Người lạc về đâu
Chương 12: Đón người điên về nhà
Bà Châu gật đầu, cảm phục người chồng hiểu sâu, nghĩ xa. Thảo nào ngày đón Thúc về, nghe nhiều người bàn tán, ông chỉ bảo: Kệ người ta, mình thương chú ấy thì nuôi chú ấy. Có người bảo: Ông bà buồn cười thật, nhà ăn đã chả đủ, còn đi rước người thiên hạ về nuôi. Họ lại bảo: Người tử tế lành lặn nuôi còn bạc như vôi. Ông bà đi rước cái của bệnh hoạn, ngớ ngẩn ấy về rồi chết cả nút à. Ăn ở đã vậy, ông bà lấy tiền đâu thuốc men chạy chữa cho người ta. Lại có người bảo: Những kẻ đầu đường xó chợ mà thương thì thương có hàng đống. Ông bà chỉ thương vớ vẩn. Ông Châu bảo: Người ta hoạn nạn mới cần đến mình, chứ khỏe mạnh cả thì ai cần ai… Bà Châu thấy chồng và con gái tận tình chăm sóc Thúc, bà cũng dồn tình thương coi Thúc như tình mẫu tử. Bà biết hoàn cảnh ông bà thêm một miệng ăn lúc này là rất khó khăn. Ông hưởng lương hưu. Dung tiếng là bác sĩ nhưng lương cũng chẳng được là bao. Còn bà ngày bán được dăm cân cà nén, vài cân chè đỗ mới được vài nghìn đồng. Nhà thêm một khẩu lại là người tâm thần, gia đình bà không chỉ khó khăn thêm về mặt đời sống, mà còn xáo trộn về mặt sinh hoạt. Nhưng nghĩ tới hoàn cảnh bất hạnh và thân hình tàn tã của Thúc gia đình bà không nỡ bỏ rơi. Ông Châu bảo: Đã coi chú ấy là con cái trong nhà thì có no ăn no, có đói ăn đói. Khó khăn mình phải gánh chịu phải không bà. Bà Châu gật đầu. Cả nhà dồn tình thương, nuôi dưỡng, thuốc men cho Thúc như lo cho đứa con trong gia đình vậy. Người tận tình, khổ sở, vất vả nhất là Dung. Ngoài tám giờ làm việc ở bệnh viện, về lại lo giặt giũ, tắm rửa, may vá, điều trị cho Thúc, trông nom Thúc những lúc bệnh hoạn bất thường, có khi đang đêm bỏ nhà Dung phải đi tìm, có lúc bất chợt lăn đùng sùi bọt mép, Dung phải đưa đi viện. Có hôm mười hai giờ đêm vết thương tấy mủ, đau khóc vật vã, Dung phải gọi xích lô rồi cùng ngồi xe vào viện chăm sóc thuốc men...
Ông Châu thu xếp lại đồ đạc, chuyển chỗ nọ, dịch chỗ kia, cuối cùng ông đã kê cho Thúc một cái giường nhỏ gần chỗ ông nằm. Những bức tranh, chậu cảnh, những lùm cây xanh nhỏ được ông khéo léo bài trí, hài hòa làm tăng vẻ trong sạch cho căn phòng vốn chật chội mà vẫn thoáng mát. Tuy mắc chứng thần kinh, nhưng tính tình Thúc hiền lành, không hay nóng nẩy, đập phá nên căn phòng vẫn giữ được vẻ ổn định, yên tĩnh.
Ngọc Dung quét dọn, trang hoàng cho cái giường của Thúc vừa sạch vừa đẹp để xóa đi cái mặc cảm là giường của người điên. Cô dành trọn mấy tháng lương mua sắm các thứ cần thiết cho Thúc. Giường mới, màn mới, chăn gối đều mới cả.
Bạn Dung là Hoa. Hoa biết tin Dung đón người bệnh về nhà, đến chơi, nhìn cảnh tượng Dung ngồi rẽ tóc cho Thúc ở bờ hè, liền hỏi:
- Cậu làm gì thế?
- Mình bắt chấy cho anh Kích. Lâu ngày anh ấy không tắm giặt, nhiều chấy rận quá.
Thúc ngồi cúi đầu, ngoan ngoãn như một đứa trẻ mặc cho Dung vạch tóc, vần vò. Ngọc Dung niềm nở quay ra phía bạn:
- Cậu vừa đến à? Chờ mình một lát nhé.
Dung rất tự nhiên mỗi khi bắt được một con chấy trên đầu Thúc. Cô thả con chấy ra tờ giấy trắng bên cạnh rồi ngửa móng tay cái chí "đét" một cái, con chấy dập nát. Những con chưa kịp giết, no căng, bò lổm nhổm trên tờ giấy, phát sợ.
Hoa nhìn Dung lắc đầu. Tại sao Dung lại đưa người này về nhà? Một câu hỏi vụt thoáng trong đầu Hoa.
Dung quay gọi bà Châu vừa từ bếp bước ra:
- Mẹ đun nước xong chưa? Tý nữa mẹ con mình tắm cho anh Kích nhé. Người anh ấy cáu ghét lắm.
Bà Châu gật đầu:
- Ừ, con mời Hoa vào nhà uống nước đi đã. Để mẹ bắt cho nào.
Ngọc Dung cười bảo:
- Mắt mẹ lèm nhèm nhìn sao rõ con chấy. Hoa vào nhà đi, mình vào đây.
Ngày nhỏ, Hoa và Dung cùng học phổ thông và rất thân nhau. Hoa thi trượt đại học xin vào làm ở ngành du lịch. Cô là một trong những hướng dẫn viên du lịch duyên dáng và am hiểu. Tuy mỗi người một ngả công tác nhưng thỉnh thoảng Hoa thường lui tới chơi với Ngọc Dung. Khi chỉ có hai người ngồi đối diện qua chiếc bàn trà, Hoa nói:
- Mình không hiểu cậu nghĩ thế nào mà lại hành động như thế.
- Bạn nói trường hợp bệnh nhân kia phải không?
- Đúng.
Ngọc Dung nói:
- Việc đó bạn khỏi lo. Ba mẹ mình thương anh ấy, đón về nhà, mình phải có trách nhiệm đỡ các cụ chứ.
Hoa bảo:
- Trách nhiệm gì chả biết. Chỉ biết người ta đồn ầm lên ấy.
- Đồn sao?
- Họ bảo thiếu gì con trai bám quanh cậu. Bác sĩ, kỹ sư, bảnh trai, khỏe mạnh, tại sao cậu lại rước người dở điên, dở ngớ bẩn chết đi được về nhà. Cậu như cô công chúa trong truyện thần thoại ấy, lấy chồng cóc để rồi đêm đêm lột xác hóa thành một chàng hoàng tử đẹp tuyệt vời. Cậu lãng mạn quá đấy.
Dung nói:
- Bạn đừng nghĩ thế. Anh ấy là nạn nhân của chiến tranh. Không thể có chuyện ấy giữa tớ với anh ấy đâu.
Dung nói tiếp:
- Hoa còn nhớ chàng thi sĩ của bạn không? Có lần anh ta chả nói với chúng mình: Tình yêu là một danh từ đẹp nhưng rất xa tầm tay với, phải không?
Hoa đáp:
- Thôi đi, cậu đừng biện sự nữa. Dù thế nào tớ cũng chưa tin đâu.
- Tin hay không là tùy bạn. Anh ấy chỉ là nạn nhân ở nhà mình thôi.
Hoa tiếp:
- Nạn nhân, tình nhân hay đức lang quân tớ cũng mặc. Nhưng vì là bạn cậu nên tớ hỏi nhé: Có phải ông bố, bà bô của cậu sợ cậu ế phải không?
- Không! Bạn đừng nghĩ vậy làm mất lòng tốt của ba mẹ mình. Các cụ thương anh ấy, coi anh ấy như con đẻ vậy.
- Còn cậu?
- Mình cũng rất thương anh ấy. Vì chiến tranh anh ấy mới khốn khổ thế. Chẳng có nơi nương nhờ trong lúc bệnh hoạn nguy khốn. Mình không nỡ để anh ấy… Thực tình cả nhà mình đểu muốn cứu anh ấy.
Nghe những lời tâm sự chân tình của Ngọc Dung, Hoa không ngờ sự tình lại có thể như thế. Trong giây lát Hoa bỗng cảm phục và thương bạn. Cô đã phần nào hiểu được nỗi lòng, tâm trạng của Ngọc Dung. Tâm trạng của một người con gái trước thân phận của nạn nhân và dư luận của người đời.
*
* *
Thúc được đón về gia đình ông bà Châu ở khu tập thể Thủ Lệ vừa sáu tháng thì bị một trận ốm "thập tử nhất sinh". Vết thương nhiễm trùng, thể trạng suy kiệt, thần kinh tái phát trầm trọng. Nhưng sự tận tình của y bác sĩ trong bệnh viện, sự chăm lo chu đáo ngày ngày của Ngọc Dung buộc thần chết lại một lần nữa phải buông tha anh.
Bà Châu và Ngọc Dung vào bệnh viện đón Thúc về. Ngọc Dung đã dìu được Thúc lên xe xích lô nhưng anh cứ đứng lênh khênh. Cô vừa giữ bọc quần áo vừa kéo Thúc:
- Anh ngồi xuống đi. Có nghe Dung nói không. Đứng vậy người ta cười cho kìa.
- Ai cười hở mười cái răng.
Thúc cười và nói tiếp:
Ông giẳng, ông giăng, ông bằng cái mẹt
Ông rơi đánh đẹt xuống giữa lòng đường.
Chiếc xe bon bon lúc lắc. Bất chợt, Thúc giằng khỏi tay Dung nhảy phốc xuống đất. Bác xích lô phanh xe cái kít. Chiếc ô tô vừa tới cũng khự lại. Anh lái xe sau phút hoảng hồn thò đầu ra ngoài ca bin quát:
- Muốn chết hả. Có chồng phải giữ cẩn thận nhé.
Ở trong quán rượu, tiếng một người dở tỉnh dở say:
Có bông hoa nhài cắm bãi phân trâu
Chồng điên, vợ đẹp còn đâu hỡi tình.
Những tiếng cười tán thưởng khùng khục, khằng khặc, hô hố, hi hí văng ra. Ngọc Dung cúi xuống cùng bác xích lô khiêng Thúc lên xe. Cô ngồi bên Thúc, nghĩ lại hai câu thơ của một kẻ nào đó ở trong quán. Kẻ ấy có hiểu vì sao Thúc lâm cảnh này? Chúng khỏe mạnh, lắm tiền nhưng nào đã giúp được gì cho Tổ quốc, cho xã hội, lại còn lớn tiếng chê bai người đời, rủa ráy người hoạn nạn. Những kẻ ấy, nếu có chiến tranh đố tìm thấy chúng giấu mặt ở đâu.
Nhà văn Minh chuyên
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam