Thứ 6, 03/05/2024, 12:28[GMT+7]

Hạnh phúc của nội

Thứ 2, 02/04/2018 | 08:47:25
1,738 lượt xem

Ảnh minh họa.

Nhà tôi ở bến sông, nơi có hàng cây gạo già đứng sừng sững quanh năm ru hát trong vòm lá. Hồi bà nội còn sống, bà bảo hàng cây có từ bao giờ bà cũng không biết nữa. Những năm đói kém, chiến tranh của thế kỷ trước, xác người chết đói nhiều lắm. Sáng ra thế nào cũng có vài xác người nằm chết đói rét co quắp ở dưới gốc gạo bên đường cái. Lúc ấy bà còn bé lắm, đi theo xem người ta cuộn xác người vào chiếc chiếu rách chôn mà thấy thảm. Đám ma chôn vội không có một tiếng khóc hờ. Người ta đói, đói đến mức đào tung cả dải bờ đê lên lấy rau má để ăn. Sau làng phải cắt cử người ra canh chừng kẻo mùa bão ấy vỡ đê thì cả làng tuyệt giống.

Hàng cây gạo chỗ khu nhà tôi ở thì không có người chết đói kiểu vậy. Chả ai đói rét lại ra bờ sông để xin ăn. Có lẽ ám ảnh cái miếng cơm như vậy cho nên bà tôi luôn nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng từng hạt cơm rơi, cơm vãi. Ăn cơm bị rơi ra phải nhặt bỏ vào cái bát dưới đất để cho gà, lợn. Đứa nào rửa bát để cơm thừa chảy ra rãnh nước thì chết với bà. Lại bài ca muôn thuở “hạt cơm là hạt ngọc cứu người”. Thằng em tôi nhỏ dại cãi bà:

- Cháu vô ý làm rơi mấy hạt cơm thôi sao mà bà khó tính thế?

Bà khóc ầm lên. Tiếng khóc tức tưởi như đớn đau từ một nơi nào xa thẳm ùa về. Bố từ trên nhà chạy xuống nói mãi bà vẫn không chịu thôi:

- Bà già này giờ vô dụng rồi, không nói được đứa nào trong nhà này nữa rồi.

Bố đỏ mặt quát thằng Linh lại gần. Chiếc roi mây trên gác bếp vung lên, chỉ nghe những âm thanh vun vút. Nó quằn quại dưới đất không thể kêu lên được. Tôi đứng nép nhìn trộm qua khe cửa mà hết hồn. Chưa kịp nghĩ phải làm gì để cứu em thì bỗng nhiên có một bóng người nằm đè lên người Linh đỡ đòn thay cho nó. Bố buông roi đi ra bến đò. Hình như bố lấy tay quệt nước mắt.

Là bà nội. Bà đã đỡ cho nó mấy roi trong sự tức giận tột độ của bố. Bố rất nóng tính nhưng chả mấy khi chị em tôi bị đánh đòn. Chiếc roi mây để trên gác bếp đen bóng màu khói hun mỗi khi bố cầm đến thì cả hai mặt đã cắt không còn giọt máu nào nữa rồi. Bố bắt nằm xuống giường, vụt đòn gió loạn xạ. Chỉ nghe tiếng đập xuống giường thôi là đủ thấy thất kinh. Nhưng chiếc roi mây bố vẫn để trên đó, lúc nào bố dọa sẽ cho “ăn” roi mây thì lúc ấy có cho thêm kẹo chị em tôi cũng chả dám không nghe lời.

Bà ôm chặt lấy Linh, cuống cuồng vạch quần nó ra xem rồi xuýt xoa những vết bầm đỏ.

- Thằng bố mày ác quá. Đánh con thế này à?

Linh đẩy tay bà ra:

- Tại bà đấy. Cháu không chơi với bà nữa.

Nó cứ nằm dưới nền nhà khóc dỗi ti tỉ. Bà dỗ thế nào nó cũng không nín. Bà lấy hết bánh kẹo ngon mà mấy bác trong họ ở xa mới về biếu bà mà nó vẫn không chịu thôi. Những chiếc bánh ai biếu bà có khi nào bà cho chúng tôi vậy đâu. Mỗi ngày bà cho một chiếc hoặc đứa nào nhổ tóc sâu cho bà thì bà thưởng.

Linh vẫn hất tay bà ra không nhận bánh. Hết cách dỗ nó, bà sai tôi gọi bố về. Tôi lo sợ lắm. Biết đâu em Linh sẽ bị đòn đau hơn. Khi bố về đến sân thì bà lao ra từ trong nhà vụt mấy roi vào người bố, đoạn lại vào nhà dỗ nó:

- Bà đánh bố rồi đấy. Một ngày đẻ ra được con lớn bằng thế này đâu mà nó đánh cháu đích tôn của bà đau thế. Vào phòng bà để bà chườm đá lạnh cho.

Bố đứng im như trời trồng, cắn môi để giọt nước mắt khỏi trào ra trên đôi mắt hoe đỏ. Rồi tôi cũng hiểu được vì sao bố khóc như vậy khi tối đó bố gọi hai chị em vào phòng nói chuyện.

Bà nội tôi sinh được ba người con trai, trên bố tôi là hai bác sinh đôi. Ngày xưa đói lắm, vào những độ tháng ba về, khi hàng cây gạo thắp lên những chùm hoa rực đỏ thì nhà nhà đói kém. Những làn gió rét tháng ba càng se sắt hơn bởi khi cái bụng đã đói triền miên rồi thì cơ thể lấy đâu ra nhiều năng lượng để mà chống chọi với rét như trước nữa. Bông hoa gạo nở thắm đôi khi là ám ảnh của rất nhiều người nghèo đói. Hôm ấy, có người chết trôi dạt vào bên sông. Ông nội tôi cùng mấy người trong thôn ra vớt đem đi chôn. Có lẽ vì chôn cất cái người xấu số đó mà nồi cơm độn khoai của nhà hôm đó còn vứt chỏng chơ bên mâm chõng giữa nhà đợi ông về. Bố bảo ông nội nghiêm lắm. Đến bữa cơm không được tự ý ăn trước, phải đợi đủ người trong nhà mới được ăn. Nếu như người vắng mặt không có lý do chính đáng thì vẫn phải đợi. Ông quy định, đến mười hai giờ trưa khi nghe tiếng chuông nhà thờ của giáo họ làng bên đổ thì tất cả mọi thành viên phải có mặt trong bữa cơm trưa.

Hôm ấy quá trưa ông mới về đến nhà. Vừa đói vừa rét, ông liền ngồi sà xuống mâm cơm. Bà nội sai bố đi tìm các anh. Bố chạy ra ruộng khoai nhưng không thấy ai cả. Vì lúc trước hai bác đói quá đã rủ bố ra ruộng móc khoai “cuống họng” ăn cho đỡ đói. Đây là loại củ khoai ra đầu tiên chỉ mới to bằng nắm liềm, đến kỳ thu hoạch sẽ là những củ khoai to nhất. Bà chạy vội ra bến sông rồi kêu thất thanh. Ông ào xuống nước vớt hai bác lên vác lên người mà chạy, mà sốc. Có lẽ hai bác đã bị trượt chân ngã xuống nước khi rửa khoai. Người hai bác vẫn còn ấm nhưng đã tắt thở. Trên tay vẫn cầm củ khoai đỏ hỏn.

Bà hóa điên hóa dại một thời gian dài. Mãi sau rồi mà mới ổn định lại nhưng trách ông thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để rồi con mình vì đói mà chết. Không khí trong nhà không được yên. Một lần, ông gọi bố lại,  dặn dò phải nghe lời bà, sau này bà già phải hiếu thuận với bà rồi ông đi. Ông đi mãi không về nữa. Bà sống lặng lẽ như một chiếc bóng. Đôi ba lần nghe người làng đồn đoán gặp ông ở đâu đó, bà có khăn gói đi tìm nhưng đều không thấy. Bố thanh niên vạm vỡ mà không lấy được vợ làng. Người ta bảo bà cay độc quá, chồng không chịu nổi phải bỏ làng mà đi thì với con dâu bà sẽ đối xử nghiệt ngã đến mức nào. Khi bố đi tìm ông, bố bị móc túi hết tiền, gặp mẹ giúp đỡ. Thế rồi nên duyên. Bốn mươi tuổi bố mới có vợ nên chị em tôi mới còn nhỏ chứ ở quê bằng tuổi bố có người lên chức ông, chức bà rồi. Bà nội cưng nàng dâu hơn cả vàng ngọc.

Tự nhiên tôi thấy thương bà quá đỗi, muốn sà vào lòng bà, muốn xoa dịu những đau đớn trong lòng bà còn khắc khoải. Tôi cũng không còn cho rằng bà đã “lẩm cẩm” tuổi già càng thêm khó tính nữa.

Bà nhiều đêm mất ngủ. Mọi thứ trong nhà đảo lộn hết cả lên khi bà nhớ nhớ quên quên. Bà vừa nói thế này, tý nữa đã thế khác. Bố lắc đầu thở dài trước bệnh tình ngày một nặng thêm của bà. Lên Hà Nội khám, bác sĩ kết luận, bà bị teo một bên não nên giờ bà sẽ sống bằng ký ức ngày xưa nhiều hơn. Người nhà cần chủ động hơn chăm sóc bệnh nhân chứ y học hiện nay chưa có thuốc chữa.

Quả đúng như vậy thật. Được hôm trời hửng nắng sau đợt gió mùa, bà bắc bếp củi ở góc sân, đun nước hoa bưởi cùng với lá sả bắt bố đi tìm ông để về tắm gội. Bà bảo ông thích tắm mùi nước lá này. Có lần bà còn mang hết mấy bộ quần áo của ông đã cũ mèm ra bắt mẹ cùng bà vạch tìm từng đường kim mũi chỉ xem có con rận, con chấy nào núp vào đó không. Bố và mẹ kiên nhẫn làm theo bà như thể ông còn sống bên bà vậy. Bố tìm cách đưa bà đi chùa mỗi khi có dịp để bà tìm niềm vui tuổi già. Nhưng bệnh của bà vẫn thế. Có một nỗi buồn mênh mông trong đôi mắt mờ đục khói sương của bà. Nhìn bà đứng ở bến đò, dưới gốc cây gạo chờ ông mà tim đau thắt lại. Bỗng đâu mắt tôi cũng ầng ậc nước.

Bệnh của bà càng nặng thêm. Bố bảo do bà suy nghĩ về ông nhiều quá. Tuổi già con người ta sợ nhất sự cô đơn. Già cần có bạn già. Con cháu đuề huề cũng không thể bù đắp được khoảng trống của ông để lại trong lòng bà. Bà có lý do của bà khi nhớ về ông. Chả có bác sĩ nào chữa được căn bệnh của bà nhớ thương ông cả. Hình ảnh bà cầm áo của ông chiều chiều ra bến đò ngóng đợi ông dưới gốc cây gạo mà lòng tôi chùng xuống, rát buốt. Bà lẩm bẩm một mình, sao ông đi lâu thế. Ông dặn, ông đi khi chuyến đò chiều là ông sẽ về. Ông rất thích được nhìn thấy bà đứng dưới gốc cây gạo ngóng ông về từ bờ bên kia.

Một chiều, bà đột nhiên reo lên sung sướng khi thấy ai đó trên chuyến đò có dáng giống ông. Bà run rẩy, lập cập chạy xuống bến rồi trượt chân ngã. Bà bị tai biến liệt nửa người phải nằm ở nhà một chỗ. Bà muốn ra gốc gạo mà không đi được. Bà nói cả ngày với ông, độc thoại một mình. Bà nhắc đến kỷ niệm của ông với bà hồi còn tham gia đội du kích của xã. Năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, từ trên ngọn cây gạo, du kích ta đã phát hiện ra máy bay của địch để đánh kẻng thông báo cho mọi người xuống hầm trú ẩn. Ta đã bắn rơi máy bay địch. Và cũng tại ngọn cây cao chót vót này đã phát hiện ra chỗ máy bay rơi. Dân quân và du kích mấy xã cùng nhau xuống biển tìm. Cây gạo này bị bom dội xuống chẻ làm đôi. Ấy thế mà cây không chết. Vết thương khô nhựa lại bừng thêm cành lá mới. Mùa vẫn nối mùa, trên cành cây gai sắc nhọn tua tủa, nâu sì ấy vẫn bật lên những bông hoa cháy lửa, đỏ chói mãnh liệt.

Bố lần tìm hết các trang mạng có người ở làng tham gia để dò hỏi thông tin về ông nhưng đều không có kết quả. Bố đến từng nhà những người trong xã đã gặp ông khi ông nhờ gửi cầm tiền về để bà nuôi bố khi xưa mà mỗi người đều trả lời gặp ông nội ở một tỉnh khác nhau. Bố bất lực với việc tìm kiếm ông. Dù chỉ một thông tin rất nhỏ bố cũng đã cố. Bà đã yếu lắm rồi. Bố muốn khi bà còn sống sẽ tìm ra ông dù chỉ là một ngôi mộ để bà thanh thản về với cõi vĩnh hằng. Lúc ấy, tuổi còn trẻ, nỗi đau mất con quá lớn, quá bất ngờ làm bà không thể bình tĩnh được. Rồi bà để mất ông. Trong một thời gian mà liên tiếp hứng chịu mất mát như vậy bà đâu chịu được. Bố lúc ấy nhỏ dại không ai nuôi nấng nên bà không thể theo hai bác. Đã có lúc bà không thiết sống nữa.

Có một nhà sư trẻ về chùa gần nhà giảng kinh khi làng vào hội tháng ba. Mọi người ra sân chùa rất đông. Bà đột nhiên tỉnh táo lại, bảo mơ thấy ông đưa bà đi lễ chùa và muốn nghe thầy giảng. Bố cố mời nhà sư về nhà nói chuyện với bà. Qua câu chuyện của nhà sư muốn tìm người thân sư thầy của ông đã viên tịch khiến bà bật khóc. Không ngờ di vật của sư thầy ấy để lại đã đủ để cho bà nhận ra người đó là ông. Một chiếc vòng bạc trắng có một mắt xích bị đứt được nối lại bằng cước trắng. Trên đó có khắc tên ông và bà. Sư thầy có quá nhiều sách. Cách đây mấy tháng, nhà sư trẻ đọc sách thầy để lại đến quyển cuối cùng dưới đáy hòm thì phát hiện ra một phong thư kẹp trong đó. Thầy nói về quê gốc khác hẳn với những thông tin trong hồ sơ của thầy. Ước nguyện của thầy khi mất được về quê hương. Nhà sư trẻ được sư thầy nhặt ở ven đường và nuôi dạy như con. Ông đã về đây đúng lúc hội làng. Nhà chùa mời ông giảng kinh Phật và ông muốn khi xong hội sẽ nhờ tìm thông tin sư thầy của mình.

Đêm đó bà đã ra đi nhẹ nhàng, môi khẽ mỉm cười. Tiếng hoa gạo rơi thi thoảng lộp độp trong đêm vắng. Sáng ra, một màu đỏ rực dưới lòng đất. Hoa gạo có màu đỏ mãnh liệt. Cây chắt chiu nhựa sống suốt cả mùa đông rét mướt để khi tháng ba về lại bừng lên màu đỏ thắm đến nao lòng. Bà cũng như cây gạo già kia, kiên cường một niềm tin chờ đợi.

Mùa hoa gạo về, tôi thắp nén nhang lên mộ ông bà trong ngày thanh minh. Tôi tin, dưới suối vàng, nội tôi đã mãn nguyện.

Hân Du

(Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày