Thứ 4, 24/04/2024, 01:22[GMT+7]

Hát tặng người đã khuất và người ở lại

Thứ 2, 22/07/2019 | 10:45:38
3,840 lượt xem
“Sông Thạch Hãn sóng dội về quá khứ/Tiếng thở ầm ào se lạnh hoang sơ/Cỏ rớm lệ sương phủ vào đêm trắng/Thành cổ lặng tàn ngan ngát mờ xa...”.

Ảnh minh họa

Đó là những dòng đầu, trong bài thơ đầu tiên, mở đầu tập thơ “Ngàn sau còn hát” của tác giả Trần Chính. Tập thơ vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản vào tháng 4/2019. 67 bài thơ trong tập thơ là 67 câu chuyện, sự kiện, hồi ức, kỷ niệm về những người lính, những anh hùng liệt sĩ, về những thương binh, những bà mẹ, những người vợ... trong và sau khi đã đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chủ đề xuyên suốt tập thơ là ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ngợi ca người lính và ngợi ca những người phụ nữ Việt Nam bất khuất, trung trinh.

Nhà thơ Trần Chính chia sẻ 67 bài thơ trong tập thơ đã được ông sáng tác trong gần 30 năm. Có những cảm xúc ấp ủ, nung nấu trong thời gian dài nhưng cũng có những bài là những cảm xúc bất chợt khi ông đến những vùng đất vừa đặt chân hay gặp những người mới quen, nghe những câu chuyện mới kể. Nhưng những nơi mới đến, những câu chuyện mới nghe, những con người mới gặp ấy đều để lại cho ông những cảm xúc dâng trào và ấn tượng khó quên. Có lẽ chính từ cái cảm xúc, ấn tượng sâu sắc của tác giả mà người đọc cũng như được hòa vào dòng cảm xúc ấy để cảm nhận và để cùng tác giả “Đi tìm hài cốt”, “Nơi anh ngã xuống”, đến tận “Nghĩa trang Tây Ninh” hay dừng lại ở “Nấm đất xanh”.  Xuyên suốt tập thơ ít tả về những cuộc chiến song người đọc vẫn như được chứng kiến sự khốc liệt của đạn bom, sự hy sinh lớn lao của những người lính. Và khi người đọc được tác giả thơ dắt tay đi qua những sự kiện, miền hồi ức, kỷ niệm thì cũng là khi chúng ta đã hòa nhịp cảm xúc với tác giả để cùng đớn đau, cùng quay quắt nhớ về những con người đã nằm xuống cho những vùng đất nở hoa. “Đi tìm hài cốt bạn mình/Đêm đêm gió hú bóng rình rập trôi/Núi mòn gầy guộc núi ơi/Ước gì đá hóa bạn tôi trở về...” (Đi tìm hài cốt).

Nhớ về một thời hoa lửa, người đọc thêm một lần được tác giả đưa đến gặp những con người đã đi qua cuộc chiến với những chiến công oanh liệt không thể nào quên. Từ những người con anh hùng với tên tuổi đã đi vào lịch sử như liệt sĩ anh hùng Võ Thị Sáu: “Phút cuối cùng ra đi/Đôi mắt chị rực lửa/Ánh hào quang vút lên/Sưởi ấm miền đất đỏ quê hương...”, đến những cô gái lái xe Trường Sơn hay người thương binh trở về quê hương trong trận chiến mới, trận chiến chống đói nghèo: “Anh trở về quê lúa/Cày ruộng và nuôi tôm/Kìa mảnh trăng chiều lên/Hương cây Trường Sơn nhớ...”. Giọng thơ hồn hậu, chân thành nhưng vẫn làm sáng ngời lên hình ảnh những người lính qua các giai đoạn lịch sử cách mạng.

Trong những cuộc chiến tranh, cùng với sự hy sinh to lớn của những người lính nơi chiến trường khói lửa thì có một sự hy sinh cũng lớn lao không kém đó chính là sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ mà cao cả của những người ở hậu phương, đặc biệt là của những người mẹ, người vợ. Nhà thơ Trần Chính chia sẻ bản thân ông đã sống, đã chứng kiến về những nỗi đau âm thầm ấy nên ông đặc biệt dành nhiều tình cảm để trân trọng, yêu thương và chia sẻ với những người vợ, người mẹ đã hiến dâng chồng, con cho Tổ quốc. Có lẽ bởi chính cái tình cảm vừa trân trọng vừa thương yêu của tác giả nên mỗi bài thơ, dòng thơ đều làm người đọc rưng rưng. “Cái ngày/Nhập ngũ lên đường/Cầm tay/Bịn rịn/Mắt vương tơ lòng/Đêm buồn/Xào xạc nỗi đời/Rét mòn/Nhan sắc/Em ngồi chờ anh.../Ru anh/Khóc bạc mái đầu/Cô đơn/Em mãi là dâu nhà mình” (Ru anh). Chỉ gói gọn trong hơn 100 chữ nhưng vẫn đủ để cho người đọc hiểu về cuộc đời của những người vợ trẻ thắt lưng chờ chồng ra trận. Họ tiễn chồng ra đi từ khi má còn hồng, tóc còn xanh nhưng vẫn trọn vẹn trung trinh chờ chồng để rồi cả một đời “Ru anh khóc bạc mái đầu” nhưng “Cô đơn em vẫn là dâu nhà mình”. Có sự hy sinh nào lớn lao hơn, đau đớn hơn?

Nhưng không dừng lại ở “Ru anh”, sự xót thương những người vợ, người mẹ tiếp tục là mạch nguồn cảm xúc chưa dừng lại của tác giả ở nhiều bài thơ khác như: “Em đi tìm anh”, “Cưới nhau cho trọn kiếp người”, “Chị dâu tôi”, “Lời chinh phụ”, “Lòng mẹ”... đủ để hiểu nhà thơ đã trân trọng những người phụ nữ như thế nào? Và khi viết về những người phụ nữ, có những dòng thơ mộc mạc như kể: “Khi anh tôi mất/Chị chắt chiu nuôi mẹ thờ chồng.../Chị đảm đang quán xuyến tảo tần/Quên mình tóc mòn sương buốt...” (Chị dâu tôi) nhưng cũng có những dòng thơ như rút ruột mà viết để giúp người đọc thấu hơn nỗi cô đơn rất nhói lòng của những người vợ trẻ mất chồng trong cái thế giới hữu hạn của cuộc đời con người: “Năm mươi năm/Nửa đời người/Ngăn ngắt lá trầu non/Quả cau héo dòn/Quắt lại...” (Cưới nhau cho trọn kiếp người). Có lẽ bởi chính từ lòng cảm phục, biết ơn, yêu thương chân thành sâu sắc ấy mà tác giả đã chọn “Lời chinh phụ” là bài cuối cùng để khép lại tập thơ. “Nén nhang thắp một lời thờ/Khấn anh trăm lạy em về thôi anh/Trường Sơn chiều biếc mong manh/Nhân duyên buổi ấy mà thành không nhau...”. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã và vẫn luôn là một chủ đề chưa bao giờ dừng lại của thi ca Việt Nam, song với mạch nguồn cảm xúc từ trái tim của người sáng tác đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nên những bài thơ của tác giả Trần Chính như là cái tâm trạng của người lính đã đi qua cả thời trận mạc, khói lửa, đã nếm trải nỗi đau và sự mất mát để đạt đến độ thơ với cảm xúc vừa bình thản đến nhói lòng mà lại bằng lòng như vậy.

Tập thơ “Ngàn sau còn hát” là tập thơ thứ 8 của tác giả Trần Chính. Như nhà thơ Kim Chuông nhận xét, với “Ngàn sau còn hát”, tác giả Trần Chính đã đổi khác mình, sự dẫn dắt mình hành trình trên một “lối đi” khác. Tập thơ dẫn người đọc đến với thế giới của những bà mẹ, những người vợ, những người lính, những thương binh, anh hùng, liệt sĩ... với bóng dáng một thời của cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc đi qua... “Ngàn sau còn hát” là một ý thức với tiếng lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Và cũng chính vì vậy, những dòng thơ đem lại cho người đọc niềm tin yêu, tự hào cùng một nỗi buồn thấm thía và biết ơn.

Trần Thu Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày