Chủ nhật, 05/05/2024, 18:28[GMT+7]

Danh dự

Thứ 2, 27/06/2016 | 08:49:41
690 lượt xem

Đã gần một năm trời. Từ khi biết tin chính thức: Nhà nước sẽ mở một con đường đi qua thôn Đình thì trong thôn cũng lan đi một tin. Nó trở thành thời sự nóng hổi trong thôn là đường sẽ mở rộng và qua phần mộ nhà bà cụ Kinh. "Mộ bà cụ Kinh đang phát". Nhiều người cho tin đó là đúng. Này nhé cách đây mấy năm, con cháu cụ Kinh làm ăn học hành cũng bình thường như mọi nhà khác. Thế mà hai năm nay, anh con trai của cụ thuê nhà ở thành phố buôn bán đã phát lên giàu có, nghe đâu còn mua được cả nhà gần chợ. Ba đứa cháu nội một đứa cháu ngoại đều đỗ đại học. Mọi khi không ai để ý nhưng từ khi có tiếng đồn, ai đi qua ngôi mộ cụ Kinh cũng dừng lại: ngắm nhìn và đều có cảm giác đám đất quanh mộ cụ Kinh mỗi ngày được cao thêm!

Theo thiết kế, toàn bộ khu đất cao đó có ngôi mộ cụ Kinh nằm trong mặt đường và hành lang con đường. Ngay từ khi nghe tin mở con đường, bà Tèo con dâu cụ Kinh đang buôn bán trên tỉnh, dẫy nảy lên nói với chồng:

- Anh phải về ngay nói với bố: Mộ của mẹ đang phát, con cháu được hưởng lộc, không được chuyển mộ mẹ đi đâu cả.

Ông Thành lưỡng lự:

- Tôi biết tính cụ. Để tôi về lựa lời nói với cụ.

Bà Tèo như dẫm phải lửa:

- Lựa cái gì. Ông cứ nói với cụ là ông không đồng ý, không ký vào lời khai, thì cụ nào dám đồng ý.

Bà Tèo mỉa mai:

- Hay cụ dở chứng, muốn con cháu xách bị đi ăn xin. Bà đay nghiến:

- Ông không nghe tôi, có chuyện gì xảy ra ở cái nhà này là tại bố con ông cả đấy.

Từ thành phố phóng xe về. Lựa lúc cụ Thật ngồi uống trà. Ông Thành hỏi bố:

- Bố định thế nào về ngôi mộ của mẹ con. Cụ Thật nhìn ông Thành. Cụ chưa hiểu ý định người con thế nào.

- Đây là việc của nhà nước, của nhân dân - Cụ dừng câu nói như cân nhắc thêm - Bố đồng ý chuyển mộ mẹ con đi nơi khác.

Ông Thành tỏ vẻ bất ngờ.

- Bố nghĩ kỹ chưa? Mộ mẹ con đang phát, con cháu đang ăn nên làm ra, học hành giỏi giang. Bố đồng ý cho chuyển mộ mẹ con đi khác gì tự chặt vào chân mình.

Cụ Thật trầm ngâm suy nghĩ, cụ nhỏ nhẹ. Hai năm gần đây vợ chồng các con làm ăn được là nhờ cơ chế nhà nước mở ra tạo điều kiện thuận lợi. Còn các cháu đỗ đạt vào các trường đại học là do các cháu chịu khó học hành, lại được các thầy cô giáo dạy dỗ đến nơi đến chốn. Việc làm đường là chủ trương của trên góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều người dân trong xã, trong thôn đã nhất trí cao, không lẽ nhà mình lại gây khó khăn.

Ông Thành cầm chén nước trên tay như để cân nhắc thêm câu nói!

- Con nghĩ nhà mình không gây khó khăn gì, mà chỉ đề nghị cho chuyển con đường dịch về phía Tây 10 - 15m thôi thì mộ mẹ con không phải di chuyển.

Cụ Thật thấy ngạc nhiên. Mọi khi người con của cụ chỉ nói chuyện kinh doanh, lỗ lãi, rồi số đề nọ, số đề kia... sao hôm nay lại nói chuyện mồ mả. Cụ nói thong thả:

- Nếu mẹ anh linh thiêng như người ta nói thì việc chuyển mộ bà để làm một việc có ích cho dân chắc dưới suối vàng bà cũng thỏa lòng.

Giọng cụ Thật nghẹn ngào. Cụ lại bàn thờ thắp ba nén hương cho cụ bà. Ông Thành cố thuyết phục bố:

Bố đi bộ đội mấy chục năm. Bản thân bố là thương binh, em con là liệt sĩ. Nếu bố đề nghị, con tin chắc họ sẽ chỉnh con đường về phía Tây, tránh mộ mẹ con.

Cụ Thật thấy hai thái dương giật giật:

- Anh nghĩ việc Nhà nước mà đơn giản vậy sao? Tôi không muốn đem những thứ anh vừa nói ra mặc cả đòi hỏi bất kỳ quyền lợi gì.

Ông Thành nhìn bố trân trân, nhớ lại lời đay nghiến của vợ. Ông sầm sầm mở cửa đi ra.

- Con và vợ con không nhất trí và không cho phép ai được chuyển mộ mẹ con đi đâu cả.

Tuần qua cụ Thật sống trong tâm trạng dằn vặt. Cụ nghĩ: Chủ trương mở con đường ai cũng thấy là đúng. Mức đền bù của trên được công khai và thỏa lòng dân. Mấy chục năm trong quân ngũ, giờ nghỉ hưu cho đến nay cụ luôn tự răn mình, giữ gìn danh dự bản thân. Cụ thường nói với con với cháu: "Con người sống trên đời cái quan trọng nhất là giữ gìn danh dự". Cụ nói sao làm vậy, cụ luôn là tấm gương sáng về nhân cách sống trong làng xóm. Lần này con trai, con dâu gây sức ép với cụ. Cụ thấy buồn cho cách nghĩ suy và hành sự của con. Cụ biết một số gia đình chưa nhận tiền đền bù là họ đang chờ xem vụ giải quyết ra sao về ngôi mộ của cụ bà.

Cái tin "mộ cụ Kinh đang phát" là từ miệng vợ chồng lão "Tiến Tùng" nói ra.

Tên khai sinh của hắn là Hà Tiến Đảo, mọi người gọi hắn là "Tiến Tùng" là vì trước đây hắn làm nghề buôn lợn con, gà con, cá con... Lợn con hắn mua về nuôi trong chuồng mấy ngày, trước khi đem đi chợ bán, hắn lấy lá khoai ngứa sát cho lợn đỏ mọng da lên, ai cũng tưởng lợn hồng hào, da mọng dễ nuôi, chóng lớn. Còn gà con thì gà cái hắn bảo gà đực... làm ăn gian dối, lừa đảo, lão giàu lên nhanh chóng. Mấy năm gần đây có tiền, lão chuyển sang làm "cò đất". "Tiến Tùng" có mảnh đất đối diện và cách mảnh đất mộ cụ Kinh gần chục mét. Khi biết có con đường mở về hướng Tây, hắn reo lên và tự nhủ: "Phen này có mấy ô đất mặt đường". Số giàu mang đến dửng dưng. Nhưng khi cán bộ cắm mốc đường thì mảnh đất của hắn còn cách đường quá xa. Hắn cụt hứng, đất của hắn rơi vào lô hai, bán không có giá, chỉ có lô số một là kiếm được thôi. Ngắm nghía mảnh đất, hắn tiếc đứt ruột và hắn ước ao: Phải, con đường chỉ dịch 10 đến 15 mét sang gần đất nhà hắn thì mảnh đất nhà hắn trọn vẹn là lô số một mặt đường lại là hướng Tây Nam, tuyệt! Hắn chợt nhìn thấy ngôi mô cụ Kinh, hắn nhẩm tính. Về nhà, hắn tức tốc sang nhà thầy cúng làng Hạ. Rồi cái tin "Mộ cụ Kinh đang phát, thiêng lắm" nhanh chóng lan truyền trong làng, trong xã. Hắn gặp vợ ông Thành to nhỏ:

- Mộ cụ Kinh đang phát thế mà chuyển đi là mạt vận đấy.

Lần sau hắn lại nói:

- Nếu con đường tránh mộ cụ Kinh thì có 3 - 4 lô đất ở mặt đường. Anh để cho cô chú một lô làm nơi kinh doanh, anh chị lấy bằng nửa giá của người khác. Cô chú cứ đưa tiền trước, anh viết biên nhận cho.

Tin lời "Tiến Tùng" vợ Thành đã đem gửi 30 triệu đồng cho hắn.

Chỉ còn hai ngày nữa, các gia đình gửi tờ khai tài sản để nhận tiền đền bù. Suốt đêm qua cụ Thật không ngủ. Sáng ra cụ lấy chiếc khay nhựa phủ mảnh vải đỏ lên. Cụ mở hòm lấy tấm thẻ đảng viên, thẻ thương binh và một số huân huy chương... Những thứ mà lâu nay cụ giữ gìn rất cẩn thận. Cụ đặt tất cả vào khay, rồi đưa lên bàn thờ, thắp ba nén hương. Giọng cụ nghẹn ngào:

- Cuộc đời tôi và những thứ tôi có hôm nay là có công lớn của bà. Tôi và bà là người suốt đời giữ danh dự. Việc chuyển ngôi mộ của bà về nghĩa trang là vì lợi ích lâu dài của nhà nước, của toàn dân. Tôi tin nơi chín suối bà thỏa lòng. Tôi không bảo được con, tôi buồn lắm!

Ba nén hương cháy cong dần, hương khói quấn quýt trong nhà. Cụ Thật nhìn vào đôi mắt cụ Kinh trên di ảnh. Đã hằng trăm lần cụ thắp hương và đứng lặng lẽ nhìn vào đôi mắt người vợ quá cố thân yêu. Suốt một đời tận tụy cho chồng, cho con, chưa bao giờ cụ thấy đôi mắt hiền từ ấy sống động như hôm nay. Vừa như an ủi, vừa như san sẻ với cụ. Những hạt nước mắt li ti kết thành hai giọt nước lăn trên gò má nhăn nheo của cụ. Có tiếng động ngoài sân. Cụ Thật nhìn ra thấy ông Thành dựng xe đi vào nhà; hơn mười ngày ông không về. Ông thấy bố ông gầy hẳn đi, hai hốc mắt sâu thêm.

- Hôm qua bố nhắn người gọi con về ạ!

Cụ Thật, tay giữ ngực cho bớt cơn ho. Cụ chậm chạp ngồi xuống ghế rồi chỉ chiếc ghế trước mặt.

- Anh ngồi xuống đây. Tôi có chuyện muốn nói với anh.

Chưa bao giờ ông Thành thấy nét mặt của cụ Thật buồn và căng thẳng đến thế. Ông biết cụ chuẩn bị nói với ông một điều hệ trọng. Cụ Thật đứng lên, hai tay với chiếc khay đặt trên bàn thờ, để trước mặt ông Thành!

- Anh biết những thứ này đối với tôi ý nghĩa thế nào rồi. Suốt đời tôi giữ gìn danh dự để xứng đáng với chúng. Bao nhiêu năm nay tôi tâm niệm: Tôi có thể chịu đựng bất kỳ gian khổ nào. Nhưng tôi không thể chịu đựng nỗi nhục.

Ông Thành hiểu bố mình sắp nói đến chuyện chuyển ngôi mộ của mẹ ông, mà hơn tháng nay bố con chưa thống nhất được với nhau. Gần đây ông thấy bố mỗi ngày một suy sụp. Mấy lần ông đã định đồng ý theo bố. Nhưng khi về đến nhà, vợ ông lại tỏ ra kiên quyết, khóc lóc, ông thấy phân vân. Nhưng sáng hôm qua, khi mở tủ lấy tiền đi nhận hàng ông thấy thiếu mấy chục triệu. Hỏi vợ mấy lần, vợ mới chịu nói lại chuyện "Tiến Tùng" hứa bán cho lô đất, ông mới hiểu vợ ông đã mắc mưu "Tiến Tùng". Nhận được tin bố nhắn về, ông định hôm nay về sẽ nói lại chuyện đó với bố và bàn ngày chuyển mộ mẹ. Chờ cho cụ Thật bớt cơn ho, ông Thành đứng dậy:

- Thưa bố...!

Cụ Thật đưa bàn tay run run ngăn lại. Rồi hai tay cụ nâng chiếc khay lên. Cụ nói đứt quãng nhưng rõ ràng, rành mạch từng tiếng.

Bây giờ tôi... chỉ... còn một cách... là... trao trả... lại... những... thứ thiêng... liêng... này cho tổ chức... tôi thấy mình... không... còn... xứng đáng... nữa!

Hai mắt cụ mở to, cụ cố nâng chiếc khay lên cao để nhìn cho rõ hơn. Cụ lặng đi ít phút. Cụ từ từ đặt chiếc khay xuống bàn ôm ngực. Mặt cụ tái, môi mấp máy, người ngã về phía trước. Ông Thành hốt hoảng ôm lấy bố, thảng thốt gọi:

- Bố ơi!

Truyện ngắn của Ngọc Tuyền
(Vũ Vân, Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày