Thứ 3, 30/07/2024, 07:17[GMT+7]

Người làm báo cần phải tôn trọng sự thật

Thứ 5, 15/12/2011 | 15:14:09
989 lượt xem
Nguyên tắc phản ánh sự thật đối với báo chí là một đòi hỏi khắt khe bởi mỗi sản phẩm báo chí khi đã phát hành sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, có thể tới hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người. Nếu thông tin phản ánh không đúng sự thật sẽ khiến hàng nghìn, hàng triệu người hiểu sai một vấn đề và hậu quả nhiều khi rất nghiêm trọng. Đôi lúc còn liên quan đến danh dự một con người, đến uy tín của một đơn vị, tổ chức; vì vậy trách nhiệm của người cầm bút càng phải cẩn trọng và công tâm.

Tác nghiệp của các phóng viên. Ảnh: Phi Thành

Nói nhà báo luôn phản ánh sự thật còn bởi lý do làm báo trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay đã khác xa với báo chí truyền thống. Trước kia điều kiện cập nhật thông tin còn nhiều hạn chế, báo chí được xem là kênh thông tin đại chúng rộng rãi nhất, gần như chiếm vị thế độc tôn. Công chúng khi tiếp nhận thông tin sẽ rất khó thẩm định xem thông tin đó đúng hay sai, nếu phát hiện là sai thì việc phản hồi cũng không dễ.

 

Còn ngày nay, cạnh tranh thông tin trở nên gay gắt, diễn ra ngay giữa các cơ quan báo chí với nhau và giữa báo chí với các kênh thông tin khác. Thông tin về một cá nhân hay tổ chức không chỉ xuất hiện trên một báo mà có khi được nhiều cơ quan báo chí khai thác nên công chúng có điều kiện giám sát chéo thông tin giữa các cơ quan báo chí với nhau. Ngoài ra, công chúng có thể đối chiếu thông tin trên các kênh khác ví như trang thông tin điện tử riêng của doanh nghiệp hoặc blog của một cá nhân trên internet...

 

Bên cạnh đó, báo chí ngày nay còn thể hiện rõ nét đặc trưng đối thoại, hai chiều. Những thông tin phản hồi của công chúng dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù ngay tức thì hay sau một thời gian cũng đều được các cơ quan báo chí rất quan tâm lắng nghe,  trên cơ sở đó đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền sao cho  phù hợp với nhu cầu nắm bắt thông tin chính đáng của công chúng. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí có một quy trình kiểm duyệt thông tin khác nhau, nhưng đều phải bảo đảm một quy trình chặt chẽ nhằm sàng lọc, loại bỏ thông tin sai sự thật.

 

Với cơ quan báo in như Báo Thái Bình, thông thường một tác phẩm báo chí từ khi được nhà báo viết ra đến khi xuất hiện trên mặt báo phải trải qua quy trình kiểm duyệt thông tin chặt chẽ gồm 3 bước: Người viết nộp trực tiếp tác phẩm cho trưởng ban để biên tập; sau đó tác phẩm được chuyển lên phòng Thư ký toà soạn để kiểm duyệt lại; cuối cùng Ban biên tập đọc và ký duyệt trước khi đăng. Rõ ràng đạo đức nghề nghiệp và quy trình kiểm duyệt đã buộc người làm báo dù muốn hay không đều phải tuân thủ nguyên tắc phản ánh sự thật. Những người làm báo vẫn thường coi nguyên tắc ấy như chiếc vòng kim kô vô hình trên đầu để mỗi khi cầm bút đều đặt danh dự lên hàng đầu và dồn hết tâm sức để xứng với cái tên viết hoa mà mình ký cuối bài.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày