Thứ 6, 22/11/2024, 23:29[GMT+7]

Game- trò chơi hay là nỗi ám ảnh?

Thứ 6, 28/10/2011 | 09:59:05
2,185 lượt xem
Cứ khoảng từ 4giờ 30 chiều là các quán Internet lại đông nghịt người, nhất là những nơi gần trường học. Bởi rất nhiều những bạn trẻ đã chọn cho mình đó là địa điểm dừng chân lí tưởng. Đây là một điều đáng mừng cho những bà chủ quán Net nhưng lại khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo ngại khi thấy con em mình đang rời xa thế giới thực tại để bước vào một “thế giới ảo”. Gọi là “thế giới ảo”, nhưng những tác hại mà nó gây ra thì lại không “ảo” chút nào.

Ảnh minh họa

Đã từ lâu Internet đã trở thành mạng công nghệ thông tin quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Và game online là một trong những tiện ích mà Internet mang lại. Game online là trò chơi trực tuyến, khi chơi bạn có thể chơi và giao tiếp với những người đang chơi cùng trò chơi đó, nhiều người có thể cùng chơi một trò cùng lúc. Hiện nay không chỉ có game online mà game offline và web game là 2 dạng hình thức khác của trò chơi trực tuyến  cũng đang rất phổ biến. Bạn có thể vào bất kì một hàng băng đĩa nào và hỏi về đĩa game, thì chắc chắn người chủ cửa hàng sẽ đưa ra cho bạn vô số những lựa chọn khác nhau. Nào là đột kích, gunny, avatar.v.v... Game phổ biến như thế nhưng nhắc đến người ta lại cảm thấy lo sợ. 

Thực chất bản thân game không có hại chỉ vì người chơi game đã không biết chơi đúng cách mà vô tình đã trở thành nạn nhân của nó. Các trò chơi điện tử ra đời với mục đích giải trí, đem lại sự thư giãn cho người sử dụng. Thực tế có rất nhiều những trò chơi có ích có thể giúp ta tư duy tốt hơn hay luyện nhanh mắt, nhanh tay. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn vô số những trò chơi bạo lực, không lành mạnh nhưng điều đáng nói là lại rất phổ biến. Những người chơi game, đến nghiện game thì thường ở lứa tuổi học sinh ban đầu do sự ham vui, tò mò mà tìm đến với game rồi dần dần nghiện lúc nào không biết.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là tại sao đa số những học sinh nghiện game lại ở thành phố lớn? Bởi ở đây, ta có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin hơn ư? Đúng, đây là một lí do nhưng chưa đủ. Sự tất bật của cuộc sống, sự mải mê với công việc đôi khi đã khiến các bậc cha mẹ dành ít thời gian để quan tâm đến con cái, vì thế không hiểu được con. Khi thấy con ở trong phòng riêng, đèn bật đến tận khuya thì cứ đinh ninh rằng con đang học, lại không liên lạc thường xuyên với nhà trường nên càng không biết con đang lạc đường trong thế giới ảo. Chính vì tâm lý chủ quan đó mà vô tình nhiều người đã khiến con mình trở thành kẻ nghiện game lúc nào không biết. Hơn nữa, hiện nay số lượng các khu vui chơi còn quá ít so với nhu cầu giải trí của mọi người,  còn các quán Net lại mọc lên như nấm vì thế người ta lại càng có thêm một lý do để tìm đến với game.

Nếu bạn là một người nghiện game online thì chắc chắn từ một học sinh giỏi, một đứa con ngoan bạn sẽ trở thành một kẻ hoàn toàn khác. Nếu như trước đây bạn là một người hoạt bát vui vẻ thì giờ đây sẽ không ai thấy được điều đó trong con người bạn dù ngày ngày bạn luôn được giải trí bằng các trò chơi trực tuyến. Đến lớp, bạn sẽ thường xuyên ngủ gục xuống bàn sau những đêm dài thức trắng để cày game. Rồi người sẽ gầy xọp đi vì “ niềm đam mê’’ với game quá lớn khiến bạn quên cả ăn uống, quên cả về nhà mà “ định cư” ngay tại quán Net. Thay vì học bài như trước kia, kẻ nghiện game sẽ chăm chỉ ôm lấy chiếc máy vi tính với sự tập trung cao độ chưa từng có ngay cả trong những kì thi quan trọng. Game online thật sự sẽ biến ta thành một con người khác.

Người ta còn chưa hết bàng hoàng sau vụ án của Nguyễn Đức Nghĩa, một “game thủ” đã quá quen với các trò bạo lực mà gây ra tội ác không thể tha thứ thì mới đây Lê Văn Luyện cũng là một “cao thủ game’’ đã khiến cả xã hội lên án. Chơi những trò chơi không lành mạnh sẽ khiến ta trở thành một người ưa bạo lực. Chỉ vì một xích mích nhỏ mà một người hiền lành cũng có thể trở nên hung dữ. Để có mấy nghìn bạc lẻ chơi game mà một người bình thường cũng có thể trở thành kẻ trộm cắp, tội phạm giết người.

Liệu sẽ còn bao nhiêu người vì game mà trở thành Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện nữa đây? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có đáp án. Những con người ấy đã lạc lối trong thế giới ảo quá lâu để rồi khi trở về với cuộc sống thực tại họ đã biến chính cuộc sống của mình thành một trò chơi mà họ là nhân vật. Nhưng nếu với game khi ta thua, game over ta có thể chơi lại bàn khác, rồi bàn khác nữa. Còn trong cuộc sống có những khi lỡ bước ta không còn có cơ hội để quay đầu. Bởi cuộc sống không đơn gian chỉ là một trò chơi. Xin đừng để vì những trò giải trí vô nghĩa mà đánh mất chính mình !

Vũ Quỳnh Trang

(Câu lạc bộ Phóng viên Tuổi hồng tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày