Chủ nhật, 24/11/2024, 14:06[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 08/08/2016 | 14:10:01
902 lượt xem

CHƯƠNG 4: MANG TÊN MỘT NGƯỜI KHÁC

Từ nói với mọi người: Thời gian bị bắt, địch lấy cung, Thúc đã khai tên mình là Nguyễn Gia Kích, có thể quê quán anh cũng không khai thực. Tôi được biết, ngay anh em chúng ta được trả về đợt này, một số đồng chí khi sa vào tay địch cũng đã giấu tên, giấu họ, giấu cả quê hương. Nếu Thúc cũng trong trường hợp này thì chúng ta còn hy vọng. Thế nào Thúc cũng quay về đây.

Nhiều người cho ý kiến của Từ có lý và họ đã yên tâm.

Một tuần lễ sau bỗng có tin ở cuối dòng sông Liễu một xác người lớn trôi, thối rữa, đã được dân chài vớt lên chôn cất nhưng chưa rõ người chết là ai. Tin ấy làm nhiều người nghi hoặc, hay là xác của Thúc? Có người phỏng đoán Thúc bị thần kinh tái phát, bỏ đi lang thang rồi sa xuống dòng sông Liễu chết đuối. Nhiều người lại tin lời phỏng đoán đó có lý.

Tin bạn mình là cái xác trên sông, Từ mất ăn mất ngủ, người xọp hẳn đi. Ngày ngày anh thường thẫn thờ ra bờ sông Liễu.

Còn Ðỗ Cao Phú thì ngược lại, y mừng thầm. Bao nỗi ám ảnh, lo âu, dằn vặt bỗng dưng vợi đi. Phú ăn ngon ngủ yên, người mập trông thấy. Bề ngoài Phú vẫn tỏ vẻ thương xót người bạn từng một thời chiến đấu bên nhau. Phú thường bốc đồng với bè bạn rằng anh ta cùng Thúc tham dự hàng chục trận chiến đấu trên đất thép Củ Chi và bị bắt sau khi tiểu đội anh ta đã tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ; ở Côn Ðảo, anh ta hoạt động bí mật trong một tổ chức chống lại chế độ hà khắc của nhà tù. Một số người tin Phú vì họ ở đơn vị khác, vì anh ta cũng từng gần bảy năm có mặt ở Côn Ðảo và cùng trao trả về một đợt với Thúc. Nhưng sự thật của Ðỗ Cao Phú những năm tháng đã qua chỉ có một người hắn ta không bịt mắt được, đó là Thúc.

*

* *

Lễ chiêu hồn được tổ chức bên bờ sông Liễu, chỗ ngày ngày Từ thường ra ngắm những ngôi nhà ngói đỏ tựa lưng vào vách núi, ngắm những ánh vàng lấp lánh phản chiếu từ mặt trời cuối ngày tan ra trên mặt sông.

Ðàn trang bày theo kiểu tam cấp thờ các thứ bậc thần linh ngự dáng, phù hộ độ trì cho phần hồn người đắm đuối dưới sông sâu. Bậc trên bày mâm ngũ quả, một nậm rượu và ba đĩa hoa tươi. Bậc nhị xếp mười hai tiện chối tròn bóc nõn, cắm mười hai cái thẻ xanh, đỏ, tím vàng, có hàng chữ nho ở giữa, viết bằng mực tàu. Bậc dưới đặt một đĩa lồng xôi gấc đỏ, có miếng thịt lợn luộc nằm úp ở trên. Bên tả một xấp giấy tiền vàng, bên hữu một bát cơm trắng ngần có quả trứng bóc. Chiếc cầu tượng trưng nối liền âm dương bằng một mảnh vải trắng rộng chừng nửa mét nối từ đàn trang xuống mép sông để rước linh hồn người thác trôi lên bờ.

Ông thầy cúng cao dong dỏng, mặc áo chùng thâm, đầu đội mũ xếp, mắt đeo kính, ngồi xếp bằng, miệng đọc kinh, tay gõ mõ. Ông cúi rạp hàng giờ đồng hồ mới đọc hết quyển cù lao cúc rục tức báo ân chân kinh. Tụng hết quyển kinh cứu khổ cứu nạn, ông ngẩng lên chắp tay vái ba vái rồi bắt đầu đọc bài văn phú gọi hồn. Bài văn phú do Từ viết hộ:

"Ơi hỡi Thúc ơi
Bao năm lăn lộn chiến trường
Xông pha khói đạn coi thường hiểm nguy
Xả thân ngục tối sá chi
Cứu thương đồng đội quản gì xương tan
Hôm nay về với xóm làng
Ngờ đâu thác xuống suối vàng nơi đây
Khôn thiêng lên cái cầu này
Ðể linh hồn thoát những ngày lênh đênh".

Nghe bài văn phú gọi hồn, những người đứng vây quanh sụt sùi khóc: "Khổ thân chú ấy, đi đánh giặc bao năm không sao, về đến đây lại...". Họ bảo: "Bao giờ trên chiếc cầu vải nổi lên những bàn chân lúc ấy phần hồn chú Thúc mới siêu thoát mặt nước". Từ không nhìn vào cây cầu vải tượng trưng, in dấu những bàn chân mà mắt anh đăm đăm xuống dòng sông Liễu.

Ôi! Từ khẽ thốt lên, vẻ ngạc nhiên lắm. Trông kìa, một người đàn bà xõa tóc từ ngoài xa bơi ngầm dưới sông đang tiến về phía đàn trang. Hình như chỉ mình Từ nhìn thấy thôi. Người đàn bà như con cá lượn qua lượn lại, chừng đã mệt, từ từ lặn xuống, ngồi im dưới chân cầu làm phép lắng nghe bài văn phú gọi hồn. Thấy bóng người dùng dình, mọi người bảo nhau hồn sắp lên đấy. Người đàn bà ngửa mặt lên cười. Tiếng cười rung rinh mặt nước. Từ sửng sốt kêu lên: "Người này không phải là Thúc. Không phải là Thúc". Người đàn bà từ từ nổi lên mặt nước, xõa tóc, bò lên chiếc cầu vải trắng thét to: "Ðúng, ta không phải là linh hồn các người cần gọi". Mọi người sợ hãi, nhốn nháo, chạy dạt cả ra. Ông thầy cúng hoảng hồn nhảy từ đàn tràng xuống đất, chẳng may nhảy trúng cổ Từ làm anh chổng kềnh, đầu đập vào tảng đá. Từ bừng tỉnh, thì ra là nằm mơ.

Từ đó chiều chiều Từ không ra ngắm những ánh vàng lấp lánh phản chiếu từ mặt trời cuối ngày tan ra trên mặt sông nữa. Anh linh cảm cái xác trôi trên dòng sông Liễu là xác một người đàn bà xấu số nào đó chứ không phải là Thúc bạn anh.

*

* *

Chuyến tàu chậm xuất phát lúc một giờ đêm từ ga Vinh ra Hà Nội có một người thanh niên không vé, lầm lì, ngồi ở một góc toa tàu. Ðó là Nguyễn Ðình Thúc. Hiểm họa chiến tranh đã cướp mất tâm tưởng và một phần thể xác của anh. Anh bẵng quên tất cả những gì có ở quanh mình. Cả tên thật của mình, quê hương, cha mẹ? Thúc chỉ láng máng con tàu ra Bắc, ở ngoài đó là quê anh.

Ai từng xa quê lâu ngày, xa tổ ấm gia đình đều mong có ngày trở về hội ngộ. Một người mất trí như Thúc, quê hương vẫn "là chùm khế ngọt" gọi khao khát lòng anh. Từ Côn Ðảo được về Ðoàn Chiến Thắng chưa đầy ba hôm Thúc đã bỏ trốn, nhảy tàu tìm về quê mẹ.

Ngoài bộ quần áo xanh màu rêu bạc phếch mặc trên người, Thúc không còn một thứ hành trang gì hết. Anh ngồi tựa lưng vào thành tàu, trán luôn nghểnh lên nhòm người đi qua, thỉnh thoảng chìa cùi tay hích vào một ai đó. Người ấy trợn mắt lườm. Thúc lườm lại rồi nhe răng cười. Có người tức giận đá lại, Thúc chộp lấy chân. Có người không chấp vì cho rằng có thể là anh dở người. Nhân viên nhà ga kiểm tra vé, Thúc cũng chỉ nhe răng cười. Lúc đầu họ túm tóc lôi xuống, Thúc lại trèo lên. Sau thấy Thúc ì ra họ cũng mặc. Có người hỏi: "Ði đâu?". Thúc bảo: "Về quê.". "Quê ở đâu?". "Ngoài Bắc.". "Ở tỉnh nào?". Lắc đầu. Có lúc Thúc giơ tay ý bảo quê anh ở phía con tàu đang đến.

Con tàu cần mẫn gõ âm thanh sình sịch, sình sịch vào đêm tối, vun vút lao đi. Ngồi bồng bềnh, chao đảo trong khoang tàu, Thúc chỉ biết lơ mơ mình đang trên đường về thăm quê. Nhưng quê ở xã nào, huyện nào, tỉnh nào, Thúc không còn nhớ nữa. Vết thương thần kinh đã xóa nhòa con đường về quê trong trí tưởng tượng của anh.

Ðến ga có điện sáng, thấy hành khách xuống tàu, Thúc cũng chen xuống. Thấy hành khách lên, anh lại chen lên. Suốt chặng đường cứ mải lên mải xuống, mặc con tàu cứ mải miết lao đi. Trí nhớ và sức vóc cường tráng của Thúc đã bị mảnh đạn và những trận đòn tra tấn trong nhà lao cướp mất. Người anh chỉ còn lại một thân hình tóp xọp, mặt và trán sẹo nhăn nheo. Sức yếu lại mải lên mải xuống nên Thúc mệt phờ. Có lúc anh nằm phục xuống sàn tàu thở.

Khi con tàu kéo một hồi còi dài báo hiệu sắp về ga cuối cùng, nó từ từ giảm tốc độ, tiếng phanh rít lên như thể những tấm thép chà xát vào nhau. Tiếng cô phát thanh viên nhà ga lẫn trong tiếng xả hơi của con tàu: "Chuyến tàu chậm xuất phát từ ga Vinh đã ra tới Hà Nội lúc mười chín giờ ba mươi phút. Hành khách hãy khẩn trương xuống tàu ra ga…".

Con tàu dồn toa, giật giật mấy cái rồi khựng hẳn. Mọi người nhốn nháo khuân vác đồ đạc, hành lý chen nhau xuống. Theo dòng người ra tới ngoài cửa ga, Thúc dừng lại. Anh ngơ ngác nhìn xung quanh. Sau nhiều năm bị giam hãm ngoài Côn Ðảo, giờ đứng trước một thành phố, một thủ đô, tuy là ban đêm nhưng khung cảnh phố xá trước nhà ga vẫn nhộn nhịp. Ðèn điện sáng trưng, đường phố rộng rãi, nhà cửa dọc ngang, hàng quán bề bộn làm Thúc nghiêng ngó có vẻ lạ lắm. Trông trước nhìn sau, chả biết mình đang ở đâu, sẽ về đâu, đi đâu…

(còn nữa)
Nhà văn
Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày