Chủ nhật, 05/05/2024, 19:35[GMT+7]

Người Thái Bình trong phủ tổng thống

Thứ 2, 14/03/2016 | 15:29:07
787 lượt xem

Bà Trần Lệ Xuân tại hiện trường vụ ném bom dinh Độc Lập năm 1962.

 

(Tiếp theo kỳ trước)

 

KỲ VIII: SỰ HY SINH THẦM LẶNG

 

Tôi biết, từ trước tới nay, anh chỉ nhận tiền công ít ỏi còn tiền trợ giúp của chính phủ anh đều không nhận. Chỉ cần anh trung thành với gia đình họ Ngô chúng tôi và đừng từ chối những khoản trợ giúp, vợ con anh sẽ sung sướng suốt đời.

 

Trong thời gian làm phim tài liệu “Ông cố vấn”, chúng tôi có sưu tầm được một băng video ghi hình và lời nói của bà Trần Lệ Xuân do người Mỹ phỏng vấn. Tháng 7 năm 1969, khi đó bà Xuân đang ở Mỹ và lưới tình báo A22 của Vũ Ngọc Nhạ vừa bị CIA bắt tại Sài Gòn. Trong cuốn băng ghi hình có một câu hỏi:

 

- Thưa bà Trần Lệ Xuân, bà có nhận xét gì về ông Vũ Ngọc Nhạ - người từng nhiều năm làm cố vấn cho tổng thống Ngô Ðình Diệm và cho ông Ngô Ðình Nhu, chồng bà?

 

Bà Trần Lệ Xuân trả lời: Khi ông Vũ Ngọc Nhạ từ Huế về dinh Ðộc Lập làm cố vấn cho gia đình họ Ngô, được thường xuyên tiếp cận với ông, tôi thấy ông ta là một người khá đặc biệt: thông minh, thâm trầm, cẩn trọng, làm việc tận tụy nhưng không màng bổng lộc. Anh tôi - Ngô Ðình Diệm và chồng tôi - Ngô Ðình Nhu đã nhiều lần chu cấp tiền bạc để ông ta yên tâm suốt đời phụng sự họ Ngô nhưng ông ta khước từ. Người Mỹ đặt mua ông với cái giá 2 triệu đô (thông qua gia đình tôi) để rút ông ra khỏi lưới cộng sản (mà họ nghi ngờ) để ông cộng sự với họ, ông cũng từ chối. Khi CIA kết luận ông chính là cộng sản, bắt ông, xử ông theo luật người cộng sản phạm tội, tôi không có gì bất ngờ bởi từ lâu tôi đã nghĩ ông ta là cộng sản.

 

Vợ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người rất tôn kính và sùng bái Vũ Ngọc Nhạ. Biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, nhiều lần bà ta cho tiền ông cũng đều từ chối. Có lần bà Thiệu nhờ người tin cẩn đem 5 cây vàng và một số tiền đến nhà Nguyễn Thị Nhẫn (vợ ông Nhạ) ở xóm chợ Thị Nghè, bà Nhẫn cũng một mực không nhận. Bà Nhẫn bảo, mình nhận tiền của họ thì phải làm theo họ. Làm theo họ có nghĩa là mình đã phản bội rồi.

 

Ông ấy nhà tôi bảo: Phản bội là điều tối kỵ của người cộng sản. Mình đã chấp nhận dấn thân vào con đường này, dù có khổ ải, thiếu thốn, thậm chí cả hy sinh cũng không thể làm khác được. Biết nhà tôi không ai lay chuyển nổi, tôi càng yên tâm và xác định dẫu phải chạy chợ suốt đời nuôi chồng, nuôi con tôi cũng không quản ngại.

 

Bà Nhẫn không chỉ là người nội trợ chu đáo mà còn tham gia một phần công việc để giúp đỡ chồng. Có những công việc bà nghĩ, nếu để người khác làm, tính mạng của ông và cả gia đình sẽ không bảo đảm. Thế là bà tự nguyện đảm nhiệm công việc liên lạc và làm giao liên cho lưới tình báo A22 của ông. Vừa chạy chợ vừa chuyển tài liệu, tin tức ông thu thập được ở dinh tổng thống đến các cơ sở mật của ta. Nhiều khi bọn mật vụ theo dõi gắt gao, bà phải khoét trái cây cho tài liệu vào rồi giả đem bán để giao cho “khách hàng”. Một lần, trái cây có “mật hiệu” bị lẫn trong thúng quả đem bán. Sợ người mua phát hiện sẽ bị lộ, bà đã gánh về nhà đập vỡ cả hai thúng quả mới tìm được cái quả có chứa tài liệu. Từ ngày bà làm giao liên cho lưới điệp báo A22 của ông và trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản, mối nguy hiểm của gia đình bà tăng lên gấp đôi.

 

Bà Nguyễn Thị Nhẫn kể: Năm 1958, ông Vũ Ngọc Nhạ tự dưng “mất tích”. Suốt hai tháng trời bà đi tìm khắp đó cùng đây vẫn không thấy. Một buổi tối, bà đang ngồi lo lắng nghĩ tình huống ông đã bị thủ tiêu thì bỗng có tiếng gõ cửa. Bà ra mở. Người đàn bà hớt hải, vẻ lo sợ là Kim Chi, vợ ông Vũ Hữu Duật, điệp viên lưới A22 do ông Nhạ phụ trách. Khi cánh cửa khép lại, ngó chung quanh không thấy ai, bà Chi nói: Ông Nhạ bị bắt cóc cùng nhà tôi. Chúng đưa đi biệt giam ở tòa Khâm Huế. Biết tin, tôi vừa ra ngoài đó thăm ông ấy.

 

Bà Chi rút trong túi ra một cái bọc nhỏ đưa cho bà Nhẫn và bảo: Ông ấy gửi bộ quần áo lót đang mặc để bà yên tâm, ông ấy còn sống. Bà Chi nói tiếp: Ông Duật nhà tôi bảo hai ông phải giả vờ đi cầu tiêu rồi ông Nhạ cởi ra đưa nhà tôi cất vào trong người mang về cho bà. Bà chuẩn bị ra Huế thăm ông ấy đi.

 

Thế là từ đó, vừa buôn bán, nuôi con bà vừa chắt chiu thường xuyên ra Huế thăm nuôi chồng. Mãi tới khi ông Nhạ “lọt vào mắt xanh” Ngô Ðình Cẩn, cố vấn miền Trung rồi được ông Cẩn trình lên Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Diệm đón về dinh Gia Long làm cố vấn mới không phải lo nuôi chồng ở tù. Nhưng nỗi lo khác lại luôn ám ảnh. Người ta bảo “leo càng cao” thì ngã càng đau. Ông là cộng sản mà làm tới cố vấn tổng thống ngụy, lộ ra thì chết cả nhà, cả họ. Thời kỳ ông làm cố vấn cho Ngô Ðình Diệm, bà Nhẫn hai lần thót tim.

 

Lần thứ nhất vào đầu năm 1962, do người Mỹ giật dây, hai máy bay của phe đảo chính bất thần trút bom xuống dinh Gia Long định giết vợ chồng Ngô Ðình Nhu. Ðược tin ông Nhạ đang ở trong dinh, bà lo lắm. Sau mới biết ông và Ngô Ðình Nhu vừa ra khỏi phòng thì bom nổ, chỉ mình Lệ Xuân bị thương. Lần thứ hai vào ngày 28 tháng 11 năm 1963, các tướng lĩnh do Dương Văn Minh cầm đầu nổi lên đảo chính Ngô Ðình Diệm, giết chết ông Diệm, ông Nhu. Có người nói quân làm phản đã thủ tiêu ông cố vấn trước khi làm thịt Diệm - Nhu. Bà hoảng hốt nhờ người đi dò xét khắp nơi, mãi chiều tối hôm ấy mới thấy xác Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu bê bết máu nằm gục trên hai tấm phản, không thấy xác ông Nhạ. Rất may, nửa đêm hôm ấy thì ông về gõ cửa.

 

*

*      *

Một tai họa lớn ập xuống đầu những người vợ của anh em trong lưới tình báo A22 vào đúng ngày 16 tháng 7 năm 1969. Bọn địch đưa tin: Ðã phát hiện ra một nhóm cộng sản nằm trong chính phủ Việt Nam cộng hòa. Tất cả đã bị thủ tiêu dã man. Chúng tung tin đe dọa vậy. Vì áp lực đấu tranh rất mạnh, bọn địch không thể thủ tiêu được nên đã giam các ông để chờ ngày xét xử.

 

Bà Nguyễn Thị Nhẫn nói: Sau khi nhà tôi bị bắt, bọn mật vụ kéo đến bao vây lục soát, rồi nằm lì trong nhà tôi hàng tháng trời. Chúng dọa nạt không lúc nào yên, mẹ con tôi nhiều đêm không ngủ được. Chúng đưa ông Nhạ về nhà đối chất và lục soát. Chúng đánh ông ấy bầm tím chân tay, mặt mày sưng húp. Thương chồng và lo đàn con chúng dọa hành hung, mang bầu mới được hơn bảy tháng tôi đã sinh con.

 

Bà Nhẫn tiếp: Gia đình bà Như, bà Chi bọn mật vụ cũng kéo đến lục lọi và dọa không khai chúng sẽ giết cả nhà. Hai bà ấy cứng rắn, kiên quyết, có chết cả nhà cũng không cậy được miệng các bà ấy.

 

Hơn ba tháng sau, chúng đưa anh em trong lưới A22 ra xét xử tại tòa án Sài Gòn. Vụ án làm sửng sốt, rung chuyển cả bộ máy chính quyền ngụy. Chúng đặt câu hỏi vì sao nhóm cộng sản lại chui được vào chính phủ để thâu tóm dinh Ðộc Lập. Ai đặt cộng sản vào những chiếc ghế trong phủ tổng thống? Mật vụ có mắt như mù. Có người nói hay chính mật vụ đã thông đồng với cộng sản?

 

*

*      *

Biển thăm thẳm bao la, những ngọn sóng ào ạt đua nhau xô vào mạn tàu tung bọt trắng xóa. Giữa không gian mênh mông, trời biển hòa một màu sáng huyền ảo.

 

Ghi chép của Minh Chuyên

Đài Truyền hình Việt Nam

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày