Thứ 4, 24/04/2024, 09:17[GMT+7]

Nông thôn mới- cách làm riêng của Thái Bình

Thứ 4, 13/01/2016 | 15:21:24
1,941 lượt xem
Khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 7 xã đạt 11 - 12 tiêu chí, 88 xã đạt 7 - 10 tiêu chí, 127 xã đạt 3 - 6 tiêu chí, 42 xã đạt 1 - 2 tiêu chí, 3 xã không đạt tiêu chí nào. Từ 8 xã điểm ban đầu, phong trào xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa nhanh ở khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó có nhiều xã không được chọn làm điểm của tỉnh, huyện nhưng đã về đích sớm.

Diện mạo xã nông thôn mới Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ).

 

Kết quả này đã minh chứng xây dựng nông thôn mới là bước đi tất yếu để đổi mới nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, chính vì vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

 

Về đích khi không làm điểm

 

Đến hết quý I/2012, Nam Thắng (Tiền Hải) đạt 14/19 tiêu chí NTM. Không phải là xã điểm của tỉnh, huyện nhưng Nam Thắng vẫn đăng ký phấn đấu về đích trong xây dựng NTM vào năm 2014. Tuy nhiên, hết quý I/2013, tranh thủ thời cơ thuận lợi, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng ủy xã tập trung quyết liệt lãnh đạo toàn dân chung sức hoàn thành xây dựng NTM sớm trước 1 năm so với kế hoạch. Từng là xã có tập trung khiếu kiện đông người, xuất phát xây dựng NTM lại muộn, kỳ tích phi thường đó được Nam Thắng chỉ rõ là nhờ có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ khâu vận động, tuyên truyền đến các giải pháp thực hiện và đặc biệt đã phát huy dân chủ ở cơ sở, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Không chỉ sáng tạo trong việc thu hút nguồn lực từ nhân dân, Nam Thắng còn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với xây dựng NTM.

 

 

Nhân dân xã Quang Trung (Kiến Xương) cứng hóa giao thông nội đồng.

 

Giống như Nam Thắng, Thụy Văn (Thái Thụy) cũng không phải là xã điểm của huyện, của tỉnh. Bằng các giải pháp thiết thực trên cơ sở phát huy dân chủ và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Đảng bộ xã đã phân công trách nhiệm cho Ban Thường vụ, các cấp ủy viên trực tiếp phụ trách các thôn thực hiện xây dựng NTM. Thành lập các tiểu ban xây dựng NTM ở các thôn do chi bộ lãnh đạo, nhân dân trong thôn dân chủ bàn bạc, thống nhất lựa chọn nhân sự vào các tiểu ban để giúp thôn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện các công việc theo kế hoạch đề ra. Một yếu tố quan trọng khác là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chỉ đạo xây dựng NTM.  Ngoài ra, với phương châm không nóng vội, không chạy theo thành tích, Thụy Văn phấn đấu mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Địa phương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM ở các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh với phong trào “Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đoàn kết xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, hội viên gương mẫu, gia đình văn hóa”. Đoàn Thanh niên đẩy mạnh phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, lập thân, lập nghiệp, bảo vệ Tổ quốc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, bồi dưỡng quần chúng tích cực, đoàn viên ưu tú để phát triển đảng viên mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động sâu rộng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” để nuôi con khỏe, dạy con ngoan và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Vận động hội viên thực hành tiết kiệm, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” xử lý rác thải tạo cảnh quan môi trường. Hội Nông dân xã thường xuyên phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Thường xuyên mở các lớp dạy nghề, tạo nguồn vốn ưu đãi cho hội viên phát triển kinh tế... Với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm đúng chủ trương, nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ xã đề ra, đến tháng 11/2013, Thụy Văn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Từ năm 2010 - 2013, địa phương đã huy động nguồn kinh phí hơn 92 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn từ ngân sách xã và nhân dân, con em xa quê đóng góp đạt 70 tỷ 290 triệu đồng.

 

Phong trào lan tỏa mạnh

 

Không chỉ có Nam Thắng, Thụy Văn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm trong xây dựng NTM từ các xã điểm, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có những cách làm phù hợp, sáng tạo, hiệu quả với tinh thần “dễ làm trước, khó làm sau”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đạt tiêu chí nào phải bảo đảm chất lượng, bền vững tiêu chí đó, việc huy động sức dân được bàn bạc dân chủ, tránh quá sức dân và hạn chế nợ công. Ưu tiên thực hiện các tiêu chí phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, các tiêu chí phục vụ phát triển sản xuất góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân... Về Vũ Đoài (Vũ Thư) hôm nay, diện mạo nông thôn bừng lên sức sống mới. Những con đường dài, rộng được cứng hóa bê tông phẳng lỳ đến từng ngõ xóm. Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang. Vũ Đoài đã trở thành xã NTM trong năm 2014. Có một câu hỏi đặt ra, tại sao một địa phương khó khăn về ngân sách và đời sống của nhân dân còn nghèo mà phong trào xây dựng NTM lại lan tỏa từ tập thể đến từng hộ gia đình? Nói tới xây dựng NTM ở Vũ Đoài thường hay nói tới phong trào dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và làm đường giao thông. Để có được sự tự nguyện đóng góp và tham gia hưởng ứng xây dựng NTM của nhân dân, cùng với việc tuyên truyền từ chính quyền, đoàn thể, Vũ Đoài đã thực hiện một kênh tuyên truyền đặc biệt quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, đó là lấy chính người dân tuyên truyền, vận động người dân. Tổ công tác của các thôn được thành lập, gồm những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để xây dựng một khối đồng nhất, quy tụ sức mạnh từ nhân dân trong công cuộc xây dựng quê hương. Cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng lòng trong việc góp công, góp của, hiến đất... Những cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh đã đi đầu trong việc dồn điền đổi thửa, xung phong nhận những diện tích xa, khó canh tác về mình để nhường những thửa ruộng gần, dễ canh tác cho các gia đình chính sách và nhân dân. Chỉ sau 3 tháng triển khai dồn điền đổi thửa (từ tháng 11/2010 đến tháng 1/2011), 11 thôn của Vũ Đoài đã hoàn thành cuộc cách mạng đồng ruộng. Sau dồn điền đổi thửa, từ 4,8 thửa/hộ đã giảm còn 1,2 thửa/hộ. Ngoài ra, nhân dân địa phương còn đóng góp mỗi hộ 36m2 đất ruộng để chỉnh trang đồng ruộng theo đúng tiêu chí NTM. Kế thừa kinh nghiệm trong việc dồn điền đổi thửa, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở Vũ Đoài tiếp tục vận động nhân dân hưởng ứng phong trào làm đường giao thông. Do phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, từ việc biết chủ trương, bàn biện pháp, trực tiếp giám sát cùng với sự hỗ trợ xi măng theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh nên nhân dân hăng hái đứng ra tổ chức làm đường giao thông. Nhân dân và con em xa quê đã đóng góp 31 tỷ đồng để hoàn thành hơn 23km đường nhánh cấp I, gần 9km đường trục thôn... Xã đã linh hoạt trong việc chuyển hơn 9,7km đường trục xã là công trình nhóm 2 được hỗ trợ từ nguồn ngân sách sang nhóm 1 để huy động nguồn lực từ nhân dân, giảm 50% kinh phí đầu tư, góp phần để Vũ Đoài hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

 

 

Cơ giới hóa vào đồng ruộng xã Nguyên Xá (Vũ Thư).

 

Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) đã biết kế thừa và phát huy rất nhiều bài học kinh nghiệm từ các chương trình mục tiêu, dân vận khéo trong những năm 1996 - 1997 khi địa phương xảy ra mất ổn định để vận dụng sáng tạo vào xây dựng NTM. Trong đó, bài học xuyên suốt là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp ý, dân hưởng thụ”; quá trình thực hiện không chủ quan, không nóng vội, vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, đúc kết thực tiễn gắn với những đặc điểm, tình cảm của người dân địa phương, vận dụng tốt các quy định của cấp trên, lấy hiệu quả là mục tiêu quan trọng để đánh giá các tiêu chí. Ban chỉ đạo NTM từ xã tới thôn ở Quỳnh Hoa đã tổ chức 185 cuộc họp chuyên đề triển khai xây dựng NTM. Đài Truyền thanh xã tuyên truyền 297 buổi với hơn 90 tin, bài, thời lượng tuần 2 buổi, kẻ vẽ 197 pa nô, áp phích để phong trào xây dựng NTM có tính lan tỏa. Năm 2014, Quỳnh Hoa đã cán đích NTM với tổng nguồn vốn huy động hơn 52 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hơn 19 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và xã hội hóa hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp 271.210m2 đất nông nghiệp để chỉnh trang đồng ruộng, 1.200m2 đất ở, tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, cổng dậu và các công trình phụ trợ để thực hiện các tiêu chí NTM.

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đưa kết quả tham gia xây dựng nông thôn mới là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác thi đua, khen thưởng của tập thể và cá nhân tổ chức đoàn các cấp.  Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tham gia xây dựng nông thôn mới và triển khai 3 khâu đột phá của đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, đó là: Vận động hiến đất để chỉnh trang đồng ruộng, đường làng, ngõ xóm theo quy hoạch; xung kích đảm nhận vệ sinh môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương; xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên. Lựa chọn các tiêu chí để góp phần xây dựng nông thôn mới phù hợp với lợi thế của tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên để thực hiện như tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, môi trường, giáo dục, văn hóa, giao thông, thủy lợi, điện, an ninh trật tự và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Ông Phạm Đình Thám, Trưởng thôn 3, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thôn đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Từ phong trào làm đường giao thông đã lan tỏa sâu rộng đến các gia đình trong góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng với sự đồng thuận, nhất trí cao, nhân dân trong thôn đã hoàn thành khoảng 4,5km đường trục thôn, nhánh cấp I, dong ngõ và hoàn thiện nhà văn hóa thôn với nguồn kinh phí hơn 300 triệu đồng. Cùng với các thôn trong xã, thôn 3 đã góp phần đưa Vũ Đoài trở thành xã nông thôn mới trong năm 2014, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Ông Trương Văn Trường, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường trục xã, liên thôn ở Nam Thịnh đều phải mở rộng theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân, đã thúc đẩy phong trào làm đường giao thông ở Nam Thịnh lan tỏa, diễn ra sôi nổi. Gia đình tôi đã hưởng ứng phong trào không chỉ tháo dỡ 20m tường dậu, bỏ kinh phí 20 triệu đồng để hoàn thiện lại cổng dậu mà còn tham gia đóng góp 12 triệu đồng ủng hộ thôn làm đường giao thông.

 

(Còn nữa )

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày