Cao Kim và cánh chim nhỏ
Đó là Minh Nguyệt, nữ đội viên nhỏ tuổi nhất của tổ giao liên mật C30 thuộc đơn vị giao liên T4. Trong phần giới thiệu, tác giả viết: Tôi gặp Minh Nguyệt (Sáu Thắm) lần đầu vào cuối năm 1966 và gặp lại em tại Sài Gòn - Gia Định giữa đợt chống càn ác liệt ở vùng ven đô sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Là con gái Sài Gòn chính gốc, có dáng hình mảnh mai, xinh xắn, nhanh nhẹn, thông minh và gan dạ, em được mọi người trong đơn vị thương mến ví như “cánh chim nhỏ” nơi đô thành ngày ấy.
Bằng lối kể chuyện giản dị nhưng hóm hỉnh, không màu mè, giàu hình ảnh với mười câu chuyện không sắp xếp theo thứ tự thời gian, Cao Kim đã dựng lên toàn cảnh chiến trường Đông Nam Bộ, trong đó nổi lên hình ảnh cô bé Minh Nguyệt chưa đầy 17 tuổi trong một gia đình mà bố mẹ và năm người con, Minh Nguyệt là con út, sống ở quận 3, là một trong nhiều gia đình dạo ấy sớm bị chính quyền Sài Gòn liệt vào danh sách “gia đình Việt cộng”, luôn bị theo dõi, đe dọa và khủng bố. Vài năm sau đó, bố của Nguyệt bị sát hại dã man, chị Hai bị bắt và đày ra Côn Đảo còn các chị bị truy nã gắt gao. Nhiệm vụ chính của Sáu Nguyệt là vận chuyển hàng hóa mà cách mạng rất cần từ nội thành ra vùng giải phóng qua huyện Hóc Môn, Củ Chi và chuyển tài liệu cách mạng vào nội thành. Bằng trí thông minh và sáng tạo, em vẫn vượt qua các trạm gác khắt khe, các cuộc vây ráp, khủng bố dã man của địch và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi rất thích những câu chuyện mà Cao Kim kể về em qua những lần vượt qua súng đạn của địch, được cơ sở hết sức giúp đỡ của chị Tư Trân, giả danh người yêu với thiếu tá cảnh sát Sài Gòn đưa về thăm “quê nội”, như tìm đến người bạn cũ Minh Thu có chồng làm quân tiếp vụ khéo léo xin quân trang, quân dụng theo yêu cầu của tổ chức; lúc đóng giả người mẹ có con nhỏ trong chuyến vận chuyển Báo Giải phóng vào nội đô, chuyển tác phẩm “Sống như Anh” của Trần Đình Vân được giấu trong ba chiếc bánh chưng vào nội thành, cuộc đấu trí khi lọt vào giữa nơi địch dồn dân, là những ngày phải kìm nén đau thương khi được tin Bác Hồ mất, là những lần đụng địch ở Thới Tam thôn... Cũng qua câu chuyện nhỏ này, chúng ta còn được gặp nhiều nhân vật như chị Tư Trân, ông Sáu Khánh, nhà thầu khoán, tổ trưởng tổ giao liên mật C30; Tư Tăng, thủ trưởng trực tiếp của Minh Nguyệt; má Tám “vũ sữa”; Tư Nhã trưởng nhóm giao liên. Và những người như ông Ba Khang, cô Năm Chinh và rất nhiều các mẹ, các chị dũng cảm chở che cho Nguyệt hoàn thành nhiệm vụ. Qua ngòi bút của Cao Kim, cánh chim nhỏ tưởng như yếu ớt của Minh Nguyệt bỗng trở thành cánh chim báo bão, cánh chim thép bay lượn trong bom đạn, khôn khéo và mưu trí, trở thành tấm gương anh hùng cách mạng suốt một thời đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Cao Kim là bút danh của nhà báo Kim Toàn, nguyên phóng viên Báo Kiến An, Báo Hải Phòng, Báo Giải phóng - cơ quan trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và đặc khu Sài Gòn - Gia Định 1965 - 1975, nguyên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Hải Phòng, Chủ tịch Hội Nhà báo Hải phòng. Tôi và Kim Toàn cùng học cấp 2 huyện Kiến Thụy vào những năm cuối của thập kỷ 50. Toàn học giỏi, rất thích hát những ca khúc mang hơi hướng dân ca, có khả năng vẽ và thường là nhân vật chính trong công tác báo tường và văn nghệ của lớp, của trường. Năm 1960, Kim Toàn là phóng viên Báo Kiến An. Sau khi Hải Phòng và Kiến An hợp nhất, Kim Toàn về làm phóng viên Báo Hải Phòng và sau đó “mất tích”. Giữa năm 1968, gia đình, bạn bè hết sức đau lòng khi được tin Kim Toàn hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Năm 1964, tôi nhập ngũ trong một đơn vị hải quân. Năm 1967, tôi công tác tại Báo Quân khu Tả Ngạn và đi B. Cuối năm 1973 tôi về công tác tại Báo Thái Bình rồi sau đó là Hội Nhà báo Thái Bình cho tới khi về hưu.
Đầu năm 1970, tôi vào Nam chiến đấu trên mặt trận Đông Nam Bộ mới được biết Kim Toàn đi B từ cuối năm 1965 và đang công tác tại Báo Giải phóng ở mặt trận B2 và đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Chúng tôi chưa một lần gặp nhau trong mưa bom bão đạn.
Tôi gặp lại Kim Toàn trong một lần Báo Thái Bình thăm Báo Hải Phòng tại bãi biển Đồ Sơn. Và sau đó chúng tôi gặp nhau rất nhiều lần. Lại kể cho nhau nghe về những năm tháng chiến đấu và công tác ở miền Đông gian lao mà anh dũng. Trong nhiều lần nói chuyện, tôi thấy Kim Toàn đau đáu nỗi niềm riêng tư nào đó mà chỉ những người trải qua trận mạc mới nhận ra. Vậy mà anh vẫn im lặng, không bao giờ nhắc lại cả chục năm ở chiến trường thời đánh Mỹ. Đọc cuốn sách của nhà báo già Kim Toàn tôi mới hiểu nỗi lòng của ông: “Chiến tranh đang dần lùi xa. Mỗi lần giở lại những trang ghi chép tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi lại nhớ đến các chiến sĩ biệt động và giao liên nội đô mà tôi từng đồng cam, cộng khổ và viết về họ...”. Thi thoảng ông cũng nhắc lại những kỷ niệm đau buồn thời chiến trường trong những bài báo tết, báo xuân đăng trên Báo Hải Phòng, Báo Nhà báo và Công luận. Đặc biệt, ông cũng chưa một lần viết về Minh Nguyệt hay những đồng đội của cô trong những ngày chiến tranh ác liệt. Vậy mà, nhân kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 anh cho ra mắt cuốn “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” viết về tấm gương anh hùng của cô gái nhỏ Sáu Nguyệt. Cuốn sách đầy đặn về thời gian và không gian của 50 năm về trước, chứng tỏ Kim Toàn luôn giữ gìn những kỷ niệm về thời đạn bom một cách trân trọng.
Tôi rất đồng tình với đánh giá về thành công cuốn sách và tác giả Cao Kim của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội: Cuốn sách “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” của tác giả - nhà báo Cao Kim (Kim Toàn) là một trong những thông điệp Nhà xuất bản muốn gửi tới bạn đọc. Tác giả là một trong những nhà báo vừa cầm bút vừa cầm súng tại chiến trường, từng trực tiếp đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, giữa sự sống và cái chết để ghi lại hình ảnh chân thực về những con người bình dị, hoạt động thầm lặng mà sự hy sinh của họ có thể chúng ta không bao giờ viết hết được. Cuốn sách như một lời tri ân để lịch sử mãi nhớ và biết ơn họ. |
Thiếu Văn Sơn
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam