Chủ nhật, 05/05/2024, 18:22[GMT+7]

Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa - Tập thơ ấm áp nghĩa tình đồng đội

Thứ 2, 25/07/2016 | 08:54:14
2,248 lượt xem
Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa cho ra mắt tập thơ Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa (tập I) của nhiều tác giả. Có thể coi đây là tập thơ đầu tay của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình.

Vốn là một người lính thường đắm đuối với thơ, từng có thơ đăng trên báo, tạp chí cùng những tập thơ đã được xuất bản, ông Vũ Hồng Thái, Chủ tịch Hội đã nhận xét khá tinh tế trong Lời mở đầu của tập thơ: "Những vần thơ mộc mạc để lại nhiều ấn tượng đẹp, nhiều xúc động chân thực vì đó là tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ quê lúa Thái Bình đã gắn bó một thời tuổi trẻ với con đường mang tên Bác kính yêu".

Tập thơ đã được khép lại bằng bài viết của Nguyễn Cao Lợi vốn là một hội viên của Hội và là thành viên trong ban biên tập tập thơ này. Đây là một bài viết với những cảm nhận khá sắc sảo, hàm súc và đầy ắp sự xúc động chân thực: "Không ồn ào, không tuyên ngôn to tát mà những vần thơ của người chiến sĩ Trường Sơn quê lúa là tấm lòng sâu nặng, là tình yêu, là sự trăn trở với cuộc sống. Là những chiến sĩ làm thơ nên thơ giàu chất lính. Trong mỗi vần thơ là sự phản ánh sâu sắc, tinh tế cuộc sống của người lính qua dòng chảy thời gian, chất trữ tình nhưng mộc mạc, gần gũi với đời thường…".

Điều mà tập thơ Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa rất đáng được nâng niu, trân trọng đã được tác giả Lương Hữu phẩm bình trong bài viết Những vẻ đẹp của chiến sĩ Trường Sơn - được in trang trọng ngay ở đầu tập thơ: "Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình là hội sớm nhất, làm một việc mà được bao việc, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác thơ ca về Trường Sơn của Trung ương Hội, lấy thơ để lưu dấu lâu dài về những kỷ niệm của những chiến sĩ, những người con của Thái Bình đã từng chiến đấu, lao động, phục vụ chiến trường trên suốt dải Trường Sơn, suốt chặng đường gian nan, ác liệt của cuộc chiến với kẻ địch mạnh mẽ, hung hãn nhất thời đại. Và cũng từ thơ ca mà tập hợp được đồng đội, anh em, đồng chí trong Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh…, ôn cố tri tân để lại những vẻ đẹp riêng của thơ do chính những người trong cuộc viết lên từ trái tim mình".

Là người không có nhiều sở trường về cảm thụ thi ca nhưng khi đón nhận tập thơ Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa, tôi đã hào hứng đọc trọn vẹn 125 bài thơ của 59 tác giả trong tập thơ này. Theo cảm nhận của riêng tôi thì trong toàn bộ tập thơ còn có những bài chưa thật dễ nhớ, dễ thuộc. Có những câu, những chữ chưa thật chau chuốt nhưng với tôi, càng đọc càng thấy cuốn hút, càng thấy lạ. Cuốn hút vì nhiều tác giả vốn là những đồng đội thân quen. Lạ cũng vì có tác giả vốn là bạn đồng ngũ, quen thân nhau đã gần 50 năm đến giờ được đọc thơ của họ thì mới thêm hiểu, thêm yêu bạn mình.

Đã có dịp đọc thơ của các tác giả Vũ Hồng Thái, Phạm Thúc Kháng, Đào Mạnh Hạ, Nguyễn Khúc… in trên báo chí nhưng nay đọc thơ của các anh in trong tập Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa thì dường như tôi mới hiểu thấu đáo hơn về hồn thơ của các anh.

Chiến sĩ công binh vật lộn với dòng nước xiết để bắc cầu cho xe vào chiến trường.

Chưa một lần được đọc thơ của các tác giả Trần Quang Chính, Nguyễn Đức Dục, Lại Ngọc Thư, Đinh Ngọc Tiến, Mai Nhuận, Nguyễn Cao Lợi…, nay được đọc chùm thơ của các anh, tôi có thêm một nhận thức mới là tài thơ của các chiến sĩ Trường Sơn quê lúa thật khôn lường.

Cũng như vậy, tôi đã được tiếp xúc với một số nữ hội viên của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình, trong đó có Tạ Thị Hạnh, Phạm Thị Mỵ, Trần Chung, Trần Thị Khánh Vượng, Vũ Thị Huyền, Đỗ Thị Xuyến, Vũ Thị Vỵ…, các chị đang là những người vợ, người mẹ, người bà mang đậm tố chất của người lính Trường Sơn hòa quyện với những vẻ đẹp cùng những thành công trong cuộc sống đời thường nhưng khi đọc thơ của từng người tôi mới phát hiện được tâm hồn mỗi người mỗi vẻ, tất cả đều rất đáng yêu, rất đáng nể trọng.

Tuy hầu hết các bài được in trong Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa đều được tác giả viết với cảm hứng hưởng ứng cuộc vận động sáng tác thơ ca về Trường Sơn nhưng chủ đề thì phong phú, đa dạng. Hồn cốt của tập thơ là những tứ thơ ấm áp nghĩa tình đồng đội, viết về những kỷ niệm với Trường Sơn, viết bằng tình cảm chân thật, chân chất, không khuôn sáo, không cầu kỳ, không làm duyên, bởi cái duyên tự nhiên của người lính Trường Sơn đã quá đẹp.

Theo thông lệ thì khi luận đàm về thơ, người viết thường dẫn ra những bài thơ hay, những câu thơ hay để minh họa. Đọc Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa tôi có cảm nhận là ở mỗi bài đều có những nét hay riêng, ở mỗi tác giả đều có những nét đáng yêu riêng nên bài viết này tôi không dẫn một câu thơ nào trong tập thơ. Có thể đây là một cách viết lập dị nhưng e rằng nếu dẫn thơ thì khôn xiết, vô cùng, vô tận. Tôi tự lý giải hiện tượng này là sự cảm nhận của người trong cuộc, mang tính cộng cảm của những người đã một thời cộng mệnh ở Trường Sơn.

Hẳn là đông đảo người đọc, đặc biệt là những người đã từng qua Trường Sơn sẽ nồng hậu đón nhận tập thơ ấm áp nghĩa tình đồng đội này.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày