôi. Hóa ra, vẫn còn rất rất nhiều người khổ hơn mẹ ở nhà. Tôi mỉm cười, nói chắc như đinh đóng cột:

- Bác yên tâm, mấy đứa bạn cháu còn đi làm, phải sát tết mới về.

Bác thở phào như trút khỏi một gánh nặng. Rồi cứ như hoài tưởng lại một năm đầy vất vả của mình, người phụ nữ ấy bó gối nhìn ra xa rất lâu. Tôi thỏ thẻ:

- Bác ơi, cho con 10 nghìn cháo nữa ạ.

- Vẫn chưa no hả con?

- Dạ!

Ðấy là lần đầu tiên từ ngày học xa nhà tôi ăn hết 20 nghìn cháo. Cháo thơm mà tôi nghe như nghẹn đắng ở cổ. Cứ thế, trên suốt quãng đường về nhà, mảnh áo mỏng, đôi chân trần và làn da tím sạm của bác ám ảnh tâm trí tôi. Cuộc sống ơi, có cần phải phũ phàng như thế không, có thể công bằng hơn một chút không, cho lòng người có thể thanh thản hơn. Dẫu biết mình chẳng thể thay đổi điều gì mà sao cái cảm giác bực bội, khó chịu cứ bám riết lấy tôi, không buông tha.

Tết sum họp, ấm áp dường như không phải dành cho tất cả...

 

Nguyễn Thị Thu Trang

Câu lạc bộ Phóng viên tuổi hồng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày