Thứ 4, 31/07/2024, 13:22[GMT+7]

Không phải ngẫu nhiên trở thành nhà báo

Thứ 5, 15/12/2011 | 10:26:00
822 lượt xem
Trung tuần tháng 2 năm 1972, đang làm kế toán nhà ăn của Trạm đón tiếp thương binh Thái Bình, tôi được lãnh đạo Trạm gọi về văn phòng gặp anh Đỗ Vĩnh Bảo, Ủy viên ban biên tập Báo Thái Bình ngỏ ý xin tôi chuyển về cơ quan của anh. Quá trình phấn đấu sau đó tôi chuyển nghề kế toán sang làm báo cũng không phải ngẫu nhiên, mà phải chịu khó học tập rèn luyện.

Báo Thái Bình đã giành nhiều suất học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Ngọc Trâm

Làm kế toán nhà ăn của Trạm đón tiếp thương binh tuy bận rộn, nhưng khá vui. Quân số ra vào lúc nào cũng có từ 600 - 700 anh chị em thương binh. Giải quyết chính sách cho loạt này ra quân lại tiếp nhận người mới ở chiến trường về. Thời bao cấp sống trong điều kiện như vậy, anh chị em cơ quan Trạm bảo tôi như sống trong “hũ gạo”. Nhận quyết định về Báo Thái Bình, đôi lúc cũng bần thần trong người. Người đầu tiên tiếp xúc khi đặt ba lô ở nơi làm việc mới là ông Lê Trọng, Phó tổng biên tập, thủ trưởng cơ quan. Ông bắt tay tôi một cách lạnh lùng và giao việc luôn: chú về đây làm 3 việc chính: kế toán, văn thư lưu trữ và hành chính tạp vụ. Mặc dù hơi ngao ngán so với những điều Đỗ Vĩnh Bảo nói với tôi trước khi đồng ý chuyển về Báo Thái Bình, nhưng  tôi vẫn “vâng” một cách ngọt ngào, bởi lẽ không còn đường “lùi”.

 

Thời gian đầu tôi không quan tâm đến công việc viết lách của các nhà báo mà cứ công việc mình làm. Cơ quan ngày tôi mới về, cứ thứ 7 là họp. Các anh, các chị phóng viên đi cơ sở về kể nhiều câu chuyện lý thú (hầu hết phóng viên ngày đó trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp) hấp dẫn lôi cuốn khiến tôi cũng muốn thử sức với nghề làm báo. Nhưng bắt đầu từ đâu thì tôi chưa rõ.

 

Một buổi sáng sang thăm nhà anh Thanh Đạt, biên tập viên, thư ký tòa soạn. Anh cho tôi cả một quyển giáo trình về nghiệp vụ viết báo. Trong giáo trình dạy cách làm tin, dạy cách lấy tài liệu, cách thể hiện các thể loại, từ phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, ký... đến xã luận, bình luận. Anh Hoàng Lương, sau 2 năm học lớp báo chí tại khoa báo chí trường tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền) mang cho tôi toàn bộ giáo trình anh đã học. Anh nói: chương trình nghiệp vụ đại học báo chí toàn bộ chỉ có thế.

 

Năm 1978, cơ quan Báo lại thiếu một cán bộ sửa mo rát, quyền Tổng biên tập Phạm Đức Bằng, giao thêm cho tôi việc đó. Tôi xác định đó là thời cơ để tôi vừa kiến tập, vừa thực tập và cách lấy tài liệu cũng từ đó, cách thể hiện cũng ở đó. Vào lúc rảnh rỗi, hoặc vào ngày nghỉ chủ nhật, tôi xin giấy giới thiệu tự mình xuống xã, nhờ bạn bè liên hệ với giám đốc xí nghiệp để lấy tài liệu. Anh Nguyễn Lự (Hải Đăng) làm thư ký tòa soạn, sau khi biên tập bài của tôi, có nhận xét chân tình: Bài viết dễ biên tập vì tư liệu phong phú, cách thể hiện tập trung vào chủ đề, có tính phát hiện tốt. Anh cũng chỉ cho tôi những mặt còn yếu. Anh Thiếu Văn Sơn, Nguyễn Quang Điện cũng hướng dẫn cho tôi cách “rút tít” để hấp dẫn bạn đọc. Từ những tin bài thành công đầu tiên, càng khuyến khích tôi chuyển nghề. Năm 1984, tôi mới chính thức bàn giao công việc kế toán cho chị Phạm Thị Loan và bắt đầu “chuyên nghiệp báo chí”.

 

Từ khi bước sang “chuyên nghiệp” ngoài viết theo kế hoạch của cơ quan, tôi đã mạnh dạn viết các bài về phê bình và cộng tác với báo chí Trung ương. Báo Tiểu thủ công nghiệp (nay là báo Doanh nghiệp), báo Công an nhân dân, báo Tiền phong, tạp chí Kinh tế châu á - Thái Bình Dương... đã đăng khá nhiều bài của tôi. Có bài viết: “Đổ tiền xuống biển - Một dự án táo bạo”, viết về Ngân hàng Công thương Thái Bình đầu tư cho hộ nuôi ngao là hoàn toàn đúng.

 

Đã mấy chục năm nay, khẳng định ban đầu của bài viết vẫn còn giá trị lớn. Giám đốc Ngân hàng Công thương đã thưởng cho tôi 500 ngàn đồng. Viết bài phê bình, những năm đầu chỉ 3-4 bài. Sau này mỗi năm không dưới 10 bài. Tính ra tôi đã viết tới hàng trăm bài phản ánh mặt trái ở nhiều lĩnh vực: Tài chính, Thuế, Ngân hàng, Quản lý sử dụng đất, XDCB, Quản lý doanh nghiệp... 100% bài phê bình đều bị phản ứng. Có bài viết phản ứng dữ dội. Thậm chí còn bị đe dọa: “Ông có sợ tai nạn bất ngờ không”. Có nơi tung tin bịa đặt “Hoàng Duy đã bị treo bút, tước thẻ Nhà báo”... Được rèn luyện từ trong lửa đạn ở chiến trường, và rèn dũa từ nghề kế toán nên chưa một bài viết phê bình nào sai sót, phải đính chính, xin lỗi. Người và đơn vị được báo phê bình sau khi nhận ra phải xin lỗi, nhiều người trở thành thân thiết.

 

Sau 43 năm, 4 tháng chiến đấu và công tác, tháng 7 -2009 được nghỉ hưu, nhưng cái đầu không chịu nghỉ. Ngày nào không đọc dăm chục trang sách, không cầm bút là thấy khó chịu. Hơn 2 năm qua tôi đã cập nhật giáo trình mới của Học viện kế toán tài chính, viết cộng tác với Báo Nhân dân, một số tờ báo trung ương, địa phương, tạp chí chuyên ngành, các trang web, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh...

 

Hoàng Duy

Nguyên P.V Ban Kinh tế Báo Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày