Thứ 5, 28/03/2024, 16:24[GMT+7]

Cuộc sống phải biết ước mơ

Thứ 2, 12/12/2016 | 10:31:24
5,674 lượt xem
Chắc hẳn trong cuộc đời ai cũng từng có ước mơ của riêng mình. Mỗi người có ước mơ khác nhau vào từng thời điểm khác nhau nhưng cũng có ước mơ khiến ta khao khát thực hiện trong suốt thời gian dài. Khi ước mơ trở thành hiện thực, chẳng thể nào tả xiết niềm hạnh phúc mong chờ. Tôi cũng có một ước mơ như thế...

 

Học tiểu học, tôi học giỏi toán. Nhưng đến năm lớp bảy, nghe cô giảng văn, tôi như bị một dòng từ trường hút chặt lấy. Những giờ giảng văn của cô luôn có sức lôi cuốn mãnh liệt. Mãi lúc là cô giáo rồi tôi mới hiểu được rằng chính cô đã thổi niềm đam mê văn học cho chúng tôi. Từ đó, tôi bắt đầu yêu thích văn học. Từ đó, tôi ước mình sẽ viết báo để viết lên sự thật về những góc khuất trong cuộc sống hay những điều tốt đẹp của con người. Nhà nghèo, nhiều lần tưởng phải nghỉ học nhưng tôi vẫn cố gắng ra đồng bới con cua, mò con ốc để có tiền đi học. Tôi đã nhiều lần khóc giữa đồng không mông quạnh, nếu tôi bỏ học thì ước mơ thi vào trường báo chí của tôi sẽ là viển vông. Kiên nhẫn, âm thầm chịu đựng giá rét căm căm hay lúc trời nóng như đổ lửa trên cánh đồng để góp nhặt từng đồng bạc lẻ nuôi dưỡng ước mơ. Và rồi cũng có ngày tôi háo hức tra mã trường báo chí để điền vào hồ sơ thi đại học.

 

Ước mơ tưởng chừng như sắp được thực hiện thì khi thi xong tốt nghiệp cấp ba, tôi được nghe “quân lệnh” của mẹ: Nghỉ thi! Ngoài lý do nhà nghèo ra còn có một lý do khác nữa là học báo chí ra trường phải có xe máy để đi làm, lại khó xin việc. Ước mơ coi như chấm dứt. Ðêm nào tôi cũng khóc, thương cho thân phận hẩm hiu của mình.

 

*

*      *

 

Năm thứ hai học sư phạm ở tỉnh, có người bạn học trên Hà Nội rủ tôi lên chơi. Lần đầu tiên đặt chân lên Thủ đô bạn đã chở tôi đến trước cổng Trường Ðại học Khoa học xã hội nhân văn. Ðứng lặng hồi lâu, bạn bảo tôi trước kia sao không học. Có một sự thấu hiểu trong tận cùng của tình người, của sự cảm thông,  chia sẻ. Bạn hỏi tôi có vào Khoa Báo chí tham quan không, mình không được học nhưng cũng vào đó một lần cho biết ngôi trường mình ước mơ thế nào. Tôi khẽ lắc đầu, sợ khi vào đó mình sẽ vỡ òa trong nước mắt. Tôi không muốn người khác thấy trái tim tôi run rẩy, yếu đuối. Tôi không muốn nhận từ bất kỳ ai đó sự thương hại. Im lặng, tôi chìm vào miền ký ức của riêng mình...

 

Ngày thi vào cấp ba, tôi được điểm văn cao nhất. Tôi có tên trong danh sách lớp chuyên văn. Nhiều người mơ chẳng được nhưng tôi lại vào phòng thầy hiệu trưởng xin cho học ở lớp đại trà. Hôm sau thầy chủ nhiệm gọi tôi ra, động viên tôi theo học lớp chuyên văn, thầy sẽ đề nghị trường giảm cho tôi một số khoản đóng góp. Nhưng tôi vẫn nhất quyết không học. Lớp chuyên văn học cả ngày, tôi sẽ không có thời gian để bắt cua mò ốc kiếm tiền nữa.

 

*

*      *

...Mấy đứa bạn học báo chí nghỉ hè về quê kể chuyện đi thực tập mà tôi thèm. Rồi lại chạnh lòng, tủi thân. Tụi nó khao cả bọn ăn chè bằng tiền nhuận bút. Giọng kể có gì đó nghe “kiêu” lắm. Tôi tự hỏi, chả nhẽ tôi lại chịu thua sao? Tôi bắt đầu tập tành viết lách. Không biết bao nhiêu giấy mực, cổ tay tôi mỏi nhừ vì viết nhưng tôi vẫn cố. Gửi cho nhiều báo, trông chờ cũng chả ít nhưng rồi cũng chẳng được báo nào chọn đăng. Tôi đã nản. Nhưng niềm yêu thích trở thành đam mê trong tôi nó không chịu ngủ yên. Tôi lại cần mẫn suy nghĩ và viết. Bài đầu tiên được chọn đăng trên báo quân đội. Tôi được Ðại tá Nguyễn Phúc Ấm khuyên nên viết cho báo địa phương để được gặp gỡ và học hỏi những người trong nghề. Tôi làm theo. Bài được chọn đăng trên Báo Thái Bình là bài viết về làng tôi. Rồi tết năm đó là bài “Hoa đào vẫn nở” lấy cảm xúc từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở quê tôi. Chẳng thể nào tả hết niềm hạnh phúc khi nhận được báo biếu của tòa soạn. Niềm vui nhân đôi khi tôi được tòa soạn mời dự hội nghị gặp mặt cộng tác viên nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Khó có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc bởi vì tôi là người “ngoại đạo”. Tôi sẽ mãi trân quý tình cảm mà tòa soạn đã dành cho tôi.

*

*      *

Trong cuộc sống, biết ước mơ thôi là chưa đủ phải không các bạn? Ðiều quan trọng là mình phải có đam mê để thực hiện ước mơ đó. Khi thực hiện được rồi, ta sẽ cảm nhận được trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc mà ước mơ mang lại.

 

Lê Thị Nhung

Thụy Lương, Thái Thụy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày