Ðọc “Thương nhớ mười hai”, thưởng thức “thời trân” miền Bắc
Trong lời nói đầu của tác phẩm, Giáo sư Hoàng Như Mai đã viết cuốn tùy bút này “mời bạn đọc thưởng thức những thứ gọi là “thời trân” (ông giải thích “thời trân” là những vật sản quý đương thời”). Thật vậy! Vũ Bằng viết “Thương nhớ mười hai” cho người vợ ở miền Bắc trong khi nhà văn đang ở Sài Gòn và phải mười một năm, từ tháng Giêng năm 1960 đến hết năm 1971 mới hoàn thành tác phẩm. Mười một năm” nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!”. Trải vào trong câu chữ nỗi nhớ thương quê hương và người vợ thân yêu, người con xa xứ đã khắc họa những nét đặc sắc nhất của thiên nhiên, con người, phong tục, đời sống, ẩm thực… của Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung. Cuốn sách gồm 14 phần, trừ phần đầu tiên “Tự ngôn” và phần cuối viết riêng về tết “Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh”, còn lại viết về "mười hai tháng của mười hai cuộc đổi thay tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ”. Và, “mỗi tháng lại có những cái đẹp não nùng riêng, những nỗi nhớ nhung riêng”.
“Thương nhớ mười hai” ấy là: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai, tương tư hoa đào; Tháng Ba, rét nàng Bân; Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín, gạo mới chim ngói; Tháng Mười, nhớ gió bấc mưa phùn; Tháng Một, thương về những ngày nhể bọng con rận rồng; Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết. Như một cuốn lịch, lần giở qua từng tờ ta thấy hiện lên tất cả những gì thân thuộc nhất và đặc trưng nhất của mỗi tháng, như ông bà ta vẫn nói, “mùa nào thức ấy”.
Nào là cảnh tháng Giêng: “Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xăm có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…”. Tiết trời tháng Tư: “Vào cữ này, ở Bắc Việt, trời cũng bắt đầu nóng, nhưng không nóng như thế này. Cái nóng ở Bắc cũng làm cho rôm sảy nó đốt người ta một cách khó chịu, nhưng đương đi ngoài nắng mà vào chỗ râm thì da thịt ta cảm thấy bình thường ngay, chớ không điên cuồng, rồ dại lên”. Nào tháng Chín: “Nhìn ra thì thấy cái gì cũng vẫy chào, hẹn hò nhau, cái gì cũng tơ hồng quấn quít, cái gì cũng đủ lứa no đôi; hồng thì có cốm đẹp duyên, buổi thì có lòng ân ái, gió bấc có mưa phùn, cam vàng có quít xanh, ăn cái món rươi thế nào cũng phải có vỏ quít mới dậy mùi, thế thì tôi đố ai cầm lấy chén cơm mới đưa lên môi mà lại không nghĩ ngay đến chim ngói nhồi củ cải, thịt ba chỉ, hạt sen và miến?”
Nào những tối tháng Một: “Chập tối, thắp một ngọn đèn lên ăn cơm rồi uống một ngụm nước vối, quây quần lại với nhau nói chuyện, cái thú ấy kể đã êm đềm; nhưng nếu lại chống một cái gậy tre, đi qua vũng lội mà sang nhà hàng xóm bàn chuyện tầm phơ, cái thú ấy lại càng đậm đà hết sức… Có tối chỉ có một mẻ ngô rang mà khề khà ăn gần hết đêm. Lại có ông nhấm nháp một vài chén rượu với chả nhái, rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường vì ngon quá thể là ngon, ngon có thể chết ngay đi được”. Nào câu chuyện tháng Chạp: “Năm nào chồng cũng bảo vợ: Thôi nhé, năm nay ăn thế nào xong thôi, chớ bày vẽ ra lắm chỉ tổ ốm người, em ạ. Và năm nào vợ cũng trả lời: Thì nào có sắm sửa gì đâu. Chỉ có vài con gà con qué và một nồi cá kho xì xằng… Ấy thế mà từ đầu tháng Chạp, nhà chẳng có lúc nào rỗi rãi”…
Ðó là cái hồn của đất Hà Nội, đất Bắc Việt kết tinh từ ngàn đời nay. Cái hồn ấy đã thấm sâu vào tâm hồn nhà văn, "một cảnh bầy ra trước mắt mình lại nói lên những niềm thương yêu cũ”. Cùng với tình cảm dạt dào, ngòi bút tài năng của Vũ Bằng càng làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm. Ngôn từ giàu hình ảnh, đậm chất thơ, biểu đạt rất sống động mọi trạng thái, cảnh vật, tình cảm bằng cách phối hợp nhuần nhuyễn một hệ thống những từ láy, từ tượng thanh, tượng hình, những phép so sánh, ẩn dụ, hoán dụ đặc sắc. Lối kể, tả bằng giọng văn thấm đẫm hoài niệm, yêu thương chảy trôi theo dòng hồi ức ngọt ngào.
“Thương nhớ mười hai” là một tùy bút đẹp, ngây ngất và nhức nhối. Thưởng thức những "thời trân” tinh túy nhất của miền Bắc qua một áng văn nên thơ mà mỗi câu, mỗi chữ chất chứa bao tình cảm nhớ thương rất đỗi thiết tha của tác giả khiến cho bất cứ ai đọc cũng vừa ngất ngây trong tình yêu quê hương, xứ sở vừa nhức nhối đồng cảm với nỗi niềm người đi xa. “Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!”.
Mai Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam