Thứ 3, 23/07/2024, 06:13[GMT+7]

Học lịch sử!

Thứ 6, 28/10/2011 | 10:08:41
2,786 lượt xem
Mỗi một bài học phải đêm đến cho học sinh niềm say mê học tập, có mong muốn, nhu cầu học tập. Nói cách khác, giáo dục lịch sử không đặt nặng trọng tâm vào kiến thức, mà phải đặt trọng tâm vào khơi dậy đam mê của học sinh, kích thích tò mò, hứng thú, sáng tạo để các em có thể tự mình kiếm những gì không chỉ trong phạm vi kiến thức ở nhà trường, mà cả kiến thức ngoài xã hội, để các em thấy rằng, mỗi ngày đến trường, mỗi một bài học lịch sử đều có ích

Ảnh minh họa

Trong bữa cơm chiều, đột nhiên bố tôi hỏi: “Con có biết Lê Hoàn đánh quân xâm lược nào không?”. Chẳng biết do câu hỏi quá đột ngột, tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần hay vì một lý do nào khác mà mãi tôi không thể nhớ ra được (tôi thì tôi biết nhưng là cách đây 1 hay 2 năm gì đấy). Tiếp sau đó là “Nhà Trần có bao nhiêu đời vua?”; “Vị tướng nào hồi nhỏ hay chơi đánh trận giả?”... Chắc chắn không chỉ có mình tôi, mà không ít người quan tâm nếu đang đọc bài viết này cũng đang lục lại sách vở để tìm câu trả lời!

“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Chắc hẳn bất kỳ ai cũng biết đến lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tôi không dám chắc là nhiều nhưng chắc chắn có không ít người chỉ nghe, nhớ và để đấy mà không thực hiện. Tất nhiên, qua câu chuyện trên thì các bạn cũng biết tôi là một trong số “không ít người” đó. Nhưng có thể nói bây giờ tôi đã “ngộ” ra và viết bài này để góp một phần nào đó cho con số “không ít” sẽ ngày một giảm dần.

Quay trở lại với vấn đề trên, hiện nay, trên truyền hình, báo chí, qua mạng internet, có rất nhiều những cuộc thi tìm hiểu về lịch sử nước này. Nhưng đáng tiếc thay, con số tham gia chỉ dừng lại ở con số nghìn người, trong khi lời dạy của Bác là “dân ta”, có nghĩa là hơn 80 triệu con người Việt Nam. Ban có suy nghĩ gì về điều này?

Chưa cần nói đến những việc mang tầm cỡ toàn quốc như vậy, ngay trong trường học, môn Lịch sử vẫn đang “được” một số học sinh tiếp thu, quan tâm một cách hời hợt, từ đó, có thể gây ra tâm lý “chán dạy” đối với giáo viên. Hay ngay như bản thân tôi cũng tự nghĩ: có phải mình đã sống quá nhanh, luôn tăng tốc để bắt kịp thời đại nhưng lại ít khi quay đầu nhìn về quá khứ, lịch sử. Sau này, khi tôi lớn lên, có thể là một doanh nhân thành đạt, làm những sự phát triển không ngừng, những bước đột phá vượt bậc của Việt Nam cho họ nghe. Nhưng nếu họ hỏi: “Vậy lịch sử Việt Nam thì sao?”... thì cứ tình trạng thế này thì chắc tôi sẽ nói được không quá 10 câu. Và điều đó thì chẳng ai thích chút nào. Phải không bạn?

Còn về nguyên nhân thì trước hết, trong suy nghĩ của tôi (trước đây thôi nhé) và của nhiều bạn học sinh khác thì: Lịch sử chỉ là môn học phụ nên chỉ học để kiểm tra lấy điểm chứ không cần học để hiểu, để biết. Chỉ khi có thông báo là cuối kỳ này sẽ thi môn Lịch sử thì lúc đó mới cắm đầu, cắm cổ, cố nhồi nhét những con số, những sự kiện, những nhân vật “quen thuộc” cho đầy đầu nhưng không quá 3, 4 ngày sau khi thi xong là đâu lại hoàn đấy hết.

Thêm nữa, việc dạy vào học Lịch sử trong nhà trường hầu như chỉ dừng lại ở việc cô giảng trò nghe, ít khi học sinh được có những hoạt động ngoại khóa, những buổi tham quan mang tính chất tìm hiểu lịch sử khiến việc tiếp thu kiến thức rất khô khan và khó nhớ.

Như một bài viết về “Hiệu quả dạy học lịch sử ở trường Phổ thông mà tôi đã đọc trên trang lichsuvn.info thì: Mỗi một bài học phải đêm đến cho học sinh niềm say mê học tập, có mong muốn, nhu cầu học tập. Nói cách khác, giáo dục lịch sử không đặt nặng trọng tâm vào kiến thức, mà phải đặt trọng tâm vào khơi dậy đam mê của học sinh, kích thích tò mò, hứng thú, sáng tạo để các em có thể tự mình kiếm những gì không chỉ trong phạm vi kiến thức ở nhà trường, mà cả kiến thức ngoài xã hội, để các em thấy rằng, mỗi ngày đến trường, mỗi một bài học lịch sử đều có ích”.

Như vậy, để môn Lịch sử có thể dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ thì nhà trường và các thầy cô giáo nên thường xuyên đổi mới cách dạy học, thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, tham quan để tạo hứng thú cho học sinh bọn em, giúp những sự kiện, những nhân vật có thể dễ dàng đi vào tiềm thức chứ không cần phải cố gắng “nhồi nhét” kiến thức vào đầu một cách chán nản.

Nhưng trên hết, điều quan trọng nhất là ở suy nghĩ của mỗi học sinh, hãy đừng suy nghĩ kiểu: “Học Lịch sử để làm gì?”, đơn giản học để khi được hỏi về lịch sử dân tộc, ta có thể ngẩng cao đầu mà kể về những chiến thắng vĩ đại, kể về những tấm gương anh hùng bất khuất trong mỗi trái tim con người Việt Nam; học để thấy thêm yêu quê hương, yêu dân tộc ta. Từ đó, bạn sẽ thấy mình cần có trách nhiệm hơn với sự phát triển của đất nước.

Vậy, bạn và tôi, ngay từ hôm nay, hãy xem lại thái độ với môn Lịch sử của mình, hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến Lịch sử lâu đời của dân tộc ta!

Trần Quang Nam
(CLB Phóng viên Tuổi Hồng)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày