Thứ 2, 06/05/2024, 22:17[GMT+7]

Mùa yêu thương

Thứ 2, 28/11/2016 | 08:41:59
805 lượt xem

Trời chuyển mùa. Heo may lành lạnh ùa về đọng lại trên tán lá còn ngái ngủ mỗi buổi sớm mai. Trời trong và cao hơn. Nắng cũng nhạt hơn, bớt gay gắt hơn. Từ ngày bố mẹ ra đi, Liên thành đứa mồ côi. Liên mệt mỏi, không còn sức mà gắng gượng nữa. Có lúc tưởng như gục ngã. Nhưng nghĩ đến những lời dặn dò của bố mẹ, Liên phải cố gắng hơn. May mà còn có nội thường hay qua lại, an ủi…

Nội sinh được hai người con, chú và bố Liên. Nghe nội kể lại ngày xưa bố Liên cũng học giỏi lắm nhưng vì thương em hay ốm đau nên bố đã bỏ học ngang chừng. Ông mất trong một cơn bão biển, mình nội không thể lo cho hai con ăn học. Nội khóc rất nhiều nhưng đàn bà con gái không thể theo thuyền bám biển được. Quanh năm buôn thúng bán mẹt với mớ cá tôm nhỏ ở chợ quê, nội cần mẫn như con ong nhưng cũng chỉ lo được bữa no, bữa đói cho các con.

Chú tốt nghiệp đại học về quê nuôi thả tôm cá xuất khẩu theo đúng chuyên ngành mình học. Nhờ có kiến thức về nuôi trồng thủy sản nên năm nào chú cũng thu lãi cao. Chú lấy vợ, sinh liền hai thằng cu, mua nhà mặt phố mở quán cà phê cho thím bán còn chú ở ngoài đầm với mấy vuông tôm. Ai cũng bảo chú tốt số, chả bù cho bố Liên. Bố Liên được mỗi mụn con gái, vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Chưa bao giờ bố Liên ân hận vì đã bỏ học. Bố bảo chú được như vậy bố cũng mừng lắm. Bố mẹ Liên qua đời trong một tai nạn. Từ đó, nội sang ở với chú. Chú bảo để chú báo hiếu nội và trả nghĩa anh mình. Chú trả nghĩa bằng cách cho Liên phụ bán cà phê vào mỗi buổi tối để có tiền nộp học. Ngày trước, bố Liên nuôi chú học, giờ chú nuôi lại Liên.

Buổi tối đầu tiên đi làm, Liên làm rơi vỡ mấy chiếc ly. Thím cau mặt, trề môi tỏ thái độ không vừa lòng. Liên hoảng quá, nhặt vội những mảnh ly vỡ tung tóe dưới đất. Tay Liên chảy máu. Thím quát: Không cầm chổi mà quét đi. Ngực Liên nghẹn lại. Nội lấy cho Liên cục bông rồi bảo:

- Con phải cẩn thận chứ. Thôi để nội thu cho.

Không biết thím nói gì với chú mà hôm sau chú gọi Liên vào phòng mắng té tát. Chú bảo lần sau còn thế nữa thì đừng trách chú vô tình. Giọt nước mắt lăn xuống, mặn chát. Liên cắn chặt môi, cố kìm nén không để bật ra tiếng nấc tủi. Liên càng buồn khi thấy nội ngồi trên ghế nhìn ra ngoài vô định. Nội không thích hợp với kiểu sống ồn ào này. Phố xá nhộn nhịp tiếng còi xe còn trong quán thì đủ những tạp âm. Tiếng nhạc chát chúa từ đôi loa thùng to bự. Những bài hát người ta cố gào lên trong các phòng kín. Những tiếng "dô" của thanh niên sau mỗi chuyến đi biển dài ngày. Nội hay thở dài... Chú bảo rồi nội sẽ quen, nghề phải theo nghiệp, không vậy thì chỉ có nước uống nước biển mà sống.

Đêm. Con phố dài không yên tĩnh như ở nhà Liên. Trăng cũng bớt lung linh hơn. Ngày nào Liên kết thúc công việc khi đã nửa đêm, một mình lọ mọ đạp xe về. Hết cái ồn ào của con phố là cái yên lặng của rừng phi lao in thành vệt đen dài trong đêm tối. Hơn hai cây số dưới trời khuya khiến Liên sợ nên nội bảo nội đi cùng. Một lần Liên đạp xe trúng phải một viên gạch. Tay lái Liên loạng choạng, thế là nội ngã, tay nội chống xuống, bị gãy phải bó bột. Thím lại cằn nhằn. Mấy ngày sau chú ở ngoài đầm về bảo Liên dọn đến ở cùng căn phòng dưới chân cầu thang với nội.

...Nội kể chuyện ngày xưa, loanh quanh rồi cũng quay về câu chuyện của bố Liên. Trong căn phòng nhỏ, một già một trẻ cùng chung một nỗi niềm, cùng nhớ về một người đã đi xa. Nội kể ngày xưa bố Liên thương nội lắm. Mỗi khi nội ốm, bố chăm sóc, thuốc men chu đáo. Bệnh khớp của nội đau dữ những khi trở trời, nhất là về mùa đông. Có lần bố còn đạp xe hơn năm chục cây số để tìm thầy lang bốc thuốc cho nội. Nội kể với niềm thương nhớ trong miền thăm thẳm của tình mẫu tử thiêng liêng dâng đầy cảm xúc. Liên nằm bên nội, thả hồn theo dòng ký ức của những ngày xa xưa... Sương khuya tưới ướt đẫm vạt rau trước hiên nhà.

*

* *

Nghe điện thoại xong, thím reo lên:

- Nhà mình đổi đời rồi. Họ đã đo xong đường. Nhà mình sẽ ra mặt đường.

"Nhà mặt đường" là khu nhà cũ ngày xưa gần bờ biển. Giờ bến cảng được mở, khu du lịch sinh thái được xây dựng. Người ta mở thêm đường và có con đường trải nhựa sẽ đi qua cửa nhà. Đó vẫn là ngôi nhà được xây từ khi bố Liên mới lớn, giờ thì giá trị của nó đã tăng lên nhiều lần.

Thái độ của thím với nội đột nhiên thay đổi hẳn. Thím mua đủ các loại thuốc chữa bệnh lẫn thực phẩm chức năng về cho nội dùng. Liên không còn phải kiếm lá về đun nước cho nội ngâm chân mỗi tối nữa. Thím cũng cho Liên nghỉ phụ bàn luôn vì lý do lớp mười hai rồi nên Liên phải tập trung học để còn thi đại học. Thím xin nội để lại cho hai đứa con thím phần đất đó. Dẫu sao Liên cũng là con gái, sau này lấy chồng sẽ theo chồng, việc hương hỏa tổ tiên sẽ là việc của hai con của thím. Liên không nghĩ được như thím, chỉ cần được học, không phải phục vụ ở quán nữa, đến lớp không còn gà gật buồn ngủ để tập trung vào bài thầy giảng. Thím nỉ non nội mãi không được liền bảo với chú. Chú vừa mở lời đã bị nội mắng. Hồi chú mua đất ở phố bố Liên đã phụ thêm tiền rồi. Phần đất đó là của bố Liên. Giờ chú có nuôi Liên học cũng là trả công bố Liên nuôi chú ngày trước mà thôi. Nghe nội nói vậy, thím nguýt dài. Vài ngày sau, nội hết thuốc nhưng không thấy thím mua thêm.

Con cún ốm, thím bắt Liên đưa nó đến bác sĩ thú y khám. Đó là một con chó cảnh. Toàn thân nó phủ một lớp lông trắng toát rất đáng yêu. Thím quý nó lắm, gọi nó là "con gái". Liên cho lồng chó lên xe, thím còn dặn với:

- Cẩn thận không nó xổng đấy. Nó mà mất thì chị liệu hồn.

Khóe mắt Liên cay xè. Ôi, phận mồ côi...

Có một vật lao vào Liên với tốc độ rất nhanh. Liên ngã xoài ra đất. Chiếc xe đạp dúm dó. Có một điều kỳ diệu xảy đến khiến Liên mới không ở dưới gầm chiếc ô tô đó. Nhưng con cún thì chết. Cả người đau nhức nhưng Liên vẫn cố lê lại phía nó. Vì đụng xe ngay gần cửa quán lên thím nhanh chóng có mặt. Thím tru tréo chửi Liên, chửi người tài xế và ôm con cún khóc. Nội lập cập chạy ra nhờ người đưa Liên đi viện, Liên bị trật khớp tay trái. Từ hôm đó không khí trong nhà lúc nào cũng căng như sợi dây đàn. Thím bắt lỗi Liên từng ly từng tý. Ngay cả với nội thím cũng bóng gió xa xôi. Nội không chịu được:

- Cô đừng tưởng cô to nhất cái nhà này nhé. Đừng biến cháu tôi thành con ở.

Thím đốp lại, đôi mắt vằn đỏ:

- Hàng ngày tôi nuôi cơm hai bà cháu bà, bà còn bày đặt làm gì nữa hả bà già? Cái nhà này mang tên tôi, con trai bà tôi cũng đuổi được...

Nội sửng sốt, người rũ xuống như tàu lá chuối.

*

* *

Càng ngày thím càng quá quắt. Thím muốn có mảnh đất nhà cũ để mở spa. Con đường qua nhà cũ chỉ sau một năm đã trở nên sầm uất. Liên học đại học trên thành phố, xe buýt đi về trong ngày để đỡ tiền nhà trọ. Dù không muốn về nhà chú thím nhưng Liên chẳng còn cách nào khác. Liên thương nội. Thím luôn nói Liên là gánh nặng cho thím, rằng chú không thức thời, người ta rầm rầm mở công ty này, doanh nghiệp nọ còn chú suốt ngày chỉ vùi đầu vào mấy con tôm nên thím mới phải khổ, rằng cái nhà này vắng thím một ngày là tất cả đói rã mép. Thím bảo nội không cho thím đất thì sau này chết cũng đâu có mang xuống mồ được. Chú chán nản không muốn về nhà, chỉ ở đầm rồi suốt ngày uống rượu.

Nghĩ mãi nội mới cho chú một nửa đất còn nửa đất có căn nhà cũ nội không cho. Chỉ sau bốn tháng đã có một ngôi nhà bốn tầng mọc lên. Nội và Liên dọn sang nhà cũ ở. Nội chẳng thể chịu nổi cảnh đám thanh niên tóc xanh tóc đỏ đến đó hàng ngày.

Chú bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không hiểu mình đã mắc tội như thế nào. Thím bỏ đi mất. Nội ngã quỵ. Trước tòa, chú bị cáo buộc đã giả mạo giấy tờ để thế chấp vay tiền mấy ngân hàng và bán ngôi nhà mới xây trên mảnh đất cũ cho nhiều người. Chú đâu ngờ tình nghĩa vợ chồng mà thím lại đối xử với mình như thế. Mảnh đất nội cho mang tên chú, thím lấy đi cầm cố ngân hàng. Mấy lần vay vốn ngân hàng chú đều ký hết để lấy tiền cho thím đầu tư kinh doanh. Ai ngờ thím làm hồ sơ giấy tờ nhà đất giả và rao bán. Người ta đưa tiền không được nhận nhà và đi kiện. Tưởng thím buôn bán những gì. Thím cho vay lãi cao và người ta xù nợ. Chuyện vỡ lở, con nợ đến hợp thức hóa quán cà phê và tiệm spa, cả mấy vuông đầm của chú nữa. Còn chú lâm vào vòng lao lý.

Nội gắng gượng với bệnh tật để làm chỗ dựa cho Liên và hai đứa con chú. Nội mở quán nước chè tươi bán cho công nhân làm dưới cảng kiếm thêm thu nhập. Hai đứa con chú được chiều chuộng giờ cũng phải tập quen dần với sự khốn khó. Liên nhận quần áo ở xưởng may về làm thêm ở nhà. Ngôi nhà nhỏ trở nên đầm ấm hơn.

*

* *

Trời trở lạnh. Nội cặm cụi đan khăn len gửi vào trại giam cho chú. Nội lo bệnh viêm họng mãn tính của chú tái phát. Chiếc khăn gần hoàn thành thì nội ra đi vì tai biến mạch máu não. Anh em họ tộc, bà con lối xóm góp tiền, góp sức đưa nội ra đồng. Ai cũng thương cảm cho chị em Liên...

Nhờ cải tạo tốt nên chú được đặc xá. Trông chú tiều tụy đi nhiều. Chú đổ gục trước ban thờ nội. Cuộc đời quả thật không ai biết hết được chữ ngờ. Chú đã từng là niềm tự hào của nội. Gia đình chú từng được nhiều người mơ ước. Vậy mà cuộc sống luôn có những bất trắc xảy ra...

Trời rét đậm. Chú mang chiếc khăn nội đan dở ra ngắm rồi quàng vào cổ. Đêm khẽ trở mình. Từng cơn gió thông thốc qua các mái nhà. Cả dãy phố im lìm. Hàng cột điện đổ bóng dài dưới những bóng đèn cao áp. Nhìn bóng chú in trên vách, Liên nghĩ đến câu nói của nội. Nội bảo, dù là phố xá hay làng quê thì mỗi con người đều rất cần một mái ấm để đi về. Có giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt hốc hác của chú. Hẳn là chú đang nhớ nội rất nhiều. Liên cũng thế, rất nhớ vòng tay già nhăn nheo nhưng ấm áp của nội ôm mấy chị em Liên ngủ mỗi tối mùa đông...

Lê Thị Nhung
(Thụy Lương, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày