Chuyện bây giờ mới kể Chúng tôi đi góp phần “ổn định nông thôn”
Chức năng của báo chí là phản ánh sự kiện và nhờ có sự kiện mà tăng sức hấp dẫn của báo chí. Chuyện mất ổn định trong nông thôn Thái Bình những năm 1997 – 1998 là sự kiện. Nhưng sự kiện ấy, theo chỉ đạo của trên là báo chí không tuyên truyền để tránh việc lợi dụng của các thế lực thù địch bên ngoài. Báo Thái Bình làm gì để góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị, trong hoàn cảnh “chưa được phép tuyên truyền”? Ban Biên tập tính đi, tính lại rồi đưa ra phương án rất chính xác: Tất cả phóng viên tăng cường đi cơ sở để nắm tình hình và phản ánh “mặt phải” ở cơ sở như: tổ chức sản xuất, gương làm kinh tế, gương xóa đói, giảm nghèo... Những bài viết ở các vùng trọng điểm, điểm nóng được nâng mức thù lao.
Chúng tôi hăm hở đi về các địa phương đang có khiếu kiện. Chiều hôm đó, tôi về xã T.D (Thái Thụy), không khí làm việc của UBND xã khá nặng nề; đoàn thanh tra nhân dân đang kiểm tra sổ sách. Chủ tịch xã vốn là chỗ thân quen kéo tôi ra góc sân tâm sự:
- Trong đoàn thanh tra có một cán bộ phòng N của huyện, ông này “bới móc” đủ thứ, cho là xã làm sai vì chi tiếp khách những 50 nghìn đồng là không đúng chế độ. Rồi nữa, đoàn thanh tra kéo dài thời gian quá; sáng đến trụ sở 8 giờ, uống nước, hút thuốc lào đến 9 giờ mới mở sổ sách; 10 giờ gấp sổ về. Buổi chiều, 2 giờ lên làm một tiếng, 4 giờ khóa cửa ra về... Mỗi ngày thực tế làm có 2 tiếng, xã phải chi 4kg thóc. Sơ sơ cả đoàn cũng mất đứt tấn thóc rồi, chẳng biết bao giờ mới kết luận được. Chúng em chỉ muốn kết thúc đi, sai đến đâu, chịu kỷ luật đến đó, để yên tâm mà làm việc.
Vốn là chỗ rất quen với anh cán bộ huyện kia, vì thời gian còn công tác tôi với anh vẫn về cơ sở làm việc. Xong công việc, xã đều đưa tiêu chuẩn: xăng xe hoặc ăn tối là 50 nghìn đồng. Bây giờ, về hưu, tham gia đoàn thanh tra, anh lại đưa phán quyết là chi như vậy là sai. Tại sao trước đây, mỗi lần về cơ sở, anh vẫn cầm cái phong bì 50 nghìn đồng ấy, mà không thấy áy náy gì? Tôi chủ động gặp riêng anh và thẳng thắn nói với anh chuyện này. Lúc đầu cũng quanh co, sau đó anh thừa nhận là có và đổ lỗi cho anh em trong đoàn thanh tra kiến nghị. Sau khi nghe tôi tâm sự, anh nhất trí không đưa chi tiết này vào nội dung kết luận tranh tra nữa.
Về cơ quan, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện 4kg thóc/ngày cho đoàn thanh tra, đã bắt tay viết bài: “Cơm chúa múa tối ngày”. Báo đăng, anh Mai Công Quấn, Phó Chủ tịch HÐND huyện tâm đắc quá, cho phô tô bài báo gửi về tất cả các xã, thị trấn. Một số “đầu đơn” của xã T.D đọc được bài báo này đã kéo lên trụ sở ủy ban chất vấn đoàn thanh tra. Họ yêu cầu phải nhanh chóng kết luận đúng, sai; nếu không sẽ thay đoàn khác vào làm. Bài báo chỉ vài trăm chữ đã góp phần làm dịu không khí căng thẳng ở một xã và nhiều địa phương khác. Tiến độ thanh tra được đẩy nhanh hơn.
Có một bài báo đăng trên Báo Thái Bình, vừa phát hành thì tòa soạn nhận được lá thư của bạn đọc ở xã T.Ð (Hưng Hà). Nội dung lá thư viết rất căng thẳng và quy kết tờ báo Ðảng là “thương mại hóa”; làm ít, xít ra nhiều. Tổng Biên tập Ðặng Ngọc Vy kéo tôi và anh Nguyễn Ðình Tuyến về xác minh tên tác giả và làm việc về nội dung bài báo. Ðến huyện, anh Bùi Phú Hào, lúc đó làm Bí thư Huyện ủy đưa ra đề nghị:
- Mời tác giả lên huyện để các anh gặp gỡ. Nếu về xã thì nên đi xe của Huyện ủy.
Anh Vy nhường ý kiến cho tôi phát biểu, tôi nói rằng: Ðể tôi và anh Tuyến đi bằng xe cơ quan, họ bao vây, đập phá xe của báo chí, tội càng nặng hơn. Các anh thấy có lý đã đồng ý phương án để tôi và anh Ðình Tuyến về xã. Ðến UBND xã xem chữ viết (vì tác giả giấu tên), các anh ở địa phương đã tìm ra tên tác giả ở thôn nào. Ðến đấy, tôi yêu cầu: Không đi ô tô vì sẽ gây ầm ĩ, nhờ một cán bộ xã chở tôi và anh Tuyến xuống nhà. Gần đến nhà đối tượng cần gặp thì anh cán bộ xã quay về, tôi và Ðình Tuyến đi bộ vào. Rất may chủ nhà không đi đâu, nên chúng tôi gặp và làm việc được ngay.
Sau khi có vài câu giới thiệu và nêu mục đích chuyến về làm việc, anh Tuyến đưa lá thư ra hỏi:
- Bức thư này có phải của anh, do anh tự tay viết không?
- Ðúng, đây là thư của tôi viết.
Ðình Tuyến tấn công luôn:
- Anh nhân danh cá nhân làm đơn, hay thay mặt nhân dân xã T.Ð?
- Tôi thay mặt nhân dân trong xã gửi đơn phản đối nội dung bài báo!
- Vậy, chữ ký của nhân dân ủy quyền cho anh đâu? Tôi hỏi.
- Bà con nói mồm, không ký đơn.
- Như thế có nghĩa là cá nhân anh viết đơn, sao anh mạo danh: “thay mặt nhân dân xã T.Д. Ðó là cái sai. Ðề nghị anh cho chứng cứ: “Báo Thái Bình thương mại hóa” là gì? Như trong đơn của anh.
Ðuối lý, anh ta nói:
- Tôi cay cú vì xã T.Ð chẳng có thành tích gì mà lại được đăng lên báo.
- Nếu anh thấy báo đăng không đúng chỗ nào thì kiến nghị. Không thể gọi đó là “thương mại hóa” được.
Sau khi ra về, tôi rỉ tai một cán bộ xã: “Lúc nào đến nói riêng với ông ta là nhà báo biết cả chuyện khuất tất của ông lúc còn công tác ở huyện T.H đấy”. Từ đó, ông ta không khiếu kiện nữa, tình hình chính trị ở T.Ð cũng cải thiện hơn.
Một hôm, Tổng Biên tập Ðặng Ngọc Vy gọi tôi lên phòng giao nhiệm vụ, Anh nói:
- Ðồng chí Thọ, Bí thư Tỉnh ủy giao cho Triều Dương (Chánh văn phòng) sang yêu cầu báo đăng hai kỳ, trước khi Tỉnh ủy có Nghị quyết 06 về các giải pháp ổn định tình hình. Mình có một số tài liệu cộng với của cậu nữa, cơ quan bố trí để cậu xuống Ðồng Châu ngồi viết, trong một tuần, có thể đăng 2 kỳ báo.
Tôi trả lời luôn:
- Sau một tuần sẽ có hai kỳ báo, mà không cần phải xuống Ðồng Châu.
Anh Vy phấn khởi nói:
- Thế thì tốt quá, cố gắng nhé.
Ðúng 1 tuần, tôi đặt trên bàn Tổng biên tập Ðặng Ngọc Vy bài: “Mất ổn định trong nông thôn Thái Bình - nhìn từ góc độ báo chí”. Tôi nói với anh Vy:
- Anh xem xét bổ sung và đánh máy nguyên văn để trình Bí thư Tỉnh ủy. Phần nào làm tài liệu lưu trữ, không công bố thì Bí thư quyết định. Ðủ để đăng 2 kỳ báo đấy.
Sau này, anh Vy mời tôi lên phòng trao đổi:
- Bài báo cậu viết, Bí thư rất khen cả về cấu trúc, tư liệu và cái nhìn rất mới; nhưng, Bí thư đề nghị chưa cho đăng vì có nhiều vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng, đây là tư liệu rất quý. Cần trả nhuận bút cho tác giả xứng đáng.
Thời điểm này, Chủ tịch nước về làm việc với Thái Bình, có cuộc gặp gỡ với cán bộ chủ chốt của tất cả các xã, phường, thị trấn. Sau cuộc gặp mặt ấy, nhiều cán bộ cơ sở thấy phân tâm. Tôi đi Thái Thụy, lấy cớ trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Bùi Ngọc Hòa và viết bài: “Một giờ với Bí thư Huyện ủy” để phân tích tình hình và đưa ra kết luận. Sai phạm của cán bộ cơ sở phải chia làm ba phần: Cơ chế; cấp trên không kiểm tra, uốn nắn và chủ quan của cán bộ. Sau này, gặp bí thư, chủ tịch nhiều xã các anh đều nói: Ðó là bài báo an ủi chúng tôi nhiều nhất, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua thời kỳ khó khăn. Bài báo ấy được Hội Nhà báo tỉnh trao giải A. Trong cuộc trao giải thưởng, Chủ tịch Hội Nhà báo - Thiếu Văn Sơn, nhận xét về bài viết: “Người phát ngôn (Bí thư Huyện ủy) dũng cảm và người viết (tác giả) cũng có nhuệ khí để đưa ra quan điểm rất mới, nhưng rất thực tiễn. Ðó là yếu tố để trao giải A cho tác phẩm, tác giả”.
Lăn lộn với thực tiễn những ngày xảy ra mất ổn định thực sự rất vất vả với người làm báo. Song, được đắm mình trong sự kiện ấy lại là may mắn để có tư liệu viết và vốn sống có ích trong quá trình tác nghiệp.
Việt Hải
Tin cùng chuyên mục
- Học tập cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh 22.12.2011 | 14:51 PM
- Những lời tâm huyết 22.12.2011 | 15:00 PM
- 50 năm một quãng đường dài 22.12.2011 | 15:03 PM
- Tôi đã vượt khó để trở thành phóng viên 22.12.2011 | 15:29 PM
- 50 năm đồng hành cùng Báo Thái Bình 22.12.2011 | 15:31 PM
- Bạn đọc là nguồn cổ vũ cho tôi viết 22.12.2011 | 15:33 PM
- Phóng viên trải lòng với nông nghiệp 22.12.2011 | 15:39 PM
- Cảm nhận tờ báo tuổi 50 23.12.2011 | 13:44 PM
- Tâm sự cộng tác viên 23.12.2011 | 13:56 PM
- Xây dựng Báo Thái Bình vững về chính trị, hấp dẫn về nội dung, đẹp về hình thức, phục vụ tích cực và có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh 23.12.2011 | 14:03 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh