Chủ nhật, 05/05/2024, 20:07[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 15/08/2016 | 09:18:51
840 lượt xem

 

CHƯƠNG 5: ÐỜI LANG THANG PHIÊU BẠT

 

Sau cái đêm xuống tàu ngỡ ngàng ấy, Thúc sống lang thang, phiêu bạt, nay đây mai đó. Vỉa hè, góc chợ, bến xe, nhà chờ… thường là nơi nghỉ của Thúc sau một ngày thẩn thơ chìa tay xin ăn mệt mỏi.

 

Có lần Thúc đang lom khom quét dọn giúp một bà hàng rau ở góc chợ Mơ thì một tốp chừng ba bốn thằng lau nhau kéo đến. Chúng vây quanh Thúc, giằng cái chổi quét chợ, bắt phải đứng im. Toàn những tên móc túi cướp giật chuyên nghiệp hoành hành ở các chợ. Cả bọn chẳng thằng nào đáng tuổi em út của Thúc mà chúng toàn xưng hô mày tao, chí tớ như bọn cùng đẳng. Một thằng mắt híp, tóc tai bờm xờm nhìn chằm chằm vào mặt Thúc, hất hàm hỏi:

- Mày là thương binh à?

Thúc gật đầu, lùi lùi ra sau.

- Thật không?

Thúc vừa lắc vừa gật. Thằng trán dô trông vẻ bướng bỉnh dứ quả đấm vào trước mặt Thúc rồi xòe bàn tay nâng cằm anh lên bảo:

- Mày là thằng ăn cắp bị nó đâm, nó chém đúng không? Là thương binh đâu phải đi ăn xin như mày.

Thúc cười khì khì. Nó túm lấy tóc, giật ngửa mặt Thúc ra:

- Ăn cắp mà ngu, để nó đánh cho mày chết, còn cười.

Nó buông tay ra. Thằng tóc tai bờm xờm nói tiếp:

- Mày có vào hội chúng tao không?

Thúc gật đầu. Hình như ai nói gì, hỏi gì Thúc cũng gật, cũng lắc, hoặc nhoẻn miệng cười hoặc cứ chằm chằm nhìn lại.

Thằng trán dô nói:

- Nó lờ ngờ như thằng tâm thần nhập vào hội làm gì.

- Cậu đếch biết. Nó làm gì à. Khối việc.

- Việc gì?

- Này nhé, nếu đánh quả bị lộ, tuồn cho nó. Nó chịu báng hoặc vào nuôi muỗi trong nhà đá thay mình. Còn trót lọt, trấn lại ngon ơ, được không?

- Ðược đấy, chúng tớ phục cậu. Hỏi xem hắn tên là gì.

- Tên gì mày?

Môi Thúc mấp máy theo. Im lặng. Một thằng chau mày hỏi lại rành rọt:

- Mày tên là gì hả?

- Kích.

- Mày khích chúng tao à?

Một thằng khác cười bảo:

- Cậu điếc rồi. Nó bảo tên là Kích.

Gần một năm, số phận tha đẩy Thúc khắp đây cùng đó. Khi thì bọn ăn cắp kéo đi làm “bình phong” cho chúng. Khi thì lũi thũi một mình. Thúc có mặt ở hầu hết nơi đầu đường xó chợ trên đất Hà Nội. Rồi một đêm anh bị bọn cướp giật bóp cổ, đá ngã, nằm cò queo bên lề đường vì không nghe lời chỉ bảo của chúng. Thúc có biết gì đâu mà nghe. Mấy người ven phố dựng anh dậy để xe qua lại khỏi cán vào. Thấy anh tỉnh, họ bảo đi đi, đừng gần bọn đầu gấu nữa. Ðêm ấy Thúc lại tha thẩn đi, đi mãi. Tới Cửa Nam, mệt rũ, anh nằm phục bên ga tàu điện ngủ. Sáng hôm sau, thấy mọi người xúm xít lên toa tàu điện, anh lần lên theo. Tàu chạy tuyến Cửa Nam - Cầu Giấy. Thế là Thúc phiêu bạt về đây.

*

*       *

Chiếc xe La-đa từ trên dốc Bưởi hăm hở định lao xuống phía chợ Cầu nhưng gặp phải người và xe đông đặc, tắc nghẽn nên nó bò chầm chậm lách dần. Từ đám đông, Thúc bỗng nhận ra người quen ngồi trên xe. Ðúng rồi! Phú. Phú ngồi ghế dưới. Chiếc xe vẫn chậm chạp bò trước mắt Thúc. Vượt lên đón đầu xe, Thúc giơ tay vẫy vẫy ý bảo người lái xe cho xe dừng lại. Nhưng chiếc xe vẫn lồm cồm bò lên làm Thúc phải chạy lùi. Hình như ngồi trên xe Phú cũng đã nhận ra Thúc. Lúc đầu anh ta còn ngờ ngợ, nhìn lại bằng đôi mắt dò xét. Khi nhận ra người đang lùi trước đầu xe đích thị là Thúc, mặt Phú tái mét. Ðôi mắt sắc sảo chau lại. Phú giả tảng quay đi. Thúc kêu to:

- A, thủ trưởng Phú, phải không? Hì hì, đúng rồi!

Một con người cứ tưởng nếu còn sống ở trên đời này cũng chỉ là một cái bóng, một thân hình tàn phế, ngớ ngẩn. Không ngờ cái bóng lại bất chợt hiện ra, gọi đúng tên mình làm Phú chột dạ. Phú tỏ vẻ lạnh lùng như không hề quen biết con người ấy.

Thúc vẫn vừa chạy vừa nói:

- Ði xe con chắc giờ đây anh làm to, hì hì. Làm to lắm phải không, hì hì...

Phú im lặng quay mặt ra hiệu cho tài xế lái chiếc xe từ từ lao lên. Thúc giơ hai tay, chạy ngang phía cửa xe Phú ngồi:

- Quên rồi ư? A ha! Anh quên thằng này rồi ư… à?

Từ trong xe, Phú thò đầu ra xua tay:

- Xê ra cho xe đi. Thằng điên, muốn chết hả?

- A ha, anh biết tôi điên rồi ư? Vâng, tôi điên nhưng không bao giờ sợ chết đâu, hì hì. Anh mới là thằng sợ chết, hì hì.

Chiếc La-đa ngoặt trái, định vọt lên. Bỗng Thúc gào to:

- Ðúng rồi! Chính nó là thằng phản bội.

- Nó tên gì nhỉ? Sao tôi lại u mê thế này! Bà con ơi, một thằng sợ chết. Nó đang ngồi trên xe, a ha!

Chiếc xe lao lên phía trước. Trong tiếng rình rình của động cơ, Phú vẫn nghe văng vẳng tiếng la hét ở sau xe: “Ðúng nó rồi, một thằng phản bội, a ha”.

Từ lúc xe vù khỏi đoạn đường chợ Cầu, Mai Phương, cô nhân viên dưới quyền Ðỗ Cao Phú cứ nghĩ ngợi mãi về thủ trưởng của mình. Tại sao cái anh chàng quần áo xộc xệch, nói năng nửa khôn, nửa khờ khi ra ngăn xe lại gọi Phú là thằng sợ chết, là tên phản bội? Tại sao có lúc anh ta gọi đúng tên Phú lại lảng đi? Hay quá khứ của Phú có điều gì uẩn khúc chỉ anh ta biết chăng?

Mai Phương ngả người vào thành đệm xe nhớ lại những lần Phú tâm sự với cô. Phú kể cuộc đời anh quả là bảy nổi, năm chìm, vất vả, long đong. Tiếng là có ông bố làm lãnh đạo cao cấp ở trung ương nhưng con đường danh vọng của Phú là do công lao của anh làm nên tất cả. Mười tám tuổi Phú đi bộ đội và tình nguyện vào Nam chiến đấu. Trong một trận đánh quyết liệt với quân thù, đơn vị anh hy sinh gần hết. Phú và những người còn lại đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt hơn một trung đội lính Mỹ. Hết viên đạn cuối cùng số người còn lại tiếp tục bị thương và hy sinh. Ðơn vị cũng tưởng Phú hy sinh ở trận đó nên đã báo tử. Nhưng Phú đâu có chết, anh “sa vào tay giặc” và bị chúng đày ra Côn Ðảo. Ở tù, Phú luôn giữ phẩm cách của người chiến sĩ cách mạng. Với công lao đó, sau ngày giải phóng, trao trả tù binh, anh được chọn đi học lớp cán bộ quản lý kinh tế. Và bây giờ Phú đang làm giám đốc một công ty kinh doanh của thành phố.

Mai Phương, cô gái nhẹ dạ cả tin, lại được Phú chiều chuộng càng tỏ vẻ kính phục anh. Cô cho rằng Phú từng có nhiều công lao, cống hiến đáng để mọi người noi theo. Phú thường dẻo miệng tán tỉnh: “Làm trai, Phú chẳng hổ thẹn gì, vinh quang như thế là đủ, chỉ có điều đời anh bị thiệt thòi nhiều”. Mai Phương hỏi: “Thiệt gì” Phú bảo: “Thiệt yêu”. Hơn mười năm của tuổi xuân đẹp nhất, cái tuổi say mê, yêu đương mãnh liệt Phú không được hưởng. Cái tuổi trai đương thì ấy, Phú bảo, anh đã dành hết cho mặt trận, cho tù đày. Và Phú nài nỉ được yêu cô, được bù đắp lại những tháng năm mất mát của thời trai trẻ. Mặc dù Phú đã có vợ, có con ở quê, lại hơn Mai Phương tới mười mấy tuổi song vì nể, vì nghĩ Phú đã phải hy sinh quá nhiều, hơn nữa Phú lại cho quà cáp, tiền luôn, Mai Phương không nỡ từ chối. Nhiều đêm ở lại trực cơ quan, cô đã dành sự trong trắng của đời mình để chiều Phú. Những lúc ấy, Phú bảo: “Cảm ơn em, em đã cho anh cảm nhận hương vị tuổi hai mươi của người con gái. Cái tuổi mà anh chưa hề được yêu, được hôn. Ngày anh cưới vợ, cô ấy cũng bước sang tuổi ba mươi rồi”.

Chiếc La-đa vẫn lao vun vút. Phú ngồi đăm chiêu vẻ nghĩ ngợi. Sự xuất hiện bất chợt và lời lăng mạ của Thúc vẫn như bám đuổi phía sau xe. Nhìn Phú lúc đó, Mai Phương cảm tưởng có điều gì bí ẩn mà Phú còn giấu cô.

- Sao lúc tay thanh niên ngăn xe, muốn gặp anh, anh không dừng lại? Phương quay sang hỏi Phú.

- Thằng điên ấy mà! - Phú nói.

- Ðiên sao biết tên anh?

Nghĩ một lát, rất nhanh trí, Phú nói vẻ phân bua:

- À, đúng rồi, nó cùng điều trị với anh ở viện quân y hồi trước. Ðể nhớ xem nào. Ðúng, nó nằm khoa tâm thần, anh khoa ngoại. Hai khoa gần nhau, nó thường lang thang sang bên khoa anh. Có thể nó biết tên anh hồi đó.

 

Nhà văn MINH CHUYÊN

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày