Thứ 5, 21/11/2024, 20:52[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 12/12/2016 | 10:37:22
1,168 lượt xem

Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo).

 

CHƯƠNG 22: Chuyện về những ân nhân cứu mạng

 

Hy vọng chìm lặng trong đáy lòng, Rư không muốn khơi dậy hình ảnh của Học nữa. Hình ảnh một người con gái dành trọn tình cảm của mình cho người bạn của anh. Rư không chỉ đem lòng yêu thương mà anh còn kính phục. Thờ và đợi người thương đúng cái nghĩa mà Học đã dành cho Thúc. Những năm tháng xa vắng khắc khoải này, bên cạnh những nén hương trầm tư rằm, mùng một lan tỏa làn khói cầu mong cho linh hồn người thương ấm áp nơi âm thế, Học còn thắp nén hương lòng cầu mong cho cái linh hồn ấy chỉ là ảo ảnh để ấm lòng người dương thế đợi anh. Rư muốn quên đi để khỏi nhớ, khỏi mong. Quên đi để cuộc đời mới bừng dậy trong lòng. Và anh đã ra đi không một lời từ biệt.

 

Công việc của làng mới túi bụi, sự hấp dẫn của người vợ trẻ cuốn hút, Rư chẳng còn tâm trí đâu để nhớ những kỷ niệm mà vốn dĩ anh cũng muốn quên đi. Bỗng dưng nhận được thư Học báo tin Thúc còn sống và đã trở về. Ôi, Thúc còn thật ư? Rư không tin vào lá thư vừa đọc mà ngỡ mình mơ tưởng. Không! Ðúng thư Học rồi. Anh đọc lại mấy lần nữa. Trời ơi! Thúc còn sống thật rồi.

 

Bàng hoàng xen lẫn vui mừng đang trào lên thì nỗi buồn đau xót lại xâm chiếm lòng Rư. Lời lẽ Học kể trong thư thật đau khổ. Thúc như từ một thế giới vô thức, xa lạ nào đó trở về. Anh bị điên rồ, thân thể tàn phế, mặt mày dị hình, sức vóc cạn kiệt, lưu lạc nhiều năm nay về hai bàn tay trắng, nhiều người không nhận ra. Có kẻ độc miệng còn cho rằng Thúc trốn đơn vị, bị người ta đâm chém nên mới vô chế độ.

 

Ôi, lẽ nào Thúc lại như vậy ư? Ðọc những dòng thư của Học, lòng Rư như lửa đốt. Nhất định anh phải về gặp Thúc. Rư vội vàng thu xếp công việc, tạm biệt vợ con, dân làng. Ước gì có đôi cánh bay về làng Tống Vũ. Rư cảm thấy mình không thể vắng mặt trong những ngày này bởi Thúc là bạn chiến đấu còn anh là nhân chứng của cuộc chiến tranh.

 

*

*     *

Ðã nửa tuần trăng trôi qua, Nguyễn Sinh Từ vẫn chưa gặp Ngọc Dung. Giận thì giận song sự tan vỡ đâu phải dễ dàng bởi trái tim hai người như là đã chia hai nửa. Nhịp đập phía bên này làm thổn thức phía bên kia. Từ có cảm giác phía bên ấy tiếng gọi của trái tim rung lên chân thành và da diết. Tuy cảm giác thế nhưng quãng đời quá khứ của Ngọc Dung vẫn cứa vào anh nhức nhối, để những giọt buồn nhỏ mãi khôn nguôi. Vậy mà vẫn không thể nào dứt nổi. Giận, thương, buồn, nhớ xáo trộn. Riêng nỗi nhớ thì kỳ lạ hơn. Nó như là ngọn gió ào ào xoáy trong lòng anh thổn thức. Từ đã đến nhà Ngọc Dung tự lúc nào. Ðến để giận hờn hay để chia tay anh cũng không hình dung nổi. Chỉ biết anh sững người, buồn nản vì nhận được tin Ngọc Dung.

 

- Dung đi đâu hở bác?

Mẹ Dung quý khách, vồn vã nhưng rất lịch sự. Bà lấy trà, pha nước, lau ấm chén.

- Em nó nghỉ phép, lên thăm bà cô ốm ở Sơn Tây. Cháu mời nước đi.

- Vâng ạ! Dung có dặn bao giờ về không bác?

- Không dặn, nhưng đi ba, bốn hôm rồi. Cháu cứ ở đây chơi nội nhật chiều nay chắc thế nào em nó cũng về.

Từ ngồi xem báo có ý muốn đợi Ngọc Dung. Bà Châu xuống bếp tất tưởi sắp cơm khách. Vô tình Từ thấy quyển album đặt trong tủ kính. Chắc là có ảnh mình, ảnh Dung trong đó. Tò mò, anh với tay đun tấm kính lùa, với quyển album mở xem. Từ sửng sốt khi đôi mắt bất chợt nhìn thấy tấm ảnh. Trời ơi! Lẽ nào... Từ khẽ kêu lên. Ðúng là Thúc rồi. Mà sao ảnh Thúc lại ở đây nhỉ? Hay là mắt mình nhìn nhầm. Không, không thể nhầm. Những vết sẹo dăn dúm trên vầng trán nham nhở vết thương kia sao mà nhầm được. Hay là... Hay là... Biết đâu, đây chính là nhà của Thúc. Từ bồi hồi gọi bà Châu:

- Bác ơi, cho cháu hỏi một chút.

Bà Châu nhanh chân từ bếp bước lên nhà. Biết chắc là Thúc nhưng Từ vẫn giơ tấm ảnh ra:

- Ảnh ai đây ạ?

Bà Châu nhìn:

- Chú Kích sẹo đấy.

- Kích sẹo nào cơ?

- Thế con Dung không kể với anh à?

Nghe bà Châu nói vậy, Từ giật mình:

- Dạ không ạ.

Anh cố trấn tĩnh nhìn lại bức ảnh. Ôi! Lẽ nào Thúc lại là chiến sĩ của đơn vị ông Châu? Lẽ nào người chồng bất hạnh của Ngọc Dung lại là bạn mình, là người trên tấm ảnh này?

- Kích đi đâu rồi bác?

- Chú ấy gia đình đón về quê rồi.

- Quê ở đâu ạ.

- Ở Thái Bình.

Từ ngồi lặng người nghe bà Châu nói nguyên do vì sao Thúc nương tựa ở gia đình mình. Bà kể lại những ngày Thúc lang thang hành khất, bị bọn côn đồ đâm chém ở chợ, được bà Phê và bà đưa vào viện cấp cứu. Những ngày Ngọc Dung đón về nhà tận tình chăm sóc, thuốc men. Những ngày ông Châu vất vả lặn lội đi tìm đơn vị... Từ bàng hoàng đến sửng sốt. Anh cảm kích run lên. Từ không lường được cuộc đời của Thúc lại khốn khổ như thế. Lại càng không thể ngờ những tấm lòng nhân đức bao la, những nghĩa cử cao đẹp lại ở ngay trong những người thân thiết với anh.

- Làm phúc phải tội - bà Châu nói tiếp. Lúc đầu có người độc mồm độc miệng nói ra, nói vào.

- Họ nói sao hở bác?

- Họ bảo chắc là thế nào với nhau. Ông Châu kiếm cho cô con gái một anh chàng của đơn vị ông rõ là quý hóa. Trước ngày con Dung chả hay lên chỗ ba nó chơi mà. Trót đa mang giờ phải đèo bồng chứ tự dưng lại rước cái của nợ ấy về. Nhưng được cái con Dung nó không chấp. Nó vẫn lo lắng, chăm nom chú Kích sẹo, coi như anh trai nó vậy.

Bà Châu tiếp:

- Nào ông Châu nhà tôi có quen biết gì chú ấy cho cam. Nghe tôi với con Dung kể, ông vào viện thăm chú ấy rồi bố con đón chú ấy về...

Thì ra sự thật là như thế. Vậy mà nghe người ta lập lờ kể lại Từ đã vội vàng trách cứ Ngọc Dung. Lòng tốt của gia đình Ngọc Dung có mục đích gì đâu. Nuôi một người tâm thần như Thúc có hy vọng gì sự báo đáp, đền ơn. Vậy mà cả nhà vẫn dồn tình thương cho Thúc. Ôi, những tấm lòng thật mênh mông. Suýt nữa Từ đánh mất một cuộc đời không dễ gì có được. Ðánh mất một tâm hồn, một chỗ dựa tin yêu nhất của đời anh.

Ngọc Dung đã về, tay xách túi bước vào sân, vẻ mệt mỏi. Cô gầy hơn mấy tuần trước đó. Chắc là cô buồn và nghĩ ngợi, dằn vặt. Từ nhận ra nỗi buồn vẫn còn đậu trên đôi mắt thăm thẳm của Ngọc Dung. Anh sẽ làm cho nỗi buồn ấy tan đi để nụ hôn lại nở trên môi hai người. Từ bồi hồi nghĩ vậy. Anh ra mở cửa đón Ngọc Dung. Cô thoáng nhìn anh, vẻ vẫn còn giận:

- Tưởng anh Từ không bao giờ đến nữa.

Từ lúng túng:

- Bây giờ thì anh đã hiểu rồi.

- Hiểu gì cơ - Ngọc Dung ngạc nhiên.

- Hiểu sự suy diễn của người ta là vô căn cứ.

Bà Châu đỡ túi cho con gái, vồn vã hỏi:

- Con lên trên ấy cô đã khỏe chưa?

- Cô khỏe rồi mẹ ạ.

Bà lại nói:

- Từ, bạn con đến đây từ chiều. Nhìn thấy bức ảnh chú Kích sẹo trong quyển album, ngạc nhiên lắm. Mẹ kể cho bạn con nghe rồi.

- Mẹ chỉ được cái nhanh vội. Việc gì phải nói.

Bà Châu xuống nhà sắp cơm. Từ bước lại chỗ Ngọc Dung ngồi, vẻ ân hận:

- Anh không ngờ gia đình và em tốt quá.

- Tốt có mục đích không?

- Ðừng nói thế, giờ thì anh đã hiểu.

Từ ngồi xuống bên, nắm chặt bàn tay Ngọc Dung. Ngọc Dung để nguyên bàn tay thon nhỏ của mình trong bàn tay ấm nóng của Từ:

- Anh đã nhận ra lầm lỗi của mình. Hãy tha thứ cho anh nghe Dung.

Từ quàng tay lên vai Dung. Cô ngả đầu vào ngực anh. Hai người thổn thức im lặng. Một lát sau Từ nói:

- Anh vừa phát hiện một sự kiện bất ngờ, Dung có muốn biết không?

- Bất ngờ gì cơ?

Từ buông vai Dung, với quyển album, mở, giở tấm ảnh ra trước mắt:

- Ảnh người này chính là bạn anh đấy.

Dung ngạc nhiên lắm:

- Sao, anh ấy chính là bạn anh à?

- Ðúng vậy!

Dung vẫn ngơ ngác:

- Các anh cùng đơn vị với nhau à?

- Không! Bọn anh khác đơn vị nhưng bị bắt, cùng ở tù với nhau.

Từ nói tiếp:

- Thúc là người đã cứu sống anh khỏi tay thần chết ngày còn ở Côn Ðảo.

 

(còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày