Thứ 6, 22/11/2024, 01:56[GMT+7]

Tháng ba và mẹ

Thứ 2, 07/03/2016 | 09:23:11
1,883 lượt xem

Hoa gạo nở tháng ba lại về. Trời đã trong và cao hơn, không còn những ngày mưa phùn ủ dột của Giêng, hai. Nắng đã ửng hồng, làm thắm sắc xanh trên cành. Cây cối như lấy hết sức bình sinh để tuôn trào sự sống. Từ những thân cành, một màu xanh non nõn nà bung ra.

Buổi sớm, nắng vàng rải nhẹ trên cánh đồng lúa xanh tốt. Những giọt sương đậu trên lá, lung linh dưới nắng non đầu mùa. Tôi yêu nắng non tháng ba. Ấy là lúc chuyển mùa, giữa mùa xuân và mùa hạ. Nắng non bật lên là trời đủ khô ráo, tạnh tẽ. Có thứ ánh sáng dịu dàng này, cây cối thêm phần tươi tốt và bắt đầu ra hoa. Nắng mỏng mảnh và non tơ như cô gái tuổi dậy thì, đẫy đà và tròn trịa, không tím tái da thịt như mùa đông, không nóng nực như mùa hạ. Nắng an nhiên, trong trẻo như nụ cười thôn nữ.

Ngày xưa, tháng ba về, lưng mẹ thêm nhọc nhằn, nét chân chim hằn lên đôi mắt vì phải thức khuya dậy sớm đi chợ xa kiếm cho con miếng ăn. Tháng ba trở nên dài hơn khi nhà hết gạo, gió nam thông thốc đầu hồi, miếng cơm phải độn sắn, độn khoai. Nhà tôi cũng vậy. Mẹ tôi sáng sáng dậy thật sớm, chân bấm bùn oằn vai đôi quang đi trong cái rét nàng Bân ngai ngái. Lúc đó, tôi chỉ ước, giá như đừng có tháng ba... Vậy thôi nhưng chiều nào tôi cũng ngóng mẹ về. Khi mẹ về tôi được mẹ cho phần quà. Ngày nào ế hàng, mẹ mua cho củ khoai, củ sắn. Ngày nào hàng bán chạy, mẹ mua cho cái kẹo cay (thứ kẹo nấu bằng đường bánh đen với gừng rồi tán ra, cắt thành từng miếng nhỏ) thì lại cười tít mắt. Từng đấy thôi, tuổi thơ tôi cũng thấy thích lắm rồi. Bạn bè tôi nhiều đứa bỏ học theo người lớn xuống biển bới đất tìm con don, con vọp để đổi lấy cái ăn. Khi mà cái ăn chưa đủ thì người ta đành bỏ cái chữ sang một bên. Thương mẹ vất vả, tôi định nghỉ học theo bạn giúp mẹ để mẹ đỡ cực nhọc. Nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ bảo, đời mẹ đói cái chữ đã thua thiệt rồi, các con có thể đói cái ăn chứ đừng đói cái chữ. Như đời mẹ...

Tháng ba dài mênh mông với mẹ khi màn đêm buông xuống. Cha đã đi đến một nơi rất đỗi xa xôi sau một tai nạn trên biển để nỗi lòng mẹ thức cùng tháng ba nuôi chị em tôi lớn khôn. Sau này, khi lớn lên, tôi đã cố gắng hết sức nhưng cũng không có cách nào lấp được quãng trống tháng ba của mẹ. Tháng ba, mẹ thở dài khi đến cuối tháng cây lúa vẫn chụm gốc giữ nguyên lá mạ. Nước ở đồng cạn, đồng sâu đều thiếu. Mọi người tranh nhau lấy gàu dây, gàu sòng khoi nước từ giữa lòng kênh tát lên ruộng, mong sao cho tươi gốc lúa. Ông trời vẫn cứ kéo dài mãi cái rét nàng Bân. Mẹ lo các con mẹ rét, mẹ lo các con mẹ đói. Mẹ chỉ mong sao có tiếng sấm bởi khi ấy là có mưa rào đầu mùa, lúa tha hồ sinh sôi, đến vụ các con của mẹ lại được no căng bụng...

Giờ tháng ba lại về trên cánh đồng nông thôn mới quê tôi. Không còn đường đất nhầy nhụa, bùn ngập chân như xưa. Người ra đồng, xe máy đi đến tận ruộng vì bờ vùng nào cũng được bê tông hóa. Đến vụ cấy cày thì máy cày, máy cấy rộn vang khắp các cánh đồng, vừa nhanh vừa tối giảm sức lao động của con người. Từ máy bơm điện, chỉ loáng một cái thôi nước đã ào ạt khắp các cánh đồng. Nước được bơm theo lứa, bốn năm ngày một lần, đồng ruộng không còn vết nẻ chân chim. Mùa mưa lũ, các con kênh dẫn nước ra tận sông sâu, lúa cũng chẳng thể chết úng, chết ngập vì nước nữa. Năm hai vụ mùa bội thu, cánh đồng vàng trĩu những bông lúa xô vào nhau căng mẩy. Nụ cười tươi rói trên khuôn mặt người nông dân khi đưa những bao thóc căng đầy lên xe cải tiến chở về nhà.

Dẫu biết rằng cuộc sống đã đổi thay, no ấm hơn nhưng hình như tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó trong thẳm sâu ký ức của mình. Không còn những đàn trâu thong thả đi về trên đường làng mỗi buổi chiều tà. Không còn những đứa trẻ mục đồng như thuở thiếu thời chúng tôi reo hò chơi trận giả rồi ào xuống sông quê tắm mát. Giờ chẳng còn nhà nào nuôi trâu để cày ruộng nữa. Trẻ thì đi học ngày hai buổi ở trường. Tôi làm mẹ và không còn nỗi lo hạt thóc khi tháng ba về như mẹ nuôi tôi khi xưa. Nhưng tôi vẫn thấy mình mắc nợ tháng ba với mẹ. Tháng ba về, lưng mẹ đã còng thêm, tóc mẹ thêm nhiều sợi bạc. Nhìn bát cơm trắng, rưng rưng mẹ nhắc lại chuyện ngày xưa.

Ôi, tháng ba...

Hân Du
(Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày