Thứ 5, 25/04/2024, 17:48[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 22/07/2019 | 10:39:47
1,322 lượt xem

Ra đường được mươi bước, Cự nghe tiếng hô xung phong ở cổng Đông, rồi ở cổng Bắc. Tiếng hô át cả tiếng súng nổ, thôi thúc, giục giã... Tự nhiên Cự thấy chân mình muốn chạy. Cự bước nhanh đến nhà bếp. Mấy cô đứng dưới hố hô xung phong góp vào tiếng thét chung của cả làng. Bà Bát nằm nép dưới nền nhà tránh đạn, miệng cũng lé thé: “Xông... pho... ong...”, “Xông pho... ong...”.
Thấy Cự đến, bà ngóc đầu hỏi:
- Ngoài ấy đánh chác thế nào anh?
- Tôi không biết! - Cự buột miệng.
- Tưởng anh ở ngoài ấy về.
Cự bỗng thấy mặt mình như rặm thóc nếp. Anh xòe tay xoa mặt.
Phía mặt trận lại im ắng.
Bà Bát quay ra vườn gọi:
- Lên thôi, các ả ơi!
Các bếp lại rần rật lửa. Cự lăng xăng chạy đi, chạy lại, nhòm nồi cơm; bới bới rá gạo, nhặt ra vài hạt thóc. Rồi bảo mấy cô:
- Thổi deo dẻo nhá. Anh em chiến đấu mệt đấy!
Bà Bát vùi nồi cơm xong, quay ra nói nhỏ với Cự:
- Anh xem có xoay được con lợn, con gà gì không? Đánh trận là mệt lử cò bợ đấy!
Oàng... oàng...
- Lại bắn đấy! - Cự kêu rồi nhảy ào xuống cái hố gần bể nước.
Bà Bát nằm rạp xuống nền bếp.
Thưa tiếng súng, bà nhỏm ngay dậy. Nhác thấy đàn gà xúm vào rá gạo mổ tới tấp, bà quăng cái chổi, chửi toáng: “Cha tiên nhân bố chúng mày!”.
Đàn gà chạy tớn tác. Một con nhảy bừa xuống hố, vỗ cánh chới với trên đầu Cự. Nó phẹt một bãi vào vai Cự. Cự đứng dậy, đẩy vội con gà lên. Bà Bát trố mắt nhìn ra:
- Ô hay, tôi tưởng anh ra cổng.
Cự lặng lẽ giũ tóc, chùi vai áo.
Một lúc sau, bà Sen lật đật từ cổng vào. Thấy Cự, bà vừa thở vừa nói:
- Sáng giờ, hai lần nó phá cổng Bắc. Ta vẫn giữ được. Thấy bảo ở cổng Đông nó chết những mấy thằng.
- Bây giờ thế nào?
- Nó thu quân rồi. Anh Tuyền bảo vậy.
Cự thở một hơi dài. Chợt nhớ bà Bát bảo xoay gà lợn, Cự nói:
- Bác Sen ạ! Con trâu nhà ông tôi bị đạn. Bà bốc người làm thịt anh em ăn.
- Ôi vậy à? Vậy tôi đi ngay.
Cự chạy nháo về nhà, trút bộ quần áo nước dưa, mặc bộ quân phục nâu vào, rồi dặn bố:
- Con trâu không sống được đâu. Ông để cho du kích họ thịt.
- Phải tính cho tao thế nào chứ?
- Được rồi, sổ sách ở tay tôi!
Nậy hòn gạch đậy hầm, lấy túi sổ sách đã “quân sự hóa” chỉ to bằng bàn tay, đeo vào nách, Cự lê dép đường hoàng ra phía cổng Bắc. Từ trong này, Cự đã thấy Tuyền, vai áo toạc, mũ cói ở đầu bẹp dúm. Xã đội phó Dâu, đầu chít khăn vuông đen thật chặt, chẳng ra kiểu cách gì, cốt giữ cho tóc khỏi xô tung... Cự bỗng thấy lúc này, điệu bộ đường hoàng của mình không hợp. Cự vê cao ống quần, sắn tay áo, chân bước rảo.
- Ông Cự đây rồi! - Tuyền như reo lên - Ở trong ấy có hưởng ứng xung phong không?
- Có! Hưởng ứng mạnh. Bà Bát đang thổi cơm cũng hô vang lên - Cự nói rồi hất hàm - Anh em có ai việc gì không?.
- Ở đây thì không. Ở cổng Đông, cậu Mận hy sinh. - Tuyền vịn vào vai Cự nói như bàn bạc - Từ giờ đến tối anh lo liệu cho hai việc. Tôi chưa kịp bàn bạc với ông Chỉnh, nhưng thế nào cũng phải làm. Thứ nhất, anh xoay cho cỗ áo quan. Đưa anh Mận ra đồng. Thứ hai, tổ chức lễ truy điệu, phát động căm thù.
Cự nghiêng tai nghe, rồi nói:
- Phải lập ban tổ chức, thêm người làm với tôi chứ. Tôi đang lo... toàn bộ vấn đề cơm nước...
- Vâng. Phải lập ban tổ chức. Mời anh Chuyển thanh niên. Ông Soạn nông hội. Bà Sen phụ nữ. Cụ Nghệ, Liên Việt, cụ Thụ bạch đầu quân... Tình hình này, ban đốc chiến chúng tôi còn phải bám sát trận địa.
Cự nhìn qua lỗ châu mai ra ngoài, xem mảnh đất giặc đã đặt chân đến. Những hố moóc-chê khoét bằng cái nong, miệng toe toét, sạm đen khói đạn. Một vũng máu tím bầm trên mặt đường. Và những vỏ đạn đồng vàng, đồng đỏ lăn lóc...
- Tôi có phải lại cổng Đông nữa không? - Cự hỏi chiếu lệ.
- Thôi! Anh cứ về. Tôi sang đấy bây giờ.

12

Kho thóc làng Nguyễn dành dụm mấy năm. Đồng chí Thể yêu cầu cho phân tán ngay kẻo giặc đốt phá. Mấy ngày qua, giặc dồn quân càn quét, ép Gòi, Bái, Gú, Giống... lập tề. Chỉ ngày mai, ngày kia, giặc dốc sức đánh nốt làng Nguyễn, hoàn thành việc lập tề các làng ven đường 10. Tình thế như nhà cháy hai đầu, lửa đã vây vào gian giữa.
Từ sáng, ông Chỉnh và cụ Nghệ đã ra kho. Cự cầm chìa sắt lùa vào chiếc khóa đồng to bằng cái mõ thầy cúng, lắc cạch cạch một lúc lâu khóa mới long ra.
Tổ xay giã xúm vào, kẻ xúc, người bưng lịch ịch từ kho ra sân.
Cụ Nghệ móm mém ngậm miếng trầu, hai tay vắt chéo trước bụng. Cụ trề môi dưới cho quết trầu khỏi rơi, nói với người đong thóc:
- Anh cứ rót cho đều tay. Rót nặng thế là hao thóc đấy!
Ông Soạn và Cự đứng chỗ đong thóc, mỗi người một tờ giấy, ghi số thóc.
Xong gian kho cuối cùng. Tính cả mớ thóc quét kho, quét sân, bà Sen sàng sẩy kỹ, còn mười một tấn.
- Số thóc này cứ ăn như cũ thì mười sáu ngày nữa là hết.
Cự nói với ông Chỉnh. Ông lặng lẽ ký biên bản tịnh kho rồi bảo Cự:
- Anh Thể bổ khuyết, phải phân tán chỗ thóc này. Để một chỗ giặc đốt thì phèo.
- Phân tán đâu cho hết? - Cự trố mắt nhìn ông.
- Thì phải bàn tập thể xem...
Ông Chỉnh cũng thấy bí. Đống thóc to thế kia... Ông vẫy cụ Nghệ lại. Ông Soạn, bà Sen cũng xách chổi đến. Một cuộc họp bất thường giữa sân đình. Đồng chí Thể kéo cái chổi làm ghế ngồi bên cạnh.
Cụ Nghệ hiến kế:
- Tôi xin ý kiến. Thóc này là của dân, ta lại gửi vào dân. Chọn những nhà có cụ già tin cẩn, gửi mỗi nhà mươi lăm thùng. Giặc đến, các cụ nhận là của nhà mình...
Cự lắc đầu:
- Không được. Rải ra như thế, chuột bọ hao hụt...
- Vâng, anh Cự nói phải - cụ Nghệ nhả bã trầu vào lòng bàn tay khum khum - Rải như vậy chuột bọ hao hụt. Nhưng anh bảo làm thế nào hơn. Chuột ăn hao hụt chút ít hơn, hay là để giặc đốt một lúc hàng tấn thóc?
Bàn đi cãi lại, cuối cùng đa số nhất trí làm theo đề nghị của cụ Nghệ.
Ông Chỉnh như người giẫm phải gai rút ra được. Đồng chí Thể phủi bụi trên vai áo ông, an ủi:
- Thời chiến lắm việc oái oăm không lường được, cứ phải vừa làm vừa nghĩ.
Ông Chỉnh được dịp phân bua:
- Đấy, có anh thông cảm. Cán bộ xã nhà mới cả, làm thì hăng nhưng nghĩ thì nông choèn. Mọi điều dồn vào tôi, thành thử...
Ông Chỉnh muốn đồng chí Thể hiểu cho những khuyết điểm mà làng Nguyễn mắc là có lý do khách quan.

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày