Thứ 4, 31/07/2024, 07:24[GMT+7]

Nhớ ngày đầu về Báo Thái Bình

Thứ 5, 15/12/2011 | 10:36:50
869 lượt xem
Sau khi tốt nghiệp Đại học Báo chí, tôi quyết định về công tác ở Báo Thái Bình. Đó là một ngày cuối của năm 1989. Nơi đây như tôi từng viết: “Mảnh đất này, nơi tôi không sinh ra/ Vì tình yêu tôi neo lòng ở lại”. Thế mà đã 21 năm, gần một nửa tuổi của tờ Báo Thái Bình.

Báo Thái Bình đã tổ chức thành công 17 giải việt dã tranh cúp Báo Thái Bình. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo Báo Thái Bình chụp ảnh lưu niệm với đoàn VĐV đoạt giải nhất toàn đoàn tại giải việt dã lần thứ 17. Ảnh: Thành Tâm

Chân ướt, chân ráo, tôi được phân công về Ban Kinh tế. Trưởng ban Nguyễn Lự, gọi tôi lên thông báo: Ban Biên tập giao cho cậu phụ trách huyện Thái Thụy (Chỉ một huyện và không có ngành nào nữa). Cậu đi Thái Thụy làm 3 bài điều tra về: Cây cói, cây vẹt và hạt muối. Trước khi ra khỏi phòng, anh còn dặn thêm: Nhớ chỉ trong một tuần thôi nhé.

 

Sau Tết Nguyên đán trời mưa lắc rắc và rét lạnh, đường xá đi lại rất khó khăn, không có đường đá, đường nhựa như bây giờ. Chưa xoá bỏ bao cấp nên mua được cái vé xe khách đi Diêm Điền cũng là chuyện không đơn giản. Chuẩn bị đến kỷ niệm ngày thành lập Đảng, anh Vũ Xuân Trường, lúc đó là Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ có chuyến công tác ở Thái Thụy. Nhờ anh Thanh Lãng (Phóng viên ảnh) hỏi hộ, tôi được anh Trường đồng ý cho đi cùng. Sáng ấy sang Tỉnh uỷ, anh Trường hỏi: Mới về báo hả. Tôi trả lời: Dạ! Vâng ạ!

 

Về Thái Thụy, có lẽ tôi lại là người rất may mắn được Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ giới thiệu với các anh lãnh đạo huyện: Đây là phóng viên mới về Báo Thái Bình, trực tiếp phụ trách Thái Thụy, các đồng chí giúp đỡ tạo điều kiện nhé. Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch huyện bắt tay tôi thật chặt và đưa ra lời đề nghị: Gắng phản ánh tình hình trên báo nhanh, chính xác và thật hay nhé.

 

Sau chuyến đi “vạn sự khởi đầu nan” khá xuôn xẻ ấy, tôi đi Thái Thụy ngay và nằm cả tuần ở dưới đó. Anh Vũ Văn Điều, Chủ tịch UBND huyện cho văn phòng bảo mời tôi đi ăn cơm. Vừa ăn, vừa trò chuyện tôi nhận xét: Đây là một “ông” Chủ tịch rất có tâm và thật sự cầu thị. Ăn xong, anh hỏi: cần gì cậu cứ nói với văn phòng Uỷ ban, đừng khách khí, đã về huyện là người của huyện. Được thể như cởi tấm lòng, tôi nửa đề nghị và nửa như chỉ nói để anh biết thôi.

 

- Ban Biên tập giao cho tôi đi điều tra về tình hình cây cói, cây sú vẹt và hạt muối. Giữa lúc “mưa phùn, gió bắc” thế này thì khác gì đánh đố.

 

Anh Điều bảo: Mai cậu đi với tôi lên các xã phía nam nắm tình hình cây sú vẹt ở Thái Đô, Thái Thượng. Sau đó đi xem cây cói rồi về Thụy Hải nghe sản xuất muối.

 

Quả thực lúc ấy tôi chỉ muốn ôm lấy anh mà cảm ơn. Vì nếu không có ô tô, chẳng biết tôi có làm được mấy cái bài điều tra như anh Lự giao không? Vất vả, khó nhọc tôi không sợ, chỉ ngại anh em không đánh giá đúng năng lực của mình thôi. Lúc đó, Vân Dung, Minh Yến đã thông  báo với tôi rằng: Một số người đang thắc mắc, không biết cậu Thanh viết lách thế nào, năng lực ra sao mà ông Hinh (Tổng Biên tập) dám nhận về. Việc giao ba bài điều tra trong một tuần là người ta muốn thử sức cậu đấy (Vân Dung nói với tôi). Nhưng ở cơ quan này không ai hiểu tôi bằng ông Hinh, Phi Hải và cả lái xe Tạ Xuân Lai; anh Thiếu Sơn thì biết khả năng của tôi qua đọc báo. Ông Hinh đích thân kéo trưởng ban trị sự – Hải đi Báo Bắc Thái (lúc đó tôi đang học ở Hà Nội) để tìm hiểu về tôi và sau đó vào trường Tuyên huấn Trung ương I (nay là Học viện Báo chí – Tuyên truyền) để xem học bạ, nghe tôi học hành thế nào? Cô cán bộ tổ chức của Khoa Báo chí, cũng là người quê Đông Hưng nói rất thẳng thừng:

 

- Chú nhận anh ấy về làm lãnh đạo thì cháu không có ý kiến. Nhưng về làm báo thì chú đã rất đúng và có cái nhìn chính xác đấy.

 

Trở lại với ba bài điều tra, cơ may cho tôi là được gặp một vị chủ tịch huyện tốt tính như anh Vũ Văn Điều, nên chỉ ba ngày, tôi đã có đủ tài liệu để viết. Đúng một tuần, chiều thứ 7, tôi đặt 3 bài viết trên bàn trưởng ban Lự, anh trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi, rồi buông một câu chẳng ra khuyên, cũng không ra mệnh lệnh:

 

- Thôi cứ từ từ nhé!

 

Mấy ngày sau, tôi thấy Vân Dung nói lại

 

- Ông Lự khen; cậu viết rất tốt.

 

Một buổi sáng, tôi đạp xe từ nhà ra cơ quan, Tổng Biên tập Nguyễn Như Hinh gọi tôi vào phòng (bây giờ là phòng của Minh Sơn và phòng chân cầu thang của Chiến).

 

Sau khi pha ấm trà, ông đẩy chén nước trà đang bốc hơi nghi ngút về phía tôi, rồi chậm rãi nói:

 

- Tổ giao cho cậu viết bài điều tra về sự kiện “thóc đổi hạt” của A17. Một vài anh em ở đây đều “dính” chuyện này, nên cân nhắc mãi, giao cho cậu là hợp lý nhất. Dĩ nhiên để tiếp cận với tài liệu là khó khăn và viết sẽ đụng chạm đấy. Cậu có làm được không?

 

Tôi nhận lời và hứa sẽ cố gắng ở mức cao nhất. Ông Hinh cười thật hiền, tôi cảm nhận thấy ông đã trút được gánh nặng.

 

Tuần sau, báo đăng hai kỳ: “Đường vòng của hạt thóc và cái giá phải trả”. Dư luận rất quan tâm đến bài báo, còn ông Văn cụm trưởng A17 thì tức giận, đập bàn hỏi:

 

- Việt Hải là cái thằng quái nào vậy?

 

Để bảo đảm an toàn, tôi đã phải lấy bút danh. Nhưng, cuối cùng ông Văn cũng biết Việt Hải là ai. Anh Đình Tuyến, người chuyên viết điều tra lúc đó, nói lại với tôi:

 

- Ông Văn ức cái bài báo của cậu lắm. Còn Tổng Biên tập Nguyễn Như Hinh thì bảo: Đã giải toả được gánh nặng.

 

Lúc này, việc đổ bể của ngân hàng cổ phần, như một tiếng sét giáng vào rất nhiều người đã gửi tiền vào đó. Phiên toà xử ông Đ.T.T được tổ chức công khai tại nhà thi đấu (Sở Thể thao). Tôi được giao đến dự và tường thuật phiên toà. Báo Lao động, điện về yêu cầu tôi gửi bài tường thuật lên báo (thực ra thì lúc đầu tôi chỉ gửi cái tin có vài trăm chữ, Báo Lao động thấy vấn đề hay nên đã đề nghị tôi viết bài). Từ những bài báo có vấn đề và hấp dẫn trong cách viết, cách đặt vấn đề... nên từ chỗ tôi là người rất xa lạ với Thái Bình... nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân và bạn đọc đã biết về tôi. Có người nghe tên trên báo nhưng chưa biết mặt, khi gặp thốt lên:

 

- Tôi tưởng anh phải già lắm chứ, sao còn trẻ thế này. (Lúc đó tôi gần 40 tuổi). Đọc bài viết của anh thấy già dặn, chững chạc và sắc sảo, không nghĩ anh trẻ thế.

Tôi  thầm cảm ơn bạn đọc của Báo. Nhờ những thành công qua các tác phẩm tôi đã được nhiều người biết. Đó là phần thưởng vô giá với người làm báo. Tôi có một nguyên tắc: Viết ra không ai đọc thì đừng viết. Nếu mình chưa ưng ý, bài viết chưa có cảm xúc thì không đưa lên báo. Viết xong một bài phải thấy mệt thì bài viết mới hay. Tôi bái phục những người viết ngày mấy bài; tuần cả chục bài... thì “nhặt nhạnh” được bao nhiêu bạn đọc.

 

Năm 1990, tròn kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh. Phó Tổng Biên tập – Thiếu Văn Sơn bảo tôi:

 

- Ông về làng chài Tân Sơn (Diêm Điền) viết về nó xem sao?

 

Tôi được anh Hưng, phó văn phòng Uỷ ban huyện (sau này là Chánh Thanh tra) đưa xuống làng chài Tân Sơn, tập đoàn trưởng là ông già cao, to, nước da đỏ au, giọng nói rất to (đúng là ăn sóng, nói gió), mời nhậu với đồ biển. Vừa ăn ông vừa kể chuyện về cái làng chài của Tây, về cuộc đời sóng góp của ông. Đêm ấy, về phòng khách của Uỷ ban huyện tôi không sao ngủ được; phần vì trời lạnh, không có chăn; phần thì cảm xúc về cuộc trò chuyện. Để khỏi ảnh hưởng đến vị khách nằm cùng phòng (sau này tôi biết tên anh là Thinh, hiện là Phó trưởng phòng cảnh sát kinh tế), tôi chờ đến 4 giờ sáng mới bật đèn viết. 5 giờ, anh Điều, Chủ tịch huyện dậy tập thể dục, thấy ánh đèn, anh mở cửa nhìn vào, biết tôi đang viết bài, anh về phòng đưa sang cho tôi một bao thuốc lá và một lon bia; nói một câu: Chú vất vả quá!

 

Bài báo ấy, sau này được trao giải A của Hội Nhà báo tỉnh.

 

Cũng vào dịp Kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh, vẫn là Phó TBT Thiếu Văn Sơn gợi ý:

 

- Cậu đi Hưng Hà một chuyến, viết về cây lúa, xem cảm giác mới thế nào?

 

Về Huyện uỷ Hưng Hà, anh Thế, Chánh văn phòng là người sởi lởi, gọi điện cho cô Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, bố trí làm việc với tôi; đích thân anh Thế đưa tôi sang gặp cô Hà, trước khi về còn dặn:

 

- Làm việc xong, anh về Huyện uỷ ăn cơm với bác Thặng, Bí thư nhé.

 

Sau chuyến đi ấy, tôi về viết bài: “Cây lúa vùng đất cổ” Anh Thiếu Văn Sơn khen được.

 

Khi Đức Long, phụ trách huyện Hưng Hà đi học Đại học Báo chí (bằng 2), tôi được BBT “ném” sang kiêm luôn hai huyện xa nhất tỉnh: “Anh ở đầu sông, em cuối sông”. 11 năm theo dõi hai huyện xa, đến năm 2002 thì về nhận chức Trưởng ban Văn xã, thay anh Đình Khản. Ngồi ghế quan lại được hơn một năm thì nghỉ ốm đi chữa bệnh.

 

21 năm, nếu tính vòng đời của con người thì được một vòng đời. 21 năm từ chỗ: Không ai biết mình là ai và như cái cách nói của ông Văn thì: Thằng quái nào! tôi đã được nhiều bạn đọc yêu mến, đồng nghiệp trân trọng. Tự đáy lòng mình, tôi luôn tâm nguyện: Hữu xạ tự nhiên hương. Để mọi người biết mình phải thông qua các tác phẩm, mà phải là có chất lượng. Viết nhiều, không ai đọc, không ai biết, thì cũng “Hữu danh vô thực” Có những nhạc sĩ chỉ có một bài hát đã nổi tiếng; có những nhà báo chỉ một vài tác phẩm đã nổi danh như: anh Minh Chuyên. Viết nhiều mà hay là rất đáng quý. Nhưng đã viết nhiều thì khó hay, đó là điều nên tránh.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày