Thứ 2, 06/05/2024, 00:07[GMT+7]

Một sớm chợ quê

Thứ 2, 08/08/2016 | 14:19:37
1,470 lượt xem

Tảng sáng, mặt ngõ chợ Mới đã râm ran tiếng người. Tiếng xe đạp lách cách, tiếng xe máy roèn roẹt, tiếng động cơ ô tô ầm ì, đỗ cái xịch trước cửa chợ để người ta chuyển những thùng vải chở từ Hưng Yên, Lạng Sơn xuống, hay từ Tàu sang cũng không rõ. Sâu vào bên trong, tiếng vịt kêu quàng quạc, gà kêu quang quác, mấy con lợn mán bị nhốt trong rọ ré lên eng éc. Bên này người ta xầm xì nhau mua bán, bên kia to tiếng kẻ trả giá hàng. Mấy cô hàng xén, hàng dép, hàng vải, áo quần dàn thành một hàng, nối nhau đến giữa chợ. Anh hàng chiếu đứng nép mình bên cây bàng xù xì, chực mặt trời đứng bóng vẫn có chỗ râm. Bà lão bán bánh đúc bỏm bẻm nhai mẩu trầu vừa xin được của cô hàng cau; in trên nền da nhăn nheo là khuôn miệng đỏ chót...

Lão Ðói quẹt đôi đũa lau miệng sau khi húp xì xụp hết bát canh cá trong hàng ăn đầu chợ. Bát canh mười ngàn nhưng đầy ú ụ khiến lão phải đến sớm để "thửa" chỗ ngồi vì hàng ăn rẻ, người đi chợ thì đông, canh lại ngon, nếu không đến sớm thì dễ chả còn chỗ. Chừng như no quá, lão vỗ vỗ vào cái bụng bia để cho canh nhanh xuống ruột rồi khệ nệ đứng dậy, ra bàn uống nước rít một hơi thuốc lào. Lần nào cũng vậy, cứ đến phiên chợ là lão lại đi ăn canh cá; ăn xong thì ngồi ngắm chợ, ngắm người chứ chẳng mua bán gì. Ðồ ăn hàng ngày đã có con cái lão lo. Thỉnh thoảng lão mua mấy cây hoa cảnh hay nhánh lan về treo chứ tuyệt nhiên không thấy lão xách thịt, cá, rau, quả về bao giờ.

Rít một hơi thuốc lào, lão nhả khói, khói tỏa ra, lẩn vào đám hoa của chị hàng hoa bên cạnh. Mùi hoa hồng, hoa huệ, lay ơn đang thơm tho bỗng trở nên hôi rình, thối lẳn. Chị ta quay ngoắt sang lão, rít lên như tiếng lão vừa rít thuốc lào:

- Ối giời ơi, lão quay sang kia mà phì phèo. Hàng hoa nhà người ta, toàn mùi thuốc lào thì còn ai dám mua nữa.

Lão nheo nheo mắt, cười trừ:

- Ừ thì tớ quay. Mình làm gì mà ghê thế…

Lão vẫn hay quen chọc ghẹo gái quê như thế. Chỉ là, chẳng người đàn bà nào thèm đoái hoài đáp lại hành động vô duyên, đôi mắt hững hờ và kiểu đong đưa muốn nẩy bong bóng kia của lão. Tay Thịnh già từ đâu bước vào quán, vỗ vai lão cái đét:

- Chào ông bạn già. Lâu lắm không gặp.

- Lâu cái mẹ gì. Mới từ ra giêng chứ mấy - lão sẵng giọng.

Thịnh già là trưởng thôn Nam. Trước lão Ðói còn làm một chân cốt cán ở xã, tay này hay đến ôm chân lão, thỉnh thoảng lại chén chú chén anh, chén tạc chén thù, có gì ngon lại xun xoe đến rủ ông anh làm bữa. Thế rồi từ độ lão xuống là mất mặt. Mà có xa xôi gì, mới đợt đầu giêng. Ai cũng bảo tết đó nhà lão mất lộc. Lão thì lại thấy may vì ngộ ra được nhiều cái tai quái ở đời. Thịnh già nhanh chóng lẩn vào bàn bên trong để ăn canh cá. Hắn gọi thêm cút rượu với đĩa lòng xe điếu nhưng tuyệt nhiên không mời lão mà ngồi nhâm nhi một mình. Lão thừa biết nhưng không để ý. Cái bọn đấy rồi sau này cũng chả sung sướng nổi, đời cũng chả ra gì đâu.

Lão lại đánh mắt ra chỗ gốc đa. Con mẹ Thêm bán thịt lợn đang ngồi huơ huơ cái gậy được cột túi bóng vào một đầu để đuổi ruồi. Con lợn tạ thế nào thì mụ như thế. Ðàn bà gì đâu mà nần nẫn những mỡ. Cái cổ ba ngấn tròn lẳn toàn dây vàng, dây bạc. Khuôn mặt được tô điểm bằng lớp phấn dày cộm với đôi môi xăm đỏ thẫm, đôi mày xăm đen xì, kéo một đường dài đến tận thái dương. Không biết do mụ bán thịt lâu thành quen mặt hay do ngồi chỗ "đắc địa" mà người ta thi nhau tới mua thịt. Loáng cái, cái phản thịt đầy ụ chỉ còn vài miếng. Riêng lão Ðói cấm tiệt con dâu mua thịt ở hàng mụ Thêm bởi lão thừa biết những miếng thịt tươi ngon kia từ đâu mà có. Vừa rót nước chè lão vừa nhủ thầm trong bụng: Chắc lại lợn bệnh mua rẻ của tay buôn lợn nào đó đây mà. Hễ lợn bệnh là bọn nó bán tháo cho lò mổ hoặc những nhà bán thịt như nhà mụ Thêm. Thỉnh thoảng có con lợn bệnh quá, thân nổi đầy những mụn thì mụ đem thui hòng qua mắt láng giềng. Cũng có khi mụ bắc bếp làm luôn nồi giả cầy ngon lành đem ra chợ bán, chỉ buổi chiều là hết nhẵn. Dân quê lại hay mua hàng theo kiểu tin nhau là chính. Ai hỏi mụ cũng xơn xớt cái mồm, rằng "thịt nhà em thịt chuẩn, các bác cứ yên tâm". Có mấy ai ngờ…

Lão Ðói biết được là bởi ngày trước lão có chân trong đội kiểm tra an toàn thực phẩm, đến nhà mụ đúng lúc ông chồng đang mổ lợn. Biết không lấp liếm được, mụ nhanh tay dúi luôn bốn tờ năm trăm nghìn kèm bốn cái giò lợn ngon lành cho mấy "cán bộ". Thế là trót lọt. Giờ nghĩ lại lão cũng ân hận. Tưởng sau vụ đó mụ chột dạ mà làm ăn lương thiện, ai dè càng ngày càng làm quá, vẫn đi thu gom lợn bệnh về bán bình thường. Lão biết nhưng chẳng làm gì được vì trót nhận cái chân giò của mụ rồi nên đành phải "ngậm bồ hòn" mà làm thinh.

Phía bên kia, mấy cô hàng rau ngồi xếp bằng. Ðôi mắt lẳng lơ của lão xoáy sâu vào cái mẹt của một cô độ bốn mươi nhưng còn xuân lắm. Rau của cô cũng xanh nõn. Rau này là xanh thật, không phải phun thuốc. Lão biết vì nhà cô cạnh nhà lão. Ngày nào lão cũng thấy cô xách thùng nước đi tưới rau chứ chẳng thấy cô phun thuốc bao giờ. Thời buổi này, có được gánh rau như của cô hàng xóm nhà lão thì còn gì bằng. Ấy thế mà vợ lão lại chả bao giờ mua rau nhà cô. Mỗi lần lão định chạy sang hái mớ cải là vợ lão lại nguýt dài khiến lão chỉ còn biết ngậm ngùi quay về. Sự đời lạ thật, rau phun thuốc người ta tẩy chay đã đành, đằng này rau không phun thuốc người ta cũng tẩy chay. Vậy biết ăn cái gì?

Mặt trời đứng bóng, anh hàng chiếu bắt đầu xếp chiếu lên xe để đi về. Cuộc sống hiện đại, người ta dùng chiếu trúc, dùng ga, dùng mền siêu mát chứ mấy ai còn dùng chiếu cói như ngày xưa. Lão để ý thấy mặt anh chàng dài thườn thượt như bị "mất sổ gạo". Biết đâu mấy hôm nay nhà anh ta không được ăn cơm có thịt… Mấy hàng hoa quả cũng lục đục ra về. Xoài, nhãn, dưa vàng, những quả măng cụt căng bóng lấp ló xen lẫn thanh long và dưa hấu chả biết của ta hay của Tàu.

Lão Ðói cũng trả tiền rồi đi về. Chiều qua, nhà lão có khách từ Hà Nội xuống chơi. Lão đã dặn vợ kiếm ít cá mè về làm gỏi, lấy thêm ít rau chỗ tin cậy để làm quà mang lên. Con dâu lão mua hai cân vải về làm món tráng miệng, thế quái nào lại mua đúng vải bị sâu đầu. Lúc bỏ ra mời khách ăn, lão vừa cười trừ vừa xấu hổ: "Vải quê, sâu đầu mới an toàn". Rốt cuộc, chẳng ai ăn được quả vải nào; có quả bóc vỏ ra thấy hai con sâu trắng ngoe nguẩy bên trong sợ chết khiếp. Lão quay sang lườm con dâu. Lúc tiễn khách, lão đành bấm bụng biếu hai con chim bồ câu mới mua trong phiên chợ trước, cũng là để cứu vớt hình ảnh cho lão sau vụ vải vóc kia. Giờ lão phải đi mua hai con khác về để nó "đạp trống", lấy giống.

Chợ tàn, lão xách lồng chim về nhà. Mụ Thêm đã bán hết thịt. Gặp lão, mụ chẳng thèm chào một câu. Người vãn. Ve lao xao, râm ran cả một khoảng chợ. Những tia nắng vàng như mật rót xuống mặt lão. Bất chợt, đầu lão sáng lên: "Hay hè này mình về xới lại mảnh vườn giồng rau, mua thêm ít bồ câu, gà, vịt về nuôi, vừa kinh tế vừa có thực phẩm an toàn". Phía sau, góc chợ đã im lìm. Vài người lắc đầu ngán ngẩm vì hàng ế, số khác mặt mũi tươi tỉnh vì hàng bán hết veo. Chỉ lão Ðói là thấy phấn khích. Lão rảo bước thật nhanh về nhà, nóng lòng muốn nói cho vợ nghe ý tưởng mới của mình sau một sớm ngồi ngắm chợ quê.

Truyện ngắn của Nhã Nam

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày