Thứ 5, 21/11/2024, 21:39[GMT+7]

Người lạc về đâu (Tiếp theo và hết)

Thứ 3, 03/01/2017 | 08:17:25
1,262 lượt xem

Làng Tống Vũ, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

 

CHƯƠNG 25: NGÀY HỘI TỤ NHỮNG TẤM LÒNG ĐẠI NGHĨA

Chị Nụ nói tiếp:

- Không nhận ra thì khổ thân chú ấy quá!

Mọi người lại rân rấn nước mắt. Hai thanh niên đã dìu được Thúc về sau. Anh lăn ra đường, ra dược mạ, bùn đất dính đầy người. Bà Tám, chị Nụ cùng mấy người nữa kéo Thúc ra giếng tắm lại. Những lời nói ngọt ngào ấm áp của người mẹ làm cơn bệnh mẫn cảm, hoang tưởng trong đầu Thúc dịu đi. Thúc cúi đầu, ngồi yên để mọi người giội nước, kỳ lưng. Tắm xong bà Tám dắt Thúc vào trong nhà thay quần áo. Bà lấy bộ ka ki mới nhất bà may cho Thúc hôm mới đón Thúc về. Sợ Thúc vật vã, cào xé nên mãi nay mới đem ra cho anh mặc.

Vừa lúc ấy thì ông Tám và Học lên phòng chính sách về tới nhà. Bà Tám rối rít gọi:

- Ông ơi vào đây, đúng con mình rồi. Tôi mới nhận ra ba cái nốt ruồi ở gan bàn chân nó. Ông lại mà xem. Con mình đây rồi.

Bà quay sang Học:

- Ðúng thằng Thúc của con đây, con ạ. Hôm nay thì mẹ không còn bán tín, bán nghi nữa…

Học nhìn Thúc, đôi hàng nước mắt lã chã, cô sụt sùi nói:

- Anh lang thang khổ sở bao nhiêu năm trời. Tìm được về đến nhà… Suýt nữa thì lại…

Bà Tám ôm chặt lấy Thúc, òa khóc: “Con ơi, con ra đi, sao không nhớ lối về, để khốn khổ thế này con ơi…”.

Ông Tám và những người vây quanh cũng khóc theo. Thúc lúng túng trong bộ quần áo mới, ngơ ngác nhìn mọi người.

*

*     *

Suốt những ngày Thúc trở về Học vừa tất tả lo công việc ngoài xã, vừa tận tình lo chạy thuốc men cho Thúc. Lo thủ tục giấy tờ trình báo với các cơ quan chính sách để họ xem xét. Lo tiền nong, gạo nước cho Thúc lần lượt đến các bệnh viện tâm thần. Mọi việc lo đã hoàn tất, sức khỏe và tâm tưởng của Thúc cũng dần dần khá hơn. Dân làng ai cũng mừng và nghĩ tới ngày vui hạnh phúc của Học và Thúc sẽ đến. Nhưng họ có hiểu đâu, nỗi lo khác lại day dứt lòng cô. Ngồi bên Thúc những lúc cơn bệnh dịu bớt, Học nhận ra tình cảm thay đổi bất thường ở anh. Học hiểu, anh đã cảm nhận được tình yêu, khác hẳn sự thờ ơ dửng dưng trước đó. Anh muốn gần cô. Hôm ấy chỉ có hai người ngồi bên nhau, anh choàng tay ôm Học. Cô ngả đầu vào vai Thúc. Gần hai mươi năm Học mới nhận lại hơi ấm thân thiết từ cánh tay của anh. Nhưng khác hẳn những ngày gần gũi ngày xưa. Ngày ấy Thúc nói bằng lời âu yếm và hôn cô. Còn giờ đây anh như người vụng về, muốn gần gũi mà vẫn im lặng. Hình như mẫn cảm trí giác bị vết thương thần kinh phân giác làm anh vụng về. Chỉ còn ánh mắt, ánh mắt là vẫn đằm thắm, yêu thương. Thúc nhìn Học, nhìn rất lâu. Học không kìm nổi những giọt nước mắt từ tận sâu thẳm đáy lòng trào ra. Cô ôm chặt lấy Thúc, òa khóc: “Anh, sao anh không nhớ đường về với em. Sao đời anh khổ thế này, anh Thúc ơi?”.

Học chợt nhớ lời cầu nguyện của cô ngày tiễn anh lên đường: “Em cầu mong cho anh ra đi bình an, vô sự. Còn chẳng may, anh về, bị tàn tật, anh vẫn là của em”. Lời cầu nguyện như bay ra từ trái tim chân tình và tha thiết.

Nhận ra cảm giác tình yêu của Thúc, Học mừng lắm. Anh nhất định phải được hạnh phúc, phải có con. Cô cầu mong như thế. Nhưng… Nhưng điều đó thì Học không còn đáp ứng cho Thúc được nữa. Cô bị bệnh u nang đã cắt bỏ buồng trứng. Dằng dặc suốt thời con gái hy vọng, đợi chờ, Học không thể để mất anh một lần nữa. Nhưng… Nhưng chẳng lẽ để Thúc tiếp tục hy sinh trong cuộc sống trống vắng của quãng đời còn lại. Dằn vặt và đau khổ, cuối cùng Học quyết định nhận làm con gái của thầy mẹ Thúc và chọn Nguyễn Thị Mận người bạn thân thiết thay cô làm bạn đời của anh. Học đã dành dụm vốn liếng mua sắm, lo toan cho ngày lễ thành hôn của Thúc và Mận như lo cho người anh ruột của cô.

Trong lúc vui mừng xen lẫn dằn vặt và bận mải, thì Học nhận được tin Rư đã về. Anh bị một kẻ vũ phu nào đó đâm ở bến phà Tân Ðệ, đang được cấp cứu trong Bệnh viện Việt - Bun. Học vội vàng đạp xe lên viện. Rất may vết đâm không phạm chỗ hiểm nên Rư đã tỉnh. Kẻ dã tâm muốn giết Rư đã bị các chiến sĩ công an túm được. Tên hắn là Ðỗ Cao Phú. Trước cơ quan pháp luật, hắn tự thú: Trước cùng đơn vị với Thúc và Rư. Tình cờ gặp nhau, biết Rư còn sống, thể nào Rư cũng sẽ phát giác. Thế là trong chớp nhoáng hắn nảy ý độc, thủ tiêu Rư để bịt kín hành động phản bội, đê tiện của hắn, vốn chưa ai nhận ra.

Bà Tám, sau buổi nhận ra con, bà chăm nom, săn sóc, suốt ngày quẩn quanh bên Thúc. Bà chỉ sợ đùng cái, anh lại biến đi.

Còn một ngày nữa, lễ vu quy của Thúc và Mận được cử hành. Học lo công việc cho ngày vui của Thúc, người gầy xọp đi. Rư đã lành vết thương, ra viện về gặp Thúc. Bà Châu, Ngọc Dung và Từ trên Hà Nội cũng đã về. Hiếm một cuộc hội ngộ bạn bè và ân nhân của Thúc lại đông đủ như thế. Thúc không thờ ơ mà giương mắt ngó hết người này lại ngơ ngác nhìn người kia.

Rư chỉ tay vào ngực mình và hỏi:

- Có nhớ Rư không? Rư cõng Thúc vào đội phẫu ở Trảng Bàng ngày xưa đây. Nhớ không?

Thúc gật đầu. Rư chỉ tay sang Từ, lại hỏi:

- Nhớ người này chứ?

Thúc liếc mắt sang, lừ lừ nhìn. Im lặng. Rư nói tiếp:

- Ðây là bác sĩ Từ. Người tiếp máu cho Thúc ở đội phẫu ngày xưa đó.

Thúc vẫn nhìn không chớp. Từ nói:

- Người mà bạn cứu ra khỏi nhà xác ở Côn Ðảo. Nhận ra chưa?

Thúc gật gật. Bà Tám tiếp lời, vừa chỉ tay vừa nói:

- Còn đây là mẹ Châu, đây là Dung…

Thúc lắp bắp nói luôn:

- Dung, nhớ nhớ. Mẹ Châu à, nhớ nhớ.

Bà Tám rân rấn nước mắt nói tiếp với mọi người:

- Giá không có ông bà Châu và chị Dung đây thì cháu Thúc nhà tôi khó có thể còn được đến ngày hôm nay!

Bà bùi ngùi muốn nói một điều gì nữa, mà không sao nói được. Cảm ơn ư? Trước những hành động cao cả của ông bà Châu, của Dung, lời cảm ơn, vô nghĩa quá. Bà đứng lặng người nhìn đứa con bà đứt ruột đẻ ra đang ngước mắt về phía hai người đã cứu sống nó.

Năm năm sau, trên đoạn đường 39 cách thị xã Thái Bình 2km, một ngôi nhà mái bằng xinh xắn do Ðảng bộ và nhân dân xã Vũ Chính xây dựng đã mở cửa đón anh thương binh nặng, loại tám trên tám Nguyễn Ðình Thúc cùng vợ và hai đứa con anh về ở.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa ấm cúng này, bà Tám nghẹn ngào nói: “Nhiều người khuyên tôi tạc tượng để chịu ơn những người đã cưu mang giúp đỡ cháu Thúc. Gia đình tôi không có điều kiện làm thế, nhưng những người như ông bà Châu, như Dung, như Học còn hơn cả tượng tạc, suốt đời khắc vào tâm khảm của vợ chồng tôi”.

Hơn ba mươi năm sau. Mùa hè năm 2015, trên con đường làng Tống Vũ rợp bóng tre xanh, ngày ngày dân làng vẫn thi thoảng gặp Nguyễn Ðình Thúc. Vết thương thần kinh thời chống Mỹ vẫn vùi anh trong cơn hoang tưởng. Bất chợt khóc, bất chợt cười. Ba đứa con gái của Thúc đã khôn lớn. Hỏi vợ đi đâu, Thúc cứ ngơ ngơ giương hai mắt nhìn người hỏi mình. Một năm vài lần đứa con lớn của Thúc đưa bố lên Hà Nội thăm ông bà Châu. Ông bà Châu đã ngoài tám mươi niên. Ông Châu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường. Bà Châu ngày ngày vẫn lò dò đi chợ nhưng là đi chợ “cân người” ở công viên Thủ Lệ. Cái cân đồng hồ nho nhỏ và hộp kẹo lạc cùng ít đồ chơi trẻ con đã thêm thắt một phần cho cuộc sống của hai ông bà. Hiện tại ông Châu đã về cõi thiên thu.

Nhân vật Dung, con gái ông bà Châu đi lấy chồng, có hai con đã lớn. Cô Học không làm bí thư Vũ Chính mà chuyển lên Hội Người mù ở tỉnh, đã về nghỉ hưu. Tất cả đã trôi vào quá khứ. Vậy mà mỗi khi nhắc đến “Người lang thang không cô đơn” dường như nó lại bừng lên một cái gì đó rất đỗi thân thương, vô cùng ấm áp. Phải chăng đấy là tình đời, tình người. Nó được tỏa ra từ  những trái tim nhân ái. Một thứ tình vĩnh cửu.

Nhà văn Minh Chuyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày