Thứ 7, 27/04/2024, 05:25[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 3, 16/04/2019 | 11:05:37
1,045 lượt xem

Ảnh minh họa.

Thấy Nuôi đăm chiêu nghĩ ngợi, mụ chánh hạ giọng:
- Tôi thì không vơ đũa cả nắm. Tôi biết người biết của chứ chả như ai... Cô có cái tốt là thật thà, chăm chỉ, ăn ở trước sau như một. Tôi biết. Nên tôi vẫn thương cô, thương như ngày cô lên bảy, lên tám mồ côi cả bố lẫn mẹ, cầm cái chổi quét sân còn lóng nga lóng ngóng. Tôi vẫn thương cô như cái ngày cô còn ở đây. Đấy, cô xem, bất cứ chiều hôm, ban tối, cô bế con về đây, có việc thì làm, có cơm thì ăn, tôi không so đo tính toán. Ba sào ruộng mật điền, phát canh cho vợ chồng cô là tôi nghĩ đến cô. Không thì tôi dại gì...
Nuôi thấy mắt mình cay cay. Nuôi đưa cùi tay lên giụi giụi mắt.
Mụ chánh bỏ chân xuống đất, ngửa người ra cho đỡ mỏi lưng. Mụ liếc thấy giọt nước mắt lăn lăn trên má Nuôi. Quay lại với tay lấy hộp trầu đặt ở ô cửa sổ, mụ nhặt miếng vỏ nhấm nhấm trước cho mềm, rồi ấn miếng cau và miếng trầu vào miệng nhai phúng phíu. Thấy đã có thể giao cho Nuôi cái việc đi xúi tá điền nộp tô chui, mụ nhổ toẹt quết trầu vào ống, ghé sát bên tai Nuôi, nói thì thào một lúc lâu.
Nuôi cúi đầu, tay xoa lưng cho thằng cu ngủ yên, tai lắng nghe. Nuôi đã nghe thủng chuyện, không biết nên như thế nào. Không nhận làm theo, mụ đòi ruộng thì khốn. Nhận làm thì làm thế nào cho lọt?...
Mụ chánh ngửa mặt nhìn trần nhà, miệng nhai bỏm bẻm, chờ Nuôi trả lời. Nuôi vẫn cúi mặt đờ đẫn, nghĩ ngợi. Mụ nhắc:
- Sao, cô nghĩ thế nào?
- Con... con... - Nuôi gãi gãi gáy - con chỉ hãi...
- Hãi gì? Hãi chú ấy chửi à? Cô cứ bảo chú ấy là... là... - mụ chánh bặm môi một lúc. - À mà thôi... Cô phải biết cách. Cứ làm cho thật êm. Rỉ rai từng người. Họ nghe ra, bằng lòng, thì bảo họ đi nói với người khác. Cứ thế loang rộng ra. Làm được việc này, tôi cho thêm cô dăm thùng nữa. Êm ả ra, tôi cho cô cấy thêm hai sào. Tháng ba, ngày tám, hết gạo, cứ bế con sang đây, tôi có việc cho cô làm. Có làm khắc có ăn... Được không nào?

7

Bà Chỉnh vò mớ chè tươi cho vào ấm, thấy tiếng lạch xạch ngoài cổng, vội ngửng lên:
- Ô kìa, anh Cự đã sang. Ông ấy nhà tôi cứ nhắc mãi. Anh đi đâu, mang cả xe?
- Tôi đánh xe đưa ông chủ tịch đi họp huyện đây. Ông dậy chưa? - Cự vừa dắt xe đạp vừa nói.
-   Dậy lâu rồi. Ngủ đến giờ có chết.
- Chết sao được. Ông chủ tịch họp hành khuya, ngủ trưa tí chẳng sao. Ai dám bì.
Ông Chỉnh ngồi trong nhà nghe rõ tiếng Cự. Cánh mũi ông phập phồng, người ông như được nâng bổng lên. Ông đứng thẳng người, xốc xốc vai áo cho cân đối. Chiếc áo màu gụ, gấu to, tay rộng ông mới may, chỉ đi họp mới mặc. Thật là cách mạng đổi đời, không thì có bao giờ tay Cự, con nhà chánh tổng lại đưa xe đến lai ông đi họp. Cả xã này chỉ có cậu ta có xe. Đi họp huyện có cái xe đỡ mỏi chân, mà con người cũng thêm oai ra. Thấy ông từ trên xe nhảy xuống hớn hở, đàng hoàng, nhiều người đứng bên đường nhìn ông tưởng là cán bộ tỉnh.
- E hèm... anh Cự đến đấy à. Vào chơi. Nước rồi đi. Sớm chán.
- Vâng! - Cự dựa xe vào gốc cau - Tôi sợ ông đợi, đạp vội đạp vàng.
- Ừ, cứ đàng hoàng. Mình đi xe, anh em người ta đi bộ. Ông Chỉnh ngó xuống bếp nói trống không:
- Nấu nước nhanh lên nhá!
Cự ngồi xuống chõng tre xem ông chủ tịch chuẩn bị đi họp. Cái túi vải hai ba ngăn, chỉ có một ngăn đựng cuốn sổ bìa cứng. Những ngăn khác lép kẹp dúm dó. Ông vuốt đi vuốt lại cho phẳng. Chiếc bút Oa-téc-man ngòi thủy tinh, mực tím, cặn bám đầy ngòi, ông phải lau bằng giẻ ướt... chợt ông nhìn Cự hất hàm:
- Thế nào? Anh đã chuẩn bị tình hình báo cáo chưa?
Cự vỗ vỗ bàn tay vào cặp da đen láy, dày cộp, lấp lánh ba cái khóa mạ kền:
- Đủ rồi, ông ạ!
Ông Chỉnh khẽ gật đầu, tay vẫn lau bút. Cự thấy gần đây ông có những cái khác trước. Đối với Cự, ông giảm bớt sự trọng vọng, nhất là từ khi ông đấu tranh để Cự vẫn được vào ủy ban. Ông xem đấy là việc nâng đỡ đối với Cự. Cự cũng thấy vậy, Cự không dám đòi hỏi ông trọng vọng như cái ngày Cự còn làm phó chủ tịch lâm thời, cúng vào Tuần lễ vàng hai ba cái nhẫn. Hơn nữa, từ ngày Tuyền làm bí thư chi bộ, Cự kém thớ đi, nhiều ý kiến Cự đưa ra hội nghị không được chấp nhận, còn bị bài bác. Phải bám ông Chỉnh chắc hơn, để ông ủng hộ. Ông làm chủ tịch suốt mấy năm, quen công quen việc, nhiều người vì nể, ông sinh ra tự hào, thích nghe ý kiến tán tụng, không muốn nghe những ý kiến chê. Biết thế, Cự tìm bất cứ cái gì có thể khen được “đưa nước đường” cho ông khoái. Ông thích xe lai đi họp, Cự lai ngay. Muốn làm thân hơn nữa, Cự biếu ông đôi giày ba-ta. Ông ngắm nghía đôi giày, xỏ chân thử, buộc dây cẩn thận, đi đi lại lại mấy bước, có vẻ thích nhưng ông không nhận. Cự mời ông về nhà mình ăn giỗ, ăn tết. Một vài lần đầu ông ăn. Sau đấy chả biết vì sao, ông đến chỉ uống nước, hút thuốc rồi về. Cự thấy chỉ còn cách làm ông phải nể Cự, là mỗi khi xã cần chi tiêu, cần tiền thóc, ông xoay không ra, thì Cự cố xoay cho ra. Cái việc liên hoan tiễn du kích xã đi đường 5 vừa qua, các cụ Liên Việt không làm được, Cự đứng ra làm chu đáo, ông Chỉnh thích lắm!
Bà Chỉnh lễ mễ bưng ấm nước lên nhà. Nhác thấy bà có vết nhọ ngay giữa mũi, ông khó chịu quá. Đã dặn nứt răng nứt lợi là bây giờ phải gìn giữ. Chả gì cũng vợ ông chủ tịch. Nhưng cứ nguyên cái lối  lúi xùi như con mẹ mò ốc. Nhà thì khách khứa nhiều, huyện có, tỉnh có. Bực nhất cái hôm phái đoàn Liên Việt tỉnh về, những ba ông ba cái xe đạp. Ông trưởng đoàn mặc quần áo phăng thắt cà vạt đỏ, cười lóe răng vàng, niềm nở hỏi bà chủ tịch đâu, nam nữ bình quyền, mời bà lên xơi nước. Ông Chỉnh sợ bà quê mùa cục mịch, nói dối bà đi vắng. Thế mà chỉ một lúc sau bà từ ao đi lên, váy xếch tận đầu gối, hai ống chân như hai cán thuổng, hai tay bưng rá ốc lững thững diễu qua sân, còn quay vào nhà léo nhéo: “Ông bảo nấu mẻ hay nấu khế đây”. Khách khứa trố mắt nhìn ra, ông thật chỉ muốn chết đứng...
- Rót vài chén thôi. Bà xuống dưới nhà. Tôi đang bàn công tác, bà không nghe được!

BÚT NGỮ
Thành phố Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày