Thứ 2, 06/05/2024, 01:41[GMT+7]

Ông Tâm

Thứ 2, 28/03/2016 | 09:04:35
781 lượt xem

 

Trời chuyển mùa. Không còn cái nắng gay gắt, chói chang của mùa hạ nữa. Ðã có heo may nhẹ vào mỗi buổi sớm. Nắng nhẹ hơn, mỏng hơn. Ông Tâm thấy trong người khó chịu. Ông cảm thấy nỗi buồn như chơi vơi hơn. Bà Lan vào quán, đưa cho ông mấy bộ đồ cũ:

- Lát nữa con Thảo có qua, chú nhớ đưa cho nó nhé. Hôm rồi, thấy chị em con Mai mặc quần áo rách quá. Con mẹ nó vẫn vậy đâu có chăm con được.

Ông Tâm khẽ thở dài.

- Người mong mỏi mắt mất cả tiền tỷ chả được nổi mụn con, người thì không có khả năng chăm con được thì lại... Tội mấy đứa nhỏ quá.

Ông thẫn người. Mấy ki - ốt được thuê cho các tiểu thương buôn bán còn gian lẻ cuối cùng thế không đẹp ông nhận thuê bán nước qua ngày để bớt trống trải. Ngôi nhà tình nghĩa chỉ mình ông ở. Chị ruột ông thương ông lắm. Bà và các con muốn đón ông về nhà mình để được chăm ông nhất là lúc trái gió trở trời vết thương tái phát. Nhưng ông nhẹ nhàng từ chối. Ông vẫn sống với quan điểm của mình “không được làm phiền người khác”. Dòng suy nghĩ đưa ông nhớ đến những đứa trẻ mà ông coi như người thân của mình...

Lớp 9A phân công Thảo, Hiền và Lam luôn tới thăm, đỡ đần để ông bớt buồn. Ba cô bé bàn với nhau sẽ sưu tầm một số bài thơ hay câu chuyện để đọc hoặc kể cho ông nghe. Ðã hai năm nay, chúng thường đến nhà ông sau mỗi giờ chiều tan học và ngày nghỉ cuối tuần. Chúng giúp ông kê lại cái bàn hay rửa bộ ấm chén và những việc chúng có thể làm. Chúng trong sáng như những giọt nắng sớm mai.

Nhà Thảo gần nhà bé Mai nên hễ ai có cho gì mẹ con bé thường gửi qua  ông vì tiện đường đi chợ. Sau đó, Thảo sẽ có nhiệm vụ cầm về đưa cho bà bé. Cả làng thương nhà bé nên họ thường cho lúc thì gói kẹo, lúc thì mớ rau, khi thì thức ăn thừa sau mỗi bữa cỗ. Mẹ Mai tên là Thơ, bị mắc chứng tâm thần dở điên dở tỉnh.

Với Lam thì lại khác. Lam tính trầm hơn. Bố mẹ đi làm ăn xa ở tỉnh khác mấy năm rồi chưa về thăm nhà. Lam ở với ông bà. Bố mẹ Lam có nhớ con cũng không dám tạt về quê những ngày nghỉ vì còn phải làm thêm để kiếm tiền, dành dụm về xây cất nhà cửa.

May mắn hơn cả là nhỏ Hiền. Bố đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc gần chục năm trời nên nhà cô bé khá giả. Từ ngày mở quán nước, ông được nghe nhiều chuyện khi người ta bước chân vào. Thi thoảng ông có việc phải đi xa vài ngày, bỗng thấy nhớ cái không khí quán nhỏ. Ông yêu cái không khí này. Tiếng hỏi han nhau làm không gian ở quê thêm ấm cúng. Quán cho ông một không gian đầm ấm được ngày ngày hóng hớt chuyện người, chuyện làng, chuyện đời... Dù mỗi người mỗi phận nhưng ẩn dấu ngay trong cả số phận éo le nhất cũng đầy hơi ấm tình người, tình quê. Như chuyện của Thơ cũng vậy. Nó cứ lang thang vậy rồi một ngày bụng nó lùm lùm. Người ta thương hại rồi lo lắng, ai sẽ chăm nuôi đứa trẻ? Rồi khi sắp vượt cạn người cho ít tã, người ít quần áo. Thơ sinh đôi, một trai một gái. Gương mặt hai đứa trẻ giống y hệt mẹ, đẹp như những thiên thần.

Lam vui vẻ báo cho ông một tin khiến ông cũng mừng lây. Bố mẹ nó sắp về. Mẹ nó đã có thêm em bé. Mẹ nó bảo sẽ ở quê sinh em còn bố sẽ đi làm xa thêm vài năm nữa. Niềm vui chưa được bao lâu thì tối đó ông đã nghe người ta đồn về chuyện nhà con bé Hiền. Bố Hiền về nước thì sinh chuyện rồi kiếm cớ bỏ mẹ con nó để cưới cô bồ làm cùng bên đó. Ông thấy lòng bồn chồn. Mấy hôm nay không thấy con bé Hiền ra với ông. Niềm vui cứ xen lẫn nỗi buồn. Ông thấy con bé Hiền tội nghiệp quá.

Vết thương trên ngực lại đau. Những loại thuốc vào người ông gần như chẳng còn tác dụng. Ông biết đó là sinh mệnh của mình. Mấy đứa trẻ thi nhau kể chuyện để ông bớt đau. Ông cố gượng cười sau mỗi tiết mục chúng biểu diễn và đưa tay vỗ vì khán giả duy nhất chỉ có mình ông.

Sinh nhật của ông tới, chúng rỉ tai nhau sẽ mua tặng ông một món quà. Chúng mua một bó hồng trắng thật to đến tặng ông. Ông cảm nhận niềm vui mà mấy đứa nhỏ mang tới cho ông đến mức bàng hoàng. Sao chúng lại biết ông thích hoa hồng trắng. Có giọt nước mắt hạnh phúc khẽ lăn dài từ hốc mắt sâu quầng, nhăn nheo. Hình ảnh những đóa hoa trắng và ánh mắt trong veo của đám trẻ khiến ông nghĩ tới các thiên sứ trong các câu chuyện kể. Ông lâng lâng đọc cho đám trẻ bài thơ trên báo có nội dung viết về những đứa trẻ như chúng. Ðám trẻ vui khôn tả. Bất ngờ ông hỏi:

- Vì sao các cháu biết ông thích hoa hồng trắng?

Lam nhanh nhảu:

- Vì nó gắn với kỷ niệm tình yêu của ông ạ.

- Sao các cháu biết?

Chúng ấp úng nhận lỗi với ông vì hôm trước ông nhập viện cấp cứu, chúng về tìm sổ khám bệnh cho ông đã đọc trang nhật ký mà ông bỏ ngỏ trong ngăn tủ.

- Thì ra vậy. Ông không trách các cháu đâu.

Thoáng thấy sự lo lắng trên gương mặt các thiên thần ấy biến mất. Ông chậm rãi:

- Các cháu ạ! Yêu một người là muốn người đó thật hạnh phúc. Ông bị thương thế này không thể mang lại hạnh phúc cho bà được. Ông không thể để bà khổ theo ông cả một đời.

Ông nhìn xa xăm:

- Những gì không may mắn, một mình ông chịu là đủ. Cũng do chiến tranh mà ra cả. Lớn lên rồi các cháu sẽ hiểu...

Ông cố nén tiếng thở dài:

-  Mãi sau này, bà ấy đã hiểu được lòng ông. Vì thế mà mấy năm ông bà học cùng nhau thời phổ thông và những kỷ niệm càng đáng trân trọng, nâng niu.

Trong ông, hình ảnh ông là một anh tân binh ngày nào lại ùa về. Ngày ông nhập ngũ phải đi đò qua bến sông. Bà bỗng chạy tới, đặt vào tay ông chiếc khăn tay có thêu hình bông hồng trắng. Sau đó, bà lại hớt hải chạy đến hố bom cùng mọi người san lấp tiếp. Cái hố bom do máy bay Mỹ bỏ làm sạt lở cả một vạt bờ sông lúc chúng leo thang bắn phá miền Bắc. Ðơn vị ông bước đi trong lời ca hào hùng của đoàn quân Nam tiến. Những bài ca cách mạng không thể nào quên như thôi thúc ý chí và quyết tâm của tuổi trẻ cầm súng đánh giặc. Ðám trẻ im lặng. Ông nói tiếp như thể lâu lắm rồi mới có người hiểu ông để giãi bày.

- Ông được sống đến ngày hôm nay thì cũng may mắn hơn nhiều đồng đội của ông rồi. Ông đã hứa với những người đã ngã xuống, sẽ làm theo những gì họ dặn, rằng dù được sống thêm một giây phút nào thì ông cũng sẽ sống sao cho thật có ý nghĩa để sự hy sinh của họ không vô nghĩa. Và ông cũng rất mừng vì các cháu như những bông hoa ơn nghĩa đã an ủi ông rất nhiều.

Ðêm ấy, ông khó ngủ. Ông mở toang cửa cho gió lộng từ lòng sông lùa vào. Dòng sông vẫn khi đầy khi vơi. Ông mừng vì bố mẹ nhỏ Hiền đã qua cơn sóng gió đoàn tụ vui vẻ. Bố con bé Lam đã xây cất thêm được nếp nhà an toàn hơn khi mùa mưa bão về. Và cả ông nữa, ông cũng đã làm được những việc gì ông cần làm...

Ðám tang của ông đông chưa từng có ở cái làng quê yên bình này. Bạn trên huyện, bạn trên tỉnh, bạn ở trung ương và nhiều nơi khác đánh xe về kính viếng để ô tô chật sân nhà văn hóa lại kéo dài cả cây số ở đường làng. Nhiều người trầm trồ, ông Tâm hàng nước đầu chợ lắm bạn sang đến thế. Theo di nguyện người quá cố, đám tang không kèn trống lặng lẽ nhưng rất trang nghiêm. Nhiều người đưa tang thầm cảm ơn ông đã đưa hài cốt liệt sĩ là người thân của họ từ các chiến trường về nghĩa trang quê nhà. Có nhiều người còn nhớ đến hình ảnh một người lính già hay đi vận động các doanh nghiệp làm từ thiện để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam hay trại trẻ mồ côi...

   Trong dòng người đưa tiễn, có ba cô bé mặc đồ xô trắng đi sau xe tang. Ðám tang không có tiếng khóc nhưng dòng lệ ai cũng cứ rơi. Sau cùng, quỳ xuống thắp nén nhang là hai mẹ con người thiếu phụ. Bà đã để lên mộ ông một bó hồng trắng tinh khôi. Mùi thơm nhẹ nhàng lan xa trong gió. Người con gái đầu cúi xuống trầm mặc. Trong lòng cô vô cùng biết ơn người dưới mộ đã giúp cô thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Người ta tin rằng, lúc sống, ông làm những điều nhân đức thì khi về với cát bụi, ông sẽ được siêu thoát...

 

HÂN DU

Trường Tiểu học Thụy Hồng, Thái Thụy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày