Thứ 2, 01/07/2024, 15:22[GMT+7]

Những lời tâm huyết

Thứ 5, 22/12/2011 | 15:00:07
1,156 lượt xem
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một tờ báo Ðảng địa phương, 50 năm qua, Báo Thái Bình đã từng bước trưởng thành, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ðảng bộ, là diễn đàn tin cậy của nhân dân tỉnh Thái Bình. Ðể có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ CB, PV, CNV của Báo, còn có sự tham gia đóng góp tích cực của đội ngũ CTV, TTV - những cánh tay nối dài của báo chí. Nhân dịp 50 năm kỷ niệm ngày ra số báo đầu (1/1/1962 - 2012), Báo Thái Bình Cuối tuần trân trọng đăng tải một số ý kiến t

Đồng chí Nguyễn Quang Điện, Tổng biên tập Báo Thái Bình trao Cúp cho đội vô địch tại Giải Việt dã tranh cúp Báo Thái Bình lần thứ XVI năm 2010. Ảnh: Phi Thành

*Bài viết đầu tiên được Bác Hồ đọc là kỷ niệm sâu sắc

Năm ấy, tôi đi công tác về xã Duyên Hải, huyện Duyên Hà. Biết tin cô Nguyễn Thị Tuyến lúc đó làm tài vụ HTXNN thôn Bùi, khi đi lĩnh tiền ở Ngân hàng huyện về để quên túi tiền ở quán nước nhà cháu Nguyễn Thị Bình (con anh Nguyễn Văn Chè là thương binh) ở xã Thống Nhất, huyện Duyên Hà), cháu Bình nhặt được và cất đi. Khi cô Tuyến quay trở lại và đến hỏi, cháu Bình đã trả lại ngay cả túi tiền không thiếu một đồng nào. Cô Tuyến rút tiền bồi dưỡng lại cho cháu coi như một chút quà nhưng cháu Bình từ chối không nhận. Tôi viết tin này gửi tới tòa soạn, Báo Thái Bình đã đăng trong số ra ngày 14/5/1969 nêu gương: “Em Nguyễn Thị Bình, xã Thống Nhất, huyện Duyên Hà thật thà trả lại của rơi”.

Tin này Bác Hồ đã đọc và đến ngày 29/05/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Huy hiệu của Người tặng em Nguyễn Thị Bình. Ðược nhận Huy hiệu của Bác Hồ, không những gia đình cháu mà cả xã Thống Nhất đều vui mừng phấn khởi. Riêng tôi thì phấn khởi vô cùng, vì lần đầu tiên viết tin cho báo tỉnh được Bác Hồ dù bận trăm công, ngàn việc vẫn dành thì giờ để đọc.

Từ đấy, học tập và làm theo lời dạy của Bác tôi đã viết nhiều tin bài, bài về thành tích, kinh nghiệm của các tập thể điển hình tiên tiến ở các địa phương... Ðặc biệt tôi quan tâm đến việc viết tin: “Nêu gương người tốt, việc tốt”, như lời Bác Hồ đã dạy. Từ năm 1969 đến nay, tôi đã viết nhiều gương “Người tốt, việc tốt” và được đăng 24 gương. Tất cả những cá nhân được biểu dương trên Báo đều phấn khởi, ngày càng tích cực cống hiến, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân khen ngợi vì họ đã là những gấm gương cho quần chúng noi theo góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Lê Thanh Bình

(Văn Lang, Hưng Hà)

 

*Kênh phổ biến kiến thức khoa học hiệu quả
Tôi là một độc giả của báo Thái Bình, từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tôi đã viết bài cộng tác với Báo. Sau đó, do công việc giảng dạy bận rộn nên dù không cộng tác được như trước nhưng tôi vẫn thường xuyên đọc Báo Thái Bình. Thật mừng vì tờ báo đã không ngừng đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, cung cấp nhiều thông tin kịp thời, hấp dẫn.

Với tôi, Báo Thái Bình (cả báo viết và báo điện tử) luôn là người bạn thân thiết và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Từ lâu, những thông tin về Trường Ðại học Y Thái Bình vẫn thường xuyên được Báo Thái Bình đăng tải. Nhiều cán bộ của Trường cũng có điều kiện viết các bài phổ biến kiến thức về y học và sức khỏe đến đông đảo bạn đọc thông qua Báo Thái Bình. Là giảng viên và là người làm công tác quản lý, tôi lưu giữ nhiều số Báo Thái Bình trong đó có số báo ra ngày 29/2/1992. Lúc đó, Báo Thái Bình đã dành in một trang thơ riêng cho thầy và trò Trường Ðại học Y Thái Bình.

Một kỷ niệm nho nhỏ mà tôi không thể nào quên với Báo Thái Bình, thời gian như mới trôi qua, nhớ lại thời điểm năm 1992, tôi tham gia chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Ðể tuyên truyền và cổ vũ cho chương trình, tôi viết bài "Nạn đói không tiếng kêu" gửi Báo Thái Bình, rất vui, bài viết của tôi đã được Báo Thái Bình duyệt đăng. Nội dung bài viết của tôi phản ánh một nghịch lý là tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Thái Bình ngay tại "vựa lúa" của đồng bằng sông Hồng còn cao hơn nhiều tỉnh khác. Tôi đã mạnh dạn chỉ ra nguyên nhân quan trọng là vấn đề nhận thức của người dân, của cộng đồng về vấn đề dinh dưỡng, hay "nói nôm na" là cái ăn. Sau khi bài viết được đăng, tôi đọc lại thấy Ban biên tập Báo Thái Bình đã thận trọng gạch bỏ mấy chữ "cường quốc xuất khẩu gạo". Tôi mới nhận thấy mình hơi nóng vội, đành rằng thời điểm đó, từ chỗ thiếu lương thực chỉ sau mấy năm đổi mới Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới. Nhưng phải đến mãi 20 năm sau, nước ta không chỉ liên tục giữ vững ngôi vị mà còn vươn lên đứng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa của riêng tôi với Báo Thái Bình là vào khoảng những năm 1997-1998, nhiều trẻ em Thái Bình bị cận thị được các gia đình đưa lên Bắc Giang tìm đến thầy lang đắp thuốc lá. Tôi đã trực tiếp khám cho rất nhiều học sinh Thái Bình và còn lên tận Yên Dũng (Bắc Giang) để tìm hiểu về cách chữa bệnh bằng đắp lá thuốc và sau đó tôi viết bài "Ðắp thuốc lá có chữa được bệnh cận thị?". Bài được đăng trên Báo Thái Bình đã kịp thời cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về một phương pháp chữa bệnh chưa được Bộ Y tế cho phép. Và, nhiều mẩu chuyện khác tôi đã viết gửi Báo và được Báo đăng tải, đó không chỉ là niềm vui mà còn là những kỷ niệm đẹp về Báo Thái Bình...

Hiện nay, tôi biết nhiều bác sĩ, giảng viên của Trường Ðại học Y Thái Bình vẫn thường xuyên có những bài viết về y học gửi đăng báo. Báo Thái Bình không chỉ tuyên truyền chủ trương, đường lối, pháp luật của Ðảng, Nhà nước mà còn là kênh phổ biến kiến thức khoa học đến người dân rất hiệu quả.

PGS - TS Hoàng Năng Trọng

(Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình)

*Chuyên mục "An ninh xã hội" thu hút nhiều độc giả

Là những cán bộ chiến sỹ Ðội tuyên truyền - Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Thái Bình, một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là phải thường xuyên cập nhật, phản ánh hoạt động đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên báo Thái Bình. Qua đó, giới thiệu, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt trong phong trào Vì an ninh Tổ quốc; vạch trần những thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhân dân. Cùng với sự phối hợp tác nghiệp hiệu quả của các anh, chị phóng viên theo dõi ngành, chuyên mục An ninh xã hội trên Báo Thái Bình đã tạo dựng được một vị trí riêng biệt, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi cách đây chừng hai năm. Khi ấy, chúng tôi đang xây dựng phóng sự truyền hình với đề tài: Công an làm chứng minh thư, hộ khẩu cho bệnh nhân phong, để tham gia liên hoan truyền hình Công an nhân dân toàn quốc. Gần một tuần tác nghiệp tại Bệnh viện phong da liễu Văn Môn, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, chúng tôi ngỡ ngàng, cảm động với những con người đặc biệt, cuộc sống đặc biệt đã diễn ra ở mảnh đất này gần trọn một thế kỷ... Thấy đề tài mang tính nhân văn, có thể khai thác rộng hơn, nếu chỉ làm truyền hình thôi thì phí quá. Nhấc điện thoại trao đổi với toà soạn, đề nghị được để dành "đất" cho phóng sự về thân phận của những con người ở Bệnh viện phong da liễu Văn Môn. Không cần đắn đo, các anh ở Ban biên tập đồng ý liền. Sau đó khoảng 2 ngày thì chúng tôi hoàn tất phóng sự "Chuyện làng ven sông". Báo chưa lên khuôn, nhưng mới đọc qua bản thảo, các anh đã động viên người viết, rằng đề tài rất nhân văn, những ngõ ngách của đời sống thật nhiều điều đáng nói mà bấy lâu chúng ta lãng quên... Rất thuận lợi là vào dạo đó, Báo Ðiện tử Thái Bình bắt đầu vận hành thử nghiệm, nên "Chuyện làng ven sông" lại có thêm "đường" tới độc giả - một "đường" đến rất nhanh và tiện ích. Cũng nhờ đó mà việc cấp phát chứng minh thư, hộ khẩu cho những công dân của làng phong được nhiều người biết đến, lực lượng Công an đã nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ từ các cấp, các ngành và nhân dân.

Gần 10 năm là cộng tác viên của Báo Thái Bình, những đóng góp của chúng tôi còn rất nhỏ bé, nhưng sự gắn bó thân tình đối với các anh, các chị ở toà soạn đã đầy lên theo năm tháng. Qua mỗi tin, bài công tác, đội ngũ cộng tác viên chúng tôi lại cứng cáp thêm một chút, được học hỏi, rèn dũa, tích luỹ thêm kinh nghiệm. Ðể thi thoảng vào mỗi sáng mai, lại nhận được tin nhắn khích lệ về một bài báo nào đó, bỗng thấy một ngày mới thật rộn ràng làm sao...

Hồ Tuyên

(Công an tỉnh Thái Bình)

*"Bà đỡ" những sáng tác đầu tay

Báo Thái Bình ra số đầu tiên vào năm 1962. Vào năm tháng ấy, báo chí còn là thứ của hiếm, ít người được đọc và lớp tuổi chúng tôi, những người sinh vào đầu thập kỷ này thì mới bắt đầu cắp sách tới trường. Với tôi thì ông thầy dạy những chữ đầu tiên là người bố đẻ, và khi tôi bắt đầu ê a ghép vần đã may mắn được bố cho "thực tập" bằng cách đọc Báo Nhân Dân và Báo Thái Bình. Ngày ấy… tưởng như chưa xa, vậy mà "bóng câu qua cửa", Báo Thái Bình nay đã đến ngưỡng kỷ niệm lần sinh thứ 50 - độ tuổi mà trí với lực đang vào kỳ viên mãn nhất. Báo Thái Bình đã trở thành "bà đỡ" cho những sáng tác đầu tiên đến với bạn đọc xa gần.

Ở đời, kỷ niệm ban đầu trong mọi việc thường lưu lại lòng con người điều khó quên nhất. Với công việc viết văn của tôi cũng vậy. Tôi sẽ không thể nào quên được niềm xúc động khi cầm trên tay tờ Báo Thái Bình đăng sáng tác đầu tay của mình, bài thơ "Ðối mặt với bóng đêm". Bài thơ mang hàm ẩn về hoàn cảnh riêng của tôi ngày tháng đó. Chính vì vậy, khi biết tin Báo Thái Bình đăng tác phẩm này, với tôi hơn mấy lần xúc động. Xúc động vì lần đầu tiên sáng tác được công bố, và xúc động vì đó lại là tác phẩm mang hình ảnh, hoàn cảnh biểu trưng qua chính cuộc đời mình. Còn nhớ tôi đã đón nhận tờ báo với đôi tay run rẩy. Chắc hẳn, bất cứ ai khi lần đầu thấy tên mình được ghi trang trọng trên mặt báo, bên sản phẩm – mang trong nó cả một tình yêu, niềm đam mê, mong đợi, cũng đều thấy vui sướng tự hào. Hơn nữa, với tiểu sử văn chương của tôi thì kỷ niệm mang cái bút danh Ðỗ Tuấn Khơi lần đầu sử dụng và cũng đồng thời là lần cuối, vì gần như ngay sau đó, với một lý do thật riêng tư, thật thân thương, tôi đã đổi sang tên bút danh Ðỗ Trọng Khơi. Bởi duyên do vậy mà chỉ có Báo Thái Bình (cùng một số duy nhất của tạp chí Văn nghệ Thái Bình) mới đăng sáng tác của tôi với bút danh Ðỗ Tuấn Khơi.

Tôi rất biết ơn Báo Thái Bình - cơ quan công luận đầu tiên đã đón nhận "tiếng buồn riêng tư" của tôi và đã đưa tiếng thơ mang nhiều nỗi niềm thân phận ấy đến cùng bạn đọc. Việc làm tưởng như giản dị, bình thường của tờ báo, nhưng với một số phận, một sự nghiệp thì vô hình chung, đã đem đến sự cổ vũ, nâng đỡ vô cùng kịp thời và quý giá biết bao.

Đỗ Trọng Khơi

(Phường Phú Khánh, TP. Thái Bình)

Ðộc giả với các ấn phẩm báo chí tại Hội báo xuân Thái Bình năm 2011. Ảnh: Thành Tâm

*Hơi thở và nhịp đập trái tim quê hương

Tôi thoát ly gia đình và xa quê từ năm 1958 nên không có điều kiện đọc liên tục Báo Thái Bình từ khi mới thành lập nhưng từ vài chục năm nay tôi coi Báo Thái Bình như người bạn tin cậy của mình. Lần đầu tiên tôi được đọc báo Thái Bình là vào năm 1962, năm đó tôi 22 tuổi làm Trưởng phòng Kỹ thuật công trường Thủy lợi Hà Dong ở huyện Tiên Yên tỉnh Hải Ninh (Nay là Quảng Ninh). Từ năm 1961-1964 tỉnh Thái Bình đã cử hàng nghìn thanh niên xung phong tình nguyện biên chế thành từng đại đội ra công trường này đắp đê khai hoang lấn biển. Những năm đó dân công trên công trường chủ yếu là thanh niên xung phong của Thái Bình lao động suốt ngày đêm vô cùng vất vả. Ðể động viên tinh thần dân công, Báo của tỉnh đã liên tục gửi ra công trường khá kịp thời. Báo được mang về từng trung đội chuyền tay nhau đọc chung. Tôi nhớ không khí đọc báo lúc bấy giờ của thanh niên trên công trường như có gì thật quí giá, tự giải tỏa được những tư tưởng tiêu cực của một số đoàn viên, đồng thời lao động hàng ngày có khí thế thi đua tích cực hơn. Mọi người mong đón báo của quê hương gửi ra như "Mong mẹ về chợ" vậy. Từ năm 1964 tôi được tỉnh Quảng Ninh bố trí công khác nhưng vẫn thỉnh thoảng được đọc Báo Thái Bình. Qua đó biết được phong trào HTX nông nghiệp Vũ Thắng, phong trào năm tấn thóc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế Báo Thái Bình đã được phát hành tới từng chi bộ Ðảng, từng thôn xã; trở thành "nhà tư vấn" cho nhân dân cách làm ăn như chăn nuôi, thời vụ, giống cây trồng, thời tiết v.v… những vấn đề trên, nhân dân, đặc biệt là nông dân cần lắm. Tôi đã được đọc một số báo các tỉnh, trừ một số thành phố lớn, thì báo của họ vẫn nặng về bài nhiều hơn tin; nhưng Báo Thái Bình đã từng bước tránh được tình trạng đó, đưa nhiều tin kịp thời và bổ ích, mở ra nhiều chuyên mục mang lại hiệu quả thiết thực.

Đỗ Lâm Hà

(Hội viên Hội VHNT Thái Bình)

*Tôi đã gặt hái được nhiều hoa trái

Kể từ những bài viết của tôi được đăng Báo Thái Bình Tiến lên những năm đầu thập kỷ 60 (thế kỷ 20) đến nay đã 50 năm. Bây giờ sắp vào tuổi "Thất thập" tôi vẫn say mê viết báo, làm thơ và là cộng tác viên tích cực của nhiều báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, đặc biệt là Báo Thái Bình.

Còn nhớ bài ca dao của tôi được Báo "Thái Bình Tiến lên" sử dụng, tôi và gia đình rất phấn khởi. Sau đó nhân có việc anh Nguyễn Văn Cân, cán bộ Trại chăn nuôi và giết mổ lợn Tịnh Xuyên gần nhà tôi trên đường từ huyện Hưng Hà về cơ quan đã nhanh chóng nhảy xuống sông Giai cứu một em bé suýt chết đuối. Tôi xuống Trại tìm hiểu, thấy mọi người đều ca ngợi đạo đức, tác phong và tinh thần trách nhiệm của anh, nhất là tình yêu mến con trẻ. Thế là tôi viết một bài ngắn gửi cho Báo Thái Bình Tiến lên và Báo Tiền Phong. Không ngờ Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc của đất nước vẫn quan tâm đến gương người tốt, việc tốt ở các địa phương, qua Báo Thái Bình, Bác đã gửi huy hiệu của Người tặng cho anh Cân. Thế là tôi có được hai niềm vui trong một bài báo nhỏ của mình. Phần vì bài viết được đăng báo, phần vì tôi đã góp công nhỏ bé mang lại phần thưởng cao quý và niềm vui, niềm tự hào cho anh Cân.

Từ đó đến nay, đã gần 50 năm dù đi đâu, làm gì tôi cũng cố gắng cộng tác với Báo Thái Bình, xem đó là niềm vui và là nguồn động viên nho nhỏ của mình trong cuộc sống hàng ngày. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Báo Thái Bình ra số đầu tiên, tôi rất vui mừng phấn khởi nhận thấy tờ báo tỉnh nhà ngày càng tiến bộ và đổi mới rất nhiều từ số lượng, kích cỡ, từ nội dung đến hình thức. Nhất là đội ngũ lãnh đạo không ngừng được trẻ hóa có trình độ và kinh nghiệm vững vàng trong nghề nghiệp. Anh chị em phóng viên, CTV, TTV ngày càng nhiều thêm, nhiệt tình yêu nghề và có bản lĩnh của người làm báo, kịp thời nắm bắt, phản ánh mọi hoạt động, mọi khía cạnh trên tất cả các lĩnh vực một cách đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhu cầu của bạn đọc ngày càng có kiến thức cao hơn.

Xuân Nha

(Thành phố Thái Bình)

*Người bạn thân thiết của chúng tôi

Tôi nguyên là một người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về công tác ở ngành Công thương rồi nghỉ hưu tại phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình. Sau mấy năm ổn định kinh tế gia đình, tôi tham gia chi ủy, trực tiếp làm bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận đường phố và là cộng tác viên tích cực của Báo Thái Bình từ những năm 1996-1997.

Gần mười lăm năm đọc báo, viết báo, học và làm theo báo, tôi nhận thấy Báo Thái Bình thực sự là một người bạn thân thiết của chúng tôi - những cán bộ cơ sở thôn làng, tổ dân phố.

Ðối với cán bộ cơ sở: Báo Thái Bình đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin cần thiết mới nhất về các chủ trương, chính sách và pháp luật của Ðảng và Nhà nước, những chỉ thị nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của địa phương trong từng thời kỳ. Báo Thái Bình là nơi để cho cán bộ cơ sở chúng tôi được trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác củng cố xây dựng tổ chức Ðảng, tu dưỡng rèn luyện đảng viên, củng cố xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức quần chúng và tổ chức xã hội trong địa bàn dân cư.

Ðối với các cộng tác viên: Báo Thái Bình đã tạo cơ hội cho các cộng tác viên được gửi gắm, được bày tỏ những tâm tư nguyện vọng, những tình cảm của mình.

Là một cộng tác viên, gần mười lăm năm qua, tôi đã viết về các gương điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân về làm kinh tế gia trại, trang trại, gương người tốt việc tốt về phong trào xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc trong khu dân cư. Cũng trong thời gian ấy, những bài thơ, bài tản văn, tùy bút của tôi được báo đăng tải đã cho tôi cơ hội được gửi gắm những tình cảm của mình đối với Ðảng, đối với đất nước, đối với mảnh đất Thái Bình yêu thương và anh dũng của chúng ta. Xin kính chúc Báo Thái Bình ngày một phát triển, ngày một tốt hơn, hay hơn, đẹp hơn - xứng đáng là công cụ mạnh mẽ và sắc bén của Ðảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Phạm Minh Giang

(Phường Quang Trung, TP. Thái Bình)

*Tôi đã học hỏi được điều hay 

Là cộng tác viên đồng thời cũng là bạn đọc có thâm niên của Báo Thái Bình, tôi nhận ra được nhiều điều hay mà Báo mang lại. Trải qua một chặng đường dài 50 năm phấn đấu và trưởng thành, đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà càng vững vàng và điêu luyện trong nghề. Từ tờ báo khổ nhỏ tuần ra một số, đến nay Báo Thái Bình tuần ra 3 số, trang trí đẹp, phát hành rộng khắp. Báo Thái Bình cuối tuần và Nguyện san Thái Bình hàng tháng phản ánh đầy đủ các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đồng thời đưa tin tức trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động xã hội đều được phản ánh kịp thời tới người dân.

Ðặc biệt, Báo Thái Bình lại phát triển thêm Báo điện tử, đó là niềm vui của những người làm báo và đông đảo bạn đọc tỉnh nhà. Tiếng nói của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân được vang xa, rộng khắp đất nước. Báo chuyển tải tin vui của tỉnh nhà đến tận vùng sâu, vùng xa để phục vụ và con người Thái Bình ở khắp mọi miền của đất nước. Ðó là điều vô cùng phẩn khởi. Ðặc biệt, đối với một cộng tác viên của Báo Thái Bình, tôi đã học hỏi được nhiều điều hay từ Báo.

Ngày nay, Báo Thái Bình đang trên đà vững mạnh, chất lượng được nâng cao, số lượng ngày càng nhiều và mở rộng. Ðội ngũ những người làm báo có đầy đủ kinh nghiệm, lại được chỉ đạo đầy tâm huyết của Tỉnh ủy, chắc chắn Báo Thái Bình sẽ đáp ứng với nguyện vọng của đông đảo bạn đọc và các tầng lớp nhân dân, xứng đáng với tầm vóc 50 năm xây dựng và trưởng thành của Báo.

Bùi Minh Khang

(Đông Dương, Đông Hưng)

Bạn đọc nhỏ tuổi với Báo Thái Bình. Ảnh: Phi Thành

*Những bài viết được đăng đã cổ vũ tôi rất nhiều

Vào những năm 1961 – 1962 của thế kỷ trước, lứa chúng tôi đang học lớp 6 lớp 7 trường cấp 2 huyện Thụy Anh ( cũ ). Bởi đói thông tin nên tổ phát thanh của chúng tôi được bà con nhân dân quý lắm. Lúc đầu chúng tôi chỉ có thể phát những tin từ tờ báo NHÂN DÂN, đến đầu năm 1962 có thêm tờ " THÁI BÌNH TIẾN LÊN" do vậy nguồn tin thêm phần phong phú hơn. Tôi được tiếp xúc với BÁO THÁI BÌNH từ ngày ấy. Những bản tin của BÁO THÁI BÌNH lúc bấy giờ phản ánh việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương, gương người làm bèo hoa dâu, làm phân xanh, trồng khoai ụ, tin đồng bào Miền Nam đã đồng khởi nổi dậy ở nơi này nơi kia, quân ta phục kích tiêu diệt cả tiểu đội lính ngụy của Ngô Ðình Diệm.v.v. Những bản tin trên báo, tối tối được tổ chúng tôi phát đi từ những ngọn mít, ngọn xoan, nóc cổng, bờ tường… bằng những cái loa được gò từ sắt tây hoặc cái mo cau cuộn lại, dưới ánh sáng tù mù của chiếc đèn dầu được làm bằng vỏ chai, đã làm nức lòng nhân dân cả làng.

Về hưu, vốn là "nhà báo chuyên viết báo…tường" của đơn vị, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi mạnh dạn viết bài gửi cho báo tỉnh. Ý định thì " nhớn" nhưng để được đăng một bài trên " văn đàn" " báo đàn" của tỉnh lúa vốn đã có rất nhiều " cây viết" xuất sắc, đâu phải dễ. Thế nên những bài thơ, những truyện ngắn viết ra, chỉ dám mạnh dạn đọc ở câu lạc bộ của làng mà thôi. " Gái có công chồng không phụ" các cụ xưa nói vậy, quả đúng. Mãi đến năm 1997 – 1999 khi được nhận giải thưởng " khuyến khích" về thơ trong cuộc thi của Hội văn học nghệ thuật Thái Bình, rồi được kết nạp làm hội viên của Hội tôi mới dám mạnh dạn gửi bài cho BÁO THÁI BÌNH và bài thơ " Niềm vui tháng Mười" mà báo đăng năm ấy đã cổ vũ tôi rất nhiều.

Nguyễn Tường Thuật

(Thụy Văn - Thái Thụy)

*Cầu nối tác động sâu rộng trong nhân dân

Chặng đường 50 năm biết bao nghĩa tình, Báo Thái Bình là cầu nối giữa Ðảng với dân. Tờ báo không thể thiếu được ví như cơm ăn nước uống hàng ngày. Báo đã đăng tải các nội dung trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế... Báo Thái Bình đã phản ảnh trung thực, kịp thời chính xác quá trình thực hiện ở cơ sở, nêu lên nhiều tấm gương điển hình, mô hình, cách làm hay, mang tính sáng tạo, cỗ vũ động viên nhân dân học tập theo Báo, nhân ra diện rộng.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ cứu nước, Báo Thái Bình đã làm được nhiệm vụ động viên quân và dân tỉnh nhà vừa sản xuất vừa chiến đấu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" là tỉnh đạt 5 tấn thóc/1 ha, dẫn đầu năng suất lúa trong cả nước. Báo Thái Bình đã biểu dương, hướng dẫn phong trào trong tỉnh phát triển mạnh góp phần thắng lợi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Báo Thái Bình luôn phát huy truyền thống ngày một tốt hơn, tuyên truyền đến với người dân các mô hình đưa giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất, mô hình nuôi lợn hướng nạc, trồng cây trái vụ; mô hình gia trại, trang trại, mô hình làng xã văn hóa, chống tệ nạn xã hội; gương người tốt việc tốt trên mọi lĩnh vực... Báo Thái Bình dễ đọc, dễ hiểu, rất cụ thể nên mọi người đều áp dụng vào thực tiễn, liên hệ ngay với gia đình mình, thôn xóm mình...

Ngoài ra, Báo Thái Bình còn đưa ra những bất cập, hạn chế, những vướng mắc, phát sinh và những giải pháp xử lý kịp thời những điểm nổi cộm, điểm nóng, bức xúc của nhân dân... Báo Thái Bình đã tuyên truyền trên cơ sở đúng pháp luật với tinh thần xây dựng. Các phóng viên, cộng tác viên đã xuống tận cơ sở tuyên truyền, biết gần dân, phân tích đúng sai, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đặng Tất Tính

(Đài Truyền thanh xã Phú Châu, Đông Hưng)

*"Câu lạc bộ phóng viên nhỏ" - Một chuyên mục đặc sắc 

Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, đến nay, Báo Thái Bình đã trở thành trang báo không thể thiếu trong mỗi nếp nhà tỉnh lúa… Với nội dung phong phú và sinh động, tờ báo luôn là bạn của những ai muốn hiểu thêm về Thái Bình. Ðặc biệt gần đây có một chuyên mục dành riêng cho những bạn trẻ của đất lúa, chuyên mục " Câu lạc bộ phóng viên nhỏ" đã thu hút một lượng bạn đọc không nhỏ. Chuyên mục " Câu lạc bộ phóng viên nhỏ" được mở ra cách đây ba năm - ngay sau khi thành lập Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ. Ðây là một sân chơi dành cho các bạn thanh, thiếu niên nhằm khuyến khích sự sáng tạo, khơi nguồn tài năng, rèn luyện kỹ năng làm báo, tăng thêm vốn sống, sự hiểu biết và tự tin trong giao tiếp của các bạn. Không những thế, chuyên mục còn là cầu nối giữa những " nhà báo tương lai" với chính quyền địa phương, là nơi để các bạn có thể nói lên những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những tấm gương để học tập, hay những mặt yếu kém cần khắc phục và sửa đổi. Ðôi khi bắt gặp trong chuyên mục là cảm xúc của một ai đó về thầy cô, mái trường, những dịp lễ lớn. Hay đâu đó là một câu chuyện buồn về tình bạn, gia đình… Tất cả đều thể hiện sự biên tập, sáng tạo, linh hoạt, sinh động của các cộng tác viên nhỏ tuổi. Từ công sức gọt dũa ngôn từ của từng tác phẩm, các cô chú nhà báo chuyên nghiệp đã làm nên một chuyên mục đặc sắc đến với bạn đọc, nhất là những bạn đọc nhỏ tuổi.

Kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Thái Bình ra số đầu, là một bạn đọc cũng như một "cựu thành viên" trong Câu lạc bộ, rất mong sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cô chú về khâu chọn đề tài cũng như rèn luyện thêm về kỹ năng làm báo để những cây viết của Câu lạc bộ ngày càng vững vàng hơn, sáng tác được nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong lòng bạn đọc.

Nguyễn Khuông Quang Hưng

(CLB tuổi hồng tỉnh Thái Bình)

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày