Thứ 5, 04/07/2024, 10:21[GMT+7]

Gian nan nước sạch về làng (Kỳ 1)

Thứ 5, 14/12/2017 | 09:11:08
1,682 lượt xem
Trong khi nhiều địa phương ở Hưng Hà sớm đưa nước sạch đến với người dân thì xã Văn Lang vẫn “án binh bất động”. Tuy vậy, chỉ trong thời gian ngắn của năm 2017, nước sạch đã đến với hầu hết người dân trong xã, tạo nên sự đột phá đáng ghi nhận.

Người dân Văn Lang (Hưng Hà) sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Gia đình ông Lê Thanh Giản, thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang sử dụng nước sạch trong sinh hoạt được 3 tháng nay. Gia đình ông cũng là một trong những hộ dân đầu tiên trong xã quyết định đấu nối, sử dụng nước sạch. 

Ông Giản chia sẻ: Từ khi có nước sạch, đồ đạc trong gia đình như trở nên mới hơn, bóng bảy hơn. Bữa cơm của gia đình được nấu bằng nước sạch cảm giác ăn ngon miệng hơn, gia đình cũng không còn lo lắng về những vết ố vàng do nước đọng lại làm hỏng đồ dùng như trước kia khi còn dùng nước giếng khoan hay nước mưa nữa.

Cũng như gia đình ông Giản, sau bao năm sử dụng nước giếng khoan, nước mưa, nay nhiều hộ dân ở thôn Thưởng Duyên đã chuyển sang sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. 

Nhiều lãnh đạo và cán bộ xã Văn Lang vẫn kể lại quãng thời gian địa phương luôn bị các đồng chí lãnh đạo huyện nhắc nhở vì chưa đưa được nước sạch đến với người dân. Bị nhắc nhở nhiều, giữa năm 2016, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng các văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2017 Văn Lang mới cùng nhà máy nước Bạch Đằng thuộc Công ty TNHH và Vật tư Tín Thành Hưng hoàn thành lắp đặt hệ thống cung cấp đường ống dẫn nước đến tất cả các thôn trong xã. Từ quý II/2017 nhà máy tiến hành lắp đồng hồ cho các hộ dân ký hợp đồng. 

Ông Bùi Gia Thiều, cán bộ giao thông xây dựng xã cho biết: Chúng tôi được ban chỉ đạo phân công xuống địa bàn mình phụ trách để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của bà con, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức một cách đầy đủ cho người dân về chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch nông thôn, về lợi ích cũng như vai trò của việc sử dụng nước sạch trong bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ban đầu bà con còn nghi ngại về chất lượng nước và khả năng cung cấp nước của nhà máy. Trước tình hình đó, chúng tôi tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức như gắn tuyên truyền nước sạch trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, xuống trực tiếp hộ dân để tuyên truyền, đưa một số hộ dân đến nhà máy tham quan quy trình sản xuất nước sạch… để bà con “mắt thấy tai nghe” từ đó thay đổi về quan điểm, nhận thức trong sử dụng nước sạch. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà máy trong quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt đường ống dẫn nước.

Sự vào cuộc tích cực để đưa nước về quê không chỉ từ phía chính quyền, đoàn thể xã Văn Lang mà còn có sự phối hợp chặt chẽ của nhà máy nước Bạch Đằng. 

Anh Hoàng Mạnh Long, cán bộ kỹ thuật nhà máy cho biết: Nhà máy nước Bạch Đằng có công suất 13.000m3/ngày đêm. Để người dân yên tâm về nguồn nước mình sử dụng, nhà máy luôn đặt tiêu chuẩn chất lượng nước lên hàng đầu. Do đó, quy trình sản xuất nước sạch được nhà máy thực hiện với công nghệ tiên tiến. Nước từ sông sẽ được bơm qua hồ sơ lắng rồi qua hệ thống nhà bơm nước thô. Sau đó nước được bơm lên hệ thống xử lý bằng công nghệ cao rồi đưa sang bể phản ứng, sang hệ thống lắng và bể lọc với 5 cấp lọc, cuối cùng sang bể chứa để cung cấp cho người sử dụng. Nhà máy cũng có phòng thí nghiệm để hàng ngày xét nghiệm kiểm tra, theo dõi chất lượng đầu ra của nước trước khi cung cấp cho người sử dụng. Định kỳ hàng tháng, cơ quan chức năng đều đến lấy mẫu nước xét nghiệm và nhà máy công khai kết quả xét nghiệm chất lượng nước tại các địa phương đang cung cấp nước sinh hoạt. Hiện nhà máy cung cấp nước cho người dân với thời gian 20 giờ/ngày.

Được biết, ngoài việc tích cực đẩy nhanh tiến độ lắp đặt đường ống, nâng cao chất lượng nước, nhà máy nước Bạch Đằng cũng có những chính sách ưu đãi đối với các đối tượng chính sách tại địa phương. Cụ thể như đối với người có công, nhà máy thu kinh phí đấu nối, sử dụng nước 1 triệu đồng/đồng hồ/hộ; hộ nghèo thu 1,5 triệu đồng/đồng hồ/hộ; đối tượng còn lại thu 1,8 triệu đồng/đồng hồ/hộ. Với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đến ngày 5/12/2017 Văn Lang có tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước sạch đạt 79,5%.  

Như vậy, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền cùng sự phối hợp tích cực của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, chỉ trong thời gian ngắn Văn Lang đã tạo nên bước đột phá trong việc đưa nước sạch về quê. Hiện địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, phấn đấu hết năm 2017 tỷ lệ hộ dân trong xã đấu nối, sử dụng nước sạch đạt trên 80%.



Ông Lộ Văn Duẩn, Chủ tịch UBND xã Văn Lang (Hưng Hà)

Chúng tôi thực hiện chủ trương cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu trong sử dụng nước sạch để nhân dân thực hiện theo. Bản thân gia đình tôi và gia đình ông Vũ Văn Cung, Trưởng thôn Thưởng Duyên cùng một số gia đình cán bộ, đảng viên khác là những hộ đầu tiên trong xã đấu nối sử dụng nước sạch. Khi thấy được lợi ích thiết thực là nhân dân sẽ đồng thuận làm theo. Cán bộ, đảng viên đi đầu, đây chính là biện pháp hiệu quả nhất để tạo được niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân khi đưa nước sạch về quê.


Chị Nguyễn Thị Duyên, xã Văn Lang (Hưng Hà)

Trước đây chỉ đánh giá chất lượng nước bằng cảm quan mắt thường, cứ thấy nước không có vẩn đục và tin tưởng nước đã qua bể lọc là sạch nên dùng. Sau khi được tư vấn về các tiêu chí của nước sạch và được tận mắt chứng kiến những tác hại của nước không bảo đảm vệ sinh tác động lên đồ dùng, sức khỏe, gia đình tôi đã quyết định đấu nối, sử dụng nước sạch nhằm bảo vệ tài sản của gia đình cũng như bảo vệ sức khỏe của người thân trong gia đình.


(Còn nữa)

Mai Thư