Người lạc về đâu
LTS: Cách nay 24 năm, trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ năm 1992, Báo Thái Bình đã đăng bút ký “Người lang thang không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên - khi đó là phóng viên Báo Thái Bình, nói về cuộc đời lang thang, lưu lạc đầy bi thảm của thương binh nặng Nguyễn Đình Thúc, quê làng Tống Vũ, xã Vũ Chính, huyện Vũ Thư, nay thuộc thành phố Thái Bình. Bài ký sau đó được Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam in lại và đạt giải nhất cuộc thi bút ký của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Bài ký đã gây xúc động mạnh mẽ dư luận cả nước. Sau khi Báo Thái Bình đăng, phát hành, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như Đoàn cải lương trung ương, Đoàn kịch nói Thái Bình, Hãng phim Sài Gòn giải phóng, Đài Truyền hình Việt Nam... đã chuyển thể bài ký thành các loại hình kịch cải lương, kịch nói, phim tài liệu, phim truyện... Sau đó tác giả tiếp tục đi tìm hiểu và phát hiện thêm nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn xung quanh cuộc hành trình lang thang của thương binh Nguyễn Đình Thúc. Ngoài các nhân vật chính, gia đình ông bà Lê Minh Châu (Thủ Lệ, Cầu Giấy, Hà Nội) - gần 10 năm cưu mang anh Thúc còn nhiều nhân vật khác cũng đã từng cưu mang, cứu giúp và chứng kiến sự huyền thoại trong cuộc đời thương binh nặng Nguyễn Đình Thúc trong hơn 10 năm lang thang nơi đất khách quê người. Nhà văn Minh Chuyên đã tập hợp tư liệu, viết lại câu chuyện trên dưới góc nhìn văn học bằng cuốn tiểu thuyết “Người lạc về đâu” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Câu chuyện trong tiểu thuyết được tái hiện trên nền hiện thực của bút ký “Người lang thang không cô đơn” và được bổ sung nhiều tình tiết hấp dẫn, đầy xúc động, mang đậm chất nhân văn sâu sắc. Kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 năm nay, Báo Thái Bình trân trọng giới thiệu tiểu thuyết “Người lạc về đâu” trên các số Báo Thái Bình chủ nhật. Ban Biên tập
Chương 1: Chờ ngày anh về
Những tia nắng cuối cùng của một ngày hè oi ả đang vội vã khép lại. Ráng chiều vàng rực còn sót trên vòm cây cao tít lảng bảng tan dần. Trời bỗng nổi gió. Tảng mây màu ngũ sắc đằng tây đột biến, xám lại, rồi cuồn cuộn, lô xô, đùn lên phía ráng chiều vừa khuất, chả mấy chốc đã che kín một góc chân trời. Phía ấy, chớp loằng nhoằng vạch vẽ lên khoảng trời đùng đục. Gió ào ào tung cát bụi mù mịt đường làng. Thấy Học tất tưởi dắt xe qua, bà Thông đon đả gọi, hỏi:
Kìa cô Học, trời đang có giông, cô đi đâu thế?
- Cháu có chút việc phải sang thầy u cháu bên kia.
- Thế hở! Cô đứng lại, tôi hỏi tí đã.
Bà Thông ái ngại nói tiếp:
- Có phải sang việc chú Thúc không? Tôi nghe nói ở trên vừa gửi giấy về… mà chân tay cứ bủn rủn cả ra. Có đúng thế không cô?
- Cháu cũng chưa rõ bác ạ.
Bà Thông vẻ ngạc nhiên:
- Sao, cô cũng chưa rõ thật à?
- Vâng, cháu vừa ở vùng kinh tế mới ra, nghe nói vậy cháu vội sang thầy u cháu bên ấy đấy.
- Ừ, thế cô đi đi. Tôi là tôi thương chú Thúc lắm cô ạ. Hồi ở nhà, chú ấy hiền lành, cả làng cả xóm ai cũng quý mến.
Chợt nhớ ra điều muốn nói, bà Thông hỏi tiếp:
- À, có phải vào vùng kinh tế mới trong Nam rồi cô lặn lội đi tìm chú Thúc vất vả lắm phải không? Khổ quá! Ông trời rõ không có mắt. Thôi, cô đi nhá.
Nhưng kìa, trời sắp mưa to rồi, cô phải nón áo vào chứ kẻo ốm thì khổ đấy.
- Vâng, cháu đi bác ạ!
Học lên xe, đạp vội vã. Bà Thông ngước nhìn theo. Mưa bắt đầu lộp bộp gõ trên các tàu lá chuối, đuổi theo bóng cô gái nhạt nhòa trên đường.
Ðấy là ngày nguyệt tận của tháng bảy năm một chín bảy sáu. Với Học là một ngày cả đất trời như chao đảo. Cơn choáng ngất ập đến dìm cô vào biển nước mắt. Nỗi buồn tê tái thấm lặn trong từng thớ thịt dâng khắp cơ thể làm cô bả lả. Bao nhiêu hy vọng đợi chờ dồn nén bỗng dưng tan biến. Học từng cầu mong cho Thúc bình an để ngày chiến tranh kết thúc Học được đón anh về. Anh và Học sẽ cưới nhau. Sẽ sống đầm ấm và hạnh phúc. Rồi hai người làm mẹ, làm cha. Những đứa con nửa giống Học, nửa giống Thúc kháu khỉnh và hiền lành. Một lần biên thư cho Thúc, Học đã chọn đoạn thơ của một nữ thi sĩ mà cô thích nhất rồi gửi cho anh:
Người vợ hiền, tựa vào vai chồng sau những ngày giông bão
Ðể em mãi mãi tựa vào vai anh
Chúng mình sẽ như đôi sam thơm thảo
Suốt đời sống chết có nhau…
Học sẽ bù lại cho anh những tháng năm xa cách bằng chính lòng thương yêu của mình. Nhưng ước mơ và nỗi niềm khao khát của cô đâu có thành sự thật. Anh đã vĩnh viễn không về. Ðời một người con gái, không mất mát nào lớn bằng mất người mình thương yêu. Mất người mà suốt đời mình gửi thân vào đó. Mặc dù những tháng năm chờ đợi Học đã xác định sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro có thể xảy ra. Nhưng rồi khi nhận được tin Thúc không còn nữa, Học vẫn bàng hoàng.
Dân làng Tống Vũ không chỉ một lần quây quần lặng lẽ vĩnh biệt chiến sĩ Nguyễn Ðình Thúc. Cái làng nhỏ bé này đã trên một trăm lần làm lễ trang trọng, nghiêng mình vĩnh biệt những người con quê hương lần lượt anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Ðiều đó làm Học nhận ra, trong cuộc chiến tranh tàn khốc, sự mất mát đâu chỉ ở một gia đình Học. Ðể có ngày hôm nay, ngày đất nước hoàn toàn độc lập biết bao người đã phải đổ máu. Biết bao cô gái, bà mẹ phải gánh chịu suốt đời sự mất mát. Nhưng họ vẫn nén lòng chấp nhận và lầm lũi chịu đựng. Ở đất nước này, hình như sự chịu đựng ấy đã thành quen rồi.
Nhận ra điều cao cả đó song nỗi đau mất mát vẫn cứ gặm nhấm lòng cô. Kỷ niệm mối tình đầu sâu nặng, ẩn chứa trong trái tim thơ trẻ một thời vẫn chập chờn trong ký ức. Ngày ấy, Học vẫn còn trẻ lắm. Sức trẻ mơn mởn tôn vẻ đẹp thiên nhiên vốn của tạo hóa ở một cô gái tư chất dịu dàng, đằm thắm và có đôi mắt đượm buồn. Cái vẻ chân chất ở người con gái thôn quê ấy đã đánh thức lòng khao khát yêu đương của một chàng trai hơn Học ba tuổi. Ðó là Thúc. Thúc lực lưỡng, cường tráng, đẹp trai, ai cũng khen hai người xứng đôi lắm.
Học ở Tống Văn, Thúc ở Tống Vũ, hai làng cách nhau một con sông chia đôi đồng lúa. Gia đình ông bà Tám chọn ngày lành tháng đẹp đưa trầu cau, lễ vật sang gia đình ông bà Hợp làm lễ ăn hỏi, từ đó con đường phi lao cao vút chạy qua đồng lúa, cái gạch nối của hai làng thành nơi Học và Thúc hò hẹn những đêm trăng sáng.
Tình yêu của đôi trai gái ấy cứ tưởng không có phép màu nào làm họ có thể rời nhau. Nhưng rồi cuộc chiến tranh ập đến. Tổ quốc lúc lâm nguy như một sức hút kỳ lạ, thanh niên trai tráng trong làng lớp lớp tòng quân đi cứu nước. Con đường phi lao, cát sỏi, cỏ viền đêm ấy được minh chứng hai người trai gái yêu nhau. Chẳng giống những lần hẹn hò gặp gỡ trước, cứ hay bông đùa, hờn dỗi, rụt rè, lần này, họ trong tâm trạng sắp phải chia tay với thời gian cách xa không hạn định. Thúc dang tay ôm Học vào lòng. Học ngượng ngùng gỡ ra. Nhưng đôi bàn tay mềm mại yếu dần để mặc cho bàn tay khỏe chắc của anh níu lại. Rồi Học ngả đầu vào vai Thúc ngồi yên, thổn thức. Kệ cho bàn tay anh âu yếm vuốt lên mái tóc thoang thoảng mùi lá bưởi mới gội, mượt mà của cô.
- Anh đi Học nhớ không?
- Nhớ!
Quay sang, Học bắt gặp đôi mắt đăm đắm của anh đang nhìn. Anh hỏi:
- Nhớ thế nào?
- Như đêm nay này.
Hai người mỉm cười. Thúc cúi xuống hôn lên môi Học. Cô đáp lại tình yêu bằng đôi môi động đậy, run run và đột nhiên hỏi lại:
- Thế anh đi có nhớ Học không?
- Nhớ!
- Nhớ thì biên thư về luôn nhé.
Thúc hứa:
- Anh sẽ biên mỗi tháng hai thư.
- Thật không?
- Thật. Không biên thư cho Học anh còn biết biên thư cho ai nữa.
Toàn chuyện vẩn vơ mà tưởng không bao giờ cạn. Càng về khuya trăng lại càng sáng. Trăng như quả bòng vàng dính trên nền trời vời vợi. Thi thoảng một đám mây bông bạc trôi ngang, đột ngột khép bầu trời lại. Bóng tối mờ ảo bao trùm.
Ðám mây lại vội vã trôi qua, trả lại ánh trăng chan hòa cho đồng lúa, cho đôi trai gái. Ánh trăng lọt qua những vòm phi lao, rơi xuống con đường cát sỏi, cỏ viền như có người rắc lên những chùm hoa trắng. Gió nồm phảng phất thổi mùi hương lúa thoang thoảng, thổi những chùm hoa trắng xôn xao. Ở cuối làng Tống Vũ, chiếc diều của ai đó buông từ chiều hôm vẫn cần mẫn thả vào không gian những tiếng sáo ngân vang da diết.
- Trăng đẹp quá anh nhỉ.
- Ừ, đẹp quá.
Hai người cùng ngước nhìn. Ông trăng vẫn tròn dính trên nền trời vời vợi. Ước gì không có chiến tranh, chúng mình được ngồi mãi mãi ngắm trăng như đêm nay.
- Em phải ước thế này cơ - Thúc cười bảo: Ước gì chiến tranh mau kết thúc để người yêu về ngồi ngắm trăng cùng em. Khúc khích cười. Vòng tay Thúc vẫn ấm áp quàng ngang người Học, âu yếm và im lặng. Rồi bỗng dưng Thúc nói:
- Anh đi không biết bao giờ trở về, Học có chờ anh không?
Học gật gật, cái gật sao yêu thế:
- Anh yên tâm. Em sẽ chờ đợi. Chờ anh suốt đời.
Thúc nói:
- Lỡ ngày về, anh thành tàn tật, Học có yêu anh nữa không?
Học nhìn Thúc giận yêu và trách:
- Anh cứ lo xa, đầy người đi chiến trường về có sao đâu!
Cô nói tiếp:
- Em cầu mong cho anh lên đường bình an vô sự. Còn lỡ chẳng may, anh về không còn nguyên vẹn, anh vẫn là của Học mà.
Lời Học như bay ra từ trái tim, chân tình và tha thiết. Thúc xúc động ngả mình vào Học, dính môi lên môi cô. Làn môi mềm ấm rung lên đáp lại, rồi từ từ buông ra. Học nói:
- Chỉ sợ ngày ấy Học già và xấu đi, về lại yêu người khác.
Lời nói sao yêu thế. Thúc bảo:
- Không bao giờ, tin anh chứ.
Lại im lặng và âu yếm. Ðêm khuya yên tĩnh hơn. Trăng vẫn vằng vặc sáng. Gió thoang thoảng đưa mùi hương lúa thân thuộc. Vòm phi lao vẫn rung rinh ánh trăng lên mặt đường. Ôm Học sát vào mình, giọng Thúc run run, ngập ngừng:
- Học ơi… Anh muốn chúng mình…
- Chúng mình sao cơ…
- ...có một đứa con, được không em?
Học giật mình, hai tay gỡ Thúc ra:
- Không ! Sao anh liều thế. Không được đâu.
Thúc như người thất vọng, kéo Học trở lại, miệng lắp bắp:
- Không liều đâu. Thầy u anh định tổ chức lễ cưới cho chúng mình trước khi anh lên đường. Nhưng giấy báo nhập ngũ gấp quá. Vào chiến trường bom đạn, chẳng biết sống chết ra sao.
- Học đã hứa chờ anh suốt đời mà.
Thúc vẫn nài:
- Chúng mình có một đứa con, em chờ đợi cũng đỡ trống vắng.
Học sợ run lên, cựa quậy, gỡ tay Thúc:
- Không, không được ấy, em chửa dân làng người ta cười cho. Thầy u em sẽ đánh chết mất. Em sợ lắm.
Thúc nói:
- Có con với anh sợ gì.
- Ứ ừ, chúng mình chưa cưới, đừng liều đi anh.
Thúc vẫn van vỉ, đôi mắt đăm đắm nhìn Học thèm muốn:
- Ôi, yêu quá, đừng tiếc anh, ngày mai anh đi xa rồi. Kìa Học, cho anh yêu...
Học vẫn kiên quyết khước từ và cô gỡ khỏi vòng tay của Thúc, đứng dậy:
- Không, không được đâu. Anh cứ yên tâm lên đường. Học sẽ mãi mãi là của anh…
Cái đêm của hơn mười năm trước như dồn nén trong lòng Học. Những kỷ niệm yêu thương và mất mát cứ như tự cõi lòng bùng lên, xáo trộn, nghiêng ngửa trước cuộc đời một người con gái.
Nhà văn MINH CHUYÊN
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam