Thứ 3, 23/07/2024, 06:17[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về Đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống ngân hàng Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020

Thứ 6, 20/10/2017 | 17:03:23
1,365 lượt xem
Chiều ngày 20/10, UBND tỉnh tổ chức nghe Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Bình báo cáo Đề án Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của hệ thống ngân hàng Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự họp.

Đề án Đẩy mạnh TTKDTM trên hệ thống ngân hàng Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020 đặt ra mục tiêu chung là nguồn vốn huy động tăng bình quân 20 - 25%/năm; dư nợ cho vay tăng bình quân 18 - 20%/năm; tổng doanh số thanh toán tăng bình quân 15%. 

Về phát triển TTKDTM, mục tiêu đặt ra là tổng doanh số TTKDTM giai đoạn 2017 - 2020 tăng bình quân 20%/năm; đến cuối năm 2020, tỷ trọng TTKDTM trên tổng doanh số thanh toán chiếm khoảng 90%; các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở trên 1 triệu tài khoản thanh toán, phát hành trên 1,1 triệu thẻ thanh toán các loại; lắp đặt 200 máy ATM 750 POS, doanh số thanh toán qua POS đạt bình quân 100 tỷ đồng/năm; 100% cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 500 doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản; 80% trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại tại thành phố Thái Bình có thiết bị chấp nhận thẻ; 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông, truyền hình, giáo dục, y tế khu vực thành phố Thái Bình thu phí dịch vụ bằng hình thức TTKDTM.

Các đại biểu dự cuộc họp.  Ảnh: Thành Tâm 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các  cấp, các ngành, các địa phương cần phải vào cuộc tích cực, tập trung thực hiện quyết liệt, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thực hiện đạt mục tiêu của Đề án.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy,  Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất nâng cấp Đề án từ đề án của ngành lên thành đề án của tỉnh. Đồng chí khẳng định, việc TTKDTM là một hình thức thanh toán phổ biến trong tiến trình CNH - HĐH, góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng, rửa tiền. Việc thực hiện Đề án là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm thực hiện nghiêm chủ trương của Nhà nước. Do đó, các  địa phương, các ngành, các tổ chức, cá nhân cần thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh. Các ngành liên quan và các địa phương cần xem xét, bổ sung chi tiết, cụ thể các nhóm giải pháp. Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp tuyên truyền, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân. Yêu cầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ công chức, viên chức chấp hành việc thanh toán các khoản chi phí giao dịch cơ bản phải thông qua giao dịch của ngân hàng. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phải nâng cao khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tiện ích và bảo đảm an ninh tiền tệ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ công bằng, quan tâm đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch qua ngân hàng. Đồng chí cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng với Văn phòng UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất để trình UBND tỉnh ban hành triển khai thực hiện.

Mai Thư