Đồng dao - Khúc hát tuổi thơ làng Việt
Tuổi thơ ở các làng quê đều gắn bó mật thiết với đồng dao. Từ thuở lọt lòng, các em bé đã được bà và mẹ ru hời, cho tập đi tập nói trong những khúc hát đồng dao, lớn lên cũng vui chơi nô đùa bằng lời hát đồng dao. Không ngày nào trẻ quê không tụ tập ca hát. Dù nắng hay mưa, ở nhà hay ngoài trời, khi đi chăn trâu, cắt cỏ hay đánh đáo, chơi chuyền, dung giăng dung dẻ mọi hoạt động của các em đều lóng lánh đồng dao. Hát và chơi cùng đồng dao từ lâu đã là một thú vui, ngoài đem lại kiến thức phong phú về cuộc sống, còn nuôi dưỡng ở các em một tâm hồn trong sáng, thuần thiện với những ký ức đẹp xinh về thời niên thiếu và tình yêu quê hương, đất nước.
Về xuất xứ, đồng dao cũng bắt nguồn từ những bài ca dao, tục ngữ và làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc như hát ru, lý, hò, vè, cò lả, trống quân, xoan, xẩm... và là những bài hát trẻ quê truyền miệng không rõ tác giả. Tuy nhiên, sản phẩm nào cũng đều phải có người sáng tác.
Hiện nay có ba quan niệm về cội gốc của đồng dao. Thứ nhất, đồng dao là những bài thơ thần được trời gửi xuống hoặc do các ẩn sĩ hạ sơn dạy cho trẻ quê hát nhằm nói chuyện đời hay truyền bá một tư tưởng, một lời sấm hoặc tiên đoán về một nhân vật, triều đại. Những bài hát này thường dài, ca từ cổ quái, ý nghĩa bí ẩn.
Thứ hai, đồng dao là ghi chép của ông bà, cha mẹ khi coi các con đùa nghịch viết lại những hành động và quang cảnh trò chơi một cách giàu hình tượng. Chúng thường được dùng để dạy trẻ tập nói, tập nhớ, luyện giọng cũng như dạy các mối quan hệ và cách xưng hô, ứng xử trong gia đình. Nội dung ngắn gọn, thường chỉ chứa 3, 5, 8 câu, mỗi câu gồm vài từ, ý nghĩa rõ ràng, mạch lạc.
Thứ ba, đồng dao là kết quả của chính trẻ nhỏ trong quá trình nô giỡn để trò chơi thêm vui hoặc muốn khoe bạn kiến thức đã nghĩ ra các câu hát bông đùa phụ họa, đứa này truyền tai đứa kia. Câu hát thường ngắn, nhiều từ lặp lại, ý nghĩa đơn giản thiên về miêu tả, kể tên, có gì nói đấy. Tựu chung, nhờ ca từ giản dị phù hợp với khả năng tư duy và trí nhớ của trẻ, nhiều khi không cần phải chính xác câu chữ, tùy địa phương và điều kiện các em nhỏ có thể cải biên, sáng chế thêm nên đồng dao có sức sống mãnh liệt được truyền đời và lan tỏa khắp mọi miền.
Sống trong môi trường lao động, hàng ngày tiếp xúc với thiên nhiên đa sắc đa thanh, trẻ quê rất giàu liên tưởng và từ cái nhìn hồn nhiên sáng tác rất nhanh được những ca khúc trẻ thơ. Đồng dao của các em là một bức tranh sống động về làng quê, trong đó có những âm thanh rộn rã, những hình ảnh ngộ nghĩnh, tươi thắm và lung linh ánh sáng tưởng tưởng. Yêu bạn bè, yêu ông bà cha mẹ các em thường nhân hóa mọi vật trở thành những người bạn hoặc người thân trong nhà. Và viết về chúng như thể về chính bản thân với một kết thúc hồn nhiên.
Tùy từng lúc, trẻ quê sáng tác đồng dao theo các làn điệu khác nhau. Ví dụ hát ru để chơi trò bố mẹ con cái và trẻ bắt chiếc người lớn vừa ôm búp bê vừa hát nựng búp bê như em bé. Hát lý nhằm lý luận một điều gì đó như tại sao, ra làm sao. Hát vè - kể tên hàng loạt những vật cùng chủ đề.
Hát hò - phản ánh những hoạt động sản xuất. Và hát đối đáp cho mỗi thành viên được hỏi và trả lời nhau. Khi áp dụng thực tế cũng thường xuyên sửa đổi nội dung khúc hát, nếu ở địa phương không có cái gì thì lược bớt cái đó nếu có cái mới thì thêm vào. Mỗi bài hát của trẻ thường chỉ kéo dài dăm, ba phút. Câu từ vui nhộn, sôi nổi chứ không ủy mị, mê mải như của người lớn. Cũng không giống người lớn chỉ hát một lần, các em có thể hát nhiều lần một khúc đồng dao mà không thấy chán bởi lời hát chân phương, hiền dịu và các hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ngoài hát, còn vỗ miệng, khép miệng kêu thành những tiếng oa oa, u u, ii cho buổi chơi thêm huyên náo, thú vị.
Do đặc tính làng quê chỗ nào cũng là cảnh nhà nông, thường thấy trong đồng dao hình ảnh những cánh đồng lúa, con kênh, bãi mía, bờ dâu, cảnh cấy cày, mò cua, bắt cá... các con vật đông đúc như cò, vạc, sáo, cu, lợn, gà, bò, dê...; hình ảnh các nghề phụ, quan chức địa phương chi phối đến xóm làng như xưởng cưa, lò rèn, anh phó cối, chị hàng xén, ông quan huyện, bà xã, thầy đồ,... cùng các hiện tượng tự nhiên, thời tiết, mùa vụ và thế giới thần tiên như Ông Bụt, Cô Tiên, Chị Hằng, Bà La Sát... ảnh hưởng đời sống nông nghiệp.
Có thể nói ở vùng quê có tới hàng trăm ca khúc đồng dao khác nhau. Có bài chỉ theo vần, đọc xuôi như úp lá khoai, Tập tầm vông,... Có bài lại luyến láy, chuyển thể như Con chim manh manh, Rồng rắn lên mây,... Ở một số bài còn chia làm hai phần kể chung và riêng. Hát hết khúc chung rồi hát khúc riêng hoặc trở về đoạn đầu, câu đầu. Nhiều bài theo thể thơ bốn chữ, bảy chữ, lục bát hoặc tự do. Đôi khi được sáng tác tự nhiên, ngẫu hứng nhằm phục vụ cho một trò chơi tập thể. Đến lượt ai thì người đó hát một câu, cứ thế nối vòng. Có bài hoàn toàn độc lập với trò chơi. Hát chỉ lấy vui, thêm hăng say.
Cũng có bài ràng buộc vào trò chơi, thiếu vắng nó đồng nghĩa thiếu đi ý nghĩa của trò chơi ấy, khi hát đến vật phải đưa vật, hát đến một cử chỉ hoặc hành động phải thực hiện cử chỉ, hành động. Khi một bên người chơi không làm được, trò chơi kết thúc và nhóm bạn đó bị thua. Thường các bài đồng dao đều ứng với từng lứa tuổi và từng trò vui. Khi trẻ mới biết ngồi bò có bài hát Nu na nu nống, Kéo cưa lừa xẻ, Xỉa cá mè đè cá chép...; biết đi lại có Bắc kim thang, Dung dăng dung dẻ, Đi chợ về chợ...; biết chạy nhanh, nhào lộn có Bịt mắt bắt dê, Mèo đuổi chuột, Lộn cầu vồng, Trồng nụ trồng hoa...; biết đo đếm, tính toán có Chơi chuyền, Đánh khăng, Ô ăn quan, Trận giả...
Khi đi chăn trâu, cắt cỏ, đào củ, bắt tôm cá, tụ tập ven đê, bờ bãi - các khoảng không rộng để thuận chuyện đùa nghịch và cho lời hát bay xa có Gọi nghé, Qua sông, Thả đỉa ba ba... Những lúc làm việc nhà hoặc nghỉ ngơi, sinh hoạt ngoài đình với không gian nhỏ hẹp ấm cúng, thân mật, có Ru em, Giã gạo, Chi chi chành chành...
Về chủ đề và các ca khúc đồng dao phổ biến ở làng quê có thể viện dẫn một số ví dụ sau:
Đồng dao miêu tả trò chơi:
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.
Một bầy trẻ nhỏ
Bịt mắt bắt dê
Dê vấp bờ hè
Ngã kềnh bốn vó
Mọi người cười rộ
Cố đuổi vòng quanh.
Đồng dao kể về thế giới động vật, đặc điểm của cây cỏ, muôn thú:
Con công hay múa
Nó múa làm sao?
Nó rụt cổ vào
Nó xòe cánh ra;
No lòng phỉ dạ
Là con cá cơm
Không ướp mà thơm
Là con cá ngát
Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim
Hụt cẳng chết chìm
Là con cá đuối.
Đồng dao phản ánh quan hệ họ hàng:
Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim ri;
Bí ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột cậu ruột dưa gang
Dưa gang cùng hàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu bí ngô.
Đồng dao răn dạy cách cư xử:
Cái bống là cái bống bang
Khéo sẩy khéo sàng cho mẹ nấu cơm
Mẹ bống đi chợ đường trơn
Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa rào;
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
Mẹ ở nhà xẻ bí nấu canh
Bỏ thơm cho ngọt, bỏ hành cho ngon.
Đồng dao khắc họa cảnh tiệc tùng, bắt vạ, chia chác:
Con cò chết rũ trên cây
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra ăn phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích mặc quần vác mõ đi rao
Đồng dao tường thuật sự oan ức hay nghịch lý:
Con mèo xán bể nồi rang
Con chó chạy lại mà mang lấy đòn;
Tập tầm vông
Chị lấy chồng
Em ở góa
Chị ăn cá
Em mút xương
Chị nằm giường
Em nằm đất
Chị húp mật
Em liếm ve
Chị ăn chè
Em liếm bát..
Đồng dao trả đòn:
Cái cò mày mổ cái tôm
Cái tôm quắp lại mà ôm cái cò
Cái cò mày mổ cái trai
Cái trai quặp lại mà nhai cái cò.
Đồng dao nói ngược:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè nói ngược
Ngựa đua dưới nước
Tàu chạy trên bờ
Lên núi đặt lờ
Xuống sông bửa củi
Gà cồ hay ủi
Lợn nái hay cời;
Bao giờ cho đến tháng ba
ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Đồng dao trêu chọc:
Con Cúc cụt đuôi
Ai nuôi mày lớn
Dạ thưa thầy Cún
Tôi lớn mình tôi;
Đầu mày có rơm có rác
Kêu tao bằng bác, tao phủi đầu cho
Kêu tao bằng cô, tao cho cái này.
Đồng dao cầu mong:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.
Nhờ những khúc hát đồng dao êm ái, nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ suốt những tháng năm bé dại, trẻ quê em nào cũng ngoan, hiền, hiếu thảo, chăm chỉ. Các em cũng khỏe mạnh, nhớ lâu, nhạy cảm và linh hoạt. Có kiến thức về thế giới nhất là những hiểu biết về nhà nông và các nghề nghiệp, phong tục tập quán; học được cái tốt tránh xa thói xấu; định hình cho mình các năng khiếu và tình yêu đối với thiên nhiên và lao động.
Trong các thể loại dân ca Việt Nam, đồng dao là một loại ca khúc đặc biệt chỉ dành cho tuổi thơ nhờ ngôn từ dễ hiểu, dễ thuộc. Đây là những câu hát nhẹ nhàng miêu tả trò chơi, cảnh vật hoặc một sự kiện dân dã. Lời lẽ ngắn gọn, có vần, có điệu, có tính chất vui tươi, dí dỏm phù hợp tâm sinh lí trẻ nhỏ. Môi trường phát triển của đồng dao xưa nay luôn là khung cảnh làng quê với các hoạt động chơi đùa của con trẻ và sinh hoạt sản xuất của nhà nông.
Qua đồng dao trẻ quê cũng gửi gắm được đi muôn nơi những ước mơ thầm kín như ước thành ông này bà nọ, ước được phong kẹo cái bánh, ước được đi chơi xem hội... và thực hiện những việc khó ngay cả với người lớn như lội sông, vượt biển hay bay lượn. Và trẻ ngêu ngao hát những câu ca yêu thích của mình nhiều lần để mơ ước trở thành sự thực. Hát để người lớn nghe, hiểu được tấm lòng và khát khao của các em.
Qua đồng dao trẻ quê cũng đến được gần nhau, bất chấp độ tuổi, sang hèn. Các em kết bạn vô tư nhóm này chơi với nhóm kia vì có thêm bạn hát hay, biết một bài hát mới, một lời cải biên mới. Qua đồng dao, các em cũng có những kỷ niệm đẹp khó phai thời thơ ấu với bạn bè, thầy cô dưới mái trường.
Nhiều người thường lần về các vùng quê tìm lại đồng dao, tìm lại những thói quen xưa cũ và hòa mình trong không khí thân mật, hồn hậu. Ngược lại, nhờ môi trường làng quê rộng rãi, đa dạng và sự yêu thích của trẻ nhỏ, đồng dao đã có điều kiện phát triển trường tồn, và là di sản quý giá và bài ca hòa bình về làng quê Việt Nam với nhịp điệu êm ái như dòng suối ngọt ngào đi vào tâm thức bao thế hệ con người.
Chu Mạnh Cường
(Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh