Thứ 4, 24/04/2024, 12:06[GMT+7]

Ngày xuân tản mạn về câu đối

Thứ 2, 23/01/2017 | 08:53:01
5,076 lượt xem
Câu đối là một loại hình văn học đặc biệt của phương Đông. Trên thế giới chỉ có bốn nước cùng một loại hình văn tự đơn âm là Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên (ngày nay gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản) là có câu đối.

 

Truyền thống của người Việt Nam xưa, “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...” là những hương vị không thể thiếu trong ngày tết. Nhà  giàu thì treo câu đối viết trên lụa là, gấm vóc. Nhà nghèo thì dán câu đối viết trên giấy hồng điều. Nhà có chữ thì tự viết lấy theo sở đắc của mình. Nhà nghèo thì đi nhờ người viết hộ, sao cho hợp với gia cảnh. Sử sách còn lưu truyền, vào thời Hồng Đức (1470 - 1497), vua Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ cho mọi nhà đều phải dán câu đối vào ngày tết.

 

Không chỉ với ngày tết, câu đối còn được dùng rộng rãi trong đời sống xã hội. Khi vui, lúc buồn người ta thường vận dụng câu đối để bày tỏ nỗi lòng, để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau. Câu đối còn được dùng phổ biến để phụng thờ gia tiên tại gia đình, từ đường, lăng mộ; thờ thánh, thờ thần, thờ Phật tại các đình, đền, miếu, phủ, chùa chiền hoặc tụng ca công đức của các bậc anh hùng, nghĩa sĩ... Ngày trước, câu đối được dùng làm đồ trang sức trong các gia đình giàu có, khá giả; được chạm khắc trên gỗ quý theo hình phẳng hoặc hình lòng máng, hình tàu lá chuối, sơn son thếp vàng treo trên các hàng cột. Mặt khác, câu đối còn là một trong những phương tiện được coi là vũ khí sắc bén để chống ngoại xâm, chống các thế lực áp bức cường quyền hoặc phê phán các thói hư, tật xấu trong xã hội...  Xưa và nay, dân gian và các nguồn thư tịch của Việt Nam đã lưu truyền vô vàn những câu đối thuộc nhiều lĩnh vực.

 

Thuở trước, ông cha ta thường phân câu đối thành nhiều loại. Nếu phân theo chủ đề thì có các loại câu đối: mừng tết gọi là xuân liên, mừng tuổi, mừng thọ gọi là niên linh, mừng thi đỗ gọi là đăng khoa, mừng nhà mới gọi là đệ trạch, mừng đền, miếu mới gọi là từ vũ, mừng đám cưới gọi là giá thú, mừng nghề mới gọi là bách nghệ, phúng viếng đám ma gọi là ai vãn... Nếu phân theo hình thức nghệ thuật thì những câu đối có từ bốn, năm, sáu, bảy chữ gọi là câu đối thơ, từ tám chữ trở lên gọi là câu đối phú; có câu đối chữ Hán, câu đối chữ Nôm...

Câu đối vốn là một công trình nghệ thuật thâm thúy về ý, trau chuốt về lời. Thực chất của câu đối là nghệ thuật chơi chữ, chọn hình ảnh, chọn chữ đối nhau. Không biết chơi chữ thì không làm được câu đối hay.

 

Cái khó của câu đối là làm thế nào vừa đối được ý lại đối được âm. Ý và âm hòa quyện vào nhau, đối nhau chan chát. Có những câu treo trong nhà, thoáng đọc thì rất hay, ý đối nhau rất chuẩn, có nội dung tư tưởng tốt nhưng xét về luật bằng trắc của câu đối thì không thể gọi đó là câu đối được.

 

Cũng vì câu đối là nghệ thuật chơi chữ nên mới có chuyện thách đối và nhiếu vế đối xưa nay vẫn chưa có người đối chỉnh được. Chẳng hạn như vế đối của Đoàn Thị Điểm ra cho Trạng Quỳnh khi bà đang tắm: “Da trắng vỗ bì bạch”, hoặc một vế đối khuyết danh: “Gái tơ chỉ kén người quân tử”...

 

Câu đối khó làm, thường là người biết chữ, có học mới làm được. Thuở ban đầu, câu đối là thú chơi của các nhà nho, sau dần trở thành thú chơi của các giai tầng trong xã hội. Câu đối khuyết danh được lưu truyền thường được gọi là câu đối dân gian nhưng thực ra tác giả của nó là tầng lớp nho sĩ bình dân. Người không có chữ thì không làm được câu đối, người ít chữ thì khó làm được câu đối hay.

 

Dưới thời phong kiến, những vị học quan được cử đi làm sứ giả ở các nước chịu ảnh hưởng của chữ Hán thường là những người phải có tài ứng đối giỏi mới giữ gìn được quốc thể. Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc còn lưu truyền nhiều giai thoại về tài ứng đối của các sứ thần Đại Việt. Có những giai thoại về một câu đối mà cho đến nay cũng chưa rõ của sứ thần nào. Chẳng hạn vào thời Lê, một sứ thần nước ta được cử sang nhà  Minh, vua nhà Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng tới nay đã rêu xanh). Ý vua nhà Minh muốn nhắc lại chuyện xưa Mã Viện nhà Hán sang đánh chiếm được nước ta rồi dựng cột đồng khắc mấy chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt). Sứ thần nước ta đã đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa đến nay máu còn đỏ). Ý của sứ thần nước ta muốn nhắc lại chuyện Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán và Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, nước  sông đỏ ngàu máu giặc. Vua nhà Minh nghe mà nổi giận, sai quân đổ trám hương vào mắt sứ giả và giam vào ngục cho đến chết. Giai thoại này có sách chép là của Giang Văn Minh, có sách chép là của Nguyễn Tuấn... Cho dù  chưa phân định được chính xác vị sứ thần nào ở triều Lê đã có câu đối này nhưng chỉ qua một câu đối cũng thể hiện được lòng tự cường, tự hào về truyền thống của dân tộc.

 

Trong dân gian, câu đối trào phúng là loại hình câu đối được lưu truyền rộng rãi nhất. Đây là loại câu đối hóm hỉnh, trào lộng, dùng để châm biếm, đả kích kẻ thù hoặc mỉa mai, phê phán các hiện tượng xã hội, hoặc mang tính trào lộng, giải trí. Trong mỗi câu đều có một vài chữ mang nghĩa bóng, nghĩa thực, nghĩa ngược, nghĩa xuôi, nghĩa Nôm, nghĩa Hán..., nhiều khi như “mật ngọt chết ruồi”. Xin nêu một vài ví dụ:

 

Câu đối ở sinh phần viên quan họ Lại có ba chữ cuối mỗi câu nói lái:

 

Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn lại.

 

Vang lừng trong thôn Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân.

 

Câu đối tết của Nguyễn Khuyến:

 

Tối ba mươi, nợ réo tý mùi, ấy mới tết.

Sáng mồng một, rượu tràn quý tỵ, ái chà xuân.

Câu đối tết của Tú Xương:

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo.

Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.

Câu đối trong nhà tù của Cao Bá Quát:

Một chiếc cùm lim chân có đế.

Hai hàng xích sắt bước thời vương.

 

Nhân dịp mừng mẹ vua Khải Định tuổi 50, Tổng đốc tỉnh Ninh Bình tổ chức thi câu đối. Ông ta ra vế đối:

 

Lễ thọ năm mươi mừng mẹ nước.

 

Có người đối lại với hàm ý chỉ viên Tổng đốc này hay ăn tiền đút lót:

 

Bạc đưa trăm một chết cha dân.

 

Tri huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tên là Lê Kim Thằng (theo nghĩa của chữ Hán thì Kim Thằng là sợi dây vàng) thấy Xiển Bột (cháu của Đại thi hào Nguyễn Du) mặc áo thụng đỏ bèn ra vế đối:

 

Học trò là học trò con, áo đỏ như son là con học trò.

 

Xiển Bột đã đối lại:

 

Tri huyện là tri huyện Thằng, ăn nói lằng nhằng là thằng tri huyện.

 

Vì câu đối là hương vị, là thú chơi trong ngày tết cho nên nhiều năm qua dường như không có tờ báo xuân nào ở nước ta là không in một vài câu đối. Phổ biến là câu đối ca ngợi, cổ vũ cuộc sống, thảng hoặc cũng có những câu đối phê phán các hiện tượng không lành mạnh trong xã hội mang nội dung tư tưởng tốt. Nhưng cũng dường như ít có câu đối hay được lưu truyền rộng rãi. Lại có cả những  câu đối viết dễ dãi, thiếu chau chuốt, thậm chí sai cả niêm luật vẫn được in trên một vài tờ báo làm người đọc như nhai phải hạt sạn khi thưởng thức hương vị câu đối ngày xuân.

 

Nguyễn Thanh

Vũ Quý, Kiến Xương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày