Chủ nhật, 05/05/2024, 18:06[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 01/08/2016 | 09:28:32
859 lượt xem

Một đơn vị quân giải phóng miền Nam hoạt động trong khu vực Đồng Tháp Mười năm1966. Ảnh tư liệu.

Chương 3: KHI SA VÀO TAY ÐỊCH

 

Một bóng người. Ðúng rồi. Rư nhận ra hình hài một con người đang nằm rên rỉ, quằn quại rồi cựa quậy, rồi la hét. Rư có cảm giác sờ sợ. Sau trấn tĩnh, anh bò sát lại. Thì ra một chiến sĩ của đội phẫu thuật trong tổ đánh nghi binh lừa địch, bị mảnh bom ban chiều đang hôn mê bất tỉnh. Rư băng vết thương cho anh. Người anh co giật, chân tay run rẩy, miệng lại gào thét. Sau đó anh nằm im và lại mê man.

 

Sáng hôm sau, khi mặt trời còn lẩn khuất đã có mấy chiến sĩ của đơn vị Rư tìm đến. Họ đưa Rư và anh chiến sĩ hôn mê về phía đội phẫu thuật. Ðến nơi, cả khu rừng le bao trùm đội phẫu thuật bị bom cày xơ xác, tan hoang. Trên miệng hầm số ba có một chiến sĩ máu me đầy người, mặt hốc hác, đôi mắt bầm tím. Thấy có người, anh giơ tay vẫy lại. Sức đã kiệt nhưng anh vẫn gượng dậy kể lại những giờ phút khủng khiếp ập đến với đội phẫu thuật.

 

Sau một hồi bắn phá uy hiếp, địch hạ máy bay trực thăng xuống. Chiếc đầu tiên bị quân ta bắn cháy. Hơn chục tên lính Mỹ chưa kịp thò đầu ra đã bỏ mạng. Ðịch lồng lộn trút đạn xuống. Rồi bốn chiếc trực thăng khác cùng một lúc đổ quân. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là y bác sĩ và tổ bảo vệ, một bên là hàng trung đội lính Mỹ diễn ra gần một giờ đồng hồ. Các y sĩ bác sĩ và tổ bảo vệ lần lượt hy sinh. Cuối cùng chỉ còn lại bốn người thì cả bốn đều bị thương nặng.

 

Chiếm được các hầm của đội phẫu thuật, chúng lục soát, tìm kiếm, bắt tất cả số thương binh đang nằm bất động đưa lên máy bay, trong đó có Thúc, ba y sĩ bác sĩ bị thương. Chỉ còn duy nhất người y tá sau khi bị thương bò sâu vào một ngách hầm là địch không tìm thấy. Khi chúng đi rồi, anh mới lết ra, leo lên miệng hầm nằm chờ người đến cứu. Tên anh là Thống. Thống bảo, trong ba y sĩ bác sĩ bị đưa lên máy bay có bác sĩ Từ quê Hải Dương.

 

Bẵng đi một thời gian, một hôm Rư và anh em đơn vị nhận được tin Thúc không chịu khuất phục trước kẻ thù, bị chúng tra tấn dã man, vết thương tái phát, anh đã hy sinh tại Khánh Hòa.

 

*

*     *

…Bọn địch chở hai lăm thương binh về một bệnh viện ở Khánh Hòa. Thúc khai quê anh ở Vĩnh Phú. Ðiều trị và xét hỏi một thời gian, Từ và Thúc cùng một số chiến sĩ khác bị chúng đưa đi đày ngoài Côn Ðảo.

 

Nếu ai đó từng bị bắt, vào tù, tham gia đấu tranh, chịu đựng khổ cực rồi cuối cùng thắng lợi trở về thì cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng cái giá phải trả cho sự giành giật giữa sự sống và cái chết, sự cao cả của những con người biết vì nhau trong sự sống và cái chết ấy mới là điều suốt đời Từ không thể nào quên.

 

Một đêm tháng năm, bầu trời tưởng như sập đổ, bóng đêm ngự trị cả tâm hồn và thể xác Từ. Sau một cơn ho dữ dội, Từ thổ ra huyết, người nóng rần rật, có lẽ tới gần bốn mươi độ C, thỉnh thoảng miệng lại ộc ra máu. Ðó là hậu quả của trận tra tấn ban chiều. Từ không chịu khai báo, địch trói anh vào một cây cột, cho hai thằng lính lực lưỡng đấm những quả như trời giáng vào ngực, vào bụng anh. Một kiểu tra tấn có vẻ nhân đạo, không tổn thương bên ngoài nhưng rất nguy hiểm. Ðến khi Từ rũ xuống như một con gà chảy hết tiết chúng mới khiêng vào phòng ở. Sau mấy lần thổ huyết, Từ mê man không biết gì nữa. Thúc và mấy anh em bạn tù đòi tên cai ngục phải đưa Từ sang phòng phục thuốc. Bấy giờ, chứng thần kinh chưa cướp hết tâm tưởng của Thúc. Lúc tỉnh, anh rất thương bạn bè. Anh kéo thằng coi tù đến, chỉ cho nó thấy Từ đang thoi thóp thở. Thằng coi tù bảo: Ông nội này đi phục Diêm vương thì được, còn phục thuốc làm sao được. Nhưng rồi chúng vẫn khiêng Từ đi. Linh tính mách bảo hãy cảnh giác. Quả là thế. Ánh đèn soi cho hai tên lính khiêng Từ về phòng thuốc đột ngột ngoặt sang một hướng khác. Rồi ánh đèn lặn chìm trong bóng đêm. Có lẽ chúng cho rằng Từ chẳng sống được đến lúc mặt trời mọc nên đã khiêng quăng luôn xuống nhà xác để sớm hôm sau đưa ra nghĩa địa.

 

Chừng một giờ đêm, lòng Thúc như lửa đốt, thao thức lo cho số phận người bác sĩ trẻ. Anh lao ra khỏi căn phòng, lặng lẽ bò theo con đường hai thằng lính đã khiêng Từ đi đến căn nhà cao cao mà mọi người gọi là nhà tử thần dùng để tiếp nhận những tù nhân xấu số ra chờ đợi để về âm phủ. Thúc bò tới nơi, cánh cửa nhà xác khép hờ. Ở đảo chả bao giờ mất xác người nên chúng cũng chẳng canh coi gì cả. Thúc mở cửa lánh vào phòng xác. Một ngọn đèn dầu tù mù thắp trên bệ đá. Ánh sáng yếu ớt không tỏa hết căn phòng. Bóng tối vẫn ẩn náu đen ngòm. Thúc có cảm giác những linh hồn oan khiên căm giận đang chờn vờn trong bóng tối. Ở góc nhà, hai xác người nằm ngửa trên bệ đá. Những con chuột đảo to bằng bắp tay, đen trũi đang chui rúc bậu vào hai cái xác gặm nhấm. Người nằm ngoài thỉnh thoảng giật giật. Có lẽ bị chuột gặm đau, anh ta co lại. Thúc đoán ngay là Từ. Thấy động, những con chuột đảo nhảy xuống. Một vài con gan lỳ cố chúi đầu vào nách người nằm trong. Qua ánh đèn, Thúc nhận ra người đó là đàn bà chừng bốn mươi tuổi, gày đét, hai má hóp, mắt trũng. Có lẽ chị bị ốm lâu ngày, mới mất ban chiều. Thúc đặt tay lên vùng ngực Từ, tim vẫn đập. Hơi thở thoi thóp gần như cạn kiệt. Anh bế Từ đặt xuống đất, Từ quờ quạng đôi tay yếu ớt rồi nằm bất tỉnh. Thúc yếu lắm, cõng Từ sợ đi không vững, ngã thì nguy. Hơn nữa, bọn lính gác khu nhà trên dễ phát hiện. Chật vật mãi, Thúc mới vần được Từ lên người mình, đặt đầu vào cánh tay, lưng nằm trên đùi rồi lầm lũi bò. Cứ nhoài được dăm ba mét anh phải dừng lại thở, lại đưa tay sờ vùng tim của bạn thấy còn đập mới yên tâm. Thở đỡ mệt lại bò tiếp. Quần bên mông phải mài xuống đất rách tướp. Những hòn sỏi li ti chà xát vào da thịt buốt nhói mỗi khi anh nhoài lên. Khổ nỗi, sườn bên trái vết thương còn tấy mủ nên chỉ bò được mỗi bên phải. Lúc đầu nhăn mặt chịu đựng, về sau mỗi lần nhích lên như có trăm nghìn viên sỏi sắc cạnh cứa vào mông phải nghiến răng nén chịu. Chừng ba giờ đồng hồ mài người lên đất, Thúc mới đưa được Từ về tới khu nhà ở của tù nhân. Nghe tiếng gọi như đứt hơi ở ngoài, mấy bạn tù dậy mở cửa. Họ không ngờ lại là Thúc. Thúc đã đưa Từ trở về. Hai ba người xúm lại khiêng Thúc và Từ vào giường. Người tìm thuốc xoa bóp cho Từ, người thay quần áo, rửa vết đau cho Thúc. Cả mảng mông bên phải của Thúc tuột hết da, máu đỏ ởn bết cả vào sỏi đá. Cẳng tay bên phải cũng tuột hết da, máu ứa ra.

 

Ðược sự che chở và chăm sóc của anh em bạn tù, sáng hôm sau, khi cả hòn đảo rực rỡ ánh nắng cũng là lúc Từ dần dần tỉnh lại.

 

Trong đời mình, Từ coi đây như là lần sinh thứ hai.

 

*

*       *

Thúc mất tích sau một đêm mưa giông sấm chớp làm anh em trong đoàn Chiến Thắng lao xao, lo lắng. Gần bảy năm tù đày ngoài Côn Ðảo, được về đất liền điều đó vô cùng quý giá đối với Thúc và đồng đội. Có thể nói, họ như vừa từ bên kia vực thẳm của cõi chết trở về với quê hương đất mẹ. Vì thế, ngay ngày hôm ấy nhiều người đã bổ đi tìm Thúc. Nhưng biết anh ở đâu, đi dâu. Ðể xác định mục tiêu tìm kiếm, một số câu hỏi được nêu lên. Hay cọp từ rừng xanh về bắt Thúc? Ðoàn Chiến Thắng là nơi thu dung các chiến sĩ tù trở về ở cạnh một khu rừng. Nhưng xét cả khu vực nhà ở, đường vào không hề có một dấu chân cọp. Hay bệnh tâm thần do chấn thương sọ não tái phát nên Thúc bỏ đi lang thang? Hay cậu ấy nhớ người yêu, nhớ quê hương trốn về thăm? Người xuyên rừng, vượt suối, người tản ra những vùng quê lân cận tìm kiếm. Nhưng suốt gần một tháng vẫn chẳng thấy tin tức gì về người bạn tù xấu số ấy.

 

Bộ phận tiếp nhận thu dung tra cứu hồ sơ tìm quê quán của Thúc. Tập hồ sơ gốc do phía bên kia bàn giao ghi rõ: “Nguyễn Gia Kích sinh năm 1949 quê quán xã Thắng Lợi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú”. Kích là tên Thúc khai khi sa vào tay địch. Thế là ngay sau đó một tốp được cử đi Vĩnh Phú. Nhưng vô ích, ở xã Thắng Lợi người ta cho biết không có ai tên là Nguyễn Gia Kích và Thúc đi bộ đội cả. Thế là thế nào? Lại một loạt câu hỏi nữa được đặt ra sau những ngày tìm kiếm vô hiệu.

 

Bị đày ra Côn Ðảo, tuy vết thương hiểm nghèo nhưng Thúc vẫn tỉnh táo. Sau lần cứu Từ thoát khỏi nhà xác, hai người trở thành đôi bạn thân thiết. Thúc tâm sự: Quê anh ở miền trung du. Vì Thúc giữ bí mật, bảo vệ lời khai ban đầu. Từ hiểu và thông cảm điều đó. Sống trong nanh vuốt của bọn chúa ngục, bí mật là sinh mệnh sống còn. Nhưng trước hoàn cảnh này, Từ cảm thấy vừa giận lại vừa thương. Biết quê hương thực của Thúc ở đâu mà tìm, mà báo tin cho gia đình biết. Có đêm Từ ngồi trong màn rất khuya, cố lục trong trí nhớ cái bệnh án ở đội phẫu thuật tiền phương xem người hộ lý ghi quê quán Thúc ở đâu. Nhưng Thúc được đưa vào đội phẫu thuật chỉ vẻn vẹn có hơn một ngày thì cả Thúc và Từ đều bị bắt. Gần bảy năm rồi, Từ không hình dung được nữa.

 

(Còn nữa)

Nhà văn MINH CHUYÊN

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày