Thứ 6, 29/03/2024, 15:01[GMT+7]

Sắc xuân

Thứ 2, 23/01/2017 | 17:09:40
379 lượt xem

Vừa từ ngoài chợ về đến sân, ông Thanh đã cất tiếng gọi cháu:

- Tuấn ơi, Tuấn.

Ông gọi nhưng cũng chỉ có mình ông nghe. Không gian tĩnh lặng.

- Quái lạ, đi đâu mà nhà cửa bỏ không thế này?

Quay vào nhà ông lấy chiếc điều cày, tra thuốc, châm lửa. Chiếc điếu kêu sòng sọc. Đang thư thả nhả khói thuốc thì có tiếng xe máy mỗi lúc một gần. Rồi thằng Tuấn cháu ông phóng xe vào sân. Nhìn thấy ông, nó cất tiếng hỏi:

- Sao chú đã về sớm vậy? Bây giờ mới là lúc chợ đông đấy chú ạ!

- Gớm, sao mà chợ đông vấy. Vào trong chẳng được, lách ra cũng khó.

- Thế chú có gặp được bố mẹ cháu không? Tuấn hỏi

- Chả nhìn thấy đâu cả, độc thấy người là người, hàng hóa thì ngổn ngang.

- Đấy là chú ở xa quê đấy, chứ chú ở nhà rồi cũng quen thôi. Đến như bố cháu về hưu rồi mà còn phải tham gia vào công việc nữa là.

- Cũng tại anh lười lấy vợ đó thôi, ngoài ba mươi tuổi rồi mà vẫn một mình vậy. Anh cứ nhìn các em anh đấy.

- Thôi, cháu xin chú, dứt khoát năm tới cháu sẽ cưới vợ. Tý nữa chú hộ cháu một tay nhé, cháu phải ra vườn nhắc mấy cái sọt kia đã.

- Thì cứ đi đi, chưa chi đã hoắng cả lên - ông Thanh mắng yêu cháu.

- Thời buổi kinh tế thị trường phải chạy nhau từng phút chứ chú. Thôi cháu đi đây. À, chú cất hộ cháu cái áo này vào nhà trong chú nhé.

Nói xong Tuấn đi luôn, ông Thanh lẩm bẩm:

- Chả khác tính bố tý nào, hễ làm việc gì là cứ sồn sồn cả lên.

Lát sau ông đã nghe thấy tiếng Tuấn gọi:

- Chú ơi, chú hộ cháu một tay với!

- Cái gì thế này?

- Hoa tươi đấy chú ạ. Chú nhè nhẹ tay thôi nhé.

- Bố anh chứ, anh làm tôi cứ như trẻ con ấy. Sao lại phải bọc kỹ thế?

- Bọc kỹ thế này để xe ô tô họ cất hàng mang về thành phố, thị trấn bán.

- Bây giờ phải chở đi đâu?

- Cháu mang ra đầu làng, đón ô tô.

- Mình phải vận chuyển cả cho họ nữa cơ à?

- Thời buổi kinh tế thị trường, mình làm được khâu nào là có tiền ở khâu ấy mà chú. Thôi, cháu đi kẻo sắp đến giờ xe qua làng mình rồi đấy. Chú ở nhà, có ai hỏi thì chú cứ giữ lại, nói hộ cháu là chờ cháu một chút chú nhé. Cháu đi đây. Đừng cho họ về chú nhé.

Tuấn rú ga phóng xe đi. Ông Thanh nhìn theo cháu suy nghĩ: Đúng là cơ chế thị trường thật, chẳng thấy nó rảnh tay, đến cởi chiếc áo cũng vừa đi vừa cởi nút. Thôi, như thế cũng là mừng cho dòng dõi nhà mình rồi. Chà, phải cất cho nó cái áo đã. Ông cầm chiếc áo đi vào nhà trong, nhưng chưa bước qua cửa đã nghe có tiếng người chào đằng sau:

- Cháu chào bác ạ.

Ông Thanh quay lại, thấy một cô gái đứng ở ngoài sân vẻ bẽn lẽn.

- Vâng, chào chị. Ông Thanh đáp lễ.

- Thưa bác, anh Tuấn có ở nhà không ạ?

- Chị hỏi thăm thằng Tuấn nhà tôi hả? Có, mời chị vào nhà xơi nước.

- Cháu cảm ơn bác.

Ông đi trước, cô gái vào theo.

- Thế anh Tuấn đi đâu hả bác? Cô gái hỏi.

Ông Thanh treo áo của Tuấn vào mắc, rồi quay lại nói:

- Chẳng nói giấu gì chị, anh chị nhà tôi đi bán hàng, còn thằng Tuấn cũng vừa đi đưa hoa, lát nữa nó sẽ về. Mấy hôm nay ông bà ấy với thằng Tuấn cứ như con thoi, thức khuya, dậy sớm, nhưng được cái vui đáo để.

- Thưa bác, cháu hỏi thế này không phải, mong bác tha lỗi, nhưng bác là thế nào với gia đình anh Tuấn đây ạ?

- Tôi là chú ruột thằng Tuấn, gia đình tôi đi khai hoang đến nay đã trên ba chục năm rồi, thi thoảng tôi cũng có về thăm quê, nhưng cách đây mấy năm sức khỏe của tôi không được tốt nên việc thăm quê cũng ít hơn. Mãi đến gần đây anh chị tôi cho thằng Tuấn lên mời tôi về chuẩn bị cho ngày vui của nó. Nhân chưa đến dịp cấy, tôi về luôn. Về quê được mấy hôm rồi mà cứ phải coi nhà cả ngày. Một mình buồn quá, chẳng biết làm gì cho được.

- Sao bác không đi thăm chợ Tết?

- Có đấy, tôi đã đi rồi, nhưng chợ thì đông quá, chẳng tìm thấy bố mẹ thằng Tuấn đâu. Ồn ào quá, tôi đành phải về nhà, thằng Tuấn lại giao cho coi nhà đây.

Ông Thanh đột ngột quay sang hỏi cô gái:

- Này chị, tôi hỏi thế này khí không phải, mong chị bỏ quá cho nhé - chị với thằng Tuấn nhà tôi là thế nào nhỉ?

- Thưa bác, cháu là bạn của anh Tuấn ạ.

- Thế à. Chị công tác ở cơ quan nào ta?

- Thưa bác, cháu đang làm công tác khuyến nông ạ.

- Thế thì chị hơn đứt thằng Tuấn nhà tôi rồi. Còn thằng Tuấn nhà tôi thì - nó ngang bướng lắm chị ạ. Đời thuở nhà ai tốt nghiệp đại học rồi lại tình nguyện nhập ngũ. Ra quân về cứ khăng khăng ở nhà bám lấy mấy sào ruộng. May mà mấy năm lại đây mới khá lên được, chứ không thì còn thua kém bạn bè xa.

Ông Thanh bộc bạch với cô gái về thằng cháu trai của mình, đoạn ông dừng lại chiêu ngụm nước rồi thở dài, mắt nhìn lơ đãng.

- Anh Tuấn nhà bác không dại đâu bác ạ - cô gái lên tiếng. Chúng cháu còn lâu mới theo kịp anh ấy đấy. Ở quê mình bây giờ đang thực hiện phương châm "ly nông bất ly hương", đã có không ít thanh niên tốt nghiệp đại học về quê tham gia sản xuất, xây dựng cách làm ăn mới, tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập cao, ổn định, được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của đó bác.

- Chị cứ khen vậy, chứ cái "đất" nhà tôi cũng chẳng khá lên được đâu, suốt đời làm cái anh nông dân ấy mà.

- Bác khiêm tốn quá. Bây giờ tấc đất là tấc vàng bác ơi. Mở ra cơ chế làm ăn mới, người ta lại chạy về quê thuê đất để làm ăn đó bác.

- Ờ, ờ, chị nói vậy tôi mới nhớ đến, thì ở đâu cũng thế cả - ông Thanh đáp lời cô gái. Cái hồi chúng tôi mới lên còn phải nai lưng đi làm nương, cuốc đồi để trồng sắn, trồng chè. Đất đồi rộng, cứ tha hồ mà trồng, miễn là có sức. Thế mà từ khi thực hiện khoán sản phẩm, nhất là từ khi thực hiện giao đất, giao rừng thì diện tích của nhà tôi cũng bị giảm đi đấy.

- Giao đất là chủ trương chung của Nhà nước nhằm khuyến khích người lao động. Thế bác có đấu thầu không?

- Có, ngoài mấy sào ruộng nước, tôi nhận đấu thầu nửa quả đồi, khoảng vài mẫu Bắc bộ để trồng cam, quýt ta. Nhưng năng suất càng về sau càng giảm, sau đó tôi chuyển sang trồng cam, quýt lai, đến nay cũng tàm tạm.

- Thế trồng trồng cam, quýt lai có khó không bác?

- Nó cũng không "kén" lắm đâu. Cam thì bán quả, còn quýt thì bản cả cây. Chẳng nói giấu gì chị, mỗi năm trừ chi phí được độ trăm triệu đồng thôi.

- Vậy là nhà bác cũng có "đất" làm ăn to rồi đấy. Này nhé, bác ở trên ấy mỗi năm cũng thu được trăm triệu đồng từ vườn đồi. Còn gia đình anh Tuấn ở đây cũng thu hàng trăm triệu đồng từ vườn, bãi ven sông. Thế nên hôm nay có mình bác ở nhà bác cũng đừng giận. Bận mải có thời gian ngắn thôi. Mà có mải tối ngày cũng vui, vì ai lại không tự hào về sản phẩm do chính bàn tay khối óc của mình làm ra phải không bác?

- Cảm ơn chị đã có lời động viên chú cháu tôi.

- Dạ, không có gì đâu ạ.

- Tôi về được mấy hôm rồi. Hôm về bà nhà tôi cứ lo xe cộ đi lại khó khăn, thế mà tôi đi từ sáng ở Tuyên Quang, trưa đã về đến đây rồi đấy. Chả bù cho trước kia.

- Thế bác đã ra thăm bãi dưa hấu và vườn hoa của anh Tuấn chưa ạ?

- Rồi, rồi. Tôi phải ra ngay rồi, chứ ngồi không ở nhà nó thế nào ấy. Nhất định xong công việc của thằng Tuấn tôi sẽ đem loại giống này lên trồng ở trên ấy.

- Loại dưa này mấy năm gần đây đã có không ít xã ở tỉnh nhà trồng. Qua khảo sát thì trồng một sào dưa hấu, bí xanh, bí ngô, hay một sào hoa tươi gấp từ 6 - 8 lần cấy lúa. Hoặc một sào củ đậu cũng gần như thế. Cái hay của nó là phá thế độc canh cây lúa, đưa hiệu quả kinh tế lên cao hơn. Đấy là cháu chưa nói đến một số xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn để cấy lúa giống, bán gấp mấy lần cấy lúa thường.

- Hay quá nhỉ. Chị còn trẻ mà hiểu rành rẽ vậy thì chắc ông bà bên nhà cũng được cậy nhờ nhiều lắm.

- Bên nhà cháu cũng làm như bên anh Tuấn đây. Lúc đầu bố mẹ cháu cho là phiêu lưu. Nhưng cháu đề nghị Đoàn Thanh niên nên mạnh dạn làm. Ở xã đã có quy ước xây dựng làng văn hóa rồi, khâu an ninh không phải lo nữa. Vụ đầu thắng lợi, thế là chưa đến vụ sau ai cũng đến xin mua giống bác ạ. Đoàn thanh niên chúng cháu lại phối hợp với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bàn cách chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Năng suất cao ai cũng vui. Thu nhập được nên từ khâu nhân giống, chăm bón, tưới tiêu, bao tiêu sản phẩm đã có HTX DVNN xã đứng ra đảm nhiệm. Xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm mới, đường sá đi lại thuận tiện, không vui sao được ạ.

Nghe cô gái kể chuyện, ông Thanh thấy vui lây. Trẻ người mà đã am hiểu vậy, giá mà thằng Tuấn nhà mình có được người vợ như cô gái này thì hay biết mấy. Ông đang theo đuổi suy nghĩ của mình thì bất chợt có tiếng còi xe máy, rồi tiếng xe rõ dần.

- Hình như anh Tuấn đã về hay sao đó bác. Cô gái lên tiếng

- Có thể thế. Chị cứ ngồi chơi xơi nước, nó về là thấy tiếng ngay mà.

Ông vừa dứt lời thì Tuấn đã phóng xe máy vào sân.

- May quá chú ạ, cháu ra được một lúc thì xe ô tô cũng về đến nơi.

Quay sang Lan, Tuấn hỏi: Em đến lâu chưa?

- Em đợi gần một tiếng rồi đấy, bác nhỉ.

Ông Thanh đỡ lời: Chị ấy đến được một lúc rồi. Chú vừa trò chuyện với chị ấy mới hay chị ấy hiểu cách làm ăn lắm nhé. Giá mà cháu có được người vợ như thế thì nhà ta có phúc to đấy cháu ạ.

Nghe chú mình bộc bạch, Tuấn cười vui, rồi nói:

- Ơi chú ơi, chú cầu được ước thấy rồi đấy. Cháu dâu của chú đấy. Mấy hôm nữa nhà ta sẽ sang nhà Lan để thưa chuyện về việc của chúng cháu mà. Còn đây là chú anh ở Tuyên Quang mới về chơi Lan ạ.

- Em vừa mới nói chuyện với chú về việc làm kinh tế của anh đấy.

- Chú ơi, có được bãi dưa ven sông và vườn hoa kia là do Lan giới thiệu loại giống mới và cổ vũ anh em chi đoàn cháu cùng làm đấy. Chú nhìn vườn dưa, hoa có thích không chú?

- Thích, thích lắm. Cha bố anh chứ - ông Thanh mắng yêu cháu. Này hai đứa ở nhà, chú ra vườn một chút nhé.

Tuấn kéo tay chú lại gần mình: Vậy thì cả ba chú cháu mình cùng đi. Cháu và Lan cắt thêm một ít hoa nữa đưa ra chợ cho mẹ cháu bán, chỉ để lại một ít cho ngày vui của chúng cháu thôi. Ở quê mình bây giờ nhu cầu sinh hoạt cũng khác lắm đấy chú nhé.

Phía đầu làng, từ hệ thống loa truyền thanh của xã vang lên câu hát: mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…

Xuân Đinh Dậu 2017

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày