Thứ 5, 25/04/2024, 06:50[GMT+7]

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm

Thứ 2, 10/06/2019 | 15:46:08
6,703 lượt xem
Giữa những ngày hè oi ả, nắng bỏng rát nhuộm vàng bông lúa trĩu hạt, nông dân quê tôi lại hối hả, tất bật vào mùa thu hoạch.

Mùa gặt về là khoảng thời gian bận rộn nhất của người nông dân, người lớn, trẻ nhỏ đều tập trung cho việc đồng áng. Thậm chí, khi lúa vừa chuyển sang vàng chanh thì nhà nhà đã mang liềm đi “đánh trấu” cho sắc; chỉnh trang lại quang gánh, xe thồ chuẩn bị sẵn sang cho vụ thu hoạch. Ngày mùa bắt đầu từ 3 – 4 giờ sáng, lỉnh kỉnh nào liềm, quang gánh, xe thồ, nón, mũ và không quên mang theo ấm nước. Gặt lúa vào thời điểm này vừa giúp nông dân tránh khỏi cái nắng hầm hập, vừa tranh thủ tối đa thời gian nắng để hong phơi rơm thóc. Để rồi khi mặt trời ló rạng, những xe thồ lúa lũ lượt từ đồng về, sau xe là những đứa trẻ chân đất, mặt lấm tấm mồ hôi. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên lời dạy của bố khi đẩy sau xe lúa: Làm nông vất vả, nhọc nhằn thế đấy, phải cố mà học hành cho tốt để thoát khỏi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mùa gặt tuổi thơ tôi là những ký ức đầy mồ hôi như thế. Nhưng ruộng đồng luôn giàu có, thú vị đầy bất ngờ với mỗi đứa trẻ chúng tôi khi những phút giải lao vồ cào cào, bắt muồm muỗm nướng ăn bằng rơm; là những lúc nhảy cẫng lên khi bắt được tổ chim hay con cua, con cá dắt ống quần mang về nhà. Để rồi đi gặt về, dắt sau xe lúa là túi cua cá hay những con ốc đồng béo ú, căng tròn. Tiếng liềm sắc cắt vào thân lúa sột soạt, chị em tôi hăng say cắt lúa tìm tổ chim, con cua, con cá để rồi cúi xuống, ngẩng lên chẳng mấy đã thấy chân bờ. Lúa gặt về, mấy bác máy tuốt đã chờ sẵn. Máy nuốt chửng từng ôm lúa để rồi một lúc sau đã thấy những hạt thóc vàng tuôn rào rào đằng trước, rơm vàng bay về phía sau.

“Trông kìa, máy tuốt
Rung triệu vì sao
Đầy sân hợp tác
Thóc vàng xôn xao
Máy tròn quay tít
Núi thóc dần cao
Máy không biết mệt
Cười reo rào rào…”

Mùi thơm của lúa mới, mùi rơm rạ vừa được tuốt, mùi ngai ngái của bùn đất, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên cái gọi là “mùi vị của làng quê” khiến bất kỳ ai xa quê cũng khắc khoải, chạnh lòng mỗi khi bắt gặp đâu đó hình ảnh quê nhà. Và tôi nhớ lũ bạn tôi, những đứa trẻ quê chân chất, chạy nhảy, nô đùa, ném rơm lên không trung và nhắm mắt cho rơm phủ lên đầu, quần áo rồi khúc khích cười. Nhớ những gương mặt lấp ló, đôi mắt trong veo í ới gọi nhau ngoài ngõ, nín thở chờ bà, chờ bố ngủ trưa để trốn ra ngoài chơi trốn tìm quanh đống rơm còn vấn vít hương lúa mới. Thế hệ chúng tôi đã không còn biết đến những ngôi nhà tranh vách đất, nhưng rơm với người dân quê tôi còn quý hóa lắm, cẩn thận hong khô từng cọng, xấn thật chặt, gọn gẽ góc sân để dự trữ làm thức ăn cho trâu bò, làm đồ đun nấu. Nhìn đống rơm là thấy nết cẩn thận, chắt chiu, cần cù, chịu khó của người nông dân cũng như sự no đủ của mùa màng. Bưng trên tay bát cơm gạo mới dẻo thơm, nóng hổi nghi ngút khói miệng ngân nga câu hát:

“…Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…”

Bây giờ, mùa gặt đối với người nông dân đã nhẹ nhàng, nhanh gọn hơn rất nhiều. Máy móc giải phóng sức lao động của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Những chiếc máy gặt công suất lớn vòng qua vòng lại vài đường là ruộng lúa đã sạch trơn, thóc thu về còn rơm rạ rải xuống ruộng làm phân bón cho mùa sau. Những chiếc máy tuốt lúa cao giá ngày nào vì thế mà bị “thất sủng” nằm im lìm một góc. Còn đối với những đứa trẻ quê, mùa gặt tuy có bận rộn hơn ngày thường nhưng cùng lắm cũng chỉ nhúc nhắc cào thóc cho đỡ buồn chân tay. Trẻ con ở quê giờ cũng chẳng khác ở phố là bao, quanh năm chỉ cắm đầu vào học, thậm chí học hết cả những tháng nghỉ hè. Thật mừng vì chúng không phải “chân lấm tay bùn” nhưng cũng thật tiếc khi “không có được” những ký ức đẹp đẽ như cả một trời thương nhớ ấy.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày