Chủ nhật, 05/05/2024, 21:30[GMT+7]

Hồn thơ loang thấm giấc mơ vuông tròn

Thứ 2, 21/03/2016 | 09:00:05
1,685 lượt xem
Cựu chiến binh, nhà báo Hải Đăng (Nguyễn Lự), sinh năm 1944 tại làng Vải, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà; cử nhân kinh tế; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; nghỉ hưu, cư trú tại thành phố Thái Bình; đã xuất bản: “Lạc lối ca dao” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2015.

Bạn văn chương vui gọi Hải Đăng là nhà thơ trẻ. Từ trường đại học, tay súng tay bút đi chiến trường chống Mỹ cứu nước rồi trở về chuyên làm báo Đảng đến ngày nghỉ hưu. Là người yêu văn chương, làm thơ rất sớm nhưng đến tuổi 71 ông mới ra mắt thi đàn tập thơ đầu tay: "Lạc lối ca dao". Không gian, thời gian, sự, việc, cảnh, tình… để làm thăng hoa tâm hồn người thơ ở mỗi bài thơ trong tập khác nhau bởi nó được sáng tạo rải rác suốt trên chiều dài gần nửa thế kỷ. Nhưng chỉ qua tập thơ này chân dung thơ Hải Đăng đã được khẳng định trên thi đàn. Gam màu đậm trên chân dung ấy là: thấm đẫm văn hiến dân tộc, sự trong sáng ngôn ngữ thuần Việt, giàu sự kiện tâm hồn và dân dã nhân văn: "Chỉ là bùn đất vậy thôi/Nhưng yêu hết thảy muôn đời cây xanh/Lặng im tự rút ruột mình/Cho hoa thơm - Trái ngọt lành - Và, Ta!" (Tự sự).

Cái tôi nhà thơ độc lập, khách quan khi nhìn đời, nhìn cuộc, nhìn người, nhìn mình…, tinh tế và mang tầm sâu sắc về bản chất. Từ "Đâu hiểu hết rộng dài bộ rễ/Cứ lặng thầm chắt lọc đất nuôi cây" (Rễ) đến "Giọt mồ hôi thấm sâu từng thớ đất/Mầm cói bật xanh sau những bước chân người" (Mầm cói) đã minh chứng về bản chất cần mẫn, khiêm nhường, sống không bản vị… và những giá trị lao động có ý nghĩa đối với cộng đồng của người nông dân Việt Nam. Qua "Chùm thơ bốn mùa", ông lọc ra được nét đặc trưng của sự vật. Với mùa xuân "Xôn xao trời đất cựa mình"; với mùa hạ "Đất rùng mình đang mùa sinh nở lớn"; với mùa thu "Trời mông lung. Đất mông lung". Như vậy yếu tố thời gian của ba mùa xuân - hạ - thu đều liên quan đến vũ trụ: đất, trời. Còn riêng mùa đông dồn lại động đến lòng người, bởi "Tia nắng còn sót lại cũng già nua". Lý thuyết "Thiên - Địa - Nhân" của phương Đông đã thấm vào mạch thơ Hải Đăng. "Hai phía": giữa trời và biển, giữa động và tĩnh, giữa tuyệt chủng và sinh sôi, giữa người đi và người ở lại… tưởng là cách biệt nhưng nhà thơ vẫn nhận ra "Hai phía cuộc đời mải miết tìm nhau" bởi "Điều sâu khuất/Yên lặng bên này/Xao động phía bên kia" (Hai phía). Người đọc đến với thơ ông ở cái nét riêng trí tuệ, độc đáo ấy.

Cái chân - thiện - mỹ luôn là quỹ đạo của hành trình thơ. Tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt các trang thơ Hải Đăng là gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc và chữ tâm trong cõi nhân sinh. Văn hóa làng từ cổ xưa đã "Tứ linh tứ quý đầu đình/Ngàn năm không nỡ cất mình bay đi" (Lục bát lời ru) đến đạo đức đương đại "Mỗi chúng ta trong cuộc hành trình/Xin một lần ghé qua Đồng Lộc/Soi vào đó để biết trong, biết đục/Để sống sao cho xứng một kiếp người" (Viết ở ngã ba Đồng Lộc).

Bút pháp Hải Đăng nghiêng về thơ có cốt truyện. Ví như bài "Mẹ tôi": Lúc mẹ còn nhỏ đi ở đợ nhà người, 17 tuổi về lấy chồng. Chồng làm thợ mộc tha phương cầu thực, vợ ở nhà làm ruộng nuôi con, nhưng "Hạt lúa, củ khoai đến mùa thu hoạch/Rủ nhau về kho nhà người" và "Miếng cơm nào cũng chan đẫm mồ hôi". Mẹ khổ đến mức "Hình như không còn cả vui buồn/Cứ lăn lộn sống vì chồng con, cam chịu". Cách mạng đến "Cái trật tự muôn năm cũ đổ nhào", kinh tế nhà khá lên, con cái trưởng thành… nên "Nếp nhăn xưa trên mặt mẹ khác rồi/Cứ mỗi độ xuân về lại thêm rạng rỡ" vui với cháu con... "Bây giờ mẹ đã quy tiên/Cháu con luôn vọng về nơi sinh thành xưa cũ/Nhớ như tạc lời ru của mẹ/Nuôi chúng con thành người" (Mẹ tôi). Bài thơ kết cấu như một truyện ký viết bằng ngôn ngữ thơ.

Thơ định đề, triết luận xuất lộ nhiều trong "Lạc lối ca dao". Nhà thơ luận rằng "Rừng linh thiêng đâu phải chỗ của rồng/Và biển cả không của loài hổ báo/Biết không thể giá cơm túi áo/Thì tự mình, mình hát với mình thôi" vì "Đời là thế và muôn đời vẫn thế/Vạn vật sinh tồn với vạn lối đi riêng" (Có thể là như thế). Trong cư xử đời thường, ta cần biết mình, biết người thì mọi việc đều tốt đẹp, và đặc biệt cần biết mình là ai. Phạm trù triết học văn hóa này càng bổ ích trong chốn văn chương, trong binh thư, trong thương trường đương đại. Với danh lam chùa Keo, Di tích quốc gia đặc biệt - nhà thơ cảm nhận: Xưa "Tiếng chuông xuyên xoáy vào lồng ngực/Tiếng mõ nào cũng tiếng gõ trái tim/Lời cầu nguyện vợi đau nơi cửa Phật/Tháng tháng, năm năm, lặn lội kiếm tìm" (Chùa Keo) và Nay "Gặp trăm dáng rồng bay phượng múa/Gặp tinh túy ngàn năm lặn trong từng thớ gỗ/Em nhận ra mình trong dáng dấp ông cha" (Chùa Keo). Bảy bài trong chùm "Thơ 4 câu" ta cũng gặp lối thơ định đề, triết luận về thế thái nhân tình. "Đời thiếu gì những con bói cá/Áo da trời, thiền định lơ mơ/Vụt một cái mũi tên tách nỏ/Nạn nhân không một chút nghi ngờ" (II); "Ôi thời gian khắc nghiệt đến vô cùng/Vẫn chắt lọc cho đời muôn vị ngọt/Đời là thế/Đời dễ đâu quên được/Nơi cuối cùng - Hội tụ - Ấy niềm tin!" (IV). "Về Kinh Bắc" và "Lại về Kinh Bắc" - Hải Đăng xem ra như đã thổ lộ hết tâm can với quê quan họ, người quan họ… nhưng người thơ vẫn tỉnh trong tình yêu lứa đôi: "Hẹn nhiều, giờ mới lại lên/Hồn thiêng sông núi vọng trên đất này/Sông trăng Như Nguyệt vơi đầy/Loa Thành lông ngỗng còn bay trắng trời" (Lại về Kinh Bắc). Gặp lại mối tình đầu, lời tâm sự của nhà thơ không thoát ra ngoài phạm trù triết học "Còn đâu chín hẹn mười chờ/Thoắt ban mai đã bây giờ hoàng hôn/Mỗi ngày qua một hao mòn/"Nước thời gian" gội đâu còn tóc xanh" (Người ơi). Đến ngày 8/3 nhà thơ viết thơ tặng vợ còn kèm theo lời bình triết lý nhân sinh: "Ngày vui của nửa loài người/Và nửa kia với vạn lời yêu thương" (Ngày 8/3). Ôi! Trái tim nhà thơ đã dành nửa sự rung động cho lẽ sống ở đời. Đây là tạng thơ của Hải Đăng.

Bài "Lạc lối ca dao" dài đến 46 dòng thơ tự do, và cũng là tên chung của tập thơ. Điều đó chứng minh nhà thơ một lòng tâm niệm với văn hóa làng nói riêng, với bản sắc văn hóa dân tộc nói chung. Nhà thơ rất buồn vì một số nét văn hóa làng hôm nay bị khuất lấp đi trước cuộc sống đang phát triển. Vì thế mà một số người hôm nay đã bị "Lạc lối ca dao". Nhà thơ đã thắp lên ngọn đuốc thi ca cảnh báo và soi đường cho ta để khỏi "Lạc lối ca dao" - phải toàn tâm toàn ý giữ gìn truyền thống tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc: "Ca dao ơi… Cứ mở rộng lòng/Gọi cánh cò bay la bay lả/Về với hồn làng. Với lời ru của mẹ/Con cò bay trong ca dao" (Lạc lối ca dao).

"Lạc lối ca dao" mang hồn từ mạch nguồn văn hóa dân tộc. Từng trang thơ loang thấm sự vuông tròn - Mơ ước của cõi người miền văn minh lúa nước châu thổ Sông Hồng: "Cái cò lặn lội bờ ao/Qua vườn cổ tích bay vào lời ca/Bay vào giấc ngủ con thơ/Và bay vào những giấc mơ vuông tròn" (Về miền cổ tích).

Đỗ Lâm Hà
(Phường Quang Trung, thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày