Thứ 4, 31/07/2024, 19:20[GMT+7]

Báo Thái Bình ngày tôi về

Thứ 5, 15/12/2011 | 10:17:26
904 lượt xem
Từ chiến trường Đông Nam bộ về đoàn an dưỡng 151, tôi chỉ muốn chuyển ngành ngay, vừa như muốn thoát ngay bộ quần áo lính đã từng gắn chặt đời mình suốt mười năm trời, vừa như có điều kiện kiếm tiền và lấy vợ cho trọn cảnh gia thất...

Đồng chí Nguyễn Quang Điện - Tỉnh uỷ viên, Tổng Biên tập Báo Thái Bình trao giấy khen cho các TTV-CTV xuất sắc tại Hội nghị TTV-CTV năm 2010.

Sống trong nhà dân, ngày ba bữa vác chiếc bát sắt xuống nhà ăn, rồi lại đọc sách báo, đánh bài. Mặc dù được bồi dưỡng và chăm sóc khá chu đáo, song do nhiều năm ở chiến trường, vết thương vẫn chưa lành, đi xa không có xe đạp, đi gần thì nhúc nhắc bước một, thi thoảng những trận sốt rét rừng lại đùng đùng vật vã, da đen như rắn hổ giun, người rạc đi thảm hại. Tôi sống co mình trong vỏ ốc, chẳng ai biết mình từng kinh qua ngành nghề gì trong quân đội.

 

Một hôm, đội phó Dếnh đến tìm tôi hỏi mấy điều về giấy sinh hoạt Đảng, được biết anh cũng là người thôn Nội Thắng, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, tôi hỏi ngay:

 

- Ông có biết Kim Chuông không?

 

- Có. Nhưng anh ấy đang ở Thái Bình. Hình như lấy vợ ở đấy rồi. Thế ông biết Kim Chuông? Bạn chí cốt à? Mai về nghỉ chủ nhật, có gì tôi bảo cho!

 

Cũng nói để mà nói thôi, chứ biết khi nào Kim biết được tin tôi đã ra Bắc. Tôi và Kim cùng một đơn vị thông tin, cùng có thời gian làm báo Sông Hồng, từng đi trại viết người tốt, việc tốt của Quân khu và cũng có lần định mai mối em gái con bà cô cho tôi. Khi tôi nghỉ phép đi vào Namon>, Kim ở hẳn với tôi mấy ngày và đưa tiễn tôi ra ga Hải Phòng về đơn vị trước khi lên đường... Nghĩa là chúng tôi có nhiều kỷ niệm về nhau. Hình như có thần giao cách cảm gì đó, đúng tối thứ bẩy ấy vợ chồng Kim về quê thăm gia đình và gặp Dếnh. Thế là sáng chủ nhật, vợ chồng Kim và cậu em út là Thép đến thăm tôi. Kim ôm chầm lấy tôi và bảo, được tin mày, cả đêm qua không sao ngủ được, chỉ mong cho chóng sáng. Chao ôi, mày tàn tạ đến mức này ư? Chẳng biết nói gì hơn, bởi tôi hiểu, tất cả những người lính từ chiến trường trở về có ai hơn tôi đâu. Kim hỏi tôi ý định làm gì, khi biết tôi đang làm thủ tục đi học ở Tiệp Khắc, anh ta bảo:

 

- Theo tao, bỏ cái ý định ấy đi. Về Thái Bình đi. Bên Báo đang thiếu nhiều phóng viên lắm. Có gì tao liên hệ trước và báo cho mày sau!

 

- Nhưng tao chẳng có bằng chứng gì đã làm báo?

 

- Tao còn lưu nhiều bài của mày. Chắc họ cũng tin thôi!

 

Nửa tuần sau, Kim bảo Thép báo cho tôi là về ngay Thái Bình. Người đầu tiên tôi gặp là ông Lê Trọng, Phó Tổng biên tập phụ trách báo Thái Bình. Ông Trọng rất kiệm lời, chỉ hỏi thăm sức khoẻ đã hồi phục chưa, rồi đưa tôi gặp Đỗ Vĩnh Bảo, uỷ viên ban biên tập, thư ký toà soạn. Anh Bảo xởi lởi nói, mình đã đọc các bài viết của cậu mà Kim Chuông đưa cho. Với tờ báo  thì được rồi, nhưng cậu phải viết cái đơn xin chuyển ngành, không cần đơn vị chứng thực, đưa cho Chuông cũng được. Đêm ấy ở nhà Kim, tôi hì hục viết đơn để sáng hôm sau kịp chuyến xe về đơn vị. Mãi sau này, khi đã trở thành phóng viên báo, Đỗ Vĩnh Bảo nói rằng, cái đơn của cậu còn đây, chúng tớ chỉ cần văn phong là biết có làm báo được không! Anh ta quả có con mắt tinh đời!

 

Khi biết tôi về làm báo, Đoàn trưởng nhất định không cho xuất ngũ, bắt tôi giảng dạy lớp thi trung cấp cho một số anh em vừa học xong cấp 2 đã nhập ngũ và vào chiến trường ngay. Khi ông Lê Trọng cỡi chiếc xe máy công đến gặp tôi, họ không cho gặp, thương lượng với đơn vị họ hứa này, hứa nọ. May mà, tôi đã khám thương và đã được xếp loại, sức khoẻ tụt xuống L4 mới thoát được đời lính.

Tôi về Báo Thái Bình đúng ngày 14-10-1973. Hành trang vào nghề chỉ có chiếc ba lô lép kẹp. Hai bộ quần áo lính thùng thình. Một tháng tem gạo và hơn trăm đồng bạc cho mười năm làm lính.

 

Dạo ấy, báo Thái Bình chỉ có hơn chục người tuổi đã trên bốn- năm chục, có thể kể: Hai lãnh đạo Lê Trọng và Đỗ Vĩnh Bảo, phụ trách mảng văn hoá xã hội, quân sự địa phương và kinh tế mới Đặng Hữu Sửu. Phụ trách khối công thương Nguyễn Hữu Tháp. Phụ trách khối nông nghiệp Nguyễn Văn Hoa (Nguyễn Văn). Phụ trách khối an ninh, phê bình Tô Kim Tuyền. Các phóng viên gạo cội như Xuân Hải, Văn Đạt (cán bộ miền Nam tập kết), Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Vượng, phóng viên ảnh Minh Lập, Đình Hồng, nữ phóng viên duy nhất Lương Quế Phương... Tất cả họ rất tâm huyết với nghề, viết chắc tay và sống thật vui vẻ. Tờ báo dạo ấy khổ 30 x 42 cm, in Ti-pô, bản in thử nhoè nhoẹt, lỗi mo- rát, nhảy chữ, nhảy fi-lê nhiều. Hình như bạn đọc cũng thấy được nỗi khổ của những người làm báo chữ chì, nên họ chỉ nhắc khéo mỗi khi có mặt nhà báo.

 

Năm 1973 là thời điểm Báo Thái Bình cải tổ mạnh về tổ chức. Hàng loạt các phóng viên trẻ chuyển về làm cho cơ quan báo thêm trẻ trung và nghịch ngợm. Thiếu Văn Sơn, Ngọc Tuyền, Trần Tới từ bộ đội chuyển về. Nguyễn Quang Điện, Trịnh Thị Dung, Lê Vượng từ Trường Tuyên giáo Trung ương. Vũ Thái từ Đài tiếng nói Việt Namon>. Nguyễn Đình Tuyến từ Quảng Ninh, Hoàng Lương từ TNXP... Dãy nhà bẩy gian của Báo ngày thêm chật chội nhưng luôn đầy ắp tiếng trêu đùa.

 

Ngày ấy chúng tôi bị các bậc “phụ huynh” quản rất chặt từ tờ giấy viết, lọ mực, đi báo công, về báo việc, giao cụ thể tin bài ảnh hàng tháng, vậy mà chẳng nhốt được ai. Họp chi đoàn chỉ nhắc nhau: Đã là nhà báo phải có tác phẩm, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng phải viết cho hay, cho sâu và kịp thời. Xuống cơ sở phải đi sát, đừng bỏ một chi tiết dù nhỏ. Dạo ấy, Báo Thái Bình đã có kế hoạch dài hơi, đầu tư thời gian cho phóng viên thâm nhập thực tế. Năm 1974 tôi có chuyến đi Nghĩa Lộ, Lai Châu hơn một tháng. Giải phóng miền Namon> được hơn một tháng, tôi và Đình Hồng đã có mặt tại Đắc Lắc, Lâm Đồng, Sài Gòn. Thấy mô hình Quỳnh Lưu (Nghệ An) hay tôi có mặt hơn một tuần. Đình Tuyến, Đỗ Vượng khảo sát các bến sông bến đò gần tháng trời... Cũng chỉ cây bút và cuốn sổ nhỏ mà chúng tôi có hàng loạt phóng sự, ghi chép kéo dài hàng chục số, được bạn đọc và cơ quan đánh giá tốt... Bây giờ ngẫm lại mà tự thấy mình vượt lên trong gian khó và thiếu thốn.

 

Ngẫm lại lời nguyên Tổng biên tập Lê Trọng là, bây giờ, dẫu nhiều phương tiện hiện đại cho báo chí, người tác nghiệp nhanh hơn, nhàn hơn, nhưng cho dù máy móc có hiện đại thì nó không thể thay thế cái đầu lạnh của nhà báo, mà thấy đúng, thấy hay!

 

Mới đó đã gần 40 năm. Nhiều người đã qua đời, chuyển đi, nghỉ hưu. Từng loạt lớp trẻ lại trở về, lại ra đi, tờ báo cứ phát triển ngày một nhanh hơn, dầy kỳ hơn, đẹp hơn và hấp dẫn hơn.

Thiếu Văn Sơn

Nguyên phó Tổng Biên tập Báo Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày