Thứ 7, 23/11/2024, 16:41[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 21/11/2016 | 09:10:26
1,082 lượt xem
CHƯƠNG 19: có phải là anh không

 

Thúc cười, hai hàm răng phô ra. Người đứng bên cạnh giải thích:

- Thế chưa biết à. Bị thần kinh nên chú ấy mới lưu lạc khổ sở vậy.

Mấy người chen vào nhòm Thúc quay ra nói:

- Này, tôi nhìn không giống chú Thúc ngày xưa đâu.

- Tôi trông cũng không phải chú ấy.

- Ông Tám đón nhầm người rồi.

Lách đám đông, ngó tận mặt Thúc, ông cả Ðoan há hốc mồm, chòm râu bạc rung rinh:

- Thằng Thúc đây ư? Cháu tôi đây ư?

Rồi ông từ từ lùi ra:

- Không phải, không phải... Các người lầm hết.

- Ô hay cụ ơi, mắt cụ lem kem nhìn không được rõ. Ðúng anh ấy đấy ạ.

- Ðúng cái con khỉ.

- Chiến tranh mà cụ. Không phải mà ông Tám với chị Học lại đón anh ấy về.

Kẻ bảo đúng, người nói sai ồn ã. Thúc kệ thiên hạ cãi nhau, kệ những khuôn mặt xúm vào nhòm mình, anh đang mải ngắm chú Cuội ngồi gốc cây đa, ngó hàng tre uốn cong trước cửa nhà, nghiêng nhìn cây chuối, cây bòng lô xô ngoài ngõ.

Nghe ông Ðoan nói, bà Tám giật mình. Bà vuốt ve khắp thân thể con rồi nâng cằm con... bà thấy là lạ. Từ từ lùi ra, nhìn lại, bà bỗng thét lên, ngã lăn ra đất. Mấy cô thôn nữ vực bà vào giường. Chẳng ai để ý, cùng lúc đó ông Tám đang nằm ỉu xìu ở giường bên. Học thì sụt sùi khóc.

Ðã khuya, ngoài sân mọi người lảng tảng ra về. Từng tốp rầm rì, tranh luận kéo dài vào các ngõ xóm. Ðêm ấy ở làng Tống Vũ thật khác lạ, chẳng giống với bất kỳ đêm nào từ trước tới nay. Có cặp vợ chồng cãi vã thâu đêm chỉ vì mỗi chuyện chú Thúc hay không phải chú Thúc.

Lên đón Thúc trên nhà ông bà Châu, ông Tám và Học ngớ ra, không ai dám chắc có phải Thúc hay không. Ðôi nét hao hao giống Thúc ngày xưa nhưng thân hình lép kẹp, gầy đét, sẹo dăn dúm, cằm móm, mặt choắt, khác đặc. Băn khoăn, do dự song ông Tám vẫn quyết định đón về. Ông nghĩ không ai hiểu con bằng người mẹ. Nhưng về nhà, con thờ ơ, mẹ bán nghi, bán tín làm ông buồn. Có lúc bà bảo đúng là thằng Thúc rồi, có khi lại ngồi thừ ra lắc đầu, hình như không phải nó. Còn Học cũng khó hiểu. Cô ngờ ngợ, Thúc ngày xưa của mình lại thế này ư? Hiếm hoi những phút cơn bệnh dịu bớt để Học cảm nhận một thoáng thân thuộc xa xưa. Có đôi lúc thấp thoáng kỷ niệm trở lại trong đôi mắt thờ ơ đến buốt lòng, cảm thương đến não ruột. Nhưng cái phút não ruột ấy chưa kịp để gần gũi thì khuôn mặt dằn dữ, khắc khổ trong cơn bệnh lại nổi lên. Học có cảm giác một người xa lạ nào đó cô chưa từng gặp bao giờ. Từ hôm đón Thúc về phấn chấn và hoài nghi xáo trộn. Ðau thương và mất mát cứ như từ cõi lòng bùng lên. Học hy vọng tìm được sự may rủi lầm lẫn ẩn náu đâu đó. Hy vọng tìm kiếm cả trong trí nhớ những năm tháng đã qua, những năm tháng khắc khoải, mong chờ đến cháy lòng.

Cảm giác mơ hồ sợ và thương cứ xáo trộn trong lòng Học. Rồi dần dần, cảm giác ấy lắng xuống, những kỷ niệm thiêng liêng thời con gái trong mối tình đầu lại bùng lên.

*

*       *

Nhà ông bà Tám suốt những ngày đón Thúc về dân làng Tống Vũ kéo đến đông chật. Cả bà con nội ngoại, bè bạn bên Cọi Giang, Tống Văn cũng rủ nhau sang thăm. Người đến đông bởi hai lẽ: Thứ nhất, địa phương đã làm lễ truy điệu Thúc bao năm rồi, bỗng dưng gia đình lại đón anh trở về. Người thân thiết đến để mừng. Không quen biết tò mò muốn xem mặt người chiến sĩ từng hy sinh ngoài mặt trận sao sống sót? Lẽ thứ hai, sau cái đêm dân làng kéo đến đón Thúc, té ra ông Tám, cô Học đón lầm, họ bảo thế. Trong họ, ngoài làng người còn ngờ ngợ, kẻ thì nói tuột ra sao lại rước cái của ngớ ngẩn, bệnh hoạn ấy về nhà. Từ khuôn mặt dị dạng, mồm mắt lệch, xếch đến tạng người choắt nhỏ, Thúc ngày xưa đâu phải thế. Họ đồn đại, kéo nhau đến xem ngày một đông.

Bà Tám nhớ lại cảnh tượng đêm ấy bà từ trong buồng tất tả chạy ra ôm chặt lấy Thúc, òa khóc. Bà cảm như trên đời này không còn gì vui mừng, hạnh phúc hơn nữa. Nhưng rồi bao nhiêu niềm vui vụt biến thành bấy nhiêu nỗi hoài nghi, thất vọng, tan lạnh trong lòng bà.

Cơn đau thấu tận tâm can ngày bà Tám nhận tin Thúc hy sinh còn dần dần dịu lại huống hồ bà nghĩ bây giờ trước mặt bà đang có hai con người. Một con người là tình mẫu tử. Một con người là đồng đội của con bà. Nỗi hoài nghi, thất vọng, tan lạnh trong lòng bà đêm ấy cũng dần dà ấm lại.

Ông cả Ðoan cứ chì chiết, quở trách ông Tám là đi chuốc vạ vào thân. Mấy hôm sau nghĩ lại, ông bảo:

- Thôi được, đã đón chú ấy về thì cứ nuôi một thời gian rồi sau gửi lại ông bà Châu trên Hà Nội. Chắc ông bà Châu cũng thông cảm thôi.

Nhiều người khen ông cả Ðoan già người kỹ tính, nghĩ thế là phải. Ðưa người ta đi ngay là không nên. Nhưng nuôi người ta dài ngày ông bà Tám lấy gì mà sống.

Ông Tám bảo vợ:

- Hoàn cảnh nhà mình để chú ấy lại cũng tội mà nghe ông Ðoan thì không đành. Lỡ là con mình thì hối sao kịp, phải không bà?

Bà Tám lau nước mắt gật đầu:

- Phải, dù không hẳn là thằng Thúc đi nữa thì cứ coi như là con mình. Ông bà Châu người dưng nước lã còn cưu mang bao nhiêu năm trời.

Nghe vậy, ông cả Ðoan bảo:

- Ông bà tưởng nuôi chú ấy dễ lắm hả. Ăn đã vậy, người ta tàn tật, bệnh hoạn như thế, lấy gì mà thuốc thang?

Rồi ông phân tích tiếp:

- Ông bà thì già, chú ấy bị thương nặng, bệnh hiểm, chế độ, chính sách không có, hai cái thân già làm sao cáng đáng được?

- Ông không nghe mấy bác ban chính sách về hôm nọ bảo à. Chú Thúc có đi bộ đội là đúng rồi. Còn chú ấy có đúng đã về hay không? Ðơn vị ở đâu? Bị thương trong trường hợp nào? Ðánh nhau hay tai nạn? Phải có giấy tờ chứng nhận mới lập hồ sơ xét chế độ được chứ.

Ông Ðoan nói tiếp:

- Ðấy là trăm phần trăm chú Thúc nhé. Nếu không phải còn phức tạp nữa. Họ bảo, biết đâu lại là người đâm chém nhau hoặc tự gây vết thương. Ði chiến trường cũng có kẻ hèn lắm, bắn mình bị thương để khỏi phải ra trận. Loại đó tàn tật, lang thang, ai dám đứng ra bảo lãnh để làm chế độ?

Chị Nụ hàng xóm xen vào:

- Ðấy là người ta tỷ dụ những kẻ hèn hạ ở đâu đó chứ còn như chú ấy đâu thế, phải không ông bà?

Trăm thứ khó khăn thật đấy. Nhưng tình mẫu tử, nỗi niềm người mẹ cứ trào sôi, da diết trong lòng bà Tám. Bà nhìn về phía góc giường, Thúc ngồi khoanh tay bó gối, thờ ơ kệ mặc mọi người bình phẩm.

Bà Tám dắt Thúc ra giếng tắm rửa. Anh ngoan ngoãn đi theo mẹ. Bà múc từng gáo nước mát dội lên đầu Thúc. Nước sặc miệng, anh lắc lắc phì phì. Bà Tám dùng khăn vuốt mặt, kỳ cọ từng kẽ chân, kẽ tay. Bà cố ý tìm cái nốt ruồi mờ ở bả vai bên trái. Nhưng khốn nỗi, ở chính cái bả vai ấy một cái sẹo đã hớt đi dấu ấn của đứa con trai bà. Thúc cứ mặc cho mẹ dội nước, kỳ cọ, anh còn đang lơ mơ những chuyện gì đó ở tận đẩu tận đâu.

Tắm rửa sạch sẽ xong, Thúc lùi lũi vào nhà, bò lên giường nằm khoèo. Ngắm hàng cây bạch đàn bố trồng ngoài ngõ, Thúc bỗng thấy hàng bạch đàn cao vút lên, biến thành khu rừng rậm toàn cây săng lẻ với lồ ô, Thúc cùng đồng đội xông vào đuổi giặc, lúng búng không sao ra được.

Thúc nhớ lại cảnh tượng bất ngờ, một ông già, một cô gái trông vừa lạ lại vừa quen đến nhà ông bà Châu. Hai người vào nhà cứ trân trân nhìn anh. Lạ chưa? Họ nói với nhau gì nhỉ? Cứ chỉ trỏ vào mình nữa. Không biết họ nói, họ chỉ gì thế? Bố Châu, mẹ Châu và bác sĩ Dung bảo Thúc đi theo hai người ấy. Ði đâu thế nhỉ? Nào Thúc có biết. Bà cả Phê bảo Thúc là cháu bà. Bà chỉ tay vào từng người và nói: Ðây là bố cháu, đây là người yêu cháu, lên đón cháu về quê đấy. Thúc cứ giương mắt nhìn hai người. Hai người ấy cũng chằm chằm nhìn Thúc. Quê ở đâu còn ở đâu nữa. Ừ thì đi - Thúc lẩm bẩm. Kệ cho hai người vừa lạ vừa quen dìu ra xe. Chiếc ôtô chở khách vùn vụt lao đi. Ðường xóc, chiếc xe nghiêng ngả, lồm chồm. Xe đi qua cầu, qua phà, qua sông, qua đồng lúa, qua làng xanh rồi về ngôi nhà này. Bố Châu, mẹ Châu, bác sĩ Dung biến đâu mất rồi? Sao họ không ở với mình nữa nhỉ? Ðộng giường, Thúc choàng dậy.

 

(còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày