Người lạc về đâu
CHƯƠNG 24: ĐÚNG LÀ CON TÔI RỒI
Chiếc ca nô nổ máy, giật một cái lùi lại, quay đầu kéo con phà cõng đầy ô tô và người rời khỏi bến sông. Tiếng nổ xình xình, đều đặn hòa trong tiếng sóng vỗ mạn phà dào dạt.
Gặp Phú, Rư nghĩ lại trận chiến đấu khốc liệt ở Trảng Bàng ngày trước. Trận ấy, tiểu đội của anh hy sinh gần hết. Phú và Kha chạy sang bên kia đầu hàng, chỉ có Thúc và Rư biết. Thúc thì bị thương, mê man, Rư cõng Thúc vào viện, chưa kịp báo trường hợp Phú và Kha thì anh cũng bị thương nặng. Quân số đơn vị mất dần, phải xé lẻ nhập vào đơn vị mới, tiến sâu vào vùng sau lưng địch. Mỗi người mỗi nơi, Rư chuyển hết viện quân y này đến viện quân y khác. Cuối cùng, không còn sức chiến đấu, anh được chuyển ra điều dưỡng ở hậu phương miền Bắc. Vì thế Phú và Kha chẳng ai để ý đến, coi như là quân số mất tích sau một trận đánh như trăm như nghìn trận đánh khốc liệt ở chiến trường.
“Thời đại bây giờ khác, người ta không xoi mói quá khứ của nhau như ngày xưa đâu. Anh nào có tài anh ấy cứ tiến” - nghĩ đến lời Phú nói, Rư không hiểu anh ta có tài gì? Lạ thật, một con người như thế mà con đường danh vọng vẫn mời đón anh ta, vẫn dành cho anh ta một cái ghế “màu mỡ”, sang trọng mà dễ gì người có công có được.
Ảo ảnh của Thúc như lặn vào máu thịt, chập chờn bám đuổi suốt những năm tháng qua. Sợ cóc gì cái thằng điên ấy. Nhiều lúc mạnh mồm, Phú át đi để trấn an mình nhưng cái thằng điên ấy vẫn ám ảnh không nguôi.
Bỗng gặp lại Rư, không còn là ảo ảnh chập chờn bám đuổi mà Rư là hiện thân của một sự thật. Phú cảm giác một sự thật nghiệt ngã đang sắp sửa ập lên đầu mình. Cái thằng cha trung đội phó chết tiệt ấy tưởng nó chết trận, nào ngờ... nó lại dọa mình: Thì anh vẫn yên tâm à? Yên tâm cái con mẹ nó. Thằng cha này còn đáng sợ hơn trăm nghìn lần thằng điên. Nó còn, mình mất. Nó còn, mình sống sao yên? Cả cái sự nghiệp, danh vọng của mình nữa, không khéo cũng sập đổ vì nó... Bỗng dưng cái tính ác thú trong con người Phú trỗi lên. Hắn choàng dậy, bàn tay túm quai cặp, tay kia bật cửa xe lao ra ngoài...
Con phà đã cập bến sông. Tiếng xình xình của chiếc ca nô nhỏ dần rồi lịm đi. Chỉ còn tiếng sóng dào dạt vỗ mạn phà. Con phà từ từ ghệch đầu lên bến. Người và xe chen chúc vào bờ, xô đẩy ồn ã.
Rư thận trọng bước khỏi cầu phà, cái chân đau hẫng hụt làm anh ật ngửa, suýt ngã. Vừa lúc ấy một lưỡi dao găm bất thần nhập vào sườn anh. Rư khựng lại, lảo đảo, toàn thân run lên, quằn quại. Ngọn đèn cao áp sáng xanh trên bến bỗng quay cuồng, vụt tắt. Rư cảm thấy như bến phà sập lở, mình bị tụt xuống một vực tối mênh mông. Rư ngã vật ra, mê man trong tiếng ồn ã, nhốn nháo…
*
* *
Nghe dân làng eo sèo bàn tán, bà Tám càng thương con, lại càng thương cái người đang nằm thờ ơ kia. Bà không thể nghe ông cả Ðoan được. Lỡ là con bà đã về, bà không thể để mất nó một lần nữa. Gia đình bà nghèo thật nhưng bà sẽ cố dè sẻn, vay mượn để nuôi dưỡng, thuốc men. Khổ sở, thiếu thốn nhưng bà không muốn người thanh niên ấy đi khỏi gia đình bà. Ai nói ra nói vào mặc kệ, bà không nỡ bẳn gắt, xua đuổi Thúc đi. Trong tâm khảm người mẹ, bà vẫn linh nghiệm đứa con trai của bà đã trở về. Càng ngày bà càng nhận ra những cử chỉ của người thanh niên ấy có nét rất giống con bà ngày trước. Cái dáng đi này, kiểu ngồi ăn này. Cách nằm ngủ nữa. Thúc hay nằm nghiêng, hai đầu gối co lên, tay quắp đầu. Cả giọng nói và nụ cười nữa. Mặc dù nụ cười của người điên dại nhưng vẫn phảng phất bóng dáng nụ cười của Thúc ngày xưa. Tất cả những cử chỉ thoáng hiện ấy chỉ có tình mẫu tử mới có thể cảm nhận được.
Ðược Học và gia đình cùng các thầy thuốc tận tình cứu chữa, cơn nguy khốn của Thúc dần dần đã qua nhưng chứng bệnh thần kinh vẫn còn nan giải. Anh tỉnh táo, lại lang thang ra đường, ra ngõ. Lại tha thẩn nhặt vỏ ốc, vỏ sò. Lại nghêu ngao hát bài “Quê em miền trung du...”.
Bà Tám vẫn kiên trì tìm kiếm trí nhớ và những dấu ấn của Thúc trên thân hình người thanh niên mà bà nghĩ rất có thể là con bà. Bất chợt, bà nhớ tới tấm ảnh ngày nhỏ Thúc chụp chung với Phô, bạn học cùng xóm. Tấm ảnh cất trong hòm quần áo, đã ố vàng, bà mới tìm thấy. Bà lấy bức ảnh, hồi hộp giơ ra trước mặt Thúc và hỏi: “Ai đây?”. Thúc lừ lừ nhìn rồi nói: “Phô”. Bà mừng quá. Nhưng ông cả Ðoan lại bảo: “Từ hôm chú ấy về ngày nào chú Phô chẳng sang chơi. Nghe mọi người gọi Phô nên chú ấy nhớ tên chăng?”.
Bà Tám nghi ngờ điều đó. Bà nghĩ, có thể do cơn thần kinh của Thúc bất chợt tỉnh táo nên đã nhận ra? Nếu vậy thì... Trời ơi! Con tôi rồi!
Thúc lầm lì ngồi tắm bên giếng nước. Bà Tám dùng khăn mặt kỳ cọ những chỗ cáu ghét trên người anh, cố tránh những vết sẹo để anh khỏi nhăn mặt. Kỳ xong, bà dội gáo nước mát lên lưng Thúc. Anh thét to, định vùng chạy. Bà Tám cố giữ lại nhưng cái sức già lọm khọm làm sao giữ nổi. Thúc giật khỏi tay bà, giơ chân đạp cái chậu quay tròn, hẫng hụt ngã vật ra nền giếng, bàn chân quơ quơ vào không gian rồi vùng dậy vụt ra ngõ. Chính cái lúc Thúc quơ quơ chân thì bà Tám nhận ra ở lòng bàn chân phải có ba nốt ruồi đen mọc chụm sát nhau. Bà sững sờ kêu lên: Thúc... Ðúng nó rồi. Con tôi thật rồi. Bà con ơi, lôi cháu lại giúp tôi với. Con... Thúc... Thúc ơi...
Hai thanh niên vút đuổi theo Thúc. Bà Tám gục xuống nền giếng. Mấy bà hàng xóm vực bà vào giường. Bình tĩnh lại, bà thều thào: Bấy lâu nay tôi cứ nghi nghi hoặc hoặc không dám tin đấy là con mình. Người ta nói ra nói vào xót cả ruột. Lắm lúc cứ tự hỏi nó có phải là con mình thật không? Linh tính của người mẹ mách bảo nó là thằng Thúc đấy song đôi lúc tôi lại thấy ngờ ngợ. Nay thì tôi không lầm nữa. Trời ơi! Nó là con tôi rồi. Thật tội nghiệp cho cháu. Nó chính là thằng Thúc đấy bà con ạ.
Bà Tám ôm mặt khóc. Tiếng khóc của người mẹ nhận ra đứa con sau bao nhiêu năm thất lạc rung tận trái tim mòn héo của bà. Những người ngồi chung quanh không ai cầm được nước mắt. Bà lau mặt, hồi nhớ lại ba cái nốt ruồi rồi kể cho mọi người:
“Ngày ấy, nhận đứa con từ tay bà đỡ trao cho, bà Tám vạch tung tã lót để xem da thịt đứa con trai vàng bạc của bà. Mặt mũi nó khôi ngô, chân tay nó mũm mĩm. Ôi... Con trai bà! Con cún của bà đây. Vợ chồng bà lấy nhau đã lâu mới sinh được một thằng con trai, gì mà bà không vui, không mừng. Một vết son mờ như cánh hoa đào nhỏ xíu ở bả vai trái của con làm bà chú ý. Bà reo lên, gọi chồng:
- Anh Tám ơi.
- Gì đấy mình. Tôi đang bận tay một tí.
- Ðể đấy đã, vào đây tôi bảo cái này. Hay lắm.
Ông Tám đậy vội con gà đang chặt dở, chạy lên nhà xem vợ khoe cái gì. Bà Tám chỉ cho ông Tám nhìn cái nốt son mờ:
- Ðố mình biết nó giống cái gì nào?
- Cánh hoa đào.
- Ðúng rồi. Tôi cũng thấy nó giống cánh hoa đào. Cái nốt son mờ đẹp quá mình nhỉ?
- Mình xem còn nốt ruồi bẩm sinh nào nữa không?
- Tôi nhìn khắp người con rồi, chỉ có một nốt son ấy thôi. Ðể yên đừng tẩy đi mình nhé.
- Ừ, để chứ.
- À..., tôi phát hiện thêm một điều kỳ lạ nữa ở cu cậu, đố mình tìm thấy đó.
- Ở đâu? Ở đâu mình?
- Ðây này. Ba nốt ruồi mọc chụm ở gan bàn chân phải đây. Mình thấy chưa?
- Ờ nhỉ, thế mà tôi không nhận ra. Mình tinh mắt thật.
Hai vợ chồng nhìn nhau cười sung sướng. Cu Thúc nằm gọn trong lòng mẹ cũng toét miệng ra”.
Bà Tám quay ra nói với mọi người: Thế mà từ ngày đón cháu về tôi cứ đi tìm cái hoa đào ở bả vai trái của nó. Quên khuấy mất ba cái nốt ruồi ở gan bàn chân. Mà làm sao nhớ được. Hơn ba chục năm rồi, phải không các bà?
Chị Nụ hàng xóm ngồi nghe, hỏi:
- Cái nốt son ở bả vai còn không bác?
- Không còn. Vết sẹo to đùng ở đó đã hớt mất rồi.
Bà Tám nói tiếp: Mãi hôm nay tắm táp, nó đạp cái chậu, trượt chân ngã kềnh ra nền giếng, bàn chân quờ quờ tôi mới nhận ra ba cái nốt ruồi ấy.
- Thế thì đúng chú Thúc rồi bác ạ - chị Nụ hàng xóm nói tiếp: Hôm mới đón chú ấy về cháu nhìn cứ ngờ ngợ. Chú ấy thay đổi nhiều quá. Giá không phải tình mẫu tử cũng khó mà nhận ra.
(còn nữa)
Nhà văn Minh Chuyên
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam