Thứ 5, 08/08/2024, 00:14[GMT+7]

Thành bại tại nhân

Thứ 5, 08/02/2018 | 16:08:22
451 lượt xem
Nhạy bén, cần cù, chịu khó, vượt qua thất bại để thành công…, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đã viết nên câu chuyện làm kinh tế của chính mình khiến nhiều người khâm phục, góp phần không nhỏ thực hiện tiêu chí thu nhập và giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Các sản phẩm do cơ sở của anh Phạm Vũ Mạnh sản xuất được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Với nhiều người, xa quê trước hết là vì nhu cầu mưu sinh, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ sau này. Khi đời sống đã ổn định, nhiều người đã bén duyên với miền đất mới, tiếp tục gắn bó trên mảnh “đất lạ” ngày nào để nuôi thêm nhiều hy vọng tươi đẹp. 

Một trong số đó là anh Hoàng Hữu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH SHVina (xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy). Khi cùng 3 người bạn chung vốn làm ăn, anh Hồng (quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) không nghĩ rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với Thái Bình nhưng giờ anh lại coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Anh kể: Tháng 8/2011, tôi cùng 3 người bạn chung vốn mở công ty. Tổng doanh thu từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2012 được khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy là lỗ nặng. Sự hợp tác, nội bộ quản lý không được thuận lợi, vậy là mỗi người tìm cho mình một hướng đi riêng để hỗ trợ nhau được tốt hơn.

Anh Hồng cho rằng khởi nghiệp thành công ngoài vốn đầu tư thì mỗi người cần có ý tưởng kinh doanh gần với cuộc sống, nắm bắt khoa học kỹ thuật để tạo đột phá. Một điều nữa, trong kinh doanh lúc nào cũng có khó khăn, thách thức, nếu vượt qua được thì sẽ thành công. Thời gian đầu, khó khăn chồng chất, nhiều thời điểm công ty rơi vào tình trạng “đói vốn”, thị trường tiêu thụ khó khăn. Không nản chí, anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Anh vay vốn để đầu tư máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện chính sách đãi ngộ cao hơn đối với đội ngũ nhân viên, thu hút nhân tài về làm việc. Từ 40 công nhân, doanh thu 1 tỷ đồng/năm, đến nay Công ty của anh Hồng có 140 công nhân, doanh thu mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng, anh dành khoảng 7 tỷ đồng để trả lương công nhân.

Nhiều mô hình làm kinh tế của thanh niên đã cho những “trái ngọt”.

Không riêng anh Hồng, với nhiều thanh niên, khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn và cái giá để đến thành công là những lần vấp ngã, thất bại. 

Anh Phạm Vũ Mạnh, chủ cơ sở sản xuất cơm cháy Đồng Bằng, thôn Đồng Bằng, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) cho biết: Năm 2008, khi đang là sinh viên tôi đã cùng bạn mở dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa rồi dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, xây dựng thương hiệu cho các công ty. Năm 2015, tôi quyết định xây dựng một thương hiệu riêng cho mình gắn liền với những sản phẩm của đồng đất quê lúa. Tận dụng thế mạnh của đền Đồng Bằng thu hút nhiều du khách, nắm được tâm lý của khách du lịch muốn có quà mang về mỗi khi đặt chân đến một vùng đất nào đó, tôi càng tự tin hơn vào quyết định của mình. Đó là lý do để thương hiệu cơm cháy Đồng Bằng, ngũ cốc của anh Mạnh ra đời. 

Anh tâm sự: Không có nhiều thời gian để đi học tập kinh nghiệm ở các cơ sở khác, cũng không phải nơi nào cũng nhận học, vì vậy, tôi gom góp sản phẩm từ các địa phương rồi tìm ra công thức, thí nghiệm làm sản phẩm, cho ra công thức làm cơm cháy riêng cho mình. Chưa biết nghề, chưa có kinh nghiệm, nhiều khi tự hỏi không biết có đi đúng hướng hay không nữa. Nói chung, phải đổ đi nhiều lắm. Thời gian đầu, thấy mất thời gian, tốn nhiều chi phí, thị trường chưa có, không có thu, thậm chí là lỗ vốn làm cho mình hoang mang. Tuy nhiên, càng khó khăn thì tôi càng phải cố gắng làm cho bằng được chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Từng bước vượt qua khó khăn, đến nay, các sản phẩm do cơ sở của anh Mạnh sản xuất đang dần có thị trường, từng bước cho thu nhập khá. Đây là thời gian đầu tư, duy trì và để sản phẩm tiếp cận thị trường nên doanh thu của cơ sở mỗi năm chỉ khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng bán cơm cháy mang thương hiệu của anh Mạnh đang dần có mức tiêu thụ khá, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Các sản phẩm trà huyết rồng và ngũ cốc cũng được nhiều khách hàng đặt làm. 

Anh Mạnh chia sẻ: Tôi tham việc lắm. Cứ nghĩ mọi thứ có thể làm được là tôi tự tay mày mò tìm hiểu rồi bắt tay triển khai ngay. Vốn liếng ít nên làm đến đâu chắc đến đó, thí điểm thành công rồi mới cho nhân rộng. Nhờ thành công bước đầu này tôi có những quyết định táo bạo mở hướng làm ăn lớn cho các mô hình về sau.

Công ty TNHH SHVina (xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy) tạo việc làm cho 140 lao động.

Với ý chí và ước muốn tự thân lập nghiệp, anh Hồng, anh Mạnh và nhiều ĐVTN đã lựa chọn cho mình mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, làm giàu chính đáng cho bản thân. Ở thành thị hay nông thôn, đâu cũng có những mô hình kinh tế tiêu biểu do ĐVTN thực hiện và làm chủ. 

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Phụ cho biết: Để các mô hình kinh tế có thể phát huy hiệu quả, thuận lợi trong hoạt động thì rất cần các cấp, các ngành vào cuộc hỗ trợ về nguồn vốn, đất đai, thị trường... Với ĐVTN, cái cần là sức trẻ, nhiệt huyết, ý chí quyết tâm, cần cù, chịu khó, dám làm, không sợ thất bại, xác định lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình. Sự kết hợp hiệu quả hai yếu tố này sẽ giúp ĐVTN thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tạo dựng các mô hình kinh tế, làm giàu chính đáng, lập thân, lập nghiệp một cách vững chắc.

Anh Nguyễn Minh Hồng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Tỉnh đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tối đa để giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Các cấp bộ đoàn từ tỉnh tới cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tập huấn, hỗ trợ vay vốn, ý tưởng nhằm giúp thanh niên khởi nghiệp thuận lợi. Tính đến quý III/2017, tổng dư nợ vốn vay ủy thác của tổ chức đoàn là 205.294 triệu đồng cho 8.371 hộ vay. Sự hỗ trợ này phần nào tiếp thêm động lực để các bạn trẻ vươn lên và nhiều bạn đã thành công trên bước đường khởi nghiệp của mình.

Phương Chi